'Giá trần bảng giá đất Nhà nước ban hành chưa phản ánh đúng thực tế'

Nhàđầutư
Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nhìn nhận, giá trần của bảng giá đất Nhà nước ban hành chưa phản ánh giá trị thực tế của đất, chưa tính đến biến động của thị trường, cán bộ lạm quyền nhằm vụ lợi... Người dân chịu thiệt khi phải bàn giao đất cho Nhà nước có xuất phát từ nguyên nhân này.
VŨ PHẠM
14, Tháng 11, 2022 | 16:49

Nhàđầutư
Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nhìn nhận, giá trần của bảng giá đất Nhà nước ban hành chưa phản ánh giá trị thực tế của đất, chưa tính đến biến động của thị trường, cán bộ lạm quyền nhằm vụ lợi... Người dân chịu thiệt khi phải bàn giao đất cho Nhà nước có xuất phát từ nguyên nhân này.

Ngày 14/11, Quốc hội tiếp tục làm việc và thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều vấn đề chính sách của pháp luật về đất đai đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phân tích và đề xuất các giải pháp.

Luật mới phải tiếp cận được đối tượng yếu thế

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đặt vấn đề, khi sửa đổi và ban hành Luật Đất đai mới đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của người dân như thế nào, đặc biệt là các nhóm đối tượng như công nhân, người lao động và dân cư ở nông thôn.

Theo đại biểu, một thực tế không thể phủ nhận, đó là các khu công nghiệp mọc lên rất nhiều trên mọi miền đất nước, nhưng khâu quản lý về quy hoạch nhà ở cho công nhân, người lao động hầu như chưa được quan tâm đúng mức, chương trình phát triển nhà ở cho công nhân không đạt được kết quả như mong muốn.

quoc-hoi

Quốc hội tiếp tục làm việc và thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Hiện tại, phần lớn các công nhân được xem là một trong những lực lượng chính tạo nên của cải, vật chất cho xã hội phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư khá xập xệ và không ít gia đình có 4 người, vợ chồng, con cái sống trong những ngôi nhà chưa đầy 10m2, bao gồm cả nhà vệ sinh, họ không dám mua tủ lạnh, máy giặt vì không có chỗ để.

"Có thể nói khó khăn, vướng mắc phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động thì rất nhiều, đã được bàn thảo suốt thời gian qua và nay còn có những giải quyết trong dự án Luật Đất đai lần này", đại biểu Thông nói và cho rằng, để đảm bảo nhu cầu an cư, lạc nghiệp của hàng triệu công nhân, cần bổ sung quy định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, xác định chỉ tiêu đất làm nhà ở tùy theo nhu cầu thực tế và định hướng phát triển của từng địa phương.

Do đó, đại biểu đề xuất chính sách ưu đãi đối với những trường hợp xây nhà cho công nhân và người lao động thuê, nhằm tăng nguồn cung đối với đối tượng này.

"Luật Đất đai quy định là miễn tiền sử dụng đất đối với các trường hợp xây dựng nhà ở xã hội, nhưng, Luật Đầu tư, Đấu thầu hiện hành quy định các trường hợp đất đã được giải phóng mặt bằng cần phải đấu giá lựa chọn nhà đầu tư. Chính sự mâu thuẫn, chồng chéo này và doanh nghiệp khó tiếp cận với quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội", đại biểu Thông nói.

Một vấn đề nữa, ở nông thôn, nhiều hộ gia đình chia đất cho con để làm nhà để sinh sống. Quy định hiện hành người dân sẽ phải nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, nhưng với nhiều người đây là một khoản tiền rất lớn, lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Từ đó, năng lực của người dân cũng rất hạn chế, có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không có năng lực, một số dẫn đến việc xây dựng trái phép.

"Nếu chúng ta không có một giải pháp cho căn cơ thì một mặt pháp luật về đất đai không thực hiện nghiêm chỉnh, mặt khác quyền có chỗ ở của người dân cũng không được đảm bảo. Do vậy, cần có những chính sách mức thu tiền sử dụng đất cho phù hợp…", đại biểu cho hay.

Còn băn khoăn về bảng giá đất

Liên quan đến quyền lợi của người dân trong vấn đề đất đai, cụ thể là bảng giá đất hằng năm dùng để tính tiền sử dụng đất, tiền thuế, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, dự thảo Luật Đất đai đã quy định bảng giá đất hằng năm do Sở TN&MT có trách nhiệm giúp UBND tỉnh xây dựng để trình Hội đồng thẩm định bảng giá đất và trình HĐND cấp tỉnh thông qua trước khi UBND tỉnh quyết định ban hành.

dai-bieu-quoc-hoi-Thach-Quoc-Binh

Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Quốc hội

Vị ĐBQH tỉnh Bình Thuận nhận định, việc giao thẩm quyền tham mưu bảng giá đất hằng năm cho Sở TN&MT là chưa phù hợp và nên giao cho Sở Tài chính. Với chức năng, nhiệm vụ và kinh nghiệm thì ngành tài chính sẽ làm tốt hơn và chính xác hơn so với ngành tài nguyên, môi trường và phù hợp với dự án Luật Giá mà Quốc hội đã có ý kiến.

Trong khi đó, đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, qua tổng kết thực tiễn gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy quy định về giá đất cụ thể là điểm không thành công của luật này. Do giá đất cụ thể được UBND cấp tỉnh xác định luôn thấp hơn giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường nên đã làm phát sinh các tranh chấp, khiếu kiện về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tình trạng này không những không giảm mà còn tăng lên.

Pháp luật về đất đai hiện hành quy định về khung giá đất và bảng giá đất áp dụng 5 năm, làm tồn tại song hành 2 loại giá có sự chênh lệch rất lớn. Trong đó, do giá trần của bảng giá đất Nhà nước ban hành chưa phản ánh giá trị thực tế của đất, chưa tính đến biến động liên tục của thị trường, cán bộ lạm quyền nhằm vụ lợi, nhà đầu tư thì vung tiền thâu tóm đất giá rẻ rồi bỏ hoang, hoặc mua đi bán lại khiến giá bất động sản tăng cao nhưng không tạo ra giá trị cho nền kinh tế. Người dân chịu thiệt khi phải bàn giao đất cho Nhà nước có xuất phát từ nguyên nhân đó.

"Giá đất cụ thể vẫn chưa khắc phục được những bất cập trong Luật hiện hành. Do đó, cần có cơ chế hữu hiệu hơn để nâng cao hiệu quả, tính minh bạch của công tác định giá đất, tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong công tác định giá", đại biểu nói và cho biết, để giá đất tiệm cận với giá thị trường, cần định rõ vai trò, thẩm quyền của cơ quan Nhà nước cũng như các nhà đầu tư, người sử dụng đất trong quá trình thẩm định giá, giảm tối đa cơ hội cán bộ có thể lạm quyền. Hội đồng thẩm định giá đất cần có sự tham gia của các bên, và hoạt động theo nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng.

Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Bích Ngọc, đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình nhận xét, trên thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương thời gian qua một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất. Tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có tổ chức độc lập, chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hàng năm.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ