5 đột phá tạo động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Nhàđầutư
Cải cách thể chế, kinh tế tư nhân, công nghiệp chế tạo, đầu tư nước ngoài, nâng cao năng suất lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 được đánh giá là những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
ANH MAI
17, Tháng 05, 2018 | 10:01

Nhàđầutư
Cải cách thể chế, kinh tế tư nhân, công nghiệp chế tạo, đầu tư nước ngoài, nâng cao năng suất lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 được đánh giá là những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Ngày 15/5, được sự bảo trợ và ủng hộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Tạp chí Nhà Đầu tư/Nhadautu.vn phối hợp với Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG Việt Nam tổ chức Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020”.

Hội thảo này cũng là lần thứ hai Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trên cương vị là người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trực tiếp đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.

hoi thao kpmg

Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020" là lần thứ hai Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trên cương vị là người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.

Viện dẫn các con số như tốc độ tăng trưởng 6,81% của kinh tế Việt Nam năm 2017 và tăng trưởng kỷ lục 7,38% trong quý I năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã rất lạc quan khi nhấn mạnh rằng, có nhiều lý do để có thể “hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo”. 

Dù vậy, Bộ trưởng cho rằng để đạt được những mục tiêu và kỳ vọng, còn rất nhiều việc phải làm, cần có sự nỗ lực và tập trung rất lớn của các cấp, các ngành từ trung ương xuống địa phương, của tất cả các thành phần kinh tế, nhà nước, tư nhân, nước ngoài để giữ vững đà tăng trưởng, không chỉ cho năm 2018 mà còn cho những năm tiếp theo.

Tại hội thảo rất nhiều ý kiến, giải pháp nhằm tạo động lực mới cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững trong thời gian tới được lãnh đạo Bộ, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước góp ý.

Cải cách thể chế

Cải cách thể chế được nhận định là yếu tố cốt lõi và quan trọng nhất tạo động lực mới cho nền kinh tế tăng trưởng. "Cải cách thể chế là động lực mang tính nền móng, căn bản", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Phân tích sâu hơn các động lực quan trọng này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong những năm gần đây, công cuộc cải cách thể chế đã có nhiều “chuyển biến tích cực”, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, kinh doanh đã và đang được xây dựng trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ. 

nguyen chi dung

 

Đặc biệt, với việc xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp diễn ra, lần đầu tiên Việt Nam đã chủ động xây dựng thể chế chính sách để tạo lập sân chơi quốc tế mới ngay trên lãnh thổ Việt Nam. “Đây là một cách tiếp cận xây dựng thể chế mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành KH&ĐT thẳng thắn chỉ ra, cải cách thể chế không phải chỉ là tháo gỡ những rào cản do chính chúng ta đặt ra trước đó. Như cách ví von của Bộ trưởng, đáng lẽ ngay từ đầu phải khơi thông dòng chảy, nhưng do chưa theo kịp về nhận thức, tư duy hay vì lý do nào đó, chúng ta lấy đá lấp dòng chảy lại, rồi sau đó thấy cản trở mới gỡ nó ra và coi đó là cải cách.

“Những gì cải cách, cắt bỏ rồi thì không nên tạo ra rào cản mới, tháo ra lấp lại rồi lại tháo ra sẽ mất rất nhiều cơ hội phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

nguyen chi dung

nguyen chi dung

“Những gì cải cách, cắt bỏ rồi thì không nên tạo ra rào cản mới, tháo ra lấp lại rồi lại tháo ra sẽ mất rất nhiều cơ hội phát triển”

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Tâm đắc với cách ví von này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, hiện nay mới là xóa bỏ rào cản, chưa tính đến các thể chế thúc đẩy tăng trưởng, phát triển. Thực tế, cải cách thể chế đã có kết quả, nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Thậm chí, nhắc đến câu chuyện Uber đã vào Việt Nam kinh doanh một thời gian và đã ra khỏi Việt Nam, song đến nay, các cơ quan quản lý vẫn đang “loay hoay bàn” về chính sách cho mô hình kinh doanh này, ông Hiếu cho rằng, “tích thích nghi và phản ứng chính sách của Việt Nam” còn quá chậm.

Bàn về phương thức cải cách thể chế sao cho hiệu quả, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, thay đổi tư duy trong bộ máy hành chính là nội dung quan trọng của cải cách thể chế, từng bước bám sát trình độ tư duy của thế giới. Cần thay đổi tư duy ở cấp nhân viên, chuyên viên chứ không chỉ dừng lại ở tầm lãnh đạo.

Kinh tế tư nhân

Khu vực kinh tế tư nhân cũng được nhận định là động lực quan trọng, bảo đảm tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế. Đảng và Chính phủ đã rất quan tâm tới khu vực kinh tế này.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân - ông Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) mong muốn, cải các thể chế có tiến triển nhưng chậm, dẫn đến tình trạng trên nóng, dưới lạnh. Trọng tâm hiện nay là sự chuyển động của cả hệ thống, đồng thời nâng cao chất lượng văn bản pháp luật. Đây là hai việc cần làm ngay và làm nhanh nhằm cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, kinh tế tư nhân mới phát triển được. Cùng đó, thể chế bộ máy để hình thành đúng nghĩa nhà nước kiến tạo phát triển.

“Chúng ta cần có sự chuyển động tích cực hơn, có thể chế, chính sách để khu vực tư nhân phát triển. Chỉ riêng việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, nếu cứ ‘khoan nhặt’ như hiện nay, mà không phải là ‘trên nóng, cả hệ thống phải nóng’, thì sẽ rất khó khăn, chứ đừng nói đến các chính sách kiến tạo cho sự phát triển dài lâu của doanh nghiệp”, ông Thắng bày tỏ.

Công nghiệp chế tạo

Tại Hội thảo này, chuyên gia tài chính, ngân hàng - TS Lê Xuân Nghĩa đã thẳng thắn nói đến những thách thức trong mục tiêu công nghiệp hoá của Việt Nam. Ông cho rằng, hiện ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam đang nằm trong tay của các doanh nghiệp nước ngoài, cụ thể là các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (FDI). Chính vì vậy, mong muốn trở thành nước công nghiệp chỉ dựa vào khối doanh nghiệp này thì rất đáng lo ngại.

TS Nghĩa nhấn mạnh: "Chúng ta đặt mục tiêu công nghiệp hoá đất nước, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đây là mục tiêu không hề dễ dàng. Bốn nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á là Philipines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã thất bại trong nỗ lực công nghiệp hoá đất nước của họ".

Theo ông, các chuyên gia của 4 nước trên đã khẳng định cơ hội để các nước Đông Nam Á trở thành một nước công nghiệp đã hết và không bao giờ quay lại. Bởi thế giới hiện nay là phẳng, các nước gần như đã mở cửa, xoá bỏ các rào cản về thuế quan, hàng hoá nên các nền kinh tế phát triển sẽ không bao giờ để chúng ta có được công nghệ của họ.

Với Việt Nam, bối cảnh hiện nay phát triển nền công nghiệp theo hướng công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin là hợp lý. Tuy nhiên, cần đi theo chuỗi giá trị gia tăng và chọn đầu tư nguồn nhân lực, tiến tới tạo ra sản phẩm, công nghệ mới tại đất nước mình.

Tuy nhiên, ông Nghĩa thừa nhận, để thành công, Việt Nam cần sự đầu tư và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống doanh nghiệp lẫn chính quyền, các nhà làm chính sách.

"Có thể học hỏi kinh nghiệm của Đài Loan trong thay đổi mô hình và cách thức tạo ra tăng trưởng bởi đây là nền kinh tế thành công nhất trong lĩnh vực công nghiệp điện tử tại khu vực. Năm 1962, thu nhập đầu người của Đài Loan chỉ bằng một nửa Malaysia, nhưng hiện nay đã gấp 3 lần", TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất.

Năng suất lao động - Cách mạng 4.0

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế cần nâng cao năng suất lao động và và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

"Vừa qua chúng tôi có sang Mỹ và đến thung lũng Silicon, tôi thật sự ấn tượng và xúc động khi người Việt Nam đang làm việc tại các vị trí quan trọng các tập đoàn hàng đầu thế giới như Google" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng khẳng định: "Người Việt đang làm việc khắp nơi mà chưa tận dụng được. Chúng tôi sẽ kiến nghị nhanh chóng thành lập các phòng thí nghiệm, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp startup phát triển”.

Hiện, Bộ KH&ĐT đang nỗ lực tối đa để sớm hoàn thành Đề án Chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với việc hình thành các trung tâm công nghệ, đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu triển khai hiện đại bậc nhất trên thế giới nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp 4.0 phát triển.

hoi thao KPMG

 Các diễn giả tham gia phiên thảo luận với chủ đề "Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế" tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020”.

Nghiên cứu, thống kê về năng suất lao động của Việt Nam trong khoảng 20 năm trở lại đây, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc trường Đào tạo BIDV lo ngại chỉ ra "năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp gần nhất khu vực Châu Á chỉ cao hơn Bangladesh và Campuchia".

Sau những nghiên cứu trên, theo ông Lực đã đề xuất giải pháp cho việc nâng cao năng suất lao động trong thời gian tới: "Tất cả những yếu tố liên quan tới năng suất lao động đều xoay quanh là con người, công nghệ, quy trình, phối kết hợp, và sắp xếp, bố trí. Chúng ta cần nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục, cần có chiến lược với cách mạng 4.0, trả lời câu hỏi “ứng dụng công nghệ 4.0 như thế nào?”.

Đầu tư nước ngoài

Theo Giáo sư Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài (VAFIE), sau 30 năm, đầu tư nước ngoài ngày càng đóng góp rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Năm 2017, vốn FDI thực hiện đạt mức kỷ lục 17,5 tỷ USD, năm nay GS Nguyễn Mại dự đoán vốn FDI thực hiện sẽ đạt khoảng 19 tỷ USD. Hiện, đảm bảo 25% vốn đầu tư xã hội là vốn FDI.

"Đây là động lực tăng trưởng quan trọng, và cùng với kinh tế tư nhân, đóng vai trò là hai chân của một cơ thể cường tráng, giúp cho nền kinh tế Việt Nam vững vàng hơn", Chủ tịch VAFIE khẳng định.

Dẫn câu chuyện thu hút FDI của Singapore, ông Nguyễn Anh Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Thái Lan cho biết Singapore kêu gọi đầu tư rất khác biệt. Singapore nhắm tới nhà đầu tư là các tập đoàn lớn, trong khi Việt Nam chưa nghĩ rằng các tập đoàn lớn sẽ trở thành một trung tâm của họ tại Việt Nam. Khi những tập đoàn lớn chọn Singapore, họ nhìn nhận ra những chính sách của nước đó phải tốt hơn các nước trong khu vực.

"Chúng ta muốn thu hút nhà đầu tư lớn, thì phải có hành lang pháp lý để hỗ trợ các nhà đầu tư làm thương mại quốc tế, chứ trong chỉ phục vụ hoạt động kinh doanh nước sở tại. Trước đây, tập đoàn dầu mỏ Shell rất muốn đầu tư vào Việt Nam và biến Việt Nam trở thành một trung tâm của Shell, tuy nhiên các hành lang pháp lý tại Việt Nam không tạo điều kiện cho các nhà dầu tư nước ngoài làm thương mại quốc tế", Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Thái Lan đề xuất.

Không hoàn toàn đồng ý với quan điểm thu hút đầu tư cần nhắm tới các tập đoàn lớn, toàn cầu, ông Nguyễn Công Ái cho rằng dòng vốn nước ngoài dù lớn hay nhỏ đều rất ý nghĩa. "Quan trọng là cách thức quản lý. Họ có thể mở một trung tâm ngoại ngữ, hay một nhà hàng nhỏ, nhưng về bản chất vẫn là vốn đầu tư nước ngoài. Cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) của các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc có tổng doanh thu hàng năm rất lớn. Nếu thu hút được dòng vốn này, tôi cho rằng đó là điều tích cực và hoàn toàn có thể là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực FDI nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung".

Trả lời câu hỏi vì sao chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông với hình thức đối tác công tư (PPP). Phó Tổng giám đốc Nguyễn Công Ái cho biết không phải là họ không tham gia, mà họ chỉ không rót vốn, giành dự án trực tiếp, còn vẫn đầu tư gián tiếp thông qua mua cổ phần của một số công ty Việt Nam trong lĩnh vực PPP. 

"Quy trình đầu tư một dự án PPP của Việt Nam hiện khá phức tạp, đặc biệt đối với doanh nghiệp nước ngoài. Bởi vậy họ thường đợi đến khi phía Việt Nam sở hữu dự án rồi, thì mới nghiên cứu và mua lại cổ phần. Trong thời gian tới, để thu hút hơn nữa nguồn vốn tư nhân cả trong và ngoài nước ở lĩnh vực hạ tầng giao thông, Việt Nam cần hoàn thiện chính sách về hình thức đối tác công tư, tạo nền tảng, hành lang pháp lý ổn định lâu dài, mang tính khuyến khích với các nhà đầu tư", ông Nguyễn Công Ái phát biểu tại Hội thảo.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ