Đề xuất nối lại đường bay quốc tế thường lệ

Nhàđầutư
Việc nối lại đường bay quốc tế thường lệ được xem là chiếc "phao cứu sinh" cho ngành hàng không và du lịch, cũng như phù hợp với xu hướng mở cửa trở lại của thế giới.
MY ANH
09, Tháng 11, 2021 | 07:01

Nhàđầutư
Việc nối lại đường bay quốc tế thường lệ được xem là chiếc "phao cứu sinh" cho ngành hàng không và du lịch, cũng như phù hợp với xu hướng mở cửa trở lại của thế giới.

Hang khong May Bay Trong

Hàng không khấp khởi trước thông tin nối lại đường bay quốc tế thường lệ. Ảnh: Trọng Hiếu

Sẽ nối lại đường bay quốc tế từ quý‎ I/2022

Tối 8/11, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất mở lại bay quốc tế. Đề xuất này được xem là sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không; đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch cho các địa phương nói riêng và toàn quốc nói chung đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tuân thủ các quy định về kiểm soát cách ly người nhập cảnh.

"Từ cuối tháng 3/2020 đến nay, do tác động của dịch COVID-19, toàn bộ các chuyến bay quốc tế đến và đi Việt Nam đều được cấp phép theo hình thức: chiều từ Việt Nam đi được phép chở khách và hàng hóa, chiều vào Việt Nam chỉ được chở hàng và việc chở khách phải được cấp có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận", Bộ GTVT thông tin.

Từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2021, chỉ có hơn 274.000 người nhập cảnh qua đường hàng không, các hãng hàng không Việt Nam chủ yếu tổ chức các chuyến bay “giải cứu” công dân về nước.

Theo Bộ GTVT, việc mở lại đường bay quốc tế sẽ được chia thành 3 giai đoạn và hành khách phải đáp ứng một số điều kiện khi nhập cảnh Việt Nam như phải có xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ, phải cài đặt và khai báo y tế điện tử, sàng lọc y tế tại cảng hàng không nơi đến...

Giai đoạn 1 dự kiến sẽ được triển khai từ quý I/2022, tổ chức các chuyến bay không yêu cầu phê duyệt danh sách hành khách vào Việt Nam của các cơ quan có thẩm quyền (trừ các yêu cầu về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế). Đối tượng là công dân Việt Nam và người nước ngoài. Thị trường khai thác là Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nga, Anh, Úc.

Đây là các quốc gia, vùng lãnh thổ hiện có tỷ lệ người dân được tiêm đủ liều vaccine cao hơn Việt Nam, đã và đang thực hiện các chuyến bay “combo”, chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế và là các thị trường hàng không quan trọng đối với các hãng hàng không Việt Nam. Tần suất khai thác 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 12.000 người/tuần).

Trên cơ sở ý kiến của các địa phương liên quan về khả năng bố trí cơ sở cách ly, tiếp nhận hành khách, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Hàng không VN thực hiện công tác cấp phép bay theo quy định.

Giai đoạn 2 triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách mang hộ chiếu vắc xin từ quý II/2022. Thị trường triển khai thực hiện theo nhu cầu của các hãng hàng không, tần suất 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không.

Hành khách mang “hộ chiếu vắc xin” và thực hiện tự cách ly tại nơi cư trú từ 3 - 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hành khách chưa có hộ chiếu vắc xin cách ly tập trung 14 ngày.

Giai đoạn 3 khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu tuỳ thuộc vào diễn biến dịch và tỷ lệ tiêm vắc xin của Việt Nam và thế giới. Thị trường và tần suất khai thác sẽ do các hãng hàng không tự quyết định, triển khai từ quý III/2022.

Đại diện các hãng hàng không Việt Nam đều cho hay, đã sẵn sàng khai thác các đường bay thường lệ quốc tế ngay khi được cấp phép.

Phù hợp với xu hướng của thế giới

Cũng như Việt Nam hay thậm chí còn nhanh hơn, nhiều hãng hàng không trên thế giới đã và đang gấp rút chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng vọt theo sau chính sách mở cửa của các nước.

Theo tờ AFP, ngày 8/11, Mỹ bắt đầu tiếp nhận lại tất cả khách quốc tế đến bằng đường hàng không đã tiêm đủ vắc xin COVID-19. Động thái này được nhiều người chờ đợi từ lâu, sau 18 tháng Mỹ giới hạn khách đến từ hàng chục nước trong bối cảnh đại dịch. Dự kiến việc Mỹ và các nước nới lỏng quy định đi lại sẽ tác động lớn đến ngành hàng không vốn đang mong mỏi phục hồi.

Các hãng hàng không lớn như Air France (Pháp), United Airlines (Mỹ) và Singapore Airlines (Singapore) chứng kiến nhu cầu đi lại tăng vọt và đang loay hoay đáp ứng bằng cách tăng chuyến, thay máy bay lớn hơn và nỗ lực thuê, giữ chân nhân viên.

Các hãng dự báo lượng khách tăng dần trong tháng 1 và 2/2022, và sẽ tăng vọt vào mùa hè năm tới.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), đại dịch COVID-19 đã khiến hàng không toàn cầu thiệt hại nặng và năm 2020 được xem là “năm tồi tệ nhất lịch sử” về nhu cầu đi lại, với lượng khách chỉ 1,8 tỉ, giảm mạnh so với 4,5 tỉ vào năm 2019. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) ước tính lĩnh vực hàng không đã thất thu 371 tỉ USD trong năm ngoái. Một số hãng đã dừng hoạt động như Island Express Air (Canada), Cathay Dragon (Hồng Kông), AtlasGlobal (Thổ Nhĩ Kỳ) và Flybe (Anh), trong khi nhiều hãng khác phải tái cấu trúc để tồn tại.

IATA dự báo lượng khách hàng không có thể đạt 2,3 tỉ trong năm nay, tăng lên 3,4 tỉ vào năm 2022. Dự báo vận tải hàng hóa đường hàng không năm nay sẽ tăng 7,9% so với năm ngoái và tăng 13,2% so với năm 2019.

Theo một số dự báo, hàng không toàn cầu sẽ phải mất hơn 2 năm nữa để hồi phục bằng năm 2019, với các chuyến bay quốc tế đường dài hồi phục chậm hơn, một phần do quy định giới hạn đi lại của các nước.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ