Đề xuất dùng vật tư, nhân sự trong nước ở metro số 1

Trước tiến độ chậm trễ của tuyến metro số 1 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đề nghị sử dụng vật tư, nhân sự trong nước.
THƯ TRẦN
25, Tháng 03, 2021 | 06:59

Trước tiến độ chậm trễ của tuyến metro số 1 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đề nghị sử dụng vật tư, nhân sự trong nước.

Trong báo cáo gửi tới UBND TP.HCM về tình hình triển khai tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đến tháng 3, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết khối lượng toàn tuyến metro số 1 chỉ đạt 82%, không đạt mục tiêu đề ra vào đầu năm 2020 là 85%.

Chuyên gia nước ngoài gặp khó

Theo MAUR, sau đợt bùng phát dịch lần thứ 3 vào cuối tháng 1, công trường bị thắt chặt kiểm soát, nhân sự gặp biến động, tiến độ tuyến metro số 1 chỉ đạt 82,5%.

Trong đó, gói thầu CP1a đạt 81,5% (tăng 1,5% so với kế hoạch), gói CP1b đạt 90,8% (tăng 0,8% so với kế hoạch), gói CP2 đạt 90% (giữ nguyên so với kế hoạch) và gói CP3 đạt 65% (không đạt chỉ tiêu 15% so với kế hoạch là 80%).

MAUR cho biết việc các chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng tiến độ các gói thầu; đặc biệt là công tác thiết kế, thi công những hạng mục phức tạp, đặc thù cần được thực hiện bởi chuyên gia nước ngoài để đảm bảo tối đa chất lượng.

gacongnghecao_zing19_1_

11 nhà ga trên cao của tuyến metro số 1 đã hoàn tất lắp mái. Ảnh: Quỳnh Danh.

Điển hình, việc vận chuyển tàu metro từ Nhật hồi tháng 10 đã chậm 6 tháng so với kế hoạch chỉ vì 2 chuyên gia Nhật Bản phụ trách nâng hạ và bốc dỡ đoàn tàu đầu tiên không thể nhập cảnh thời điểm đó.

Công tác lợp mái ga Tân Cảng (gói CP2) cũng bị chậm trễ vì chờ chuyên gia nước ngoài để đảm bảo tuân thủ tối đa tiêu chí do nhà cung cấp vật liệu mái đưa ra. Theo đó, hạng mục này dự kiến hoàn thành từ tháng 10/2020 nhưng cuối năm ngoái mới hoàn thành.

Phía nhà thầu cũng đệ trình nhiều nguyên nhân khiến tiến độ dự án bị trì hoãn như gián đoạn trong cung cấp và giao nhận vật tư trần nhôm sắt, ống thông gió, ngắt điện...; chi phí quản lý dự án bị đội lên; chi phí phát sinh do dịch bệnh phải hủy đặt tàu, chi phí lưu kho và bảo dưỡng đoàn tàu đầu tiên tại Kasado (Nhật Bản)...

metro06_zing

Việc nhập đoàn tàu bị trì hoãn 6 tháng do chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh tại thời điểm dự kiến. Ảnh: Duy Hiệu.

Nhằm giải quyết khó khăn, hỗ trợ thủ tục nhập cảnh và cấp phép lao động cho chuyên gia nước ngoài, MAUR cho biết đơn vị đã liên tục làm việc với Sở Ngoại vụ, Cục quản lý xuất nhập cảnh và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết.

Tuy nhiên, MAUR cho rằng đến nay, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục áp dụng cách ly, hạn chế đi lại và giao thương. Trong đó có Đức, Tây Ban Nha, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản - nơi vật liệu, thiết bị dự án được sản xuất và nhập về nước ta. Vì vậy, việc xuất nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài dự kiến còn nhiều khó khăn.

Ưu tiên sử dụng vật tư trong nước

Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, vấn đề nhập cảnh của chuyên gia và vận chuyển vật tư từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn, MAUR đề nghị nhà thầu xem xét các phương án sử dụng nguồn vật tư, thiết bị tại chỗ.

Đồng thời, MAUR cho rằng cần cân nhắc sử dụng các nhà thầu phụ, nhân sự trong nước để tạm thay thế và hạn chế phụ thuộc vào nguồn nước ngoài, nhất là các nước từ châu Âu.

MAUR cũng yêu cầu nhà thầu xem xét phương án thử nghiệm, sử dụng, nhập khẩu thiết bị cung cấp từ các chi nhánh ở các nước mà tình hình dịch bệnh được phần nào kiểm soát hay nới lỏng; điển hình là những chi nhánh của tập đoàn, công ty tại các nước thuộc châu Á, Đông Nam Á.

DSC_3967_zing

MAUR đề nghị ưu tiên sử dụng vật liệu và thiết bị được sản xuất trong nước làm dự án thay vì phụ thuộc vào nguồn nước ngoài. Ảnh: Duy Hiệu.

Về phía chủ đầu tư, MAUR cho biết luôn chủ động các biện pháp thắt chặt kiểm tra, đôn đốc tình hình thi công trên công trường, nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng lên tiến độ của dự án.

Tháng 2, MAUR đã khởi động công tác thi công cấp điện trên toàn hệ thống metro số 1. Việc này nhằm kết nối nguồn điện từ 2 trạm điện 110kV ở Bình Thái và Tân Cảng. Trong đó có hệ thống điện suất kéo tạo điều kiện tiến hành vận hành chạy thử tàu.

Ông Mai Hoàng Tùng, kỹ sư Điều phối tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), cho biết đây là phần việc quan trọng nhằm thúc đẩy tiến độ của dự án. Trong điều kiện không chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác kéo cáp có thể hoàn tất sớm nhất vào quý II năm nay.

Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại TP.HCM có tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng. Toàn tuyến dài 19,7 km, trong đó đi ngầm 2,6 km, còn lại là đoạn trên cao. Trước khi dự án chính thức khai thác vào giữa năm 2022, nhiều chiến lược kết nối metro được đưa ra như cầu bộ hành, bãi đậu xe, kết nối xe buýt nhanh BRT… Thành phố đặt mục tiêu đưa tuyến metro số 1 vào vận hành thử nghiệm từ cuối năm nay và khai thác thương mại năm 2022.

(Theo Zing)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ