Đề xuất bỏ 14.120 MW điện than trong Quy hoạch điện VIII

Để phù hợp mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, dự thảo Quy hoạch điện VIII đã thay thế công suất điện than bằng khoảng 14GW nguồn điện nền sạch hơn là điện LNG.
TẢ PHÙ
28, Tháng 07, 2022 | 07:00

Để phù hợp mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, dự thảo Quy hoạch điện VIII đã thay thế công suất điện than bằng khoảng 14GW nguồn điện nền sạch hơn là điện LNG.

237c34d57371f4af9f84f483e9ac7a82

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: Bộ Công Thương.

Trong báo cáo mới nhất gửi Thường trực Chính phủ ngày 25/7, Bộ Công Thương cho biết phương án phát triển nguồn điện tại dự thảo Quy hoạch điện VIII sau rà soát là giảm tối đa điện than từ 25-31% vào năm 2030 về còn 9,7-13,2% cho tới năm 2045.

Sau rà soát lại các dự án điện than, điện khí, Bộ Công Thương đề xuất Quy hoạch điện VIII loại bỏ 14.120 MW nhiệt điện than (theo yêu cầu thực hiện các cam kết tại COP26). Trong đó có 8.420 MW do các tập đoàn Nhà nước được giao làm chủ đầu tư, gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao 3.600 MW (Quảng Trạch II, Tân Phước I và Tân Phước II), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao 1.980 MW (Long Phú III), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam được giao 2.840 MW (Cẩm Phả III, Hải Phòng III và Quỳnh Lập I); dự án đầu tư theo hình thức BOT là 4.500 MW (Quỳnh Lập II, Vũng Áng 3, Long Phú II) và chưa giao nhà đầu tư 1.200 MW (Quảng Ninh III).

Trong quá trình rà soát, đánh giá những vấn đề pháp lý khi không xem xét phát triển các dự án điện than nêu trên, Bộ Công Thương cho rằng rủi ro pháp lý là không có đối với các dự án do các Tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư, các chi phí phát triển dự án do các Tập đoàn đã bỏ ra không lớn và cơ bản sẽ được xử lý theo quy định.

Riêng đối với 3 dự án đầu tư theo hình thức BOT, chủ đầu tư các dự án Vũng Áng 3, Long Phú II đã có văn bản xin rút khỏi dự án và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý để các chủ đầu tư dừng phát triển dự án. Dự án BOT Quỳnh Lập II mới được Thủ tướng Chính phủ giao Công ty Posco Energy nghiên cứu, phát triển, nhưng chưa chính thức giao làm chủ đầu tư. Hiện nay, Công ty Posco Energy đã có nhiều văn bản xác nhận không nghiên cứu phát triển dự án Quỳnh Lập II sử dụng than mà đề xuất chuyển đổi nhiên liệu sang sử dụng khí LNG và nâng công suất dự án. Tuy nhiên, dự án này được phát triển theo hình thức BOT và Posco Energy có được làm chủ đầu tư dự án tiếp hay không phải theo quy định Luật Đầu tư theo đối tác công tư (PPP).

Với quy mô của các nguồn nhiệt điện than vào năm 2030 giảm mạnh, để phù hợp mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, dự thảo Quy hoạch điện VIII đã thay thế công suất điện than này bằng khoảng 14GW nguồn điện nền sạch hơn là điện LNG.

Còn lại bù bằng 12-15GW các nguồn năng lượng tái tạo (do số giờ vận hành các dự án nguồn năng lượng tái tạo chỉ bằng khoảng 1/3 (điện gió) và 1/4 (điện mặt trời) so với các nguồn điện than hoặc khí). 

Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14-18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13-16 tỷ m3 vào năm 2045.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng kiến nghị tiếp tục đưa vào quy hoạch hơn 2.428,42 MW điện mặt trời đến năm 2030. Đây là các dự án, hoặc phần dự án đã có chủ trương đầu tư và được chấp thuận nhà đầu tư nhưng chưa vận hành... với tổng chi phí đầu tư khoảng 12.700 tỷ đồng (chưa tính các dự án các địa phương không cung cấp chi phí đã thực hiện). Việc này được giải thích là để tránh rủi ro pháp lý, đền bù cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, Bộ Công Thương kiến nghị Thường trực Chính phủ xem xét thông qua đề án Quy hoạch điện VIII với cơ cấu nguồn đến năm 2030 trong cả hai trường hợp, là có hoặc không bổ sung hơn 2.428,42 MW điện mặt trời vào vận hành trước năm 2030.

Theo đó, nếu hơn 2.428,42 MW điện mặt trời được chấp thuận phát triển tiếp đến 2030 thì tổng công suất các nhà máy điện khoảng 120.995- 148.358 MW (không gồm điện mặt trời mái nhà, các nguồn điện đồng phát), cụ thể: Thủy điện (tính cả thủy điện nhỏ) đạt 26.795-28.946 MW chiếm tỷ lệ 19,5-22,1%; nhiệt điện than 37.467 MW chiếm tỷ lệ 25,3-31%; nhiệt điện khí (tính cả nguồn điện sử dụng LNG) 29.880-38.980 MW chiếm tỷ lệ 24,7-26,3%; năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, ...) 21.666-35.516 MW chiếm tỷ lệ 17,9- 23,9%; nhập khẩu điện 3.937-5.000 MW chiếm tỷ lệ 3,3-3,4%.

Với các dự án điện mặt trời đã quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư (tổng công suất trên 4.136,25 MW), Bộ Công Thương đề nghị giãn tiến độ các dự án này sang giai đoạn sau năm 2030 mới phát triển tiếp.

Định kỳ hàng năm thực hiện rà soát, tính toán khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất cục bộ, vận hành an toàn kinh tế của hệ thống. Trường hợp cần thiết xem xét báo cáo Chính phủ cho phép đẩy lên giai đoạn trước năm 2030 nếu các nguồn khác chậm tiến độ để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tranh thủ mức giá ngày càng rẻ của điện mặt trời.

Trước kiến nghị của Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ cách đây 2 ngày đã đề nghị các bộ, ngành liên quan góp ý và gửi cơ quan thường trực Chính phủ trước ngày 28/7.

Dự thảo quy hoạch điện VIII được Bộ Công Thương trình Thủ tướng lần 1 vào tháng 3/2021. Sau nhiều lần góp ý, chỉnh sửa cuối tháng 4, Bộ Công Thương đã trình lại Thủ tướng lần 3 bản. Dự thảo quy hoạch này đã hai lần được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, nhưng tới giờ vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ