[Gặp gỡ thứ Tư] 'Cho các doanh nghiệp số tham gia phát triển ngân hàng số giúp xóa bỏ tín dụng đen'

Nhàđầutư
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, để đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ tín dụng đen cần ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số, cho phép xử lý giao dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn, giảm chi phí giao dịch.
BÍCH LAN
14, Tháng 06, 2023 | 09:47

Nhàđầutư
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, để đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ tín dụng đen cần ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số, cho phép xử lý giao dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn, giảm chi phí giao dịch.

Qua hơn 12 năm thực hiện với một lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2017, bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng đã không còn phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn.

Bên cạnh đó, yêu cầu về tăng cường chất lượng quản trị, điều hành tổ chức tín dụng đáp ứng với tình hình mới và chuẩn mực quốc tế đặt ra vấn đề cần phải xem xét để sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Tại kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận ở tổ và hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Bên hành lang Quốc hội, Nhadautu.vn đã trao đổi với đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) về một số góp ý để hoàn thiện dự thảo luật.

Bà quan tâm đến nội dung nào trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thảo luận tại kỳ họp thứ 5?. 

Bà Tạ Thị Yên: Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển vững mạnh của ngành Ngân hàng trong hơn 12 năm qua. Hệ thống ngân hàng lành mạnh, ổn định đã phát huy vai trò trụ cột của nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế xã hội nhiều khó khăn thách thức vừa qua.

Tuy nhiên, thực tiễn đang đặt ra các yêu cầu đòi hỏi ngành hgân hàng phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện các nhiệm vụ mới hiện nay. Vì vậy, tôi thống nhất cao với quan điểm của Chính phủ về việc sửa đổi khuôn khổ pháp lý cơ bản của lĩnh vực này là Luật Các tổ chức tín dụng.

ta-thi-yen

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Ảnh: Phạm Thắng.

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và hồ sơ dự án xây dựng luật, tôi thấy, dự thảo luật đã cơ bản phù hợp với mục tiêu, yêu cầu về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống; xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển mới; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại nhằm cung ứng dịch vụ ngân hàng cơ bản một cách thuận tiện, chi phí thấp.

Tuy nhiên, có một vấn đề có thể coi là một nhiệm vụ chính trị mà dự thảo vẫn chưa đưa ra để giải quyết, đó là xoá bỏ tín dụng đen. Vừa qua, lực lượng công an trên toàn quốc đã triệt phá nhiều đường dây đòi nợ bằng các thủ đoạn cưỡng ép, phạm pháp. Điều đó chứng tỏ tín dụng đen vẫn tồn tại dai dẳng, chuyển từ hình thức này qua hình thức khác.

Để xoá bỏ tín dụng đen, cần giải quyết tận gốc vấn đề: Người dân trong xã hội có nhu cầu vay nhanh những khoản vay ngắn hạn giá trị nhỏ (chủ yếu là tín chấp). Vì hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay không đáp ứng được nhu cầu này của người dân nên họ phải tìm tới tín dụng đen. Các tổ chức tín dụng hiện tại không đáp ứng được nhu cầu này vì thủ tục phức tạp, chi phí giao dịch cao so với giá trị khoản vay, trong khi cho vay tín chấp cá nhân thường gặp nhiều rủi ro.

Vậy để đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ tín dụng đen cần thêm những công cụ hỗ trợ nào?

Bà Tạ Thị Yên: Để giải quyết bài toán này, tôi cho rằng, cần ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số, cho phép xử lý giao dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn, giảm chi phí giao dịch. Việc xử lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu quy mô lớn cũng cho phép đánh giá đúng khả năng trả nợ của người vay, giảm thiểu rủi ro và chi phí thu nợ.

Trong khi đó, dự thảo luật hiện nay chỉ có một quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, được quy định tại Điều 96. Về cơ bản, nội dung không có gì thay đổi so với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Nội dung quy định như vậy sẽ không đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số đặt ra cho ngành ngân hàng. Quy định này cũng không phản ánh đúng thực tiễn hoạt động của ngành Ngân hàng hiện nay, trong đó đã xuất hiện nhiều dịch vụ ngân hàng trực tuyến, ngân hàng số do các tổ chức tín dụng phối hợp với các công ty fintech cung cấp.

Đồng thời, bên cạnh các ngân hàng, lĩnh vực này còn có sự tham gia của các đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin tín dụng, trung gian thanh toán, chuyển mạch tài chính… cùng thuộc đối tượng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động và chịu trách nhiệm quản lý.

Theo số liệu thống kê do Ngân hàng Nhà nước công bố, từ 2020 đến 2023, đã có 11,9 triệu tài khoản và 10,8 triệu thẻ ngân hàng được mở thông qua định danh điện tử, tăng trưởng thanh toán qua kênh di động đạt 165% về khối lượng và 97% về giá trị. Đây rõ ràng là lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn, có thể giúp ngành ngân hàng Việt Nam đón đầu xu hướng phát triển chung của thế giới, cần được sự quan tâm, khuyến khích và có hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động trong tương lai.

Phải ghi nhận rằng, hoạt động ngân hàng số những năm gần đây đang ngày càng phát triển trên phạm vi toàn thế giới, thể hiện trên cả hai xu hướng: Các ngân hàng truyền thống ứng dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho người dùng và các công ty công nghệ được cấp phép hoat động và dẫn dắt xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.

Các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore đã cấp phép cho ngân hàng số hoạt động và đạt được những thành công đáng kể. Chẳng hạn như Hàn Quốc cấp phép hoạt động ngân hàng Internet từ năm 2015, đến nay các ngân hàng này đã quản lý hơn 115 triệu tài khoản của khách hàng, đạt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trung bình hơn 80% mỗi năm.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có đề cập về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát việc ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng. Điều này liệu có góp phần minh bạch hóa hoạt động ngân hàng và đẩy lùi hoạt động tín dụng đen?

Bà Tạ Thị Yên: Tôi cũng ghi nhận dự thảo đặt vấn đề về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát việc ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng được quy định tại Điều 97.

Tuy nhiên, cơ chế này có thể gây quan ngại về việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp "làm những việc pháp luật không cấm". Đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, đồng thời trao cho cơ quan quản lý quyền quyết định tuyệt đối về thời gian, phạm vi, đối tượng thực hiện - thực chất là cấp phép mà không đi cùng các điều kiện minh bạch, rõ ràng.

Chính vì vậy, để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, góp phần đẩy lùi và xoá bỏ tín dụng đen, tôi đề nghị Chính phủ và cơ quan soạn thảo bổ sung có quy định về ngân hàng số tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), với nội dung cơ bản: Khuyến khích ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển các hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tỉ giá đang cập nhật
Điều chỉnh kích thước chữ