Đề xuất cơ chế giải quyết dân sự liên quan vụ án hình sự để tháo gỡ nợ xấu

Eximbank cho biết, thực tế nhiều khoản nợ tại các TCTD có tài sản đảm bảo hợp pháp (được công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm đầy đủ theo quy định pháp luật) nhưng khi xử lý gặp nhiều vướng mắc vì có liên quan đến vụ án hình sự khác.
HOÀNG HẢI VƯƠNG
17, Tháng 05, 2023 | 10:28

Eximbank cho biết, thực tế nhiều khoản nợ tại các TCTD có tài sản đảm bảo hợp pháp (được công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm đầy đủ theo quy định pháp luật) nhưng khi xử lý gặp nhiều vướng mắc vì có liên quan đến vụ án hình sự khác.

344578079_3483736415234951_2932235739527415547_n

Ông Hoàng Hải Vương, Giám đốc Khu vực miền Bắc Ngân hàng Eximbank. Ảnh: Trọng Hiếu

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo "Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD (sửa đổi)", nhằm góp ý, nâng cao chất lượng của Dự thảo Luật các TCTD sửa đổi, đặc biệt hành lang pháp lý cho vấn đề xử lý nợ xấu. 

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các Uỷ ban Kinh tế, Pháp luật của Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Hiệp hội Ngân hàng, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, các chuyên gia tài chính, chuyên gia pháp lý và các ngân hàng thương mại.

Tạp chí Nhà đầu tư xin trận trọng giới thiệu bài tham luận của ông Hoàng Hải VươngGiám đốc Khu vực miền Bắc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank):

Khó khăn trong xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản bảo đảm, các góp ý, đề xuất trong Dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) từ thực tiễn Eximbank

Nợ xấu là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các ngân hàng thương mại, đặc biệt tại Việt Nam, tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng tài sản, mang lại nguồn thu nhập lớn nhất song cũng là hoạt động mang lại rủi ro nhất cho Ngân hàng. Chính vì thế, để phát triển an toàn, hiệu quả hoạt động các ngân hàng thương mại cần chú trọng: thứ nhất, là chất lượng cấp tín dụng, dịch vụ; thứ hai, là quản lý nợ xấu. Trong đó quản lý nợ xấu là vấn đề rất quan trọng, vì đây là nguyên nhân có mức độ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng, đồng thời làm ngưng trệ lưu thông nguồn vốn trong nền kinh tế Việt Nam.

Những khó khăn trong xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản bảo đảm:

Trong thời gian qua, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42. Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc; một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết số 42 chưa phát huy hiệu quả (như áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án...).

Đối với nợ xấu nói chung, xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao; một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống. Ủy ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng; các giải pháp đã triển khai thực hiện để nhận diện cũng như kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay, nhất là các khoản thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Bên cạnh đó, trước áp lực nợ xấu của các TCTD dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, Ngân hàng nhà nước có các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” vào các tài sản tiềm ẩn rủi ro cao, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động cho vay, đầu tư vào các tài sản này.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt với những biến động của thị trường tiền tệ thế giới nhằm bảo đảm nguồn vốn được khơi thông; Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng cường tính minh bạch, nâng cao khả năng quản trị điều hành, quản trị rủi ro, tăng cường năng lực tài chính nhằm bảo đảm các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về an toàn vốn và quản trị vốn; Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về xử lý nợ xấu đến các tầng lớp nhân dân để khách hàng và các bên liên quan trong công tác xử lý nợ có ý thức và chủ động thực hiện.

Dưới đây là một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu:

Thứ nhất, một trong những khó khăn lớn nhất là việc thu giữ tài sản bảo đảm; theo Nghị quyết 42 thì quyền thu giữ tài sản bảo đảm phải đi kèm với điều kiện là hồ sơ thế chấp giữa khách hàng và các TCTD phải có thỏa thuận về các điều khoản thu giữ tài sản bảo đảm, song thực tế là tính đến thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực, đa số các hợp đồng thế chấp không có điều khoản này, như vậy muốn thực hiện được thì các TCTD phải tiến hành đàm phán với khách hàng vay để ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh, tuy nhiên đối với những khoản nợ xấu đã phát sinh thì thuyết phục khách hàng trả nợ vay đã khó, thuyết phục khách hàng ký phụ lục hợp đồng còn khó khăn hơn rất nhiều.

Thứ hai, thẩm định giá để bán các khoản nợ chưa thống nhất, một trong những khó khăn trong án các khoản nợ xấu là việc xác định giá trị khoản nợ theo giá thị trường để làm cơ sở mua, bán nợ còn gặp nhiều khó khăn khi việc định giá khoản nợ được các tổ chức thẩm định giá thực hiện nhưng chưa có một chuẩn mực thống nhất, có nhiều khác biệt về phương pháp thẩm định, cũng như các tiêu chí định giá còn có những khác biệt giữa các tổ chức thẩm định giá, dẫn đến việc bên bán khoản nợ không dám quyết định do lo ngại mức giá bán đưa ra mang tính chủ quan và có thể thấp hơn so với giá trị khoản nợ, còn người mua cũng gặp khó khăn việc lựa chọn giá thị trường để tham khảo cho giao dịch mua nợ.

Thứ ba, việc xử lý nợ xấu quan trọng là phải làm sao để những khoản nợ được thu hồi một cách tối đa, xử lý nhanh tài sản đảm bảo. Để làm được điều đó, ngoài sự chủ động, nỗ lực của các TCTD thì rất cần sự phối hợp và hỗ trợ tích cực từ các cơ quan quản lý nhà nước như Công an địa phương, Văn phòng Đăng ký đất đai, Cơ quan Thi hành án, VKS, Tòa án cấp cơ sở...

Thứ tư, vướng mắc trong thủ tục thuế khi sang tên cho người mua tài sản bảo đảm: việc chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về nộp thuế khi xử lý tài sản bảo đảm cũng là một vướng mắc cần sớm được giải quyết. Theo quy định của Nghị quyết 42, số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ cho các TCTD… trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ khác, tuy nhiên khi thực tế triển khai nếu chưa nộp đủ các loại thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế khác của người phải thi hành án thì cơ quan thuế sẽ không chuyển thông báo nộp thuế cho văn phòng đăng ký đất đai, do đó TCTD không thực hiện được thủ tục sang tên cho người mua tài sản bảo đảm.

Thứ năm, việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn rất hạn chế, thực tế hiện nay chưa có nhiều vụ án được áp dụng tranh chấp theo thủ tục rút gọn. Một trong những nguyên nhân là do sau gần một năm Nghị quyết 42 có hiệu lực, Tòa án Nhân dân tối cao mới ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng các quy định của Nghị quyết 42 và khi có hướng dẫn, việc hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của Tòa án gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn như việc thực hiện quy định về xác nhận công nợ, các tài liệu chứng minh về nơi cư trú của người bị kiện, khi xảy ra nợ xấu, đa phần khách hàng trốn tránh, không hợp tác với TCTD để xử lý, nên việc xác nhận này rất khó có thể thực hiện.

Những thay đổi trong xử lý nợ xấu của Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) và góp ý, đề xuất từ thực tiễn ngân hàng

3.1. Những thay đổi trong xử lý nợ xấu của Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi)

Kế thừa các quy định: Bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; Mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án.

Sửa đổi, bổ sung quy định về Nợ xấu: Nợ xấu được áp dụng các quy định tại về xử lý nợ xấu tại Luật bao gồm: Nợ xấu của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nợ xấu tổ chức mua, bán xử lý nợ xấu đã mua của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng chưa thu hồi được nợ.

Sửa đổi, bổ sung quy định về Mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu: Được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, được thỏa thuận với TCTD phân chia phần giá trị còn lại (nếu có) của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý.

Sửa đổi, bổ sung quy định về Quyền thu giữ tài sản bảo đảm: bổ sung quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền sử dụng dịch vụ thừa phát lại để lập vi bằng ghi nhận việc niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã; bổ sung phương thức thông báo việc thu giữ theo thỏa thuận của các bên; bổ sung quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được sử dụng dịch vụ thừa phát lại để lập vi bằng ghi nhận việc thu giữ tài sản bảo đảm. Biên bản thu giữ hoặc vi bằng là tài liệu thay thế biên bản bàn giao tài sản trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản.

Sửa đổi, bổ sung quy định về Hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính: Bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; bổ sung quy định về việc hoàn trả tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu bị tạm giữ. 

3.2. Một số góp ý, đề xuất trong Dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) từ thực tiễn Ngân hàng

Thứ nhất, thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý, thu hồi nợ quá hạn, nợ xấu:

Theo Điều 189 Dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) Ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Quy định này được kế thừa từ Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Nghị quyết 63/2022/QH15 của Quốc hội về việc kéo dài thời gian hiệu lực Nghị quyết 42 đến hết ngày 31/12/2023.

Tuy nhiên, khi triển khai thực tế, việc thi hành vẫn còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập cụ thể:

- Điểm b, khoản 2, Điều 189 dự thảo quy định: “Tại Hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.”

Thực tế triển khai tại Eximbank, các Hợp đồng bảo đảm ký trước thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017 thì không có điều khoản về việc thu giữ tài sản bảo đảm. Do đó, Eximbank hiện vẫn thể chưa thể triển khai được việc thu giữ tài sản mặc dù việc bảo đảm tài sản vẫn được công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định. Vì vậy, để thuận lợi cho các TCTD được quyền thu giữ tài sản đảm bảo, kiến nghị sửa đổi bổ sung đối tượng nội dung điểm b, khoản 2, Điều 189 điều như sau: “Tài sản thu giữ được Bên bảo đảm thực hiện đầy đủ các thủ tục công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm cho Bên nhận bảo đảm theo quy định của pháp luật”.

- Điểm d, khoản 2, Điều 189 dự thảo có nội dung: “Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền”.

Các khoản nợ xấu tại các TCTD đa phần là các khách hàng bất hợp tác, chống đối và tìm đủ mọi cách để kéo dài thời gian xử lý nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Do đó, khách hàng cố tình nghĩ ra các tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo để kéo dài việc xử lý hồ sơ (ví dụ: tranh chấp thừa kế, tranh chấp hợp đồng đặt cọc, tranh chấp với chủ sở hữu cũ tài sản,…). Các tranh chấp này đa phần phát sinh sau khi khách hàng đã công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm tại các TCTD theo đúng quy định pháp luật.

Vì vậy, Eximbank kiến nghị bỏ nội dung “Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền” do việc thế chấp đã được các Cơ quan chức năng (Phòng công chứng, Văn phòng Đăng ký đất đai, Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm tài sản) chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ (Điều 192)

Quá trình thi hành án, sau khi xử lý bán tài sản trừ các loại phí, chi phí liên quan đến việc thi hành án có rất nhiều khoản nợ không thu đủ nợ gốc. Do đó để đảm bảo quyền lợi, giảm thiểu tổn thất đề xuất chọn phương án số tiền thu được từ xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý TSBĐ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, án phí và nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm. Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, về việc giải quyết vụ án dân sự khi khách hàng đang liên quan đến vụ án hình sự khác:

Thực trạng hiện nay, nhiều khoản nợ tại các TCTD có tài sản đảm bảo hợp pháp (được công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm đầy đủ theo quy định pháp luật), tuy nhiên, trong quá trình xử lý nợ xấu, khách hàng bị khởi tố, truy tố, có liên quan trong vụ án hình sự khác; khi đó, việc khởi kiện tranh chấp dân sự, đòi nợ giữa TCTD và khách hàng sẽ bị Tòa án tạm đình chỉ để chờ kết quả giải quyết của Cơ quan điều tra và Tòa hình sự. Khi Tòa hình sự đã xét xử xong, có bản án có hiệu lực thi hành thì lúc đó TCTD mới tiến hành đòi nợ và xử lý khoản nợ tại Tòa dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự. Do vậy, việc xử lý khoản nợ kéo dài rất lâu chưa kể qua giai đoạn thi hành án, có hồ sơ kéo dài hơn 10 năm mới có thể xử lý thu hồi được tiền.

Vì vậy, Eximbank kiến nghị nếu tài sản bảo đảm khoản nợ tại TCTD được thế chấp hợp pháp thì Cơ quan Công an, Viện KSND ra quyết định cho tách vụ án khởi kiện tranh chấp Hợp đồng tín dụng, tài sản bảo đảm hợp pháp của các TCTD để Tòa án dân sự thực hiện xét xử theo thủ tục tố tụng dân sự như bình thường.

Thứ tư, chuyển nhượng tài sản bảo đảm:

Sau khi thực hiện việc thu giữ, để có thể chuyển nhượng tài sản bảo đảm là bất động sản trong thực tế hiện nay các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong đó chủ yếu là Văn phòng đăng ký đất đai không thực hiện đăng bộ, sang tên nếu bên bảo đảm không ký hợp đồng chuyển nhượng.

Vì vậy, Eximbank kiến nghị bên cạnh việc ban hành Luật các TCTD, Cơ quan Nhà nước nên bổ sung nội dung Văn phòng Đăng ký đất đai được thực hiện thủ tục chuyển nhượng khi các TCTD (bên nhận bảo đảm) ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và trong hồ sơ chuyển nhượng phải bổ sung 01 bản chính hợp đồng bảo đảm đã được công chứng, chứng thực hợp lệ theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án.

Theo Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội thì việc áp dụng thủ tục này cần có hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao. Trên thực tế, các tranh chấp cần giải quyết thộc phạm vi giải quyết của Tòa rất nhiều, nhưng đến nay Tòa vẫn chưa thụ lý vì chưa có hướng dẫn của Tòa án nhân dân Tối cao. Theo đó cần quy định cụ thể trong Luật: Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.

Đồng thời, liên quan đến việc giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng của các ngân hàng, Eximbank kiến nghị Tòa án nhân dân Tối cao quan tâm hơn trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, lập bộ phận chuyên trách để hướng dẫn, đôn đốc các Tòa án địa phương đẩy nhanh việc xét xử, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các TCTD.

Thứ sáu, xử lý khi Bên bảo đảm tự ý bán TSBĐ, cầm cố TSBĐ khi không có sự chấp thuận, đồng ý của TCTD.

Theo quy định như hiện nay của BLDS năm 2015 chưa thực sự bảo đảm quyền lợi cho bên nhận thế chấp tài sản. Vì luật hiện nay chưa quy định rõ hậu quả pháp lý của giao dịch. Do đó, để hạn chế tình trạng này, Eximbank thiết nghĩ, nên bổ sung quy định về hậu quả pháp lý của việc bên thế chấp tự ý bán tài sản thế chấp mà không được sự đồng ý của bên nhận thế chấp để có cơ sở xử lý khi vi phạm xảy ra nhằm răn đe hành vi tự ý bán, chuyển nhượng tài sản đang thế chấp hợp pháp mà không có sự đồng ý của TCTD.

Thứ bảy, về sự phối hợp giữa các Cơ quan ban/ngành, cơ quan chức năng

Hiện nay, chưa có sự phối hợp đồng bộ và thống nhất việc xử lý giữa TCTD và các Cơ quan chức năng (Công an địa phương, Văn phòng Đăng ký đất đai, Cơ quan Thi hành án các cấp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Tòa án nhân dân các cấp và các Bộ/ngành liên quan) nên khi có vấn đề phát sinh cần được giải quyết thì các cơ quan ban/ngành chưa đẩy nhanh xử lý, giải quyết.

Vì vậy, cần thiết phải ban hành Thông tư liên tịch để quy định cụ thể về thời gian xử lý, xác minh, trả lời các văn bản của các Cơ quan chức năng và hướng dẫn các Cơ quan chức năng phối hợp để đẩy nhanh quá trình xử lý, giải quyết hồ sơ của các TCTD.

Đối với việc thi hành án tại các Cơ quan Thi hành án địa phương, Eximbank kiến nghị Tổng cục Thi hành án quan tâm hơn trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, lập bộ phận chuyên trách để hướng dẫn, đôn đốc các Cơ quan Thi hành án địa phương đẩy nhanh việc thi hành các Bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án

Trên đây là một số ý kiến đóng góp về “Dự thảo Luật các TCTD đối với Chương IX. Xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu”.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ