[Gặp gỡ thứ Tư] Thứ trưởng Lê Anh Tuấn: 'Cần xây dựng cơ chế phối hợp trong phát triển vùng TP.HCM'

Nhàđầutư
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho rằng để nâng cao hiệu quả triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông vùng TP.HCM theo Quyết định số 2076/QĐ-TTg cần xây dựng cơ chế phối hợp trong đó xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong từng khâu, từng vấn đề, từng nhiệm vụ.
PV
28, Tháng 04, 2021 | 07:01

Nhàđầutư
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho rằng để nâng cao hiệu quả triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông vùng TP.HCM theo Quyết định số 2076/QĐ-TTg cần xây dựng cơ chế phối hợp trong đó xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong từng khâu, từng vấn đề, từng nhiệm vụ.

thu-truong-le-anh-tuan-1608644572-width1000height861

Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Ảnh: Báo Giao thông.

Định hướng phát triển hệ thống giao thông theo Quyết định 2076/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường kết nối giao thông của vùng, tạo ra sự kết nối đa phương thức, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, cơ hội mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế xã hội và tạo động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện đã có những khó khăn vướng mắc dẫn đến kết quả thực hiện đầu tư chưa đạt yêu cầu. Nhadautu.vn đã trao đổi với ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Những công việc Bộ GTVT đã triển khai, kết quả đạt được từ khi ban hành quyết định số 2076/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050?

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn: Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ GTVT đã tập trung triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của vùng, trong đó ưu tiên phát triển các tuyến đường cao tốc, vành đai, đường liên cảng. Tuy nhiên, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực khi kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được xây dựng xong, do đó Bộ GTVT tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án theo kế hoạch và kết quả đạt được như sau:

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Cần Thơ: Đoạn TP.HCM - Trung Lương đã đưa vào khai thác giai đoạn 1 dài 43km, quy mô 4 làn xe; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đã thông tuyến giai đoạn 1 cuối năm 2020, dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2021 với quy mô 4 làn xe; Cầu Mỹ Thuận 2 và đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ đang thực hiện đầu tư với quy mô 4 làn xe, dự kiến hoàn thành năm 2023.

Đối với Dự án đường vành đai 3 đã ký Hiệp định vay vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc để đầu tư Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, dự kiến khởi công vào Quý III năm 2021.

Cùng với đó đã khởi công xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vào ngày 5/1/2021.

Hiện nay, Bộ GTVT đang khẩn trương phối hợp các Bộ, ngành và địa phương chuẩn bị đầu tư các dự án cao tốc hướng tâm (mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP. HCM - Chơn Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) và các đoạn còn lại của tuyến Vành đai 3 trong giai đoạn 2021-2025; đồng thời hoàn thành các thủ tục để khởi công Nhà ga T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong năm 2021.

Những vướng mắc khó khăn trong quá trình triển khai được nhiệm vụ được giao về phát triển kết cấu hạ tầng GTVT theo Quyết định số 2076/QĐ-TTg là gì thưa ông?

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn: Định hướng phát triển hệ thống giao thông theo Quyết định 2076/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ là hết sức đúng đắn, nhằm tăng cường kết nối giao thông của vùng, tạo ra sự kết nối đa phương thức, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, cơ hội mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế xã hội và tạo động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện đã có những khó khăn vướng mắc dẫn đến kết quả thực hiện đầu tư chưa đạt yêu cầu. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, nguồn lực hạn chế: Nguồn lực của địa phương khó khăn nên nhiều dự án thuộc trách nhiệm của địa phương triển khai chậm so với kế hoạch. Nguồn lực của trung ương hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư các hệ thống giao thông quốc gia như đường sắt, đường bộ, hàng không kết nối TP.HCM với các địa phương, các vùng là rất lớn, vượt khả năng cân đối ngân sách.

Thứ hai, hệ thống pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp thực tiễn, là nguyên nhân chậm quá trình xử lý các thủ tục, chưa khuyến khích được khu vực tư nhân tham gia đầu tư.

Thứ ba, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn do nhiều nguyên nhân như: vướng mắc cơ chế, chính sách liên quan đến công tác hỗ trợ, đền bù và tái định cư, nhận thức của người dân, đặc biệt là biến động tăng về giá đền bù.

Nhiều dự án từ khi phê duyệt đầu tư đến khi triển khai thực hiện, chi phí GPMB đã tăng lên gấp nhiều lần, ví dụ như dự án Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch chi phí GPMB qua địa phận TP.HCM đã tăng từ 148,9 tỷ đồng lên 1.835,9 tỷ đồng...

Trong thời gian tới Bộ GTVT sẽ làm gì để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của vùng, phát triển các tuyến đường cao tốc, vành đai, đường liên cảng gắn với các đô thị động lực thuộc tiểu vùng đô thị trung tâm và đô thị trên các hành lang phát triển; đường sắt nội đô và vùng, hàng không?

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn: Trong Quyết định số 2076/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, có những chương trình, dự án thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ GTVT, có những chương trình dự án thuộc trách nhiệm đầu tư của địa phương hoặc liên tỉnh. Để triển khai đẩy nhanh các dự án trọng điểm theo Quyết định của Thủ tướng, Bộ GTVT sẽ thực hiện các nội dung sau:

Hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Bộ rà soát lại quy hoạch, Quy hoạch phát triển vùng phải được tích hợp đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành và cần phải có giải pháp về cơ chế chính sách, nguồn lực để đầu tư.

Hiện nay Bộ GTVT đang trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch ngành lĩnh vực GTVT (về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt làm cơ sở thực hiện. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương để lập quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch.

Trên cơ sở cập nhật quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng hợp nhu cầu nguồn lực báo cáo cấp có thẩm quyền phân bổ để triển khai thực hiện.

Tiếp tục kêu gọi nguồn lực từ khối tư nhân để đầu tư theo hình thức PPP; phối hợp các Bộ, ngành nghiên cứu có cơ chế chính sách hỗ trợ từ trung ương đối với đầu tư các dự án động lực, lan tỏa liên vùng.

Tổ chức thực hiện các dự án quyết liệt, đồng bộ, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ đẩy nhanh tiến độ thi công...

Tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành và cơ quan liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn vướng mắc về vốn để sớm hoàn thành Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Đôn đốc và chỉ đạo các chủ đầu tư đặc biệt Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tập trung nguồn lực, đẩy nhanh hoàn thành giai đoạn 1 Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Bên cạnh đó, phối hợp các Bộ, ngành và địa phương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các dự án như: cơ chế chính sách, công tác GPMB...

Để triển khai nhiệm vụ xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo quyết định của Thủ tướng, cần làm gì để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Bộ GTVT và các Bộ, ngành, chính quyền địa phương?

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn: Các dự án phát triển hạ tầng giao thông vùng theo quyết định của Thủ tướng đều là các dự án trọng điểm, trong đó có dự án do Bộ GTVT đầu tư, có dự án do địa phương hoặc liên tỉnh đầu tư. Để nâng cao hiệu quả triển khai, cần xây dựng cơ chế phối hợp trong đó xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong từng khâu, từng vấn đề, từng nhiệm vụ.

Thủ tướng đã có Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25/6/2015 thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020, trong đó Trưởng ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Chính phủ, thành viên là lãnh đạo của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Chủ tịch Hội đồng vùng.

Đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2360/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 ban hành Quy chế tổ chức hoạt động và phối hợp của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020.

Trong thời gian qua, Tổ chức điều phối đã phát huy hiệu quả giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối hoạt động các vùng kinh tế trọng điểm. Do đó cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục duy trì  tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn tiếp theo.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ