Doanh nghiệp lớn trên toàn cầu đua rót tiền vào công nghệ bảo vệ khí hậu

Các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu, thông qua các đơn vị đầu tư riêng của họ, đang rót tiền mạnh vào các công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ khí hậu, có thể giúp họ được hưởng lời từ cuộc chuyển đổi sang năng lượng sạch.
CHÁNH TÀI
20, Tháng 03, 2022 | 07:30

Các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu, thông qua các đơn vị đầu tư riêng của họ, đang rót tiền mạnh vào các công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ khí hậu, có thể giúp họ được hưởng lời từ cuộc chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Anh-1

Tháng 9 năm ngoái, hãng hàng không United Airlines đã quyết định góp vốn đầu tư vào Alder Fuels, công ty phát triển nhiên liệu máy bay bền vững. Ảnh: TechCrunch

Vốn đầu tư tăng gấp đôi trong vòng một năm

Hôm 16-3, tờ Wall Street Journal dẫn dữ liệu của PitchBook Data, cho biết các quỹ đầu tư mạo hiểm của các doanh nghiệp lớn trên thế giới đã đầu tư 23,2 tỉ đô la vào các startup đang phát triển các công nghệ bảo vệ khí hậu chẳng hạn năng lượng tái tạo, hệ thống trữ năng lượng, xe điện.

Số tiền đầu tư đó tăng hơn gấp đôi so với năm 2020. Nguồn vốn công nghệ khí hậu trải khắp trong 210 thương vụ đầu tư, tăng so với con số 165 thương vụ vào một năm trước đó. Các khoản đầu tư trong giai đoạn đầu này đi kèm với rủi ro tài chính khi mức định giá của các startup công nghệ sạch tăng quá nhanh.

Stefan Gross-Selbeck, đối tác quản lý toàn cầu của Công ty BCG Digital Ventures thuộc Tập đoàn ty tư vấn quản lý BCG (Mỹ), nhận định sự sốt sắng chốt các thương vụ đầu tư này cho thấy các doanh nghiệp đang chịu áp lực phải chứng tỏ rằng họ đang nỗ lực đáp ứng các mục tiêu giảm khí thải carbon.

Gross-Selbeck cho biết những lời kêu gọi hành động vì khí hậu từ các quỹ đầu tư lớn như BlackRock cho thấy các doanh nghiệp  “có nguy cơ không được cấp vốn nữa nếu họ không phát triển một loại chiến lược bền vững”.

Đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ khí hậu là một cách để các doanh nghiệp lớn chứng minh rằng họ đang theo con đường phát triển bền vững. Một cuộc khảo sát của Ernst & Young  công bố hồi tháng 1 cho thấy 25% giám đốc điều hành ở Mỹ coi việc cải thiện hồ sơ về quản trị, xã hội và môi trường của công ty họ là động cơ chính để họ ký kết các thương vụ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ khí hậu.

Trong nhiều ngành, những sản phẩm và dịch vụ xanh, thay thế cho các sản phẩm và dịch vụ gây ô nhiễm, vẫn đang ở giai đoạn đầu của lộ trình phát triển công nghệ và thương mại.

Các công ty đa quốc gia như Cemex (Mexico), nhà sản xuất xi măng lớn nhất Bắc Mỹ và hãng vận tải biển Maersk (Đan Mạch) nằm trong nhóm những doanh nghiệp phát thải nhiều carbon nhất. Họ đang sử dụng các khoản đầu tư mạo hiểm như một công cụ để thúc đẩy một loạt công nghệ sạch.

Phát triển nhiên liệu máy bay có nguồn gốc từ sinh khối

Hồi tháng 6 năm ngoái, hãng hàng không United Airlines (Mỹ) đã ra mắt quỹ đầu tư mạo hiểm, có tên gọi United Airlines Ventures, nhắm đến các startup có thể giúp họ đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050. Quỹ đầu tư này đã thực hiện năm khoản đầu tư kể từ khi thành lập.

Michael Leskinen, Chủ tịch United Airlines Ventures, nói: “Việc sử dụng các công nghệ hiện hành sẽ không giúp chúng tôi đạt được mục tiêu đó. Chúng tôi cần phải đổi mới”. Kế hoạch khí hậu của United Airlines dựa vào các sản phẩm thay thế cho xăng máy bay, làm từ nhiên liệu sinh học, sản phẩm thải bỏ hoặc khí hydro.

Hồi tháng 9 năm ngoái, United Airlines Ventures cùng với Tập đoàn công nghiệp Honeywell International đầu tư vào Alder Fuels, công ty phát triển nhiên liệu máy bay bền vững.  Alder Fuels cho biết đã phát triển thành công một phương pháp có chi phí rẻ để chuyển đổi sinh khối, chẳng hạn như các thành phần vứt bỏ của cây trồng, thành dầu thô thay thế carbon thấp, bền vững có thể sử dụng để sản xuất nhiên liệu hàng không.

Theo Leskinen, United Airlines sử dụng đơn vị đầu tư của hãng như “một đội đặc nhiệm nhỏ” để tạo ra những thay đổi lớn. Ông cho rằng đầu tư mạo hiểm cho phép các công ty giàu tham vọng vượt lên trên đối thủ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nhiên liệu hàng không, nơi có rất ít đổi mới.

Cuối năm ngoái, United Airlines Ventures cùng với các nhà đầu tư khác, bao gồm quỹ đầu tư khí hậu của Amazon, tham gia vòng gọi vốn trị giá 35 triệu đô la của ZeroAvia, startup phát triển động cơ phản lực sử dụng điện và nhiên liệu hydrogen. Thương vụ rót vốn này đi kèm với một thỏa thuận có điều kiện, cho phép United Airlines mua tới 100 động cơ của ZeroAvia để sử dụng trên các máy bay của hãng vào năm 2028.

Wade Sheffer, Giám đốc điều hành GM Ventures, đơn vị đầu tư mạo hiểm của hãng General Motors, cho biết quỹ của ông nhắm đến những công ty phần mềm và phần cứng có thể đưa General Motors đến gần hơn với ba mục tiêu, “không phát thải, không va chạm, không gây tắc nghẽn”.

Ông nói GM Ventures sẽ tìm kiếm những công nghệ xanh mà rốt cục có thể trở thành xu hướng chủ đạo. Tháng trước, GM Ventures đã tham gia vòng gọi vốn 11 triệu đô la của Soelect, startup đang phát triển pin thể rắn có thể được sử dụng cho xe điện thế hệ tiếp theo.

Anh-2

Dữ liệu của PitchBook Data, cho thấy năm ngoái, các quỹ đầu tư mạo hiểm của giới doanh nghiệp trên trên thế giới đã đầu tư 23,2 tỉ đô la vào các startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ khí hậu. Ảnh: WSJ

 Kiếm lợi nhuận từ các dịch vụ bền vững

Các công ty không chỉ đặt cược vào các công nghệ mà một ngày nào đó có thể tạo ra sự chuyển đổi lớn trong hoạt động của chính họ. Đầu tư mạo hiểm cũng có thể là cách cho phép họ sử dụng kiến thức chuyên môn trong ngành của mình để để kiếm lợi nhuận từ nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ bền vững.

Năm 2018, đơn vị đầu tư Công ty bất động sản hậu cần Prologis (Mỹ) đã đầu tư vào Redaptive, startup cung cấp dữ liệu và các công cụ trí tuệ nhân tạo để giảm mức sử dụng năng lượng của các tòa nhà liên quan đến hệ thống sưởi ấm, thông gió, chiếu sáng và điều hòa không khí. Prologis bắt đầu sử dụng các công cụ của Redaptive trong nhà kho mà công ty này quản lý. Những doanh nghiệp thuê nhà kho của Prologis cũng đã đăng ký để sử dụng chúng.

Will O’Donnell, đối tác quản lý của quỹ đầu tư Prologis Ventures, cho biết Prologis có vị trí thế thuận lợi để phát hiện các sản phẩm có thể triển khai sử dụng cho toàn ngành hậu cần.

Gross-Selbeck, đối tác quản lý toàn cầu của Công ty BCG Digital Ventures, nói rằng điều đó cho thấy sự thay đổi lớn trong quan điểm đầu tư liên quan đến bền vững. Theo ông, trước đây, các công ty chỉ tập trung giải quyết lượng khí thải của chính họ, thì giờ đây, họ bắt đầu đặt câu hỏi:  “Làm thế nào tôi có thể đầu tư để xây dựng các sản phẩm và dịch vụ giúp những đối tác khác khi họ nhìn vào chuỗi giá trị của mình?”.

(Theo Kinh tế Sài Gòn Online)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25455.00
EUR 26817.00 26925.00 28131.00
GBP 31233.00 31422.00 32408.00
HKD 3182.00 3195.00 3301.00
CHF 27483.00 27593.00 28463.00
JPY 160.99 161.64 169.14
AUD 16546.00 16612.00 17123.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18239.00 18312.00 18860.00
NZD   15039.00 15548.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3601.00 3736.00
SEK   2307.00 2397.00
NOK   2302.00 2394.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ