[Gặp gỡ thứ Tư] Rút mạnh tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng cũng đang cần dự trữ tiền mặt

Nhàđầutư
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, hiện tượng các ngân hàng rút mạnh tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng cùng hệ thống cho thấy các ngân hàng đang lo ngại về vấn đề thanh khoản trước tình hình dịch bệnh.
ĐÌNH VŨ
06, Tháng 05, 2020 | 07:00

Nhàđầutư
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, hiện tượng các ngân hàng rút mạnh tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng cùng hệ thống cho thấy các ngân hàng đang lo ngại về vấn đề thanh khoản trước tình hình dịch bệnh.

Hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2020. Ngoài những điểm nổi bật như lợi nhuận có xu hướng tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ năm 2019, tăng trưởng tín dụng và huy động đều ở mức thấp, nợ xấu có xu hướng tăng nhanh, thì một điểm đáng lưu tâm là các ngân hàng đang rút mạnh tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và gửi tại các nhà băng cùng hệ thống.

Cùng với hiện tượng các ngân hàng đang ồ ạt thu tiền về trong quý 1 thì tháng 4 vừa qua các nhà băng cũng đua nhau phát hành trái phiếu với tổng lượng trái phiếu phát hành đạt hơn 8 nghìn tỷ đồng, gấp gần 10 lần lượng phát hành cả quý 1/2020. Đây là những hiện tượng mang tính "đột biến". Để làm rõ hơn điều gì đang xảy ra với hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua và thời gian tới, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi trực tiếp với TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng về vấn đề này.

TS-nguyen-tri-hieu

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng

Trong quý 1/2020 có hiện tượng các ngân hàng rút mạnh tiền gửi tại NHNN và các ngân hàng cùng hệ thống. Điều này là khó hiểu khi tăng trưởng tín dụng trong quý 1 rất thấp, theo thống kê của NHNN là khoảng 1,3% (chỉ bằng 1/3 cùng kỳ 2019). Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thực tế 2 vấn đề kể trên không hề mâu thuẫn với nhau mà nó là những mắt xích cùng nằm trong chuỗi hoạt động của cả nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Điều đó cho thấy thanh khoản ngân hàng đang căng thẳng.

Nền kinh tế chịu tác động của dịch bệnh là người vay tiền không có tiền trả nợ, người có tiền gửi thì rút về. Ngay cả ngân hàng cũng vậy, có tiền ở đầu thì rút về để "dự phòng". Đó là hiện tượng phòng vệ của tất cả các thành phần kinh tế trước dịch bệnh chưa biết sẽ đưa nền kinh tế đi về đâu.

Khi doanh nghiệp không có tiền trả nợ ngân hàng, nợ xấu ắt hẳn sẽ tăng lên, tác động tới tính thanh khoản của cả hệ thống, vì dù dòng tiền không quay lại nhưng ngân hàng vẫn phải có tiền để trả lãi và gốc cho khách hàng gửi tiền. Nó buộc ngân hàng phải rút tiền gửi từ các nhà băng cùng hệ thống hoặc phát hành trái phiếu để bù đắp thiếu hụt do khách hàng không trả được nợ. Đó cũng là lý do vì sao tăng trưởng tín dụng quý 1 rất thấp nhưng các ngân hàng vẫn cần huy động vốn bằng trái phiếu.

Vậy theo ông, tình trạng này có được cải thiện vào quý 2 và lời khuyên cho các ngân hàng là gì?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Quý 2 có lẽ tình hình sẽ còn tệ hơn quý 1 vì dịch bệnh chỉ bắt đầu tác động tới kinh tế từ tháng 3/2020. Cho đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 nào trong cộng đồng, nhưng trên thế giới tình hình lây nhiễm vẫn rất nghiêm trọng và chưa thể kiểm soát khi chưa có thuốc đặc trị và thuốc phòng bệnh. Theo tin tức cập nhật mới nhất, một số nhà khoa học cho rằng dịch bệnh COVID-19 có thể kéo dài tới 2 năm và sẽ tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới, Mỹ thậm chí tăng trưởng âm. Vì vậy có thể nói rằng, quý 2 năm nay không thể khá hơn quý 1 và có thể ảnh hưởng cả tới năm 2020. 

Lời khuyên cho các ngân hàng là đầu tiên cần quan tâm tới thanh khoản. Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng, hơn cả sức khoẻ tài chính và lợi nhuận của ngân hàng. Có ngân hàng sức khoẻ tài chính rất tốt, vốn tự có lớn, lợi nhuận cao nhưng chỉ cần rơi vào tình trạng mất thanh khoản là có thể "chết" ngay lập tức.

Tuy nhiên, đây cũng chính là vấn đề lớn nhất của các ngân hàng Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Cũng giống như các doanh nghiệp trên thị trường, thanh khoản của hệ thống đang rất thấp. Vì vậy, các ngân hàng cần có kế hoạch bảo vệ tính thanh khoản của mình.

Các nhà băng đang làm việc cần phải làm là rút tiền từ các tổ chức tín dụng khác để "dự phòng" nhưng có lẽ thế vẫn chưa đủ và các ngân hàng cần phải làm nhiều hơn thế, cần có kế hoạch với NHNN, các TCTD nước ngoài, rồi các nhà đầu tư để khi cần thanh khoản thì có kế hoạch ngay để huy động nguồn vốn cần thiết để "cứu" ngân hàng.

Tiếp theo, sau bảo vệ thanh khoản các ngân hàng cần lưu tâm tới tăng trưởng tín dụng, cần cẩn trọng trong cho vay. Tuy điều này mâu thuẫn với yêu cầu của Chính phủ để giúp DNNVV nhưng mục tiêu của các ngân hàng luôn phải là tự bảo vệ mình trước, không thể cho vay dưới chuẩn. Vì nếu để xảy ra tình trạng bùng nổ nợ xấu trong thời gian tới, bao nhiêu tội nợ sẽ là do một mình các ngân hàng gánh chứ không phải ai khác.

Cuối cùng, dù nói thế nào ngân hàng cũng vẫn phải có trách nhiệm xã hội, cần vận dụng trong khả năng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong lúc khó khăn.

Còn về khả năng các ngân hàng tiếp tục phát hành trái phiếu trong năm 2020 thì sao, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tại thời điểm này một điều lạc quan là các ngân hàng vẫn hoạt động bình thường mà không bị gián đoạn hay dao động mạnh. Các ngân hàng chưa có dấu hiệu khủng hoảng dù tính thanh khoản đang dần siết lại. Đó là điều tốt và các ngân hàng cần duy trì được tình trạng này.

Còn xu hướng phát hành trái phiếu trong thời gian tới thì tôi tin rằng các ngân hàng vẫn muốn phát hành nhiều trái phiếu trung và dài hạn hơn trong thời gian tới. Nhưng liệu doanh nghiệp ngoài kia có hấp thụ được không khi tính thanh khoản của cả nền kinh tế đang ngày càng xuống thấp thì vẫn còn là một câu hỏi. 

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ