Chuyển động nhân sự cấp cao ngân hàng: 'Mỗi nhà mỗi cảnh'

Nhàđầutư
Chưa có mùa đại hội ngân hàng nào ghi nhận nhiều trường hợp thay máu lãnh đạo như năm nay.
NGHI ĐIỀN
11, Tháng 05, 2018 | 15:08

Nhàđầutư
Chưa có mùa đại hội ngân hàng nào ghi nhận nhiều trường hợp thay máu lãnh đạo như năm nay.

ba-thuy-9725-1525942918

 Tân Tổng giám đốc SeABank bà Lê Thu Thuỷ 

Thời "nữ tướng" lên ngôi

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa công bố quyết định bổ nhiệm bà Lê Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch HĐQT giữ chức Tổng giám đốc Ngân hàng. Đây là trường hợp thứ ba trong vòng ba tuần, vị trí điều hành cao nhất của một ngân hàng về tay phái nữ. 

Trước SeABank, ABBank tuần vừa qua cũng đã bổ nhiệm bà Dương Thị Mai Hoa làm CEO. Bà Hoa là người có nhiều kinh nghiệm trong ngành tài chính ngân hàng, từng nhiều năm giữ ghế Tổng giám đốc Vingroup, được kỳ vọng sẽ chấm dứt biến động nhân sự điều hành cấp cao của ABBank - nhà băng được biết đến với biệt danh "cối xay" tổng giám đốc, khi chức vụ này đã thay đổi bốn lần chỉ trong ba năm qua. 

Tại Kienlongbank, nữ luật sư Trần Tuấn Anh cuối tháng Tư được bổ nhiệm làm TGĐ Ngân hàng. Ít ngày sau đó, bà được bầu làm Thành viên HĐQT Kienlongbank khoá mới. Cũng như bà Lê Thu Thuỷ, bà Tuấn Anh đã có nhiều năm công tác ở Kienlongbank. 

Ba ngân hàng Nhà nước chi phối cổ phần là BIDV, Vietcombank và Vietinbank không có nhiều thay đổi đáng chú ý. Ở Vietcombank, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình được bầu làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023. Ở BIDV, chiếc ghế của cựu Chủ tịch Trần Bắc Hà vẫn để trống từ tháng 9/2016. 

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, ba nữ doanh nhân được chọn làm người chèo chống ngân hàng, ở vị trí rất áp lực và đòi hỏi trình độ đặc biệt xuất sắc, cho thấy phái nữ không còn yếu thế trước nam giới như trước đây. Theo thống kê của Nhadautu.vn, đây cũng là ba nữ CEO ngân hàng duy nhất hiện nay. Trước đây có bà Phương Thanh Nhung ở VietABank là bà Lương Thị Cẩm Tú ở Nam Á Bank. Tuy nhiên các vị này đều đã từ nhiệm. Trường hợp của bà Tú sẽ được phân tích kỹ hơn ở đoạn sau. 

Chọn chủ ngân hàng hay doanh nghiệp

Khác với các mùa trước, quy định "chọn chủ ngân hàng hay doanh nghiệp" của Luật Các TCTD sửa đổi khiến các đại hội cổ đông năm nay trở nên hấp dẫn hơn, ít nhất là trong mắt giới quan sát.

Vị trí chủ tịch ngân hàng đặc biệt được đánh giá cao trong giới doanh nhân, không chỉ bởi yêu cầu khắt khe, quy trình phức tạp, phải được chấp thuận bởi Ngân hàng Nhà nước, mà ở Việt Nam, chiếc ghế đầy quyền lực này còn thể hiện ý chí của nhóm cổ đông lớn, cổ đông chi phối, trong không ít trường hợp, là hỗ trợ dòng vốn cho các công ty sân sau.

Ông Dương Công Minh (Sacombank, Him Lam), ông Đỗ Quang Hiển (SHB, T&T), ông Đỗ Minh Phú (TPBank, Doji), ông Hồ Hùng Anh (Techcombank, Masan) và nhiều doanh nhân khác đã chọn giữ lại chiếc ghế quyền lực tại ngân hàng, chấp nhận rời bỏ chức vụ cao nhất ở doanh nghiệp (trừ ông Hồ Hùng Anh từ nhiệm Phó Chủ tịch Masan). 

Thực ra, kể cả khi không còn làm chủ tịch tại doanh nghiệp, tập đoàn, thì các doanh nhân dày dạn ở trên không quá khó để tiếp tục duy trì ảnh hưởng tuyệt đối, cách thức đơn giản là để người thân tín làm thay mình. So với vị thế tại doanh nghiệp, thì chiếc ghế chủ tịch ngân hàng "mong manh" và kém bền hơn, có thể thay đổi theo cơ cấu cổ đông lớn.

Tại Sacombank, nơi Ngân hàng Nhà nước được cho là đang nắm cổ phần chi phối, ông Dương Công Minh có thể xem như "người được chọn", đảm nhận trách nhiệm làm sạch Sacombank, và  việc doanh nhân họ Dương bỏ bớt chức vụ tại Him Lam là diễn biến dễ đoán. Dù vậy, vẫn không mấy ai nghi ngờ về quyền lực của doanh nhân có biệt danh Minh "xoài" ở Him Lam, thậm chí là cả ngân hàng cũ của ông Minh - LienVietPostBank, nơi bằng nhiều phương cách, đang cấp hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án của Him Lam.

Cũng có những doanh nhân chọn từ bỏ vị trí chủ tịch ngân hàng, là ông Vũ Văn Tiền (ABBank, Geleximco), bà Nguyễn Thị Nga (SeABank, BRG) và ông Võ Quốc Thắng (Kienlongbank, Đồng Tâm). Trong đó, ông Vũ Văn Tiền và bà Nguyễn Thị Nga chọn cách "lui vào hậu trường", chỉ làm Phó Chủ tịch, trong khi ông Võ Quốc Thắng rời khỏi HĐQT Kienlongbank khoá mới. 

Như đã nêu trong một bài viết gần đây, dù quyết định rời ghế chủ tịch, song ảnh hưởng của ông Vũ Văn Tiền tại ABBank hay ông Võ Quốc Thắng tại Kienlongbank chưa hẳn đã suy giảm. Tương tự với trường hợp tại SeABank. CEO mới của nhà băng này, bà Lê Thu Thuỷ là con gái của bà chủ Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga. Hai mẹ con bà đều là Phó Chủ tịch HĐQT SeABank khoá mới. Trong khi tân Chủ tịch - ông Lê Văn Tần - cũng là một người có "gốc" BRG. 

"Sóng ngầm" 

Xin kết thúc bài viết bằng chuyển động nhân sự tại Eximbank và ACB. Đại hội vừa qua đã bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Thành viên HĐQT thứ 9 của Eximbank. Bà Tú chỉ mới thôi chức Tổng giám đốc Nam Á Bank trước đó ít tháng. Diễn biến này được giới quan sát nhìn nhận là một thành công của nhóm Nam Á và Hoàn Cầu trong cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Eximbank.

Lưu ý rằng bà Lương Thị Cẩm Tú tranh cử vị trí Thành viên HĐQT Eximbank cùng ba ứng viên khác, tuy nhiên các nhân vật này đã rút lui ngay trước thềm Đại hội, cho thấy các nhóm cổ đông đã đạt được sự đồng thuận trong việc chia sẻ quyền lực. Cuối năm 2015, nhóm Hoàn Cầu đã thất bại trong nỗ lực đưa hai người vào HĐQT Eximbank. Các chức vụ chủ chốt cuối cùng thuộc về nhóm Âu Lạc. HĐQT khoá 2015-2020 của Eximbank còn "room" cho hai vị trí nữa, và đây tiếp tục sẽ là chủ đề thu hút sự chú ý trong thời gian tới.

Cũng là câu chuyện tranh giành ảnh hưởng, tại Ngân hàng Á Châu (ACB), đại diện của nhóm bầu Kiên vừa qua đã không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho ứng cử vào HĐQT khoá mới (theo lời lãnh đạo ACB). Sau khi rút vốn khỏi Vietbank, Kienlongbank và Eximbank, nhiều khả năng nhóm cổ đông liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên sẽ không chấp nhận thoái lui khỏi cứ điểm cuối cùng của mình - ACB.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ