Đối phó dịch COVID-19: Dấu hỏi với một số mô hình phát triển

Dịch COVID-19 xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc) đã lan rộng tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới khiến hàng triệu người nhiễm bệnh và hàng trăm nghìn người tử vong.
NGUYỄN VĂN TOÀN
02, Tháng 05, 2020 | 07:10

Dịch COVID-19 xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc) đã lan rộng tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới khiến hàng triệu người nhiễm bệnh và hàng trăm nghìn người tử vong.

WHO đã phải tuyên bố COVID-19 là đại dịch và thảm họa toàn cầu. COVID-19 đã gây một cú sốc lớn không những cho sức khỏe của hàng tỷ người dân trên khắp hành tinh, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, địa vị xã hội.

Không những thế, COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế xã hội toàn cầu, nó làm xói mòn những giá trị, những mô hình tiên tiến mà thế giới đã dày công xây dựng, phát triển và đã cho những kết quả đáng khích lệ.

Lịch sử của dịch bệnh thế giới cho thấy, tần suất xuất hiện dịch bệnh trên thế giới ngày càng ngắn hơn, quy mô cũng ngày càng rộng hơn, tốc độ lan truyền cũng ngày càng nhanh hơn theo quy mô và tốc độ hợp tác kết nối trong mỗi quốc gia, mỗi khu vực và toàn cầu. Và từ đó thảm họa mà nó gây ra cho sức khỏe người dân và kinh tế xã hội cũng lớn hơn trong một thế giới phẳng và phụ thuộc lẫn nhau.

Trong khi cả thế giới đang gồng mình chống đại dịch COVID-19, một vấn đề được đặt ra là COVID-19 đã tác động và làm bộc lộ những điểm yếu trong một số mô hình phát triển tiên tiến trên thế giới.

Thế giới phẳng (gần đây còn gọi là thế giới nhanh) là một thành quả vĩ đại của sự phát triển, nó tạo dựng kết nối toàn cầu về kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch, lưu chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, nó kết nối thông tin, chia sẻ tri thức, nó góp phần tạo sự bình đẳng cho sự phát triển.

Song COVID-19 đã làm bộc lộ những hạn chế của thế giới phẳng. Sự kết nối không giới hạn đã làm cho dịch bệnh dễ dàng lây lan trên phạm vi toàn cầu. COVID-19 đã tác động mạnh nhất vào những quốc gia, vùng lãnh thổ có nền văn hóa giao tiếp gần gũi, cơ cấu dân số già, sự chủ quan của một bộ phận người dân và sự chần chừ thiếu quyết đoán của chính phủ một số quốc gia... để phát huy sự lây lan và hủy diệt của nó.

hinh-bai-viet-san-sang-ung-pho-voi-dien-bien-dich-covid-19

 

Italia, Tây Ban Nha và một số nước là nạn nhân chịu thiệt hại nặng nề nhất cho đến thời điểm này khi có tỷ lệ số ca bị nhiễm trên dân số và tỷ lệ tử vong trên số người bị lây nhiễm cao nhất thế giới. Cùng với Internet, ngành hàng không là niềm tự hào của khoa học công nghệ nhân loại, một trong những công cụ hữu hiệu của kết nối vật chất trong một thế giới phẳng. Nhưng khi dịch bệnh xuất hiện, chính những chiếc máy bay siêu thanh khổng lồ đã trở thành tội đồ gieo rắc COVID-19 trên khắp thế giới.

Chỉ trong thời gian ngắn, ngành hàng không đã mất hàng triệu việc làm, doanh thu giảm, máy bay không còn hoạt động bởi tác động của COVID-19. Mô hình chuỗi sản xuất cũng như chuỗi giá trị toàn cầu là sản phẩm của thế giới phẳng, nó khai thác hiệu quả nhất nguồn lực cho sản xuất, tạo nên sự phân công lao động hợp lý, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế, góp phần giảm dần khoảng cách phát triển, song nó cũng bộc lộ điểm yếu khi những thảm họa phi truyền thống xảy ra như thiên tai, dịch bệnh, xung đột, chiến tranh. Chỉ cần đứt gãy một mắt xích trong chuỗi, cả hệ thống sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Liên minh Châu Âu là mô hình phát triển rất tiên tiến và khoa học, với 27 quốc gia thành viên, chiếm khoảng 30% GDP, 40% thương mại và 45% đầu tư toàn cầu, EU thật sự trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới. Cơ cấu tổ chức của EU gồm các thiết chế chủ yếu: Hội đồng Châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Ủy ban Châu Âu, Nghị viện Châu Âu, Toà án Châu Âu, Tòa kiểm toán Châu Âu. Trong đó Hội đồng Châu Âu (EuropeanCouncil) ngoài vai trò lãnh đạo chính trị chung còn có chức năng lập pháp (cơ quan lập chính sách cao nhất của EU) và thảo luận sửa đổi các Hiệp ước của EU.

Hội đồng Châu Âu là tên gọi của các cuộc gặp thượng đỉnh của 27 nguyên thủ quốc gia các nước thành viên trong EU, là đỉnh chóp của kim tự tháp quyền lực. Ủy ban Châu Âu (European Commission) là cơ quan hành pháp của EU và đại diện cho EU trong các tổ chức quốc tế và ở các quốc gia EU có quan hệ ngoại giao. Ủy ban này gồm đại diện các nước thành viên do chính phủ các nước đó cử theo nhiệm kỳ 4 năm nhưng không đại diện quốc gia.

Hội đồng Bộ trưởng (Councilof Minister) còn được gọi là Hội đồng của Liên minh Châu Âu, gồm các đại diện ở hàm bộ trưởng của mỗi quốc gia. Đây là thiết chế duy nhất của EU mà ở đó mỗi thành viên là người đại diện cho lợi ích quốc gia của mình khi tham gia những quyết định cuối cùng.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có nhiệm kỳ 6 tháng, có vai trò rất quan trọng, có quyền triệu tập Hội đồng bộ trưởng của từng thành viên. Có thể thấy mô hình EU như một siêu quốc gia, có luật pháp chung, đồng tiền chung, lưu thông không biên giới song lợi ích của từng quốc gia vẫn có nhiều sự khác biệt và được tôn trọng.

Vấn đề đặt ra là với dân số trên 500 triệu người, bằng 1/3 dân số Trung Quốc, gấp 2 lần dân số Nhật Bản, với nền khoa học kỹ thuật và y học tiên tiến vào bậc nhất thế giới, nhưng khi dịch COVID-19 xuất hiện, số ca nhiễm và số người tử vong đã tăng nhanh chóng và cao.

Ngoài những nguyên nhân về phản ứng chậm và thiếu nhất quán trong giải pháp chống dịch của chính phủ một số Quốc gia, văn hóa giao tiếp và sự chủ quan của một bộ phận người dân... còn có thể kể đến một số nguyên nhân nội tại trong mô hình EU:Thứ nhất, lưu thông không biên giới trong EU đã góp phần làm dịch bệnh lan truyền nhanh từ quốc gia này sang quốc gia khác, cơ chế của EU đã tạo nên phản ứng chậm, EU không thể đơn phương áp đặt các biện pháp mạnh tay chống dịch cho các quốc gia, thậm chí phong tỏa một quốc gia trong khối khi không phải là quyết định của chính quốc gia đó, mặc dù EU là mô hình siêu quốc gia, đề cao giá trị dân chủ và bình đẳng, song sự điều hành không thể như của một quốc gia truyền thống, khi mà cơ quan trung ương, chính phủ có quyền ra quyết định cho các tỉnh và thành phố trực thuộc như hạn chế đi lại hay phong tỏa trong điều kiện dịch bệnh.

Thứ hai, sự hỗ trợ của các quốc gia đối với các quốc gia tâm dịch cũng bị hạn chế, nó hoàn toàn tự nguyện và biểu đạt sự đoàn kết, chia sẻ. Vì mỗi quốc gia vẫn phải đặt lợi ích quốc gia mình cao nhất, không thể so sánh với sự chi viện và hỗ trợ của các tỉnh thành trong cùng một quốc gia dưới sự điều hành của chính phủ quốc gia đó.

Cộng hòa liên bang Đức là một quốc gia trong EU chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19, song tới thời điểm hiện tại, số ca tử vong và tỷ lệ tử vong trên số người nhiễm và trên dân số khá thấp so với các quốc gia khác trong EU đặc biệt là Italia và Tây Ban Nha, ngoài những nguyên nhân như trình độ y học phát triển, ý thức kỷ luật của người dân, còn phải nó đến phản ứng nhanh và nhất quán của Chính phủ Đức. Bất cứ thời điểm nào, các quốc gia luôn đặt lợi ích của mình trên hết và trước hết rồi mới tới sự chi viện hỗ trợ các quốc gia khác.

Vậy giải pháp nào cho một siêu quốc gia như EU để có những phản ứng nhanh nhất, hiệu quả nhất để ứng phó với những thảm họa phi truyền thống? Không thể phủ nhận những mô hình tiên tiến là thành quả của văn minh nhân loại, song cần nhận biết những khiếm khuyết của nó để có những giải pháp chỉnh sửa ngày càng hoàn thiện. Không có gì là không thể làm được nếu chúng ta bắt đầu.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ