Dự báo về khủng hoảng kinh tế toàn cầu - kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn

Nhàđầutư
Khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới, sự tái xuất chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cùng với những nhược điểm của nền kinh tế trong nước đã được phát hiện nhưng chậm được khắc phục sẽ tác động đến kinh tế nước ta trong trung hạn nếu không chủ động ứng phó kịp thời và hiệu quả.
GS.TSKH NGUYỄN MẠI - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)
02, Tháng 07, 2018 | 13:52

Nhàđầutư
Khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới, sự tái xuất chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cùng với những nhược điểm của nền kinh tế trong nước đã được phát hiện nhưng chậm được khắc phục sẽ tác động đến kinh tế nước ta trong trung hạn nếu không chủ động ứng phó kịp thời và hiệu quả.

vietnam

Kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 diễn biến theo chiều hướng tích cực.

Kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 diễn biến theo chiều hướng tích cực: tốc độ tăng trưởng khá cao, lạm phát trong tầm kiểm soát, thị trường tiền tệ ổn định, thương mại và thu hút đầu tư quốc tế tiếp tục tăng, thu nhập của dân cư được cải thiện.

Tuy vậy, khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới, sự tái xuất chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tại Mỹ và một số nước, xuất hiện tín hiệu về cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới, cộng với những nhược điểm của nền kinh tế trong nước đã được phát hiện nhưng chậm được khắc phục sẽ tác động đến kinh tế nước ta trong trung hạn, nếu không chủ động ứng phó kịp thời và hiệu quả.

-I-

Giáo sư Niall Ferguson, người được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2004, dựa trên sự tương đồng giữa tình hình thế giới hiện nay và trước cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, dự báo sắp xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế mới. Ông nhận định: "Tình hình hiện tại có nhiều dấu hiệu gợi nhớ đến những giai đoạn tiền khủng hoảng”.

Giáo sư Kenneth Rogof, nguyên Trưởng cố vấn kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, đã 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giờ đây khi nền kinh tế bắt đầu có sự tăng trưởng, thế giới có thể sẽ tiếp tục chứng kiến một cuộc khủng hoảng kinh tế nữa và lần này bắt đầu từ Trung Quốc. Ông nhận định: "Trung Quốc là quốc gia ở top đầu nguy hiểm dễ trở thành trung tâm của cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo... Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục có những bất ổn lớn vì nước này phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và đầu tư, đặc biệt là phụ thuộc rất nhiều vào các khoản vay. Nếu có bất kỳ khó khăn về tài chính ở Trung Quốc thì đó là sự suy giảm tăng trưởng tín dụng, nguy cơ khủng hoảng sẽ cao... Nếu Trung Quốc phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng tài chính riêng, nó có thể sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng tăng trưởng và từ đó dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn hơn".

Theo nguồn tin của kênh CNBC thì năm 2018 Trung Quốc sẽ không đặt nặng vấn đề tăng trưởng cao nhằm ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra; tuy vậy, nhiều chuyên gia quốc tế đã tỏ ra nghi ngờ khả năng giảm nợ công và giảm nguồn cung tiền ra thị trường của Trung Quốc, vì nếu giảm những đòn bẩy kinh tế này thì Trung Quốc có thể đối mặt với tăng trưởng thấp và có nguy cơ phá vỡ toàn bộ nền kinh tế. 

Tại Hội nghị quốc tế về Bảo hiểm tiền gửi diễn ra ngày 16/2/2018, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda cảnh báo về nhược điểm của chính sách nới lỏng tiền tệ mà các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới hiện đang theo đuổi, vì lãi suất thấp của các tổ chức tài chính hiện nay có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới.

Tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg (SPIEF-2018) lần thứ 22 diễn ra từ ngày 24-26/5/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra cảnh báo về cuộc khủng hoảng kinh tế mới do chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng và các quy định về thương mại toàn cầu đang dần suy yếu, lên án một số nước sử dụng các biện pháp trừng phạt như một phần trong chính sách kinh tế.

Tổng thống Nga nhấn mạnh việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và việc dựng lên hàng rào thương mại tuy mới bắt đầu, song đã ảnh hưởng đến nhiều các quốc gia và công ty. Ông cho rằng, thế giới cần một bầu không khí hòa bình cho môi trường thương mại, chứ không phải chiến tranh thương mại.

Chu kỳ khủng hoảng kinh tế có diễn ra vào cuối năm 2018 và năm 2019 hay không là câu chuyện chưa có hồi kết; cảnh giác đề phòng và chủ động xử lý mọi tình huống trong một thế giới bất định là vấn đề chung của các quốc gia.

-II-

Khác với năm 2008, cuộc khủng hoảnh tài chính có thể xảy ra lần này gắn liền với sự tái hiện chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tại Mỹ và một số cường quốc khác, cũng như cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc.

Với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chính phủ muốn bảo vệ sản phẩm trong nước đối với sản phẩm cùng loại được nhập khẩu từ đối thủ cạnh tranh  nước ngoài với giá thấp hơn.

Trong khi toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang trở thành xu hướng chủ đạo của thương mại và đầu tư thì hoạt động chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng.

Tại Mỹ, một trong các hành động lập pháp đầu tiên của Tổng thống Donald Trump là tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán lại Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), ngừng đàm phán FTA với EU, tiếp đó là áp đặt thuế nhập khẩu khá cao đối với sản phẩm của nhiều nước như nhôm, thép cuộn; đặt ra yêu sách với Trung Quốc cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ bằng cách mở cữa thị trường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.

Tại EU, có vẻ như xu hướng tự do thương mại và bảo hộ mậu dịch đang diễn ra khá cân bằng tại các nước lớn.

Cả hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vừa qua, Francois Hollande và Nicolas Sarkozy đều hùng biện về bảo hộ mậu dịch nhằm thu hút 80% cử tri là những người chống toàn cầu hóa. Tổng thống Fr. Hollande chủ trương hỗ trợ tài chính cho các nhà xuất khẩu sản phẩm của Pháp.

Nước Anh đã rời khỏi EU- một tổ chức hợp tác khu vực lớn nhất thế giới, đang tiến hành đàm phán lại toàn bộ những quy chế thương mại với Châu Âu.

Trung Quốc, cường quốc kinh tế số hai thế giới vốn được xem là hưởng lợi từ thương mại tự do, đang theo đuổi một chính sách giảm nhập khẩu mạnh mẽ bằng nhiều biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu càng nhiều càng tốt.

Trong quan hệ thương mại giữa các quốc gia, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là “con dao hai lưỡi”, không có “bên thắng cuộc”. Điển hình là cuộc đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc đang được cả thế giới theo giõi, có thể gây ra cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu về kinh tế thế giới; theo nhiều nhà phân tích thì cả hai bên đều chịu hậu quả khó lường trước, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu..

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2018, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhận định: “Bảo hộ mậu dịch có nghĩa là đang chống lại quá trình toàn cầu hóa. Các quốc gia theo xu hướng này không chỉ muốn tránh toàn cầu hóa, mà còn muốn đi ngược lại quá trình tất yếu này”.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh: các nước tham gia Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) "sẽ đẩy lùi xu hướng chống thương mại tự do trong tiến trình toàn cầu hóa", đồng thời cho rằng bảo hộ mậu dịch chỉ "đẩy thế giới vào tình trạng tồi tệ". Ông kêu gọi các cuộc đàm phán thương mại cần quan tâm đến sự thịnh vượng của những người dân bình thường và khẳng định "đây chính là điều mà 11 quốc gia đã làm được" khi ký kết CPTPP. 

Đứng trước chủ trương của Mỹ áp đặt thuế nhập khẩu khá cao đối với một số mặt hàng như 25% với thép, 10% với nhôm, các nước có phản ứng khá gay gắt.

Nước Anh "thất vọng sâu sắc" bởi quyết định của Hoa Kỳ. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker  coi đó là một "ngày tồi tệ với thương mại thế giới". Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng thuế quan này là "vô lý và nguy hiểm” và tuyên bố:” EU sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết" để đáp trả nếu Mỹ áp đặt thuế bảo hộ. Ông cho biết:."Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền Hoa Kỳ liệu họ muốn tham gia vào một cuộc xung đột thương mại với đối tác lớn nhất của họ, châu Âu".

Trung Quốc đã và sẵn sàng đưa ra các biện pháp trả đũa đối với Mỹ nếu phía Mỹ tiếp tục “hành động nhiều hơn là một giọng điệu mạnh mẽ, để có thể thay đổi mối quan hệ quá phức tạp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới” như tuyên bố của Tổng thống Mỹ.

Một số nhà phân tích cho rằng, những quyết định “xoay như chong chóng” của Tổng thống Trump khiến các đồng minh của Washington cũng cảm thấy khó hiểu và tìm đối tác mới; chẳng hạn, Nhật Bản đã tổ chức cuộc đàm phán thương mại đầu tiên với Trung Quốc trong vòng 8 năm qua để đối phó với mối đe dọa từ quyết định áp thuế của Mỹ.

Nhiều chính khách Mỹ đã biểu thị sự không đồng tình với Tổng thống Trump. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan tuyên bố: "Tôi không đồng tình với quyết định này. Có những cách tốt hơn để hỗ trợ người lao động và người tiêu dùng ở Mỹ”.

Thượng nghị sĩ Kevin Brady nhận định: "Hành động này khiến những người lao động và gia đình Mỹ gặp rủi ro, bởi công việc của họ phụ thuộc vào các sản phẩm thương mại công bằng từ các đối tác thương mại quan trọng đó". Nghị sĩ đảng Cộng hòa Ben Sasse cho rằng: "Điều này thật ngu ngốc. Châu Âu, Canada và Mexico không phải là Trung Quốc, và bạn không thể đối xử với đồng minh theo cách bạn đối xử với đối thủ".

Dự tính nếu Mỹ tăng thuế quan lên 20% đối với hàng nhập khẩu từ các nước thì xuất khẩu của Mỹ sang hầu hết các quốc gia sẽ giảm từ 40 đến 50%.

Theo nghiên cứu của Viện Bertelsmann, trong trường hợp xấu nhất do tác động của chính sách bảo hộ mậu dịch, tăng trưởng kinh tế hàng năm của Mỹ sẽ giảm 2,3%, thu nhập bình quân đầu người sẽ giảm 1.300 USD/năm trong dài hạn; ở Canada giảm 3,85% và 1.800 USD/người; và ở Đức giảm 0,4% và 160 USD/người.

Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) chứng minh rằng, toàn cầu hóa đóng góp 1,5 - 2% tăng trưởng kinh tế thế giới, làm cho hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo ở các nước đang phát triển. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, nếu các rào cản thương mại hoàn toàn được dỡ bỏ thì mỗi năm các nước đang phát triển có thể tăng thêm thu nhập 142 tỷ USD.

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc tại Châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP), chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng  làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển bị chậm lại khoảng 1,2%.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao chủ nghĩa bảo hộ lại đang có dấu hiệu trở lại rõ rệt và ở một phạm vi rộng lớn hơn bao giờ hết (?).

Quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu cho rằng,  dường như một số nhà lãnh đạo của những nền kinh tế lớn nhất thế giới đã không còn đặt niềm tin vào hiệu quả của tự do thương mại nữa. Tuy vậy, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch hiện nay mang tính đối phó với quan hệ thương mại giữa các nước, tùy thuộc vào cách tiếp cận của nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Mỹ, hoặc thủ tướng chính phủ đại diện cho đảng cầm quyền, có thể kéo dài 4-5 năm. 

Thương mại tự do và hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng chủ đạo của thế giới trong ký nguyên toàn cầu hóa và cách mạng 4.0.

-III-

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 diễn ra trong bối cảnh nước ta vừa gia nhập WTO vào năm 2007. Tác động tiêu cực của cuộc khủng khoảng đó đã làm giảm tốc độ tăng trưởng, gây ra lạm phát cao, đồng tiền giảm giá, lãi suất tiền gửi và tiền vay liên tục phải điều chỉnh theo hướng tăng, làm giảm thu ngân sách và thu nhập thực tế của dân cư.

Trong 10 năm vừa qua, nền kinh tế nước ta sau khi vượt qua giai đoạn sụt giảm đã khôi phục dần tốc độ tăng trưởng.  Quy mô kinh tế năm 2017 đã lớn hơn nhiều so với năm 2018:

  2008 2017 Bằng
GDP (giá hiện hành-tỷ đồng) 1485038 5 triệu 3,37 lần
Kim ngạch xuất khẩu (tỷ USD) 62,685 213,77 3,41 lần
Kim ngạch nhập khẩu (tỷ USD) 80,714 211,1 2,61 lần

Tốc độ tăng trưởng kinh tế sau mấy năm sụt giảm, chỉ đạt dưới 6%/năm, đã được khôi phục, năm 2015 đạt 6,68%, năm 2016 đạt 6,21% và năm 2017 đạt 6,81%; dự báo tình hình kinh tế- xã hội năm 2018 diễn biến theo hướng tích cực,  hai năm tiếp theo nếu không có biến động lớn về kinh tế thế giới và cuộc cải cách tiếp tục theo hướng chủ động và mạnh mẽ thì kinh tế Việt Nam có triển vọng  tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn.

Báo cáo về Viễn cảnh kinh tế toàn cầu ngày 6/6/2018, WB đã tăng 0,3 điểm % so với con số được đưa ra vào tháng 4, dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng  khoảng 6,8% trong năm 2018.

Standard Chartered Bank dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2018 ở mức 6,8% và năm 2019 ở mức 6,9%, nhận định: "Chúng tôi dự đoán Việt Nam sẽ đạt thặng dư thương mại ở mức vừa phải trong thời gian từ nay đến cuối năm nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ và nhập khẩu chậm lại. Tăng trưởng tín dụng nhanh vẫn là rủi ro lớn nhất đối với sự ổn định tài chính, tuy nhiên các biện pháp điều tiết gần đây đã phần nào giúp giảm thiểu rủi ro này". Lạm phát mặc dù gia tăng, nhưng ít có khả năng trở thành một mối quan ngại. Vốn FDI vào Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2018, dù giảm nhẹ so với năm 2017, trong đó lượng vốn chảy vào lĩnh vực sản xuất chiếm tỷ trọng cao nhất. Theo Standard Chartered Bank: “Việt Nam đã có được nhiều lợi ích từ việc tham gia vào các hiệp định thương mại khu vực, dân số trẻ và được giáo dục tốt, lực lượng lao động ngày càng dồi dào, chi phí thấp, và sự gần gũi về mặt địa lý với Trung Quốc. Những yếu tố này sẽ tiếp tục giúp Việt Nam thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI trong trung hạn”.

Trung tâm dự báo quốc gia dự báo tốc độ tăng trưởng của năm 2018 của nước ta đạt 7,08%.

Nhìn chung các tổ chức quốc tế và trong nước đều thống nhất về đánh giá triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn; đồng thời cảnh báo  những thách thức lớn đối với nước ta từ bên ngoài và bên trong đối với cả ngắn hạn và trung hạn.

-IV-

Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, cuộc chiến tranh thương mại đang có thể diễn ra là hai thách thức mới đối với nền kinh tế mở của nước ta. Hơn lúc nào hết, phương châm “đa dạng hóa, đa phương hóa” cần được thực hiện một cách chủ động và linh hoạt để ứng phó với diễn biến không bình thường trên thị trường thế giới.

Trong quan hệ thương mại quốc tế, nước ta cần tận dụng cơ hội do các FTA mới tạo ra để mở rộng quan hệ với nhiều đối tác, tạo lập tại mỗi thị trường chính  một số mặt hàng chủ lực chiếm được thị phần ngày càng lớn, để trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng biện pháp “có đi có lại” nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Năm 2017 đã minh chứng điều đó; mặc dù thương mại hai chiều giữa Việt Nam với Mỹ giảm tốc độ tăng trưởng, nhưng do đa phương hóa nên tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 21,1% và tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 20,8% so với năm trước.

Trong đó kim ngạch thương mại của nước ta với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản  tăng trưởng hai con số.

 Với Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu 35,463 tỷ USD, tăng 61,5%; kim ngạch nhập khẩu 58,23 tỷ USD, tăng 16,4%.

Với Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu 14,8 tỷ USD, tăng 30%, kim ngạch nhập khẩu 46,734 tỷ USD, tăng 45,3%.

Với Mỹ, kim ngạch xuất khẩu 41,608 tỷ USD , tăng 8,2%, kim ngạch nhập khẩu 9,203 tỷ USD, tăng gần 5,7%, thấp hơn nhiều so với 2016 khi kim ngạch xuất khẩu tăng 15% và kim ngạch nhập khẩu tăng 11,74%.. Mỹ từng là thị trường lớn nhất, chiếm 20% kim ngạch thương mại quốc tế của nước ta, năm 2017 chỉ còn 11,95%.

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IHS Markit, Rajiv Biswas khuyến cáo: “Việt Nam cần tạo thế mạnh cho chính mình để duy trì mối quan hệ hợp tác thương mại, nhưng cũng cần phải nỗ lực để cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường toàn cầu...Thay vì hướng tới một cực chủ yếu là Mỹ,cần hướng tới các thị trường tiềm năng khác như châu Âu, Nhật Bản, Nga,... Việt Nam có lợi thế là đất nước sở hữu nhiều Hiệp định Thương mại Tự do trên thế giới; chính điều này sẽ giúp thu hút đầu tư từ bên ngoài vào cũng như giúp Việt Nam giảm nhẹ sự ảnh hưởng của xu hướng bảo hộ mậu dịch".

Các bộ, ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần theo giõi diễn biến thị trường thế giới, những thay  đổi thường xuyên các quyết định của Tổng thống Mỹ và giải pháp ứng phó của các quốc gia để cảnh báo sớm với những giải pháp đã được chuẩn bị trước để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp và đất nước; đồng thời tìm kiếm từ đó cơ hội mới, thị trường mới đẻ mở rộng hợp tác đầu tư và thương mại phục vụ cho chiến lược kinh tế- xã hội với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và nền kinh tế xanh.

Trong vài năm gần đây nước ta đã bắt đầu áp dụng biện pháp tự vệ thương mại bằng các hàng rào kỷ thuật,  thuế bán phá giá đối với một số mặt hàng vi phạm luật cạnh tranh. Tuy vậy, cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện rào cản kỷ thuật cần được rà soát đồng bộ để tạo thành một giải pháp hữu hiệu ứng phó với các quyết định của nước khác gây thiệt hai cho thương mại quốc tế của Việt Nam.

Nếu cuộc chiến tranh thương mại giữa các cường quốc xảy ra sẽ có tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam; đồng thời cũng tạo ra cơ hội mới cho các nước có nền kinh tế mở như nước ta. Chẳng hạn khi Mỹ dựng hàng rào thuế quan với hàng hóa của Trung Quốc thì nước này phải tìm thị trường để xuất khẩu những hàng hóa đó; Việt Nam là cữa ngõ của Trung Quốc đối với ASEAN cần nghiên cứu việc tận dụng lợi thế về địa lý, truyền thống để tranh thủ cơ hội mới nhằm mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của nước ta.

Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức từ trong nước như việc biến đổi khí hậu gây ra thảm họa thiên tai ngày càng nghiêm trọng, năng suất lao động còn thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao, việc làm và thu nhập trong điều kiện cơ cấu lại ngành và lĩnh vực kinh tế dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0, gia tăng tốc độ tăng trưởng với việc bảo đảm tính bền vững và tăng trưởng xanh, tranh thủ thời cơ của “dân số vàng” trước khi “dân số già, bộ máy nhà nước và công chức kém hiệu năng, thủ tục hành chính mặc dù đã có tiến bộ nhưng vẩn còn khá phức tạp và gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân..

Những thách thức trên đây đã được đề cập đến tại nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước với hệ thống chính sách và giải pháp để giải quyết từng vấn đề, do vậy đã đạt được những thành quả rõ rệt, nhất là từ sau Đại hội đảng XII và thành lập Chính phủ mới tháng 4/2016.

Tuy vậy so với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, cũng như khai thác tiềm lực để vượt qua những thách thức thì đáng ra thành tựu có thể lớn hơn nhiều, trạng thái phát triển của nước ta cao hơn nhiều, đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của các tầng lớp dân cư.

Một nhược điểm lớn là nhà nước có nhiều nghị quyết, chiến lược về từng vấn đề, trong đó xác định nhiều mục tiêu, với hệ thống giải pháp nhưng không làm rõ nhiệm vụ trọng tâm, thời gian cần hoàn thành, trách nhiệm, từng tổ chức, đơn vị và thiếu đánh giá việc thực hiện để bổ sung hoàn chỉnh các văn bản. Do đó tuy rất nhiều chiến lược, nghị quyết đã được ban hành nhưng không được đánh giá một cách khách quan, quy rõ trách nhiệm của từng tổ chức, đơn vị và người đứng đầu đối với việc không hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Do đó, nhân dịp chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 13, xây dựng chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, Chính phủ cần rà soát toàn bộ các chiến lược, nghị quyết để hoàn thiện theo hướng tinh gọn, xác định rõ ràng mục tiêu, đề ra giải pháp thiết thực và thời hạn hoàn thành, quy định nhiệm vụ của từng đơn vị, tổ chức để thích ứng với tình hình phát triển của đất nước trong một thế giới đang diễn biến bất thường.

Nguyên nhân chủ yếu nằm ở nhược điểm cố hữu trong khâu tổ chức thực hiện với bộ máy nhà nước cồng kềnh, kém hiệu năng, đội ngũ công chức, viên chức chưa đủ đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn để thực hiện chức năng của Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, Chính phủ điện tử. Để khắc phục nhược điểm này thì nhân tố quyết định là lựa chọn đúng người đứng đầu từng tổ chức, đề cao trách nhiệm và quyền hạn cá nhân, đánh giá cán bộ công chức bằng thước đo hoàn thành nhiệm vụ được giao, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, kể cả việc từ chức hoặc cách chức nhưng người tỏ ra kém năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm gây ra trạng thái “trên nóng dưới lạnh, nóng lạnh không đều”.

Đó là điều kiện bảo đảm thực hiện có kết quả Nghị quyết 18 NQ/TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, hệ thống chính trị với mục tiêu rõ ràng và giải pháp khá toàn diện trên tính thần cải cách mạnh mẽ và đột phá để khắc phục trạng thái trì trệ, làm chuyển động nhanh chóng khâu tổ chức thực hiện từ trung ương đến địa phương và cơ sở./.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ