Đại biểu Quốc hội băn khoăn tính bảo mật việc quản lý dân cư bằng mã số định danh

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã tỏ ra băn khoăn trước tính khả thi cũng như độ bảo mật thông tin của việc thay thế sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân.
THANH HƯƠNG
16, Tháng 06, 2020 | 16:26

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã tỏ ra băn khoăn trước tính khả thi cũng như độ bảo mật thông tin của việc thay thế sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân.

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) không có các quy định về: Sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu tại Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).

Đồng thời sẽ thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo luật này vào chiều 16/6 về vấn đề này, đại biểu Ngàn Phương Loan (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, nếu Luật Cư trú (sửa đổi) được thông qua thì sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021. Lộ trình dự kiến đến tháng 12/2020, toàn bộ công dân Việt Nam sẽ được cấp số định danh cá nhân. 

“Như vậy, từ nay đến thời gian luật có hiệu lực không còn dài, cùng với những yêu cầu và khó khăn của công tác này đã được chỉ ra trong các báo cáo của Bộ Công an và Báo cáo thẩm tra. Tôi đề nghị Ban soạn thảo làm rõ tính khả thi của việc cấp sổ số định danh cá nhân theo lộ trình, để khi luật có hiệu lực thi hành thì bảo đảm luật được tổ chức triển khai trong cuộc sống”, đại biểu Ngàn Phương Loan nêu ý kiến.

cccd_iexx

Nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra băn khoăn trước tính khả thi của việc thay thế sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân. Ảnh Khả Hòa.

Đại biểu Ngàn Phương Loan cũng cho rằng cần điều khoản chuyển tiếp đối với một số vùng đặc thù có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các quy định mới như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn đặc biệt khó khăn. Bở ở những vùng này, việc chuyển đổi từ sổ hộ khẩu sang số định danh cá nhân có thể cần nhiều thời gian.

“Tôi đề nghị nghiên cứu thêm về điều khoản chuyển tiếp có lộ trình thời gian phù hợp đối với các vùng này để tránh gây xáo trộn khó khăn cho các tổ chức, cá nhân”, đại biểu đoàn Lạng Sơn kiến nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Leo Thị Lịch, đoàn Bắc Giang cũng bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi của quy định thay đổi sổ hộ khẩu bằng số định danh cá nhân bởi ngoài việc phải xử lý một khối lượng thông tin rất lớn cũng khó đảm bảo sự chính xác tuyệt đối thông tin của từng cá nhân, bên cạnh đó còn có thể gặp khó khăn nếu xảy ra sự cố về hệ thống máy tính, đường truyền.

Đại biểu Triệu Thị Huyền, đoàn Yên Bái lại quan tâm đến việc đảm bảo bí mật thông tin cá nhân của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi thực hiện chuyển đổi phương thức quản lý dân cư.

“Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét nghiên cứu bổ sung thêm một khoản trong điều cấm, đó là cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn để khai thác thông tin tiết lộ bí mật cá nhân, bí mật gia đình của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú trái quy định của pháp luật”, đại biểu Triệu Thị Huyền nói.

Báo cáo thẩm tra dự thảo luật này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân, vì việc chứng minh quan hệ hộ gia đình và nhân thân hiện đang chủ yếu dựa vào sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Các thủ tục này đang được quy định trong một số văn bản luật và nhiều văn bản dưới luật. Do đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản này để phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới, đề nghị cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng nêu rõ trong quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân, sổ hộ khẩu trong nhiều trường hợp cũng là căn cứ quan trọng để tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch dân sự như mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại... nhằm xác thực thông tin về nhân thân và nơi cư trú của bên sử dụng dịch vụ.

"Khi không còn sổ hộ khẩu thì việc thực hiện các giao dịch này có thể sẽ gặp khó khăn vì các bên không thể tự mình truy cập Cơ sở dữ liệu về cư trú để xác định thông tin cần thiết", báo cáo thẩm tra cho hay.

Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ và quy định ngay trong luật trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về cư trú giữa các cơ quan nhà nước; việc khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu về cư trú của tổ chức, cá nhân theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi cần sử dụng thông tin về nhân thân, nơi thường trú, tạm trú… trong các cơ sở dữ liệu.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ