Dấu hỏi lớn về chất lượng nhân viên môi giới bất động sản

Nhàđầutư
Cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản, nhân viên môi giới bất động sản ở Việt Nam cũng xuất hiện khắp nơi. Tuy nhiên, chỉ có 10% số nhân viên này có chứng chỉ hành nghề, đây là con số đáng báo động và dấu hỏi lớn cho các đơn vị quản lý đội ngũ này.
VŨ PHẠM
01, Tháng 06, 2022 | 12:49

Nhàđầutư
Cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản, nhân viên môi giới bất động sản ở Việt Nam cũng xuất hiện khắp nơi. Tuy nhiên, chỉ có 10% số nhân viên này có chứng chỉ hành nghề, đây là con số đáng báo động và dấu hỏi lớn cho các đơn vị quản lý đội ngũ này.

moi-gioi-bat-dong-san

Nhân viên môi giới dẫn khách đi xem thực tế dự án Urban Green, TP. Thủ Đức vào cuối tháng 11/2021 - lúc dự án chỉ là bãi đất trống. Ảnh: Đình Nguyên

Sử dụng mọi "chiêu trò"

Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, những người làm môi giới bất động sản (BĐS) đã đóng một vai trò quan trọng cho sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững của thị trường BĐS Việt Nam.

Dẫu vậy, cùng với sự phát triển của thị trường, một bộ phận nhân viên môi giới bất chấp thủ đoạn sử dụng hình ảnh của thương hiệu lớn nhằm chèo kéo khách hàng, thậm chí là "nhái" tên dự án để thu hút sự chú ý.

Đơn cử như tháng 5/2021, thị trường BĐS TP.HCM xuất hiện dự án quảng cáo mang tên Dự án Vạn Phúc Nam Sài Gòn do CTCP Vạn Phúc Invest làm chủ đầu tư, 

Tuy nhiên, tại TP.HCM, chỉ có tên doanh nghiệp là CTCP Đầu tư bất động sản Vạn Phúc (Vạn Phúc Group) làm chủ đầu tư dự án Vạn Phúc City tại TP. Thủ Đức. Đây là một trong những doanh nghiệp BĐS lớn của Việt Nam cũng như tại TP.HCM.

Qua trao đổi, phóng viên Nhadatu.vn được nhân viên môi giới quảng cáo dự án nằm ngay QL 50, huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, nhân viên môi giới này lại không dẫn ra vị trí như quảng cáo mà lại đưa xuống một dự án đất nền phân lô tại huyện Cần Giuộc, Long An.

Khi phóng viên hỏi dự án Vạn Phúc Nam Sài Gòn ở đâu, thì nhân viên môi giới nói rằng, không có dự án này, thực tế là công ty "dựa hơi" dự án Vạn Phúc City để quảng cáo nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng rồi đưa khách hàng tới dự án khác.

Vẫn tiếp tục câu chuyện của dự án Vạn Phúc City, cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021, nhân viên môi giới của CTCP Kinh doanh Địa ốc Thuận Hùng (Thuận Hùng Group) đã vô tư sử dụng hình ảnh Trung tâm thương mại Vạn Phúc Center để quảng cáo cho dự án Urban Green, cách dự án Vạn Phúc City vài trăm mét.

Không riêng Vạn Phúc Group, nhiều doanh nghiệp lớn như Hưng Thịnh Corp, Hà Đô, Nam Long, Him Lam... cũng bị nhiều sàn môi giới, nhân viên môi giới sử dụng hình ảnh, thương hiệu để bán các sản phẩm dự án.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho biết, thống kê sơ bộ cả nước có hơn 300.000 người hoạt động môi giới BĐS. Trong đó, chỉ có khoảng 30.000 người là có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, các chứng chỉ hành nghề được cấp theo quy định cũ đã hết hiệu lực. Hiện nay số chứng chỉ được cấp lại theo quy định mới chỉ vào khoảng 10.000 trường hợp.

"Thực trạng đó dẫn đến hiện nay, chỉ khoảng 10% số môi giới BĐS có chứng chỉ hành nghề. Ngay cả môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định thì trình độ, năng lực cũng chỉ đạt để tổ chức bán hàng. Việc tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ cũng rất yếu và thiếu", ông Đính nhấn mạnh.

Cần chấn chỉnh chất lượng môi giới

Bà Nguyễn Hương, CEO Đại Phúc Land cho biết, thị trường BĐS phát triển mạnh, kéo theo môi giới BĐS cũng xuất hiện khắp nơi. Có những môi giới BĐS chỉn chu, chuyên nghiệp thì cũng có những môi giới là những người tay ngang, nhảy vào nghề môi giới theo trào lưu, tranh thủ cơ hội và lôi kéo khách bằng đủ chiêu trò.

"Không ở đâu làm nghề môi giới BĐS dễ dàng như ở Việt Nam. Bởi, hiện nay nghề môi giới không đòi hỏi nhiều về bằng cấp, kinh nghiệm và sự hiểu biết mà chỉ cần chịu khó chèo kéo khách hàng là có cơ hội tham gia vào việc bán hàng cho các dự án cùng lời hứa hẹn thu nhập trong mơ", bà Hương nói.

Vị CEO Đại Phúc Land dẫn chứng, một kỹ sư học hành đàng hoàng ra trường làm việc cật lực lương tháng chỉ tầm trên dưới 20 triệu đồng đã là khá. Trong khi một nhân viên môi giới BĐS có thể kiếm số tiền này chỉ trong lần giao dịch thành công. Thu nhập hàng tháng có thể gấp 3-5 lần hoặc lên đến hàng chục lần.

Từ đó, dẫn đến câu chuyện nhiều nhân viên bán hàng bất chấp mọi giá, dùng mọi chiêu thức, thậm chí lừa dối khách hàng để bán được các sản phẩm của dự án. Đồng thời, đây cũng là điểm chính yếu để các công ty BĐS làm dự án "ma", dự án không đủ pháp lý rồi sau đó tìm mọi cách thu hút nhân sự với đầu vào thả nổi, không cần chất lượng.

Theo bà Nguyễn Hương, chân dung các nhân viên môi giới BĐS có thể chia làm 3 phân cấp. Cụ thể, phân cấp 1, nhân viên môi giới hạng A - nhân viên môi giới chuyên nghiệp làm việc tại các tập đoàn BĐS hàng đầu trong và ngoài nước. Đây là đội ngũ được tuyển chọn, có đào tạo bài bản, kinh nghiệm tốt và tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Phân cấp 2, nhân viên môi giới hạng B - các nhân sự có niềm đam mê, tâm huyết nghề nghiệp và có qua đào tạo ở mức cơ bản. Thông thường, các nhân viên này làm cho các công ty môi giới tầm trung hoặc các chủ đầu tư có quy mô vừa và nhỏ. Mức độ trung thành với nghề nghiệp ở mức vừa phải nhưng vẫn mong muốn gắn bó lâu dài. Đặc biệt, nếu hạng này được đào tạo tốt sẽ nâng cao chất lượng và phát triển trong tương lai, nhưng cũng có thể dễ dàng biến chất nếu thả lỏng theo hướng chạy đua doanh số.

Phân cấp 3, nhân viên môi giới hạng C - các môi giới hành nghề tự do, ít được đào tạo bài bản mà chủ yếu là kinh nghiệm thực tiễn đi lên. Ngoài ra, phân cấp này cũng bao gồm các bạn trẻ mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm.

Thành phần môi giới này đôi khi hiểu rõ các vấn đề bất ổn của dự án đang bán nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ, đưa khách hàng vào thế rủi ro. Nhóm môi giới này xuất hiện khi thị trường thuận lợi và cũng dễ dàng rời bỏ khi thị trường khó khăn.

Ngoài ra, còn một đối tượng khác phải kể đến là tầng lớp môi giới thâm niên trong nghề. Đây là những người có tiềm lực, kinh nghiệm chuyên làm giá, thổi giá tạo thị trường nóng sốt ở một vài thời điểm, khu vực, tạo nên hệ lụy lớn cho thị trường và khách hàng.

Bà Nguyễn Hương nhận định, BĐS là sản phẩm có giá trị rất cao, đôi khi là gia tài cả một đời người, do đó, pháp lý dự án khá phức tạp. Để thấu hiểu một sản phẩm đầy đủ cần phải trải qua quá trình đào tạo khá toàn diện và phải đạo đức nghề nghiệp.

Thực tế hiện nay, chất lượng đội ngũ môi giới đã tăng lên đáng kể về mặt số lượng nhưng lại đang bị thả nổi về mặt chất lượng. Thành phần môi giới hạng A chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, khoảng trên dưới 20% và tỷ lệ hạng B đang ở mức 40-50%. Trong khi đó, có khoảng 30-40% tỷ lệ nhân viên môi giới hạng C - thành phần đáng lo ngại bởi đội ngũ này đã gây nên bao câu chuyện bất ổn trong thi trường.

"Đã đến lúc cần chấn chỉnh lại chất lượng đội ngũ môi giới, phải khắt khe hơn, chọn lọc với các tiêu chuẩn đào tạo nền tảng bắt buộc trước khi tham gia vào thị trường, đặc biệt là các quy định về đạo đức nghề nghiệp. Các chế tài phải đủ mạnh để răn đe nếu vi phạm các quy định, có thể phạt tiền, cấm hoạt động trong ngắn hạn hay cấm vĩnh viễn nếu gây hậu quả nghiêm trọng", bà Nguyễn Hương nhấn mạnh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ