Doanh nghiệp và người lao động trong 'vòng xoáy' khủng hoảng - Bài 3: Lo thiếu nhân lực sau Tết

Nhàđầutư
Trước làn sóng thất nghiệp, doanh nghiệp đói vốn tăng cao, khiến viễn cảnh thiếu công nhân sau Tết Nguyên đán hiện hữu. Các cơ quan chức năng đang cố gắng tìm mọi giải pháp để "cứu vãn" tình thế.
LIÊN THƯỢNG
06, Tháng 12, 2022 | 08:01

Nhàđầutư
Trước làn sóng thất nghiệp, doanh nghiệp đói vốn tăng cao, khiến viễn cảnh thiếu công nhân sau Tết Nguyên đán hiện hữu. Các cơ quan chức năng đang cố gắng tìm mọi giải pháp để "cứu vãn" tình thế.

tuyendunglaodong

TP.HCM cần khoảng 43.000 lao động dịp Tết nguyên đán. Ảnh: Lý Tuấn

Thị trường không thấy ánh sáng

Hơn 30 năm làm trong ngành may mặc, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, nói rằng đây là lần đầu gặp cảnh công nhân thiếu việc, nhà máy thiếu đơn hàng diện rộng. Các nhà máy bị giảm 30-50% đơn hàng nên buộc phải ngừng giờ làm, cho công nhân nghỉ luân phiên. Tình hình lúc này còn khó hơn thời điểm Covid-19 bùng phát.

"Lúc Covid-19 lan rộng, chúng ta có niềm tin dịch sẽ được khống chế và doanh nghiệp có cơ sở đề xuất chính phủ hỗ trợ cho công nhân. Giờ đây, chúng tôi cực kỳ lúng túng", ông Hồng cho biết.

Ngường đứng đầu Công ty CP May Sài Gòn 3 ví von hai tháng cuối năm lẫn 6 tháng đầu năm 2023 "như đi vào đường hầm, chưa thấy ánh sáng".

Tình hình sẽ khó khăn hơn bởi nhiều nhà máy có rất ít đơn hàng cho năm mới, trong khi việc xoay xở tìm thêm thị trường không phải dễ. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nhận các đơn hàng giá thấp, thậm chí lỗ để duy trì việc cho công nhân nhưng cũng khó.

Theo số liệu từ Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Mỹ, châu Âu giảm rõ rệt. Cụ thể, châu Âu giảm 60%, Mỹ giảm 30-40%. Lượng hàng tồn kho tăng, chiếm tới 20-25%. Từ quý 4/2022 và dự báo quý 1/2023, doanh nghiệp không có khách hàng mới. Các công ty cạnh tranh đơn hàng khá gay gắt. Nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 40-50%. Không ít doanh nghiệp phải cắt giảm lao động và quy mô sản xuất.

Chia sẻ với báo chí, bà Bùi Thị Ninh, Trưởng văn phòng Giới sử dụng lao động (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI - chi nhánh TP.HCM) cho biết, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng giày dép, áo quần, nội thất của dân châu Âu, Mỹ vốn là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam giảm, nên các nhà máy gia công cho các nhãn hàng bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, nhiều công ty hoạt động trong các ngành phụ trợ cho thị trường Nhật, doanh thu cũng sụt giảm do đồng yen mất giá.

Theo thống kê trên địa bàn thành phố, số doanh nghiệp đang hoạt động là 248.897 đơn vị. Tại thời điểm tháng 10/2022, tổng số lao động đang làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội là 2.496.211 người, tăng 345.660 người so cùng kỳ năm 2021 và tăng 100.104 người so với 6 tháng đầu năm 2022. Dự kiến, cuối năm, các doanh nghiệp của thành phố cần khoảng 43.000 lao động, tập trung nhiều ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất tiêu dùng phục vụ dịp lễ, Tết.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), nêu một khảo sát của viện cho thấy 60% lao động vào các nhà máy sản xuất làm việc mà không cần bất cứ điều kiện gì, tức rất dễ tuyển và cũng dễ bị thay thế khi nhà máy gặp khó khăn về tài chính. Khảo sát cho thấy hơn 10% lao động lớn tuổi ở miền Tây về từ các tỉnh thành công nghiệp, chủ yếu hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi hưu. Đây là hệ quả của nền kinh tế thâm dụng lao động và công nhân dễ bị đào thải khi xảy ra dịch bệnh, kinh tế suy thoái.

"Khi thị trường bên ngoài chững lại, các nhà máy xuất khẩu không giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, nhà nước cần xem đây là dịp để cân đối lại tỷ trọng của các ngành, điều phối lao động giữa các ngành sản xuất, dịch vụ, xây dựng... Trước mắt, một phương án có thể tạo ra việc làm mới cho người lao động là thúc đẩy nhanh các dự án đầu tư công ở các ngành, địa phương. Hiện hàng trăm nghìn tỷ đồng không giải ngân được đồng nghĩa hàng triệu chỗ làm mới đã không được tạo ra", ông Lộc đánh giá.

Giải bài toán lao động sau Tết

Trong khi đó, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho hay cơ quan này đang tổng hợp báo cáo, đề xuất Thủ tướng có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị giảm sâu đơn hàng. Phía công đoàn sẽ hỗ trợ những trường hợp khó khăn, động viên các chủ doanh nghiệp cố gắng giữ người lao động để chờ phục hồi. "Nhìn vào bài học sau dịch sẽ thấy, những doanh nghiệp vội vàng sa thải lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thị trường phục hồi", ông Phan Anh nói.

Dự báo về nhu cầu đáp ứng nguồn lực lao động sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo Nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, việc cắt giảm nhân sự và cho nghỉ Tết sớm và dài của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ dẫn đến hai luồng dịch chuyển lao động.

"Những lao động nghỉ việc nếu không vướng bận gia đình và ở nhà thuê, có khả năng họ sẽ về quê đón Tết sớm hơn; đối với những người đã có nhà ở hoặc có gia đình ở thành phố, sẽ tiếp tục ở lại và tìm kiếm những công việc mới chính thức hoặc tạm thời như công việc thời vụ trong dịp Tết…" bà Hiếu thông tin và cho biết thêm, sau tết là khoảng thời gian thị trường lao động có nhiều biến động, một phần người lao động về quê ăn Tết không quay trở lại làm việc mà ở lại quê nhà để lập nghiệp, mặt khác người lao động muốn thay đổi công việc để có sự khởi đầu cho một năm mới tốt hơn.

Theo bà Hiếu, để hạn chế tối đa tình trạng thiếu lao động sau Tết Nguyên đán, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng nhân sự; xây dựng chính sách lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động; thường xuyên quan tâm, chăm lo đến sức khỏe, đời sống của họ; ngoài ra, cần có bộ phận kết nối thường xuyên với họ thông qua các hình thức như điện thoại, zalo, facebook,… để giải quyết kịp thời những khó khăn, cũng như nắm bắt được nguyện vọng của họ đảm bảo ổn định nhân sự phục vụ sản xuất, kinh doanh sau Tết.

"Bên cạnh đó, thành phố cũng tiếp tục đồng hành trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động như hỗ trợ lao động mất việc, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ chỗ ở, hỗ trợ xe đưa rước người lao động về quê ăn Tết và quay trở lại làm việc sau Tết hoặc một số chính sách chăm lo đến đời sống của người lao động", bà Hiếu cho biết.

Bên cạnh đó, mới đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra thông báo sẽ phối hợp với các tổ chức, địa phương triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, giữ việc làm cho người lao động; tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, người lao động, tổ chức công đoàn để trao đổi, thảo luận tình hình khó khăn của doanh nghiệp...

Đối với đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc làm, các cấp Công đoàn hiện đang tập trung triển các hoạt động chăm lo nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Dự kiến 1 triệu đoàn viên, người lao động được chăm lo từ nguồn tài chính công đoàn, với mức 500.000 đồng/người. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn còn tổ chức Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2023” tại 22 tỉnh, thành phố nhằm bán hàng thiết yếu với giá 0 đồng, giá ưu đãi… cho đoàn viên, người lao động.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ