Hà Nội: Lãng quên hàng loạt bến xe trong quy hoạch

Theo Quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn đến năm 2020, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 4 bến xe mới ở vành đai 4.
Theo báo Xây dựng
21, Tháng 04, 2017 | 12:10

Theo Quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn đến năm 2020, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 4 bến xe mới ở vành đai 4.

Dự án trên giấy

Theo đồ án Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, Hà Nội sẽ có 22 bến xe khách liên tỉnh. Trong đó, khu vực phía Bắc sông Hồng có 4 bến (1 bến cũ và 3 bến xây dựng mới); khu vực phía Nam sông Hồng có 7 bến (4 bến cũ và 3 bến mới); khu vực đô thị vệ tinh xây dựng 8 bến mới. Ngoài ra còn 3 bến sẽ quy hoạch cho giai đoạn trung hạn. Cũng theo quy hoạch từ nay đến 2020, tầm nhìn đến 2030 Hà Nội sẽ đầu tư thêm nhiều bến xe khách sẽ nằm ở vành đai 4, kết nối với các tuyến xe khách liên tỉnh.

md-2357

Trong khi các bến xe như Nước Ngầm, Mỹ Đình đang bị quá tải thì dự án xây dựng các bến xe lại bị quên lãng 

Năm 2012, Tổng Cty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép được nghiên cứu, lập và thực hiện xây dựng 4 bến xe khách tại các điểm đầu mối, cửa ngõ đi vào trung tâm thành phố. Theo đó, các cửa ngõ phía Nam, phía Tây và phía Bắc đều có dự án xây dựng các bến xe khách liên tỉnh với diện tích lên đến 10ha/bến, được đầu tư hiện đại.

Về việc xây dựng các bến xe này, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận và giao cho Transerco nghiên cứu lập dự án để đầu tư xây dựng các bến xe khách liên tỉnh, gồm: Bến xe khách phía Nam (xã Duyên Thái – Văn Bình, huyện Thường Tín), bến xe khách phía Đông (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm) và bến xe khách phía Tây (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) bằng nguồn vốn tự huy động của Transerco. Tuy nhiên đến nay, 4 dự án xây dựng bến xe tại 4 cửa ngõ Thủ đô của Transerco vẫn còn đang “nằm trên giấy”, chưa biết ngày thực hiện.

Ngoài ra, một số bến xe khách khác cũng được xây dựng trong giai đoạn trung hạn tại các khu vực: Phía Nam (Nam Vành đai 3, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, diện tích khoảng 3,4ha), phía Tây (khu vực Nam Quốc lộ 32, Xuân Phương, huyện Từ Liêm, diện tích khoảng 3 - 5ha), phía Bắc (khu vực Vân Trì và Hải Bối, huyện Đông Anh diện tích khoảng 3 - 5ha), Bến xe phía Bắc (Nội Bài) diện tích khoảng 5 - 7ha. Việc xây dựng mới các bến xe khách liên tỉnh này nhằm kết hợp các điểm đầu cuối xe buýt tại mỗi khu vực. Tuy nhiên, đến nay Transerco mới cơ bản thực hiện được công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án phát triển hạ tầng giao thông tĩnh như Yên Viên (Gia Lâm), Đền Lừ (Hoàng Mai), Tam Hiệp (Thanh Trì), Thanh Lâm (Mê Linh)…

Cần xem lại năng lực chủ đầu tư

Theo khảo sát của Báo điện tử Xây dựng đã tiến hành khảo sát khu vực quy hoạch xây dựng 4 bến xe mới tại 4 cửa ngõ Thủ đô mà UBND TP Hà Nội đã chấp thuận và giao cho Transerco nghiên cứu lập dự án để đầu tư xây dựng các bến xe khách liên tỉnh. Tuy nhiên, tại 4 vị trí này vẫn chưa hề có động tĩnh gì, một số nơi chính quyền địa phương còn lờ mờ, chưa biết bến xe mới nó được đặt ở đâu, hình thù thế nào?

675

 Sau nhiều năm triển khai, 4 bến xe liên tỉnh tại 4 cửa ngõ Thủ đô vẫn còn “nằm trên giấy” (Ảnh: báo Xây Dựng)

Báo Xây dựng cho biết, Bến xe khách phía Đông (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm) được UBND TP Hà Nội chấp thuận và giao cho Transerco nghiên cứu lập dự án để đầu tư xây dựng bến xe khách nằm trên địa bàn xã Cổ Bi. Tuy nhiên. trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Lê Anh Quân, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết: Dự án này đang làm quy hoạch chi tiết 1/500, nhưng chưa xong.

Đối với dự án này thì Transerco được giao thực hiện toàn bộ, từ quy hoạch đến công tác khác, huyện chỉ tham gia công tác GPMB khi dự án hoàn thành thủ tục pháp lý. Dự kiến là năm nay sẽ GPMB, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy kế hoạch gì. Vừa qua cũng làm lại quy hoạch, nên quy hoạch mới cũng được cập nhật vào quy hoạch mặt bằng. Transerco cũng quyết tâm làm dự án này, nếu xong sẽ di một số bến xe khác ra ngoài phạm vi, ví dụ như bến xe Gia Lâm nằm trên địa bàn quận Long Biên sẽ được di dời đi.

Tại huyện Thường Tín, dự kiến được đầu tư xây dựng bến xe khách phía Nam nằm trên địa bàn xã Duyên Thái – Văn Bình. Tuy nhiên, đến nay tại khu vực này vẫn chỉ là cánh đồng lúa, hạ tầng xung quanh khu vực phục vụ bến xe mới chưa có gì.

Ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết: Hiện nay chưa có gì, mới chỉ được quy hoạch thôi, chưa có động tĩnh gì. Trước đây Transerco cũng có đề xuất đưa vào quy hoạch, nhưng từ khi quy hoạch đến giờ chưa thấy động tĩnh gì để triển khai. Trước đây huyện tham gia vào quy hoạch chung, trên cơ sở đề xuất, giới thiệu của Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Viện Quy hoạch Hà Nội, bởi nó phù hợp với quy hoạch chung của thành phố.

Ông Kiều Xuân Huy cũng thông tin: Hiện quy hoạch chi tiết vành đai 4 chưa cụ thể, bởi nó liên quan đến vị trí vành xuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, đường vành đai 4, quốc lộ 1A cũ, hướng mở rộng quốc lộ 1A cũ, ngoài ra còn liên quan đến quy hoạch KCN Bắc Thường Tín gần đó. Tất cả mới chỉ được quy hoạch 1/10.000, do đó việc xây dựng bến xe mới phải được thực hiện quy hoạch chi tiết cụ thể, trên cơ sở đó UBND huyện mới có những đánh giá về vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện dự án.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay bến xe khách phía Tây (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) cũng rơi vào tình trạng tương tự các bến xe khác, tất cả cũng chỉ là quy hoạch rồi “nằm trên giấy”.

Tiếp tục tìm hiểu được biết, liên quan đến 3 bến xe được đề xuất xây dựng là bến xe Duyên Thái (xã Duyên Thái – Văn Bình, Thường Tín), giảm tải cho bến Giáp Bát và Nước Ngầm; bến xe khách Phùng (thị trấn Phùng, Đan Phượng) nhằm giảm tải cho bến xe Mỹ Đình, bến xe Phùng cũ và bến xe khách Cổ Bi (Gia Lâm).

UBND TP Hà Nội đã chấp thuận về nguyên tắc của Sở Quy hoạch và Kiến trúc về xây dựng các bến xe tại các điểm đầu mối vào trung tâm thành phố. UBND TP Hà Nội giao cho Transerco nghiên cứu lập dự án để đầu tư xây dựng 3 bến xe khách, đảm bảo việc đầu tư có lộ trình phù hợp với kế hoạch phát triển vận tải hành khách liên tỉnh và thực tiễn sử dụng các bến xe khách hiện nay trên địa bàn, với thời gian chuẩn bị đầu tư xong trong quý III/2013, triển khai xây dựng trong quý IV năm 2013. Nếu hết quý III năm 2013, Transerco chưa hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư dự án, UBND TP Hà Nội sẽ thu hồi giao đơn vị khác thực hiện và không bồi hoàn kinh phí chuẩn bị đầu tư.

Tuy nhiên, đến nay việc xây dựng các bến xe vẫn “dậm chân tại chỗ”, phải chăng Transerco đang được ưu ái quá mức, hay năng lực của đơn vị có hạn, không thể một lúc “ôm” tất cả các dự án để rồi tất cả vẫn “đâu còn đó”.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ