[GÓC NHÌN CHUYÊN GIA] VN-Index hướng tới 1.000 điểm: Tăng trưởng hay bong bóng?

Nhàđầutư
Trao đổi với Nhadautu.vn, các chuyên gia đã đưa ra quan điểm trái chiều về việc liệu VN-Index có đang trong tình trạng bong bóng?
BẢO LINH
06, Tháng 12, 2017 | 09:35

Nhàđầutư
Trao đổi với Nhadautu.vn, các chuyên gia đã đưa ra quan điểm trái chiều về việc liệu VN-Index có đang trong tình trạng bong bóng?

nhadautu - bong bong thi truong

VN-Index hướng tới 1.000 điểm: Tăng trưởng hay bong bóng? 

VN – Index liên tục đạt đỉnh trong vòng một thập niên trở lại đây. Nếu như trong cả năm 2016 VN-Index chỉ tăng 80 điểm thì trong tháng 11 năm 2017 VN-Index đã tăng đến 250 điểm. Theo quan điểm của ông, đâu là lý do chính của sự tăng trưởng ngoạn mục này của VN-Index? Phải chăng thị trường đã ở thời kỳ bong bóng? 

Hoàng Thạch Lân - Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

VN-Index đang hướng tới mốc 1.000 điểm, dự báo ngay trong tháng 12 này. Sự tăng trưởng của chỉ số chủ yếu diễn ra trong tháng 11, khi mà có nhiều sự kiện nổi bật cùng diễn ra như APEC, Quốc hội họp thông qua Luật sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng và “sóng” thoái vốn nhà nước (SCIC). Nhìn từ góc độ ngành, VN-Index được đẩy lên chủ yếu nhờ largecap nhóm ngân hàng và dầu khí, vốn tăng giá nhờ thông tin giá dầu thế giới tăng mạnh.

Tuy nhiên, trong giới chuyên gia chứng khoán, đang có 2 luồng ý kiến về việc thị trường có bong bóng hay không. Cá nhân tôi cho rằng là có. Bong bóng được hiểu dơn giản nhất là thị giá cổ phiếu đang cao hơn giá trị thực, điều này có thể thống kê được qua việc so sánh thị giá cổ phiếu với các kết quả định giá tài chính mà các công ty chứng khoán lớn, có uy tín đưa ra về cổ phiếu đó. Với những dữ liệu tôi thu thập được, có khá nhiều largecap đang có bong bóng, ví dụ như SAB, BHN, VNM, VIC, VRE, VCB, ACB… Ngoài ra, khi dùng các phương pháp định giá tương đối (P/E, P/B) để so sánh ngang giữa các nhóm ngành hay giữa các sàn chứng, cũng cho thấy nhiều mã có bong bóng, tiêu biểu nhất chính là SAB.

Đỗ Bảo Ngọc - Chuyên gia nghiên cứu cao cấp, Công ty chứng khoán Quân đội

Sự tăng trưởng nhanh về mọi mặt của TTCKVN trong năm 2017 đi kèm với những yếu tố mang tính bền vững như:

Kinh tế vĩ mô ổn định tạo điều kiện tốt cho hệ thống doanh nghiệp hoạt động hiệu quả: (1) Tăng trưởng GDP đạt kế hoạch 6,7%, (2) Lạm phát thấp, (3) lãi suất thấp và ổn định, (3) tăng trưởng tín dụng cao hướng tới mục tiêu 18% cả năm 2017, (4) các chỉ tiêu tăng trưởng về xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch đề ra…

Hệ thống doanh nghiệp được hưởng lợi từ yếu tố kinh tế vĩ mô đã cho kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng mạnh so với năm 2016, tính chung toàn bộ lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đã tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2017.

Về dòng vốn, năm 2017 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của cả dòng vốn nội và dòng vốn ngoại trên TTCKVN, quy mô giao dịch thị trường tăng trưởng hơn 35% về giá trị, khối ngoại mua ròng hơn 23.303 tỷ đồng là những con số kỷ lục từ trước tới nay.

Một yếu tố quan trọng giúp thị trường tăng trưởng mạnh là sự tác động của các cổ phiếu vốn hóa lớn là những doanh nghiệp tỷ đô như VNM, SAB, BHN, PLX, VIC, MSN, VJC, HVN, ACV… đây đều là những doanh nghiệp đầu ngành có thế quan trọng trong nền kinh tế và thu hút sự quan tâm lớn của NĐTNN, sự tăng giá mạnh của nhóm này cùng với các nhóm cổ phiếu lớn khác đã giúp TTCKVN tăng tốc trong những tháng cuối năm.

Một điểm khác biệt của TTCKVN năm 2017 thu hút sự quan tâm của dòng vốn quốc tế là tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp nhà nước các trường hợp điển hình có thể kể đến như: VNM, DIG, SAB, BHN, BMP, NTP, DMC, VCG, Vinafood, PV Power, BSR… Chính quá trình này đã giúp TTCKVN tăng mạnh về quy mô niêm yết, cung cấp cho thị trường nhiều hàng hóa chất lượng mới với quy mô lớn, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư lớn cho các tổ chức đầu tư nước ngoài, và qua đó hút mạnh dòng tiền quốc tế về TTCKVN.

Sự tăng trưởng của TTCKVN 2 năm qua (2016 – 2017), là sự phản ánh những nỗ lực của Chính Phủ, Bộ Tài Chính, NHNN, UBCKNN trong việc thực hiện lộ trình nâng hạng TTCKVN trong tương lai gần (dự kiến 2019). Hàng loạt chính sách đã được tháo gỡ cho thị trường như: mở room cho NĐTNN, hoàn thiện sản phẩm mới như thị trường chứng khoán phái sinh, mở các quy định giao dịch cho NĐTNN tham gia mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam, hoàn thiện khung khổ pháp lý để chuẩn hóa quy định công bố thông tin trên TTCKVN bằng cả tiếng anh để sớm tiếp cận với thị trường tài chính toàn cầu…

Nguyễn Thế Minh - Phó Giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân SSI

Sự tăng trưởng đột biến của thị trường đến từ việc dòng tiền kỷ lục hút vào thị trường. Các năm trước ghi nhận giao dịch trung bình hàng ngày ở mức thấp. Năm nay, thanh khoản trung bình hàng ngày trong 1 tháng dao động từ 3.000 – 4.000 tỷ/ngày. Có nhiều yếu tố để khẳng định đà tăng của VN-Index vững chắc như,

Các chính sách mở Chính phủ đưa ra từ đầu năm như Gia tăng nới room và cởi mở hơn trong các chính sách thủ tục và khiến chỉ số đầu tư nước ngoài cải thiện hơn trong năm 2017 vừa qua.

Ngoài ra, cần phải đề cập việc Chính phủ kiên quyết vấn đề thoái vốn và cổ phần hóa nhà nước, qua đó nguồn hàng thị trường dồi dào hơn và thu hút dòng tiền khá mạnh trong năm vừa qua.

Cũng cần phải thấy nền tảng cơ bản Việt Nam tốt. Xét tiêu chí vĩ mô, Việt Nam đang ở mức ổn định. Vấn đề tỷ giá rất ổn định và ít biến động so với dồn tiền trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GDP tăng trưởng thứ năm Châu Á. Làn sóng nguồn vốn FDI tạo ra rất nhiều kết quả tích cực của kinh tế vĩ mô trong năm 2017 vừa qua.

Nói về sự bong bóng thị trường, Ông Minh cho rằng đây là bong bóng về mặt tâm lý chứ không phải bong bóng định lượng. Có thể thấy, VN-Index tăng trưởng rất nóng trong tháng 11 vừa qua.  

Chỉ số chính tăng không phụ thuộc vào yếu tố đầu cơ mà phụ thuộc và yếu tố cơ bản và bluechip. Giá cổ phiếu tăng mạnh so với mức tăng trưởng trong ngắn hạn thì giới đầu tư tài chính lo ngại rủi ro xảy ra.

Ông Minh cho rằng, việc các nhóm cổ phiếu lớn này tăng trưởng trong thời gian gần đây còn đến từ dòng vốn ngoại. Với các nhóm bluechip, large/midcap, khi NĐTNN chi trả, họ đặt mục tiêu giá trị doanh nghiệp đó cao hơn giá trị hiện tại, do vậy mới xuất hiện mức đấu giá cao như năm nay. Có vẻ, NĐTNN đánh gía thị trường Việt Nam cao hơn những gì nhà đầu tư trong nước hình dung.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến họ liên tục mua vào các cổ phiếu đầu ngành.

Có quan điểm cho rằng dòng tiền đã trở nên thông minh hơn và sẽ khó có chuyện dòng tiền lan tỏa vào các mã cổ phiếu đầu cơ, mã cổ phiếu giấy. Ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?

Hoàng Thạch Lân - Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Tôi không nghĩ vậy. Số liệu thống kê gần đây cho thấy dòng tiền đang chảy vào midcap và smallcap, không phân biệt tốt xấu. Tức là rất nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh, bao gồm cả những mã mà tôi nghĩ đang có vấn đề về hoạt động SXKD hay tài chính. Hơn nữa, việc chỉ số VN-Index tăng điểm về tâm lý, giống như 1 liều thuốc hỗ trợ giúp NĐT tự tin hơn rất nhiều khi đầu tư vào bất cứ mã nào. Nước lên thuyền nổi, khi TTCK tăng, chỉ số tăng thì ngay cổ phiếu lởm cũng thường là “ăn theo”, chỉ là lên theo cách như thế nào mà thôi.

Đỗ Bảo Ngọc - Chuyên gia nghiên cứu cao cấp, Công ty chứng khoán Quân đội

Hiện nay, dòng tiền đánh giá cao cơ hội đầu tư cơ bản, hơn là các cổ phiếu đầu cơ, mang tính chất cơ bản kém.

Cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành có yếu tố cơ bản tốt sẽ thu hút dòng tiền hoặc dạng trung bình/nhỏ.

Còn các cổ phiếu nhỏ, yếu kém, dòng tiền sẽ không lựa chọn.

Nguyễn Thế Minh - Phó Giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân SSI

Không sai, năm nay thị trường có sự chọn lọc hơn và lan tỏa hơn. Năm 2016 dòng tiền yếu hơn so 2014 và 2015, tuy vậy năm 2017 ghi nhận dòng tiền vào rất mạnh, mang tính chất cơ bản và không còn tính chất đầu cơ, qua đó thị trường sẽ không còn tăng quá nóng. Thị trường sẽ không còn kịch bản tăng điểm một mạch và giảm sốc.

Năm nay, đa phần là dòng tiền mới vào thị trường, qua đó giúp thanh khoản duy trì và ổn định. Dòng tiền với tính chất cơ bản hơn, ổn định hơn và cùng với các yếu tố cơ bản, định giá được đẩy lên, mặt bằng thị giá cổ phiếu sẽ tốt hơn.

Từ giờ cho tới quý IV/2017, nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm cổ phiếu nào để đạt tỷ suất sinh lời cao nhất?

Hoàng Thạch Lân - Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Tôi nghĩ lúc này vẫn chưa cần nghĩ đến mùa BCTC Q4/2017. Lý do đơn giản, thị trường đang tăng nóng và giá cổ phiếu tăng do tâm lý, do dòng tiền. Tuy nhiên, nếu muốn mua và nắm giữ đến khoảng tháng 2 năm sau, tức là khi doanh nghiệp đến hạn công bố BCTC Q4/2017, thì tôi nghĩ NĐT nên chú ý các nhóm ngân hàng, chứng khoán, BĐS. Ngân hàng đang hưởng lợi từ các biện pháp xử lý nợ xấu, chứng khoán hưởng lợi từ chính sự gia tăng về quy mô và điểm số của TTCK, còn BĐS thường có tính đỉnh mùa vụ vào quý cuối năm.

Đỗ Bảo Ngọc - Chuyên gia nghiên cứu cao cấp, Công ty chứng khoán Quân đội

Nhà đầu tư nên tập trung và các cổ phiếu xoay quanh các câu chuyện thoái vốn nhà nước, các nhóm cổ phiếu đầu ngành hút dòng tiền.

Nguyễn Thế Minh - Phó Giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân SSI

Thường các cổ phiếu tăng tưởng tốt quý IV là bất động sản, ngoài ra cũng cần để ý nhóm Ngân hàng và chứng khoán.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ