Giảm thuế, phí với mặt hàng xăng dầu: Được và mất!

Nhàđầutư
Đây là thời điểm cấp thiết để đặt lên bàn cân vấn đề giảm thuế phí để giảm giá bán trong nước khi mặt hàng xăng lập đỉnh 8 năm và áp lực lạm phát tăng mạnh đang 'đè nặng' lên các cân đối vĩ mô.
N.THOAN-N.LONG
24, Tháng 02, 2022 | 06:50

Nhàđầutư
Đây là thời điểm cấp thiết để đặt lên bàn cân vấn đề giảm thuế phí để giảm giá bán trong nước khi mặt hàng xăng lập đỉnh 8 năm và áp lực lạm phát tăng mạnh đang 'đè nặng' lên các cân đối vĩ mô.

Xang dau Petro 1

Ảnh: Trọng Hiếu

Hai thách thức lớn với Bộ Công Thương

Trước căng thẳng địa chính trị xoay quanh Ukraine, giá dầu trên thế giới tiếp tục đi lên. Có thời điểm, giá dầu thô tăng lên gần 100 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 22/2 - mức cao nhất kể từ năm 2014, sau đó, dù có hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao, gần 97 USD/thùng.

Giá dầu thô thế giới tăng mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến giá dầu trong nước liên tục điều chỉnh tăng trong các kỳ điều hành giá gần đây. Tính trong vòng 6 tháng gần đây (T9/2021 - T2/2022), Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có 10 lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước và chỉ có 2 lần điều chỉnh giảm. Trung bình trong vòng 6 tháng giá mặt hàng xăng dầu đã tăng gần 23%, xăng RON95 đã tăng từ 21.397 đồng/lít lên mức 26.287 đồng/lít, đạt mức kỷ lục trong vòng 8 năm.

gia-ban-xang-dau

Nguồn: Bộ Công Thương

Xăng dầu là một mặt hàng nhạy cảm trên thế giới vì sẽ có mặt ở hầu hết các sản phẩm tiêu dùng của người dân. Thực tế, mỗi quốc gia sẽ có cách sử dụng xăng dầu khác nhau nhưng tựu chung đều được quản lý khá chặt chẽ.

Riêng ở Việt Nam, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện mà thực chất vẫn còn mang tính độc quyền nhà nước. Bộ Công Thương là cơ quan đại diện cho Nhà nước quản lý thị trường xăng dầu. 

Hiện nay có Quỹ bình ổn giá xăng dầu sinh ra nhằm mục đích bù đắp giá khi giá xăng dầu tăng quá nóng và trích lập một phần khi có dư địa để giảm giá sâu.

Trước diễn biến giá xăng dầu thế giới và trong nước tăng nhanh, Bộ Công Thương đang đứng trước 2 thách thức lớn.

Một là tình trạng găm hàng của các cửa hàng bán lẻ trước mỗi kỳ điều chỉnh giá (chu kỳ 10 ngày/lần), thiếu nguồn cung do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã phải cắt giảm công suất sản xuất trong thời gian vừa qua (hiện đang chạy ở mức 55-60% công suất).

Hai là thực tế giá dầu thế giới biến động mạnh, làm sao để bình ổn giá trong nước, đảm bảo các cân đối vĩ mô, tránh lạm phát vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 4%.

Nên hay không nên giảm thuế, phí?

Trước áp lực lạm phát lớn ảnh hưởng từ giá xăng dầu, một số chuyên gia đặt lại vấn đề giảm thuế, phí để giảm giá cho mặt hàng xăng dầu (Ước tính các loại thuế, phí chiếm từ 45-50% giá thành bán lẻ). Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất này.

Cụ thể, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, giá dầu thô tăng sẽ có những tác động vừa tích cực, vừa tiêu cực tới kinh tế Việt Nam, nhưng ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn.

Ở khía cạnh tích cực, việc này sẽ giúp tăng khoản thu ngân sách từ dầu thô. Các khoản thu thuế từ xăng, dầu (thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt...) cũng sẽ tăng.

Tuy nhiên, ông Lực cũng lo ngại giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm thế giới cứ tăng sẽ khiến thâm hụt thương mại về xuất nhập khẩu xăng dầu gia tăng. Năm 2021, nhập siêu từ các sản phẩm xăng dầu đã khoảng 6,3 tỷ USD.

Còn về tác động tới lạm phát, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh, lạm phát ở đây chủ yếu do vấn đề giá cả chứ không phải cung tiền, nên các bộ, ngành cần phối hợp kiểm soát tốt hơn giá xăng dầu. Chính sách tài khoá - tiền tệ cần phối hợp linh hoạt, để kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá nhiên liệu năng lượng gia tăng.

Theo đó, ông Lực đề xuất, cơ quan quản lý cần rà soát lại các loại thuế, phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu, như thuế xuất nhập khẩu, VAT, tiêu thụ đặc biệt... chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá. Đây là nhân tố khiến giá bán lẻ xăng dầu ở mức cao.

Đề xuất giảm thuế, phí để "ghìm cương" giá xăng dầu trong nước đã từng xuất hiện nhiều lần trước đây khi mặt hàng này tăng giá phi mã. PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng: Giá xăng tăng cao trong lúc kinh tế mở cửa trở lại sẽ ảnh hưởng đến đà hồi phục của doanh nghiệp, tạo thêm gánh nặng chi tiêu cho người dân.

Ngoài ảnh hưởng bởi giá thế giới, giá xăng dầu nội địa còn phụ thuộc vào chính sách của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, có 2 “van” điều tiết là Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và thuế. Trong khi “van” thứ nhất - Quỹ Bình ổn giá xăng dầu gần cạn kiệt, thì việc điều tiết giá phải trông chờ vào “van” thứ 2 - thuế.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, giá xăng dầu cứ tăng 10% sẽ làm cho CPI tăng 0,36 điểm phần trăm và làm GDP giảm khoảng 0,5%. 

So với cùng kỳ, giá xăng dầu trong nước đã tăng 50% trong vòng 1 năm trở lại đây. Như vậy, nhân tố giá dầu đã có thể làm tăng thêm khoảng 1,5% CPI và giảm 2,5% mức tăng trưởng GDP ở thời điểm hiện tại so với tháng 2/2021.

Thực tế, đứng trên cương vị người tiêu dùng, ai cũng sẽ muốn giá xăng dầu giảm để bớt 1 gánh nặng chi phí. Tuy nhiên, đứng từ phía thu ngân sách và vai trò của cơ quan quản lý thuế thì việc giảm thuế, phí cho xăng dầu không phải là vấn đề đơn giản. Đây là thời điểm để đặt lên bàn cân được và mất khi giảm thuế, phí với mặt hàng xăng dầu.

Đứng từ góc độ một nhà quản lý thuế, chia sẻ với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho rằng, giảm thuế, phí để giảm giá xăng dầu trong nước không phải là phương án dài hạn và phục vụ cho lợi ích số đông.

Ông Phụng phân tích, hiện thuế xăng dầu đang đóng góp một tỷ trọng không hề nhỏ trong ngân sách. Nếu giảm thuế thì ngân sách sẽ hao hụt. Trong khi đó, ngân sách nhà nước đang rất cần nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế. Vì thế, có thể nói giữ nguyên thuế xăng dầu là vì quyền lợi của 90 triệu dân. Chưa kể tới, thời gian qua, các doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế, giãn, hoãn thuế do tác động của dịch bệnh trong một thời gian dài vừa qua, cũng vì thế mà ngân sách cạn dần.

Cùng với đó, ông Phụng cho rằng, hiện nay chúng ta vận hành theo nền kinh tế thị trường thì không hể giữ giá cố định mà phải theo cơ chế thị trường.

"Giá dầu thế giới tăng khiến giá xăng dầu trong nước tăng, đó là tất yếu. Chúng ta không thể khi giá lên thì yêu cầu giảm thuế để giảm giá. Cũng không thể vì xử lý một vấn đề bất thường (như sự tăng giá đột ngột của giá dầu do tác động của địa chính trị thế giới) mà thay đổi cả một chính sách. Đó là cách điều hành giật cục, thiếu tính dài hạn và tổng thể", ông Phụng nói.

Về nhận xét cho rằng, hiện thuế, phí đang chiếm tỷ trọng quá lớn trong giá xăng dầu bán lẻ, ông Phụng cho biết, nhiều nước còn cao hơn Việt Nam. Ở Việt Nam tỷ trọng thuế, phí chiếm khoảng 50% giá bán xăng dầu thì ở Nhật Bản là 2/3. Về cơ bản, các loại thuế, phí với mặt hàng xăng dầu ở ta là phù hợp với quốc tế.

Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn chia sẻ thêm rằng, bản thân Bộ Tài Chính cũng không phải đơn vị quyết định được việc giảm hay không giảm thuế với mặt hàng xăng dầu. Đây là vấn đề cần được Quốc hội thông qua. Vì thế không thể nói giảm là sẽ giảm ngay được trong một sớm một chiều.

Được biết, Bộ Công Thương cũng đã một vài lần nêu đề xuất giảm thuế trong một lít xăng dầu nhưng Bộ Tài chính không đồng thuận do lo lắng nguồn thu ngân sách từ các loại thuế này giảm.

Trong văn bản gửi tới các cơ quan báo chí mới đây, Bộ Công Thương cũng đặt vấn đề: Trong thời gian tới, nếu diễn biến giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, ảnh hưởng đến phát kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp; tác động làm vô hiệu hoá một số công cụ, chính sách phục vụ cho vấn đề phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch; trong bối cảnh công cụ Quỹ bình ổn giá có hạn, cần sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước.

TS. Cấn Văn Lực chia sẻ với Nhadautu.vn, đây là thời điểm nên đặt ra vấn đề giảm thuế phí cho xăng dầu để đảm bảo lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo rà soát vấn đề này.

Hiệp hội Xăng dầu, doanh nghiệp nói gì?

Hiện nay, trong nước có 3 nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn, Bình Sơn và Dung Quất, khi hoạt động ổn định sẽ đáp ứng khoảng 75% nguồn cung xăng dầu nội địa, phần còn lại là nhập khẩu. Vì vậy, việc đầu tiên trong điều hành để đảm bảo nguồn cung là luôn phải đặt ra các tình huống giả định từ sớm, nếu một trong 3 nhà máy gặp sự cố, thậm chí cả 3 đều sự cố thì phương án nguồn cung sẽ ra sao...

nguyen-ngoc-bao

 

Nguồn cung xăng dầu dồi dào kể cả hiện nay nhưng không thể nhập được, lý do là có sự chênh lệch về giá khi nhập khẩu. Do đó, theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cần phải có đánh giá và đưa ra các giải pháp tổng thể. Nếu tháng 5 tới mà chúng ta vẫn chưa chắc chắn được rằng nhà máy (Nghi Sơn) có tiếp tục hay là vẫn đang còn tiến trình đàm phán… thì cần có giải pháp để đảm bảo nguồn cung trong nước.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam

Để bảo đảm việc cung ứng xăng dầu cho thị trường được duy trì liên tục, Bộ Công Thương cho biết, đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn cung từ nguồn nhập khẩu và tính đến các phương án khác nhau trong trường hợp Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không sản xuất ổn định nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng xem xét để điều chỉnh phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu…

Tuyn nhiên, trên thực tế, việc tìm kiếm nguồn để nhập khẩu xăng dầu từ thị trường nước ngoài đối với các doanh nghiệp đầu mối nhỏ không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới đang ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, mức thuế nhập khẩu của chúng ta hiện nay có sự khác biệt rất lớn. Hiện nay chủ yếu xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam sử dụng Form D" (giấy chứng nhận xuất xứ C/O mẫu D). Trong khi đó, theo ông Bảo, Form D chỉ hạn chế nhập khẩu trong các nước ASEAN, trong khi đó nguồn cung xăng dầu dồi dào kể cả hiện nay nhưng không thể nhập được, lý do là có sự chênh lệch về giá khi nhập khẩu. "Do đó, theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cần phải có đánh giá và đưa ra các giải pháp tổng thể. Nếu tháng 5 tới mà chúng ta vẫn chưa chắc chắn được rằng nhà máy (Nghi Sơn) có tiếp tục hay là vẫn đang còn tiến trình đàm phán… thì cần có giải pháp để đảm bảo nguồn cung trong nước”, ông Bảo nói.

Ngoài việc "cởi bỏ" hạn chế về nhập khẩu xăng dầu như đề xuất của Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, giới phân tích cũng cho rằng, Nhà nước cần giảm thiểu những hạn chế trong các quy định về giá, thuế, phí trong hoạt động nhập khẩu mặt hàng này. Cùng với đó, phải linh hoạt trong công tác điều hành giá xăng dầu trong nước.

Đặc biệt, trước các tác động giá từ bên ngoài có nguy cơ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất cũng như gia tăng áp lực lạm phát, cần tính tới phương án điều chỉnh giá xăng dầu trong nước thông qua công cụ thuế, phí thu từ xăng dầu. Về việc này, ông Lê Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng trước diễn biến giá xăng dầu hiện nay, cần có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và thị trường, muốn vậy nhà nước cần cân nhắc giảm thuế mặt hàng này. 

Theo ông Lê Anh Tuấn, tác động của chi phí xăng dầu vừa trực tiếp, vừa gián tiếp. Về trực tiếp, thì rõ ràng ai cũng phải lưu thông, di chuyển và chắc chắn chi phí cho xăng dầu khá nhiều, do đó dẫn đến giảm chi tiêu của người dân cho những việc khác. Về gián tiếp, tăng giá xăng dầu làm tăng giá hàng hoá nên ảnh hưởng tới số đông người dân. Do đó, Chính phủ cần có nghiên cứu để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn này về chính sách thuế, chính sách thuế đối với xăng dầu, chính sách thuế và phí áp dụng cho giai đoạn ngắn hạn để làm sao tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định, luôn phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý giá Bộ Tài chính để điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường, hạn chế các hành vi đầu tư găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

Theo ông Đông, khi điều hành giá xăng dầu, Nhà nước vẫn phải hài hòa lợi ích của người dân, của doanh nghiệp. “Giá điều hành có thể chưa hoàn toàn có lợi cho doanh nghiệp tại thời điểm này, nhưng Bộ Công Thương cũng phải làm việc với các doanh nghiệp để chia sẻ lợi ích với 100 triệu dân”, ông Đông nói.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để người dân nói chung và các tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu được việc điều hành giá xăng dầu - một mặt hàng chiến lược thì không thể để xảy ra tình trạng “một mình một chợ”, mà việc điều hành giá xăng dầu phải theo diễn biến của thị trường thế giới.

“Không thể cứ có quan niệm là lúc nào giảm thì mừng nhưng khi tăng lại không vui và gắt gay đối với các cơ quan chức năng như thời gian vừa qua. Quan niệm như vậy là không công bằng khi điều hành giá xăng dầu”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, hiện mỗi nước có một cách quản lý giá xăng dầu khác nhau bằng cách công cụ thuế. Ở các nước thuộc khối EU, riêng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng dầu đã rơi vào khoảng 13.000 đồng/lít (quy đổi theo tỷ giá hiện hành). Ở Ấn Độ, mỗi tỉnh, thành phố sẽ có một mức giá bán lẻ xăng dầu khác nhau nhưng cơ bản dựa trên giá của Delhi cộng với giá thành vận chuyển. Tổng mức thuế với mặt hàng xăng dầu của Ấn Độ dao động từ 40-50%/giá bán.

Ở Việt Nam, cơ cấu giá xăng gồm cơ bản gồm: Giá CIF tính thuế (giá xăng nhập khẩu đã bao gồm chi phí vận chuyển) + thuế nhập khẩu (10%) + thuế GTGT (10%) + thuế tiêu thụ đặc biệt (lần lượt 10% và 8% với xăng RON95 và E5) + thuế bảo vệ môi trường (3.800 đồng/lít với xăng E5 và 4.000 đồng/lít với RON95) + chi phí định mức kinh doanh 1.050 - 1.250 đồng/lít + lợi nhuận định mức 300 đồng + trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) theo điều hành thực tế của cơ quan quản lý.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ