[Gặp gỡ thứ Tư] Người hùng Huỳnh Tấn Vinh kể về cuộc chiến bảo vệ bán đảo Sơn Trà

Nhàđầutư
Mặc dù được mệnh danh là người hùng bảo vệ bán đảo Sơn Trà, nhưng Huỳnh Tấn Vinh chỉ dám nhận mình là “người gác rừng” Sơn Trà mà thôi. Trò chuyện với Nhadautu.vn, ông khẳng định bán đảo Sơn Trà là báu vật, cần phải gìn giữ cho muôn đời sau.
PHONG CẦM
24, Tháng 01, 2018 | 07:00

Nhàđầutư
Mặc dù được mệnh danh là người hùng bảo vệ bán đảo Sơn Trà, nhưng Huỳnh Tấn Vinh chỉ dám nhận mình là “người gác rừng” Sơn Trà mà thôi. Trò chuyện với Nhadautu.vn, ông khẳng định bán đảo Sơn Trà là báu vật, cần phải gìn giữ cho muôn đời sau.

Huynh-Tan-Vinh

Ông Huỳnh Tấn Vinh - người hùng bảo vệ bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng (Ảnh: Phong Cầm) 

Ông Huỳnh Tấn Vinh hiện là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Đà Nẵng, Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng.

Sơn Trà - báu vật cần gìn giữ cho đời sau

Ông có thể cho biết bán đảo Sơn Trà là gì mà thu hút sự quan tâm của dư luận trong suốt một thời gian dài đến vậy?

Ông Huỳnh Tấn Vinh: Sơn Trà là một ngọn núi, một khu rừng còn sót lại ở Việt Nam, có thể là của cả thế giới nữa. Nó cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 15 phút xe. Sơn Trà có khoảng chừng dưới 5.000 ha, là nơi có đa dạng sinh học còn sót lại của thế giới. Có khoảng 1.000 loại thực vật của rừng nhiệt đới và có 300 loài động vật. Trong đó, có loài Voọc chà vá chân nâu (người ta còn gọi nó là nữ hoàng linh trưởng) vô cùng quý hiếm.

 
Trong câu chuyện này, tôi chỉ dám nhận mình là “người gác rừng cho bán đảo Sơn Trà”, còn người hùng thực sự bảo vệ Sơn Trà chính là toàn thể cộng đồng. Chính vì cộng đồng lên tiếng nên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định dừng khai thác Sơn Trà và tiến hành thanh tra toàn diện.

Ông Huỳnh Tấn Vinh

Nếu Trung Quốc chọn gấu trúc là linh vật tiêu biểu, Úc chọn Kangaroo là con vật đại diện cho nước mình, Mỹ chọn đại bàng, Newzeland chọn chim Kiwi, thì Voọc chà vá có ngũ sắc là loài vật đẹp nhất so với những con vật ở trên.

Bên cạnh một thành phố có một khu rừng cách 15 phút xe thì đó là báu vật không chỉ của Đà Nẵng, của Việt Nam mà là của toàn nhân loại.

Bên cạnh giá trị về đa dạng sinh học, Sơn Trà còn có vị trí chiến lược quân sự vô cùng quan trọng. Người ta gọi Sơn Trà như mắt thần rada của Đông Nam Á. Một chiếc máy bay cất cánh từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội), tại Sơn Trà rada cũng có thể thấy được; một chiếc B52 cất cánh từ Thái Lan thì ở Sơn Trà cũng thấy được...

Vì thế, Sơn Trà là mắt thần của toàn khu vực Đông Dương… Sơn Trà cũng là nơi có thế trận quân sự vô cùng quan trọng với Biển Đông cũng như chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia.

Ngoài ra, Sơn Trà còn có ý nghĩa về tâm linh. Nếu ghi dấu ấn với người dân, Sơn Trà còn là cái gì đó rất thân thuộc với người dân Đà Nẵng. Mỗi buổi sáng thực dậy, người dân Đà Nẵng khi mở cửa sổ nhà mình ra là có thể thấy Sơn Trà - nơi có núi sơn thần, nơi mà mỗi ngư dân trước khi ra biển đều cầu mong yên lành trở về. Rồi mỗi cơn bão giữ đổ bộ vào Đà Nẵng, Sơn Trà giống như một lá chắn bảo vệ vững chắc thành phố.

Tổng hợp tất cả những giá trị trên thì Sơn Trà lớn hơn mọi thứ và cần xem như một báu vật chúng ta cần phải gìn giữ cho muôn đời sau.

Vậy do đâu Sơn Trà bị khai thác một cách ồ ạt thưa ông?

Ông Huỳnh Tấn Vinh: Trong quá trình đô thị hoá ở Việt Nam và chiến lược phát triển du lịch người ta đã khai thác Sơn Trà để thu lại lợi nhuận cho các nhóm lợi ích, cho các nhà đầu tư và rất tiếc một số quan chức của chính quyền địa phương đã bắt tay với một số nhà đầu tư để khai thác Sơn Trà rất là nhanh.

Câu chuyện xảy ra từ năm 2016 chứ không phải 2017, lúc đó tôi với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng đã cảnh báo với chính quyền về việc khai thác xây dựng bán đảo Sơn Trà và đỉnh điểm khi Chính phủ cùng với TP. Đà Nẵng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công bố bản quy hoạch quốc gia tổng thể về Sơn Trà cho đến năm 2035.

Thời điểm đó, tôi được dự buổi công bố quyết định và cảm thấy rất bàng hoàng. Bàng hoàng khi thấy người ta muốn bê tông hoá bán đảo Sơn Trà để xây nhiều công trình. Tôi có nói với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo TP. Đà Nẵng là cảm thấy rất lo lắng khi bản quy hoạch này sẽ làm cho bán đảo Sơn Trà không còn màu xanh nữa.

Khi đó, các anh ở Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và UBND TP. Đà Nẵng nói rằng "anh yên tâm đi người ta sẽ tính toán để bảo vệ môi trường". Lúc đó, tôi cứ tin vậy. Sau đó một thời gian, từ khoảng tháng 2 sau đó đến tháng 3/2017, tôi thấy rất nhiều dự án ồ ạt và vin vào quy hoạch tổng thể để đẩy nhanh quá trình xây dựng tại Sơn Trà. Một số hình chụp được cho thấy tinh trạng rừng lở loét và có nhiều vết thương.

Con gái út của tôi vào Facebook thấy những hình ảnh đó nói “Ba ở đâu mà không cứu Sơn Trà cho con?”. Một đứa trẻ, thế hệ tiếp theo mà thảng thốt kêu lên như vậy, thì tôi nghĩ Bộ nói “hãy yên tâm” nhưng tôi cảm thấy không yên tâm tí nào.

ban-dao-son-tra

 Bán đảo Sơn Trà - nơi có khoảng 1.000 loại thực vật và 300 loài động vật

Tôi đã cùng một số anh em thảo một công văn (bức tâm thư) gửi lên Thủ tướng Chính phủ xem xét lại việc quy hoạch bán đảo Sơn Trà. Vì tiến độ xây dựng nhanh như vậy thì Sơn Trà sẽ không còn đa dạng sinh học nữa. Có những cây đa, khu rừng hàng ngàn năm tuổi nếu phá đi thì chỉ cần 1-2 tháng là phá xong nhưng để trồng lại thì mất cả trăm năm cũng không thể trồng được, kể cả dãi san hô quý báu của Sơn Trà cũng bị phá nốt.

Tôi gửi tâm thư riêng cho Thủ tướng Chính phủ và rất ngạc nhiên là cộng đồng Facbook sau đó đã ủng hộ chương trình giải cứu bán đảo Sơn Trà. Chỉ trong vòng 1-2 tuần, số lượng người ký tên ủng hộ chiến dịch giải cứu bán đảo Sơn Trà tăng rất nhanh. Lúc này đã có khoảng 15.000 người ký tên và chịu trách nhiệm về chữ ký của mình.

Sau đó, chiến dịch lan nhanh không chỉ ở Đà Nẵng mà vào Sài Gòn, ra Hà Nội. Thậm chí, ở nước ngoài cũng ủng hộ chương trình này. Chỉ trong thời gian ngắn, chiến dịch giải cứu Sơn Trà cũng được các nhạc sỹ sáng tác bài hát. Đáng ngạc nhiên hơn là rất nhiều cơ quan thông tin đại chúng của Việt Nam, kể cả báo Nhân Dân, VTV, VOV cùng nhiều tờ báo khác đã đồng loạt nêu lên quan ngại về Sơn Trà. Điều này động viên rất lớn những người đã xây dựng nên chiến dịch giải cứu Sơn Trà như tôi.

Thời gian đó, tôi chịu rất nhiều sức ép của chính quyền địa phương, của các sở ban ngành địa phương, của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Thậm chí, người ta mời ra hội thảo tại Hà Nội, trong hội thảo đó tôi phát biểu khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hỏi là "có thể xây dựng được bao nhiêu phòng tại bán đảo Sơn Trà?", tôi trả lời là "không chọn xây phòng nào ở bán đảo Sơn Trà hết mà nên chọn giữ đa dạng sinh học và bảo tồn Sơn Trà". Tôi có nói thêm rằng "tôi sẽ chiến đấu tới cùng vì điều đó là lẽ phải, vì việc làm này không chỉ giữ gìn báu vật bán đảo Sơn Trà cho thế hệ chúng ta mà còn cho thế hệ tương lai".

Vì sao lại gọi Bán đảo Sơn Trà là báu vật cần gìn giữ thưa ông?

Ông Huỳnh Tấn Vinh: Ly trà chúng ta đang uống, quả táo chúng ta đang ăn, chúng ta còn hoài nghi nó có an toàn hay không, không khí chúng ta thở không biết nó có ô nhiễm hay không. Đã đến lúc, vấn đề môi trường là vấn đề sinh tử, cốt lõi của mọi người dân. Chúng ta làm ra nhiều tiền, chúng ta có căn hộ cao cấp, chúng ta có đầy đủ mọi tiện nghi nhưng cuối cùng cuộc sống không đáng sống vì chúng ta thở không được. Đây chính là nguyên nhân mà khi chúng tôi nêu lên vấn đề môi trường ở bán đảo Sơn Trà, đã được người dân, các cơ quan nhà nước ủng hộ để chống lại nhóm lợi ích muốn đẩy mạnh khai thác bán đảo Sơn Trà.

Vấn đề Sơn Trà đã đánh động được sự lo ngại của cộng đồng đối với môi trường sống của chúng ta hiện nay. Hơn nữa, môi trường là vấn đề trung tính, không phải là vấn đề chính trị hay kích động thù địch cho nên dễ được ủng hộ. Nếu được nói lời cảm ơn thì tôi vô cùng cảm ơn ông Mark Jukuberg đã tạo ra Facebook để chiến dịch được lan toả. Từ đó, Chính phủ và Quốc hội đã xem xét lại từ sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng.

Lập quy hoạch nhưng không biết Sơn Trà có Voọc chà vá chân nâu

Tại thời điểm ông kiến nghị, thực trạng tại bán đảo Sơn Trà như thế nào?

Ông Huỳnh Tấn Vinh: Tại thời điểm khi tôi gửi kiến nghị, Tổng cục Du lịch có ý kiến là muốn phê bình, phê phán chuyện này. Vì thế Tổng cục có mời tôi ra Hà Nội để nói về chuyện này. Tôi có nói rằng tốt nhất các anh nên vào Đà Nẵng, đi thực tế xem Sơn Trà rồi sau đó đối thoại với nhau.

Sau đó tôi từ chối ra Hà Nội và các anh vào Đà Nẵng. Tại cuộc gặp, các anh nêu vấn đề là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch quốc gia bán đảo Sơn Trà đúng quy trình. Tôi có nói là có lẽ đúng quy trình và hỏi các anh Tổng cục Du lịch là các anh đã thấy Voọc chà vá chân nâu chưa? Các anh trả lời là chưa thấy. Tôi mới nói, các anh làm quy hoạch Sơn Trà mà chưa thấy Voọc chà vá chân nâu thì làm sao các anh làm quy hoạch chuẩn được.

Khi tôi nói vậy, các anh cảm thấy rất ngại ngùng. Vì làm quy hoạch là phải đi đến nơi khảo sát, xem xét đa dạng sinh học thế nào, phải có điều tra bài bản… Đằng này, các anh ấy ngồi tận đâu để làm quy hoạch mà không đi khảo sát thực tế.

Tôi nhớ vào khoảng tháng 4/2017, các anh lại triệu tôi ra Hà Nội dự toạ đàm du lịch về Sơn Trà. Rất tiếc các anh không mời những người bảo vệ Sơn Trà. Tại đây, tôi nói lên bản chất của vấn đề, về thực trạng tại Sơn Trà, về việc cộng đồng ủng hộ bảo vệ Sơn Trà… Những lời tôi nói thực sự lay động và được lan toả.

Sau khi Thủ tướng quyết định dừng việc xây dựng các công trình tại bán đảo Sơn Trà và tiến đến thanh tra toàn diện tôi nghĩ đó là điều rất tốt. Không những cá nhân tôi mà cộng đồng người dân – những người yêu Sơn Trà và bảo vệ môi trường ủng hộ mạnh mẽ.

chiem-nguong-vooc-cha-va-chan-nau-o-ban-dao-son-tra-bieu-tuong-cua-da-nang-tai-apec-2017-2

Voọc chà vá chân nâu hay còn gọi là nữ hoàng linh trưởng là loại động vật quý hiếm tại bán đảo Sơn Trà

Một biệt thự tại Sơn Trà được rao bán 75 đến 115 tỷ đồng

Trước khi Thủ tướng quyết định dừng việc xây dựng các công trình tại bán đảo Sơn Trà, thực trạng xây dựng các công trình ra sao?

Ông Huỳnh Tấn Vinh: Trước khi có quy hoạch tổng thể bán đảo Sơn Trà, đã có 18 dự án triển khai. Đa phần những dự án đó lấy đất rừng và vi phạm 2 luật chính: Luật Đa dạng sinh học và Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Những dự án này nếu được thực hiện sẽ phá nát bán đảo Sơn Trà. Thực chất những dự án đó nếu đem cộng lại thì khoảng 2.000 biệt thự. Trong đó, đã có 300 phòng quy ra biệt thự đã đưa vào hoạt động kinh doanh. 

Sau khi có quy hoạch tổng thể quốc gia về bán đảo Sơn Trà, nói thẳng ra là nó có vẻ như để hợp thức hoá cho những dự án đang khai thác tại bán đảo Sơn Trà. Nhưng vì cộng đồng lên tiếng nên Thủ tướng đã quyết định dừng lại.

Kiểm đếm lại, ở Sơn Trà phần lớn là bất động sản du lịch, biệt thự để người ta bán. Người ta đã từng rao bán trên mạng, giá trị từ 75 đến 115 tỷ đồng/1 biệt thự. Điều đáng buồn giá trị để hình thành nên biệt thự đó rất thấp, khoảng chừng vài triệu động/1m2; thậm chí người ta còn giao hàng chục ha rừng cho chủ đầu tư. Như vậy, rõ ràng chênh lệch giữa giá bán và giá đầu vào rất là lớn. Đây chính là sức hút lớn cho nhà đầu tư có chủ trương “mỳ ăn liền” - tức là những nhà đầu tư chỉ muốn làm nhanh, "đánh quả" và không thèm quan tâm gì tới môi trường.

Đứng về tính logic của vấn đề, chúng ta phải suy nghĩ thế này: Nếu Sơn Trà cho xây dựng tới 2.000 phòng hoặc hơn nữa, thì đến lúc đó nó tới hạn, anh không thể phá rừng để xây thêm vì không gian hữu hạn, cùng đó là sẽ phải giải quyết vấn đề chất thải môi trường, vấn đề cấp nước cho các dự án đó. Hiện nay, Sơn Trà cho dù chưa xây đã thiếu nước rồi.

Vậy theo ông chúng ta nên chọn phương án nào là tối ưu cho vấn đề Sơn Trà hiện nay?

Ông Huỳnh Tấn Vinh: Quan điểm của tôi là hãy gìn giữ Sơn Trà như một nơi thiên nhiên hoang dã còn sót lại để hấp dẫn du khách bên cạnh thành phố Đà Nẵng hiện đại, sầm uất. Giữ Sơn Trà bên cạnh Đà Nẵng thì đây là điểm đến độc nhất vô nhị trên thế giới mà không nơi nào có được.

Vậy chúng ta chọn phương án nào? Chọn phương án bê tông hoá Sơn Trà hay là phát triển, giữ gìn nó hoang dã và tự nhiên để hấp dẫn du khách đến với Đà Nẵng. Việc giữ nguyên Sơn Trà không những hấp dẫn du khách đến với Đà Nẵng mà còn tăng thu nhập cho thành phố, cho người dân hơn là chỉ một số nhà đầu tư hưởng lợi. 

Ông bình luận gì khi có ý kiến cho rằng tại sao chúng ta không đầu tư, khai thác Sơn Trà để bán đảo này phát triển thay vì giữ nguyên hiện trạng?

Ông Huỳnh Tấn Vinh: Tôi rất là cực đoan. Vì sao tôi chọn phương án cực đoan là muốn quây Sơn Trà lại để giữ gìn nó mà không cho nó phát triển. Xin khẳng định ý kiến trên là quan điểm sai lầm. Tôi quan niệm phát triển Sơn Trà một cách thông minh hơn, vì nó sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho nhà đầu tư, cho cộng đồng dân cư và cho ngân sách TP. Đà Nẵng.

Cụ thể, là mình lấy Sơn Trà để thu hút du khách đến với Đà Nẵng. Họ đến đây để trãi nghiệm thiên nhiên hoang dã bằng những tour du lịch sinh thái, bằng tắm rừng, vào rừng để trãi nghiệm và chữa stress, thậm chí có thể chữa bệnh ung thư nữa... Do đó, hãy khai thác Sơn Trà một cách thông minh hơn, hãy biết bảo tồn và gìn giữ nó thì nhiều du khách sẽ biết đến Đà Nẵng, biết đến miền Trung Việt Nam hơn thay vì đem bê tông hoá Sơn Trà.

Du khách đến với Đà Nẵng đâu phải người ta tìm những công trình hoành tráng, những khách sạn tráng lệ, người ta tìm đến vì Việt Nam có những giá trị tự nhiên, có bãi biển hoang sơ, có khu rừng Sơn Trà với đa dạng sinh học phong phú.... Chứ người ta không tìm những công trình hoành tráng bê tông hoá.

Nếu xây khách sạn, làm sao ta có thể xây bằng New Yook (Mỹ), bằng Singapore, bằng Dubai… Mình cũng hiểu được rằng du khách đến với chúng ta không phải vì những việc đó, vậy thì chúng ta hãy lấy sở trường của mình là thế mạnh thiên nhiên, tại sao mình lại đi phá thế mạnh của mình đi để chọn thế yếu? Do đó, cốt lõi là mình phải giữ cái mà du khách đang đến với mình. Vì thế, việc bê tông hoá Sơn Trà là việc làm sai lầm, biến sở trường thành sở đoản trong tư duy phát triển kinh tế.

Sau khi Thủ tướng có quyết định dừng khai thác tại bán đảo Sơn Trà để thanh tra toàn diện, dư luận xã hội nói chung và người dân Đà Nẵng thế nào thưa ông?

Ông Huỳnh Tấn Vinh: Người dân Đà Nẵng, giới trí thức, giới bảo vệ môi trường rất hoanh nghênh quyết định của Thủ tướng. Đó là một quyết định đúng đắn. Bởi vì, vấn đề Sơn Trà trong một thời gian rất là dài, TP. Đà Nẵng đã không công khai, minh bạch trong kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng và phê duyệt các dự án tại Sơn Trà. Chính điều này, đã tạo ra những khuất tất. Khi Chính phủ thanh tra, làm rõ vấn đề đúng sai, sẽ có câu trả lời với cộng đồng là sai tới đâu và hình thức xử lý như thế nào.

Câu hỏi đặt ra là vậy một số nhà đầu tư đã rót vốn vào Sơn Trà, bây giờ dừng lại, thậm chí huỷ dự án thì quyền lợi sẽ thế nào? Có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư không? Tiền đâu mà trả lại?

Ông Huỳnh Tấn Vinh: Tôi có thể nói thế này, bây giờ có ba dự án đang hoạt động (Intercotinenter, Sơn Trà Spa Resort, Biển Đông Resort) và cái đang xây dựng là Biển Tiên Sa. Những dự án này nói thật ra các nhà đầu tư bỏ vốn không nhiều và mười mấy nhà đầu tư khác đóng chẳng đáng bao nhiêu. Bởi vì tiền đất rất thấp. Và đứng về luật mà nói, những căn cứ thực hiện các dự án đó là sai nên đó là những quyết định vô hiệu. Giờ nói nhà đầu tư đúng hay sai thật khó trả lời, nhưng tôi cho rằng, khi đầu tư, anh phải biết Luật Đa dạng sinh học và Luật Bảo vệ và phát triển rừng quy định thế nào. Do đó, khi anh đầu tư bất chấp, thì anh phải chấp nhận rủi ro trong kinh doanh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ