Hé lộ về chủ đầu tư dự án King Bay 125ha tại Nhơn Trạch, Đồng Nai

Nhàđầutư
Chủ đầu tư dự án King Bay quy mô 125ha, tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng tại Nhơn Trạch, Đồng Nai có sự góp mặt của những tên tuổi như CIPM Cửu Long - đơn vị sắp được sáp nhập vào VEC; Tổng công ty Khoáng sản Nari Hamico - một "ẩn số" tại BIDV trong nhiệm kỳ của ông Trần Bắc Hà.
ANH MAI
23, Tháng 10, 2018 | 12:28

Nhàđầutư
Chủ đầu tư dự án King Bay quy mô 125ha, tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng tại Nhơn Trạch, Đồng Nai có sự góp mặt của những tên tuổi như CIPM Cửu Long - đơn vị sắp được sáp nhập vào VEC; Tổng công ty Khoáng sản Nari Hamico - một "ẩn số" tại BIDV trong nhiệm kỳ của ông Trần Bắc Hà.

Dự án Khu đô thị sinh thái King Bay tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai do Công ty Free Land làm chủ đầu tư trên diện tích rộng 125 ha, được chia làm 4 phân khu gồm các dãy nhà phố vườn, phố thương mại và biệt thự ven sông. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 4.800 tỷ đồng.

Dự án King Bay được chủ đầu tư quảng bá hoành tráng với vị trí chiến lược hiếm có "địa thế phú quý, tài lộc dồi dào" khi nằm trải dài theo mặt tiền đường Vành đai 3 đã được khởi công đoạn từ Tân Vạn (Bình Dương) kết nối đến quận 9 (TP.HCM) và Nhơn Trạch (Đồng Nai) vào đầu năm 2018. Hai mặt phía Đông – Bắc của dự án được sông Đồng Nai ôm trọn, mặt sông còn lại  là con kênh đào nội khu song song với đường Vành đai 3.

King Bay fff

Phối cảnh dự án King Bay. 

Trong tương lai khi đường Vành đai 3 và cầu Cát Lái nối Quận 2, Quận 9 (TP.HCM) với Nhơn Trạch hoàn thành, cư dân King Bay chỉ mất 20-25 phút di chuyển đến trung tâm TP.HCM theo cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hoặc Lý Thái Tổ - Nguyễn Thị Định - Mai Chí Thọ, theo chủ đầu tư.

Hệ thống tiện ích của dự án được giới thiệu bao gồm: bến du thuyền; công viên bờ sông 6 ha; bãi biển cát trắng nhân tạo; trung tâm thương mại, khu giải trí, nhà hàng, văn phòng…; trường học từ mầm non đến THPT; trung tâm thể dục thể thao; bệnh viện; khu sinh hoạt cộng đồng... 

Dù vậy, thực tế, khu vực sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm nặng khi nằm trong Khu công nghiệp Nhơn Trạch. Thị trường bất động sản nơi đây cũng đóng băng nhiều năm nay. Hơn nữa, lưu vực sông Đồng Nai khu vực này chảy xiết, nước sông phù sa, nên giới quan sát cho rằng khó có thể xây dựng bãi tắm như quảng cáo của chủ đầu tư dự án.

Tiền thân của Công ty Cổ phần Free LandCông ty Cổ phần Ngũ Long Tân. Ngũ Long Tân từng liên kết với Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và dự án King Bay 125ha. CIPM Cửu Long nắm giữ 10% cổ phần Ngũ Long Tân.

CIPM Cửu Long là đơn vị chuyên đầu tư, phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông với nhiều dự án trọng điểm quốc gia như: Cầu Mỹ Thuận, Cầu Cần Thơ, Các tuyến đường Cao tốc: Trung Lương - TP. HCM, Hành lang ven biển, tuyến đường Xuyên Á, dự án kết nối đồng bằng sông Cửu Long, Nam Sông Hậu,… Và mới đây nhất là các tuyến đường Vành Đai 2, Vành đai 3. 

CIPM Cửu Long được Bộ GTVT thành lập năm 2011 với mức vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (thành lập năm 1994) là nòng cốt của công ty mẹ  và lấy 2 đơn vị bảo trì đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam là Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa cầu đường 715 và Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác cầu Cần Thơ làm công ty thành viên.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý chủ trương tổ chức lại CIPM theo hướng sáp nhập CIPM vào Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); đồng thời thành lập Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận trực thuộc Bộ GTVT trên cơ sở tách một phần nhân sự và tài sản từ CIPM.

Một doanh nghiệp khác từng tham gia góp vốn thành lập Ngũ Long Tân là Tổng công ty Khoáng sản Nari Hamico (mã chứng khoán: KSS).

Tháng 12/2014, Khoáng sản Na Rì Hamico đã công bố thông tin họp HĐQT bàn về việc thành lập Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân và giải thể chi nhánh của tại TP.HCM.

Số vốn góp ban đầu của Khoáng sản Na Rì Hamico vào Ngũ Long Tân là 13,5 tỷ đồng, tương ứng 13,5% vốn điều lệ của Ngũ Long Tân. Mục đích thành lập công ty là nhằm thực hiện tiểu dự án giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch kết hợp khu dân cư Long Tân, Nhơn Trạch, Đồng Nai.

HĐQT công ty cũng đưa ra quyết định giải thể chi nhánh tại TP.HCM do hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, theo cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, chi nhánh TP.HCM của Khoáng sản Na Rì Hamico hiện vẫn đang hoạt động.

Chi nhánh này có ở địa chỉ tại Phòng 5, Tầng 7, tòa nhà Bitexco, số 2 Hải Triều, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. Đây cũng là nơi đặt trụ sở cũ của Ngũ Long Tân trước khi thay đổi địa chỉ kinh doanh sang tòa L6 Vinhomes Golden River, số 2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1 từ ngày 15/10/2018.

Tổng công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico tiền thân là doanh nghiệp tư nhân Sơn Trang, sau đó được đổi tên thành Tổng Công ty Cổ phần xây dựng Sơn Trang vào năm 2004, sau đó chính thức đổi tên thành Tổng Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico năm 2009. 

Khoáng sản Nari Hamico được đánh giá là một "ẩn số" với khoản vay gần 1.000 tỷ đồng (948 tỷ) tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong nhiệm kỳ 8 năm (2008 – 2016) của ông Trần Bắc Hà.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao và bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Kạn, từ tháng 6/2009 đến tháng 4/2014, Nguyễn Văn Dĩnh – Chủ tịch HĐQT trước đó của KSS - đã tổ chức, chỉ đạo 4 nhân viên kế toán cùng 15 giám đốc Cty (chủ yếu được Dĩnh thuê làm giám đốc để ký hợp thức hồ sơ, giấy tờ) làm giả 75 hồ sơ giải ngân vay tiền trong 71 hợp đồng tín dụng.

Vụ án Nguyễn Văn Dĩnh và đồng bọn đã được TAND tỉnh Bắc Kạn đưa ra xét xử cuối năm 2017. Bị cáo Nguyễn Văn Dĩnh 3 tỷ đồng về tội trốn thuế; 200 triệu đồng về tội mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước; 10 tháng 24 ngày tù về tội làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức.

Tuy nhiên, Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội sau đó đã quyết định kháng nghị Bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Kạn, đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử vụ án này theo thủ tục phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo quy định của pháp luật.

Tính đến tháng 12/2017, KSS vẫn còn dư nợ gốc tại BIDV, chi nhánh Bắc Kạn lên đến hơn 986 tỷ đồng. Riêng khoản nợ vay này đã vượt vốn điều lệ của doanh nghiệp hơn 494 tỷ đồng.

Quay trở lại dự án King Bay, ngày 6/9/2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 3179/QĐ-UBND về việc giao đất và cho Công ty Cổ phần Free Land thuê đất (đợt 1) tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch để sử dụng vào mục đích đầu tư Khu dân cư theo quy hoạch.

Cụ thể, giao 140.665,9 m2 đất tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch (được UBND huyện Nhơn Trạch thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân và xác nhận hoàn thành công tác bồi thường) cho Công ty Cổ phần Free Land sử dụng.

Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho Công ty Cổ phần Free Land thuê diện tích 2.966,1 m2 tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch (được UBND huyện Nhơn Trạch thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân và xác nhận hoàn thành công tác bồi thường) để sử dụng vào mục đích đất giáo dục. Hình thức sử dụng là Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Thời hạn sử dụng 50 năm kể từ ngày UBND tỉnh ký quyết định cho thuê đất.

Dự án King Bay trước đây cũng “dính” tai tiếng khi chỉ mới được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa tiến hành bồi thường đất cho người dân mà chủ đầu tư Free Land đã ồ ạt triển khai việc san lấp mặt bằng, thi công dự án.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ