Đầu tư nước ngoài với xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ

Nhàđầutư
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu vấn đề: “Chúng ta cứ thu hút đầu tư nước ngoài vào thật nhiều, ký kết thật nhiều thì rất hoan nghênh, nhưng có phụ thuộc vào người ta không” (?).
GS.TSKH NGUYỄN MẠI
23, Tháng 06, 2019 | 07:00

Nhàđầutư
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu vấn đề: “Chúng ta cứ thu hút đầu tư nước ngoài vào thật nhiều, ký kết thật nhiều thì rất hoan nghênh, nhưng có phụ thuộc vào người ta không” (?).

Tại diễn văn khai mạc Hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ 10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu vấn đề: "Các thành phần kinh tế thì có nhà nước, tập thể, tư nhân, sở hữu hỗn hợp, có đầu tư nước ngoài. Chúng ta cứ thu hút đầu tư nước ngoài vào thật nhiều, ký kết thật nhiều thì rất hoan nghênh, nhưng đầu tư vào đây thì ta sẽ quản lý thế nào? Có phụ thuộc vào người ta không? Có giữ được độc lập tự chủ không? Trong khi đó, yêu cầu là hội nhập kinh tế nhưng phải độc lập tự chủ".

CNH

Đầu tư nước ngoài với xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ

Với cách tiếp cận từ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế với độc lập tự chủ, bài này tìm câu trả lời cho vấn đề đó.

Nền kinh tế độc lập tự chủ trong toàn cầu hóa

Độc lập tự chủ về chính trị và về kinh tế có quan hệ hữu cơ và tác động qua lại với nhau, là điều kiện của nhau.

Độc lập tự chủ về chính trị là quyền của mỗi dân tộc tự quyết định chế độ chính trị- xã hội, đường lối đối nội, đối ngoại dựa trên căn bản lợi ích dân tộc, không chịu sự chi phối hoặc chịu bất kỳ sức ép nào từ các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế. Đối nội, Nhà nước đề ra chính sách theo hướng mở rộng dân chủ, tôn trọng quyền cơ bản của con người, ổn định chính trị - xã hội, động viên và huy động mọi nguồn lực cho các chiến lược phát triển. Đối ngoại, Nhà nước đề ra chính sách hợp tác quốc tế dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, không xâm phạm và không can thiệp vào công việc nội trị của nhau, mở rộng các lĩnh vực đối ngoại từ chính trị, ngoại giao đến kinh tế thông qua các kênh liên hệ- nhà nước và phi nhà nước.

Độc lập tự chủ về kinh tế trước hết và quan trọng nhất là về đường lối, chính sách, luật pháp kinh tế được xây dựng thành hệ thống hoàn chỉnh đặt trên căn bản lợi ích dân tộc hướng vào những mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; trên cơ sở đó xây dựng nền kinh tế ngày càng hiện đại, có sức cạnh tranh cao, đạt được hiệu quả kinh tế- xã hội ngày càng lớn, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Liên quan đến độc lập tự chủ của từng nước là sức mạnh quốc gia. Vị thế của mỗi nước trong khu vực và trên thế giới được xác định trên cơ sở sức mạnh quốc gia của nước đó. Theo Gregory F. Treverton và Seth G. Jones thì “Sức mạnh quốc gia có thể được hiểu ở ba cấp độ (1) Các nguồn lực hay các khả năng, hay sức mạnh hữu hiệu (power-in being); (2) Sức mạnh đó được chuyển đổi thông qua các tiến trình quốc gia như thế nào; (3) Và sức mạnh trong các kết quả (outcomes), hay quốc gia nào nổi lên chiếm ưu thế trong những tình huống đặc biệt”. Vấn đề chung của các quốc gia là khả năng chuyển đổi sức mạnh tiềm tàng thành lực lượng vật chất phục vụ cho các chiến lược kinh tế- xã hội của mỗi nước.

Độc lập tự chủ của quốc gia chỉ có thể được bảo đảm khi Nhà nước đề ra được đường lối, chiến lược phát triển khả dĩ khai thác được sức mạnh quốc gia ở cả ba cấp độ, giữ vững ổn định chính trị- xã hội, tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cảnh báo sớm và có đủ cơ chế, nguồn lực đối phó được với rủi ro trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Toàn cầu hóa đang diễn ra sâu rộng, tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế và nền chính trị thế giới, đến mọi quốc gia, dân tộc mà những giao dịch toàn cầu về hàng hóa, dịch vụ đã làm cho đường biên giới mỗi nước trở nên chật hẹp; khuôn mẫu chung của thế giới là kinh tế thị trường với động lực chính là tự do hóa thương mại và đầu tư gắn với cạnh tranh- thúc đẩy mạnh mẽ sự thay đổi mọi cơ cấu của thế giới.

Hội nhập kinh tế quốc tế là sự chủ động tham gia của mỗi quốc gia vào toàn cầu hóa với nhiều cấp độ và lĩnh vực khác nhau; mở cữa thị trường để buôn bán và đầu tư với thế giới, tham gia các tổ chức hợp tác khu vực từ thấp đến cao như Diễn đàn kinh tế, Khu mậu dịch tự do, Liên minh và Cộng đồng kinh tế, tham gia các định chế toàn cầu, các tổ chức quốc tế.

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế có quan hệ hữu cơ với nhau; cái trước là xu thế chung của thời đại, của loài người, cái sau là sự chủ động của các Nhà nước - dân tộc trong việc tiếp cận xu hướng chung đó và tận dụng có hiệu quả lợi thế của đất nước để được hưởng lợi nhiều nhất và giảm thiểu tác động tiêu cực của toàn cầu hóa.

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế có mặt chủ đạo tích cực đối với thế giới, kể cả các quốc gia đang phát triển là tạo cơ hội cho các dân tộc tận dụng tốt hơn lợi thế so sánh để chấn hưng kinh tế dân tộc; đồng thời có mặt tiêu cực tác động không thuận chiều với các nước đang phát triển và chuyển đổi nền kinh tế.

Không thể hy vọng vào một thế giới công bằng, sự đối xử bình đẳng giữa các nước trên thế giới. Các định chế thế giới như Liên Hiệp Quốc, IMF, WB, WTO được lập ra nhân danh vì lợi ích chung của thế giới nhưng bị chi phối bởi các cường quốc nhất là Mỹ. Các nước đang phát triển phải đấu tranh bằng nhiều công cụ, trên các diễn đàn quốc tế để giảm bớt tình trạng bất công, bảo vệ lợi ích dân tộc trong một thế giới đầy biến động và nhiều rủi ro.

Có phụ thuộc không?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu vấn đề: “Chúng ta cứ thu hút đầu tư nước ngoài vào thật nhiều, ký kết thật nhiều thì rất hoan nghênh, nhưng có phụ thuộc vào người ta không” (?).

Thành tựu của hơn 30 năm thu hút FDI đã được khẳng định tại Báo cáo tổng kết của Bộ Kế hoạch & Đầu tư (tháng 10/2018) với cách tiếp cận khách quan và khoa học dựa trên khảo sát thực trạng tại các địa phương, đồng thời đã nêu lên những nhược điểm, yếu kém, vấn đề cần giải quyết để thực hiện định hướng và chính sách mới nhằm thu hút có chất lượng và hiệu quả kinh tế- xã hội cao hơn FDI thế hệ mới.

Tuy vậy một số người có cách tiếp cận thiếu khoa học về công nghệ, chuyển giá, trốn thuế, lậu thuế, gây ô nhiễm môi trường, tranh chấp lao động, đã đưa ra các nhận định tiêu cực như:

- 85% công nghệ của doanh nghiệp FDI là công nghệ trung bình (!).

- Phần lớn doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường (!).

- Doanh nghiệp FDI chèn lấn doanh nghiệp trong nước (!).

- Doanh nghiệp FDI đóng góp quá ít vào thu ngân sách, GDP (!)...

Để nhận thức đúng những vấn đề phát sinh gắn với FDI cần có cách tiếp cận khoa học. Lấy đâu ra con số 85% công nghệ là trung bình, trong khi công nghệ gắn với từng ngành kinh tế.

Thăm dò và khai thác dầu khí là ngành thu hút được nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như BP, BHP, Total, Shell đã tiến hành tại thềm lục địa Việt Nam với công nghệ hiện đại và dịch vụ tiền tiến, do đó PVN đã đào tạo được đội ngũ cán bộ công nghệ, quản trị doanh nghiệp đủ năng lực làm chủ và sáng tạo công nghệ mới.

Viễn thông là ngành bắt đầu từ hợp tác giữa VNPT với Telstra của Australia, nhờ đó mà có công nghệ hiện đại cả khi Mỹ còn cấm vận đối với Việt Nam, tiếp cận với dịch vụ tiến tiến, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao và giỏi ngoại ngữ, tạo tiền đề để ngành này phát triển nhanh về dịch vụ 3G, 4G và đang triển khai 5G, đạt trình độ các nước tiền tiến trong khu vực.

Trong ngành dệt may thì khâu may là công nghệ trung bình, còn khâu thiết kế và cắt là công nghệ hiện đại, Theo Tập đoàn dệt may Việt Nam thì năng suất lao động của nước ta thuộc lợi cao nhất trong các nước có kim ngạch xuất khẩu lớn trên thế giới.

Nổi lên gần đây là luận điểm cho rằng doanh nghiệp FDI chèn lấn doanh nghiệp trong nước; nhưng chưa thấy ai chứng minh trường hợp cụ thể trên thị trường.

Samsung là nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam với 17,5 tỷ USD vốn thực hiện (2018), 175 nghìn lao động trực tiếp, kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tập đoàn này không những không chèn ép mà còn có quan hệ hợp tác thành công với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đã hình thành mạng lới công nghiệp hỗ trợ với 25 nhà cung cấp (vender) cấp 1 và gần 200 vender cấp 2, cấp 3 là doanh nghiệp trong nước.

Có phải vì chèn ép doanh nghiệp trong nước mà doanh nghiệp FDI chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu không?. Hãy nhìn con số thống kê 5 tháng năm 2019, trong khi doanh nghiệp trong nước nhập siêu trên 13,28 tỷ USD thì doanh nghiệp FDI xuất siêu 12,73 tỷ USD, do đó cả nước chỉ nhập siêu hơn 550 triệu USD. Thử hỏi nếu không có doanh nghiệp FDI thì lấy đâu ra ngoại tệ để doanh nghiệp trong nước nhập khẩu máy móc thiết bị cho hàng vạn doanh nghiệp mới thành lập, nguyên vật liệu cho sản xuất và hàng tiêu dùng cho dân cư.

Những vấn đề tiêu cực khác như ô nhiễm môi trường, trốn thuế, lậu thuế, tranh chấp lao động cũng cần được nghiên cứu gắn với mặt trái của kinh tế thị trường, chứ không phải chỉ là của khu vực FDI, trong đó liên quan đến năng lực quản lý nhà nước, bởi vì chừng nào sự yếu kém của bộ máy nhà nước trong việc hình thành thể chế, hướng dẫn và kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý thì chừng đó các doanh nghiệp kể cả trong nước và FDI còn lợi dụng để vi phạm luật pháp.

Nước ta đã có được khoảng 750 nghìn doanh nghiệp, trong đó trên 28 nghìn doanh nghiệp FDI, vài nghìn doanh nghiệp nhà nước bao gồm vài chục tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp hỗn hợp, hơn 700 nghìn doanh nghiệp tư nhân, trong đó trên 2% là doanh nghiệp quy mô lớn với mấy trăm tập đoàn kinh tế, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gần 5 triệu hộ kinh doanh. Đó là đội quân chủ lực đang được phát triển cả số lượng và quy mô để đạt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 và 2 triệu DN vào năm 2030.

Vấn đề quan trọng nhất trong định hướng phát triển doanh nghiệp Việt Nam là kết nối các loại hình doanh nghiệp theo chuỗi cung ứng sản phẩm để tạo nên năng lực cạnh tranh cao hơn, làm chủ thị trường trong nước và có chổ đứng vững chắc trên thị trường thế giới, bảo đảm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số theo hướng đổi mới, sáng tạo từ R&D, thương hiệu đến sản phẩm “made in Vietnam”.

Bảo vệ lợi ích dân tộc

Hợp tác và cạnh tranh là hai mặt của kinh doanh trên thị trường. Giống như cơ thế sống, doanh nghiệp tồn tại, phát triển khi đương đầu thành công với các đối thủ cạnh tranh và hợp tác có kết quả với các đối tác. Quy luật đào thải của kinh tế thị trường buộc nhiều doanh nghiệp phá sản do kinh doanh thua lỗ. Do vậy, khi quan sát hàng năm có hàng vạn doanh nghiệp tư nhân rút lui khỏi thị trường, hàng trăm doanh nghiệp FDI ngừng hoạt động cần có cách tiếp cận phù hợp với tình hình thị trường.

Trừ các doanh nghiệp công ích, xã hội, phi lợi nhuận; các loại hình doanh nghiệp đều theo đuổi lợi nhuận tối đa, đồng thời thực hiện chức năng xã hội. Nhà nước đại diện cho lợi ích dân tộc, là bà đỡ của doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý cho sự ra đời, hoạt động sản xuất- kinh doanh, phá sản và kết thúc của doanh nghiệp. Do đó, trong mỗi giai đoạn phát triển, Nhà nước điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách, luật pháp và các thủ tục hành chính để doanh nghiệp phát triển trong môi trường kinh doanh và đầu tư ngày càng thuận lợi.

Liên quan đến xây dựng kinh tế độc lập tự chủ, đối với khu vực FDI, nổi lên ba vấn đề quan trọng nhất:

1) Chính sách ưu đãi

Theo UNCTAD (1996) “Ưu đãi đầu tư là các biện pháp được các chính phủ sử dụng để thu hút đầu tư, hướng các dự án đầu tư vào các ngành, khu vực cần thiết hoặc tác động lớn đến tính chất một đầu tư”.

Các ưu đãi đầu tư bao gồm “bất kỳ lợi thế kinh tế nào có thể đo được dành cho các doanh nghiệp hoặc các loại hình doanh nghiệp cụ thể bởi Chính phủ (hay theo sự chỉ đạo của Chính phủ) nhằm khuyến khích các doanh nghiệp ứng xử theo một cách nhất định. Các ưu đãi này bao gồm các biện pháp được chuyên thiết kế để tăng tỷ lệ thu hồi vốn của một dự án đầu tư cụ thể hoặc để giảm bớt hay phân bố lại chi phí hoặc rủi ro của dự án đầu tư”.

Từ Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đến Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 Việt Nam coi trọng việc miễn giảm thuế đối với dự án FDI theo ngành và địa phương. Một số tỉnh, thành phố ở nước ta đã lạm dụng ưu đãi đầu tư miễn là thu hút được FDI mà không tính đến hiệu quả kinh tế- xã hội của địa phương, thậm chí miễn giảm thuế, tiền thuê đất đến mức UBND tỉnh phải vay tiền nhà đầu tư để trả chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng mà không biết liệu khi dự án đầu tư đi vào hoạt động thì thu ngân sách địa phương có đảm bảo hoàn lại không.

Một số nghiên cứu quốc tế đã cảnh báo các Chính phủ về việc chạy đua tăng ưu đãi đầu tư đang trở thành vấn đề toàn cầu, kiến nghị cơ chế hợp tác giữa các quốc gia nhằm hợp lý hóa việc quy định các ưu đãi để tránh vượt quá mức cần thiết, lãng phí và dẫn đến bóp méo cơ chế ưu đãi.

Ưu đãi đầu tư không chỉ có thuế mà còn bao gồm ưu đãi tài chính và ưu đãi phi tài chính mà Việt Nam chưa quan tâm đúng mức. Ưu đãi tài chính phổ biến nhất là các khoản trợ cấp của Chính phủ, tín dụng lãi suất thấp, bảo hiểm tín dụng, tham gia góp vốn của Chính phủ. Các nước phát triển áp dụng phổ biến ưu đãi tài chính, một số nước ASEAN trong những năm gần đây đã tăng dần ưu đãi tài chính. Việt Nam mới dành ưu đãi tài chính cho vài dự án công nghệ cao, phương thức BOT, BT.

Khi Việt Nam hướng đến thu hút FDI vào các Tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới thì cần coi trọng ưu đãi tài chính với quy định công khai, minh bạch và ổn định mới đủ sức hấp dẫn các TNCs đối với ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại.

Ưu đãi phi tài chính gồm việc sử dụng cơ sở hạ tầng, dịch vụ với giá cả hấp dẫn, ưu tiên lựa chọn thị trường, đảm bảo nhu cầu ngoại tệ.

Xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư đối với FDI thế hệ mới là rất cần thiết để đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư tiềm năng, đồng thời bảo đảm lợi ích dân tộc thông qua thu ngân sách và lợi ích xã hội.

2) Quyền lựa chọn

Trong khi nhà đầu tư có quyền lưa chọn quốc gia, địa phương thực hiện dự án FDI kể cả quyền chuyển nhà máy, trụ sở doanh nghiệp từ nước này sang nước khác thì nước nhận đầu tư có quyền lựa chọn dự án, nhà đầu tư, quyền khuyến khích hoặc hạn chế FDI.

Quyền lựa chọn gắn với việc đặt ra các kịch bản, cân nhắc các phương án để chọn được phương án tối ưu dựa trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế- xã hội của từng dự án đầu tư. Theo đó, các vấn đề có tình nguyên tắc cần được cân nhắc trước khi ra quyết định đầu tư: 1) Nếu dự án phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương thì ưu tiên chọn nhà đầu tư trong nước nếu hội đủ điều kiện cần thiết; trong trường hợp bất khả kháng thì chọn nhà đầu tư nước ngoài; 2) Nếu chưa có quy hoạch, chưa có ý đồ, khi có nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ ý muốn thực hiện dự án thì cần nghiên cứu tính khả thi của dự án kể cả lựa chọn địa điểm đầu tư, thị trường, các ưu đãi trước khi ra quyết định đầu tư; 3) Khi đã quyết định chọn nhà đầu tư nước ngoài thì nên ưu tiên cho tập đoàn kinh tế nào có đủ tiềm lực để có công nghệ hiện đại, R&D, bồi dưỡng nguồn nhân lực phù hợp với định hướng mới của Nhà nước.

Đáng tiếc là từ khi Chính phủ phân cấp tương đối toàn diện, thì chính quyền một số địa phương, Ban Quản lý KKT, KCN chưa quan tâm đầy đủ việc thực thi quyền lựa chọn nhà đầu tư nên đã xảy ra tình trạng lọi dụng việc “rải thảm đỏ đón nhà đầu tư”, một số tổ chức, cá nhân không có tiềm năng đã đăng ký nhiều dự án quy mô lớn, khi không chuyển nhượng được thì tìm cách kéo dài thời gian, gây ra lãng phí nghiêm trọng.

3) Phản ứng chính sách

Trong quản lý nhà nước, hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương chưa chú ý đúng mức phản ứng chính sách.

Vì sao tình trạng ô nhiễm môi trường được báo động liên tục trong khi nhiều dự án đầu tư phải mất thì giờ, tiền của làm báo cáo đánh giá tác động môi trường, thông qua cơ quan thẩm định rồi xếp xó (?).

Vì sao cho đến nay không thể đưa ra được đánh giá khách quan về thực trạng công nghệ của doanh nghiệp FDI (?).

Vì sao tình trạng chuyển giá được phát hiện đã nhiều năm vẫn chưa đi đến thống nhất giải pháp khắc phục (?).

Vì sao không ít doanh nghiệp FDI đóng cữa từ lâu vẩn chưa được xử lý trong khi chủ đầu tư không còn ở lại Việt Nam (?).

Hàng tá vấn đề liên quan đến FDI trôi dài theo năm tháng mà không đưa ra được giải pháp hữu hiệu do năng lực phản ứng chính sách kém, giải pháp khắc phục vấn đề đã phát hiện quá phức tạp, không có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ xử lý từng tình huống, không quy được trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan nhà nước trước mỗi vấn đề nảy sinh.

Đây là một nhược điểm lớn cần được khắc phục để chủ trương thu hút FDI thế hệ mới có hiệu quả kinh tế- xã hội cao hơn, góp phần quan trong hơn vào xây dựng đội ngũ doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bảo đảm tính vững chắc của nền kinh tế độc lập tự chủ.

Vấn đề chính sách ưu đãi, quyền lựa chọn và phản ứng chính sách cần được quan tâm nghiên cứu khi đề ra định hướng chính sách mới về FDI.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ