Chủ tịch Quốc hội: Tập trung vào các chính sách lớn, tạo đột phá cho TP.HCM

"Việc xây dựng trình Quốc hội Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 về cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm cho TP.HCM là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách nhằm thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng đối với thành phố", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
PHẠM THÚY
20, Tháng 12, 2022 | 08:13

"Việc xây dựng trình Quốc hội Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 về cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm cho TP.HCM là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách nhằm thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng đối với thành phố", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

ctqh-1671452034822

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Chiều 19/12, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về một số cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực cho TP.HCM trong giai đoạn mới. 

Dự cuộc làm việc có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

ctqh-a2-1671452232904

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển.

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; các Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội; lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM.

Giải quyết điểm nghẽn để hoàn thành nhiệm vụ "đầu tàu" kinh tế

Năm 2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Theo đó, từ tháng 1/2018, TP.HCM được thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù trong 5 lĩnh vực quản lý gồm: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức. 

van-nen-1671452035790

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển.

Tuy nhiên, báo cáo tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội cho phép thành phố tiếp tục thí điểm một số cơ chế đặc thù đến hết năm 2023, thay vì đến cuối năm 2022 theo Nghị quyết số 54. Lý do là bởi năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết, thành phố chủ yếu tập trung xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị; đến năm 2020-2021, thành phố lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết này.

Qua xem xét, cho ý kiến cụ thể, Quốc hội đã thống nhất tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54 và giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết số 54, trình Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất.

thanh-tung-1671452035494

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tại cuộc họp ngày 2.12 vừa qua, Bộ Chính trị đã thống nhất tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật và thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

"Với phương châm chủ động, từ sớm, từ xa, Đảng đoàn Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM hôm nay là để cho ý kiến định hướng về các cơ chế, chính sách đặc thù, chuẩn bị cho việc xây dựng dự thảo Nghị quyết mới của Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hoá chủ trương của Đảng và thay thế Nghị quyết số 54, tạo động lực cho sự phát triển của TP.HCM trong giai đoạn mới", Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ. 

hong-ha-1671452035181

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển.

Tại cuộc làm việc, Đảng đoàn Quốc hội đã nghe lãnh đạo Thành phố báo cáo về các đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khơi thông nguồn lực và tạo động lực cho thành phố phát triển trong giai đoạn mới. 

Theo đó, TP.HCM xác định các cơ chế, chính sách đặc thù này phải tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư nhằm giúp thành phố hoàn thành nhiệm vụ "đầu tàu" kinh tế, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển chung của đất nước; tăng cường phân cấp, phân quyền cho thành phố đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương, tạo cơ chế để thành phố thực hiện linh hoạt việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền trong nội bộ thành phố tương xứng với yêu cầu và khối lượng công việc được giao. 

thanh-tra-1671452035400

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển.

Với những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng pháp luật chưa quy định hoặc quy định không phù hợp, Lãnh đạo TP.HCM đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm theo tinh thần Nghị quyết 16/NQ/TW năm 2012 và Kết luận 21- KL/TW năm 2017 của Bộ Chính trị. Các cơ chế, chính sách đặc thù không làm ảnh hưởng đến sự điều hành chung của Chính phủ và lợi ích của các địa phương khác, mà chủ yếu nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị TP.HCM.

Làm rõ nội hàm, thẩm quyền và giới hạn quyền

Tại cuộc làm việc, các Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã cho ý kiến cụ thể về các đề xuất của TP.HCM. Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các cơ quan của Quốc hội đã tham dự đầy đủ cuộc làm việc. Tuy mới chỉ là góp ý bước đầu về Đề án xây dựng dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết số 54 của Quốc hội), nhưng đã có rất nhiều ý kiến toàn diện, sâu sắc, sát thực tế. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dịp để Đảng đoàn Quốc hội lắng nghe các đề xuất của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và ý kiến của các ban, bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội, từ đó giúp cho quá trình chuẩn bị dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội nhanh hơn, chất lượng hơn.

tri-dung-1671452035603

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển.

Đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động, tích cực, công phu của Thành ủy TP.HCM trong việc xây dựng Đề án và dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách nhằm kịp thời thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng đối với TP. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện để thành phố củng cố, tăng cường các trụ cột, các động lực tăng trưởng để phát triển nhanh và bền vững hơn nữa theo tinh thần "TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM".

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu tại cuộc làm việc, hệ thống hoá lại các quan điểm lớn của Đảng đối với thành phố để tiếp tục cụ thể hoá và hoàn thiện Đề án, dự thảo Nghị quyết đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

dai-bieu-1671452035072

Các đại biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Hiển.

Nhấn mạnh Đề án cần tập trung vào các nhóm chính sách lớn, có trọng tâm, trọng điểm và thực tế đang có nhiều vướng mắc, nhiều điểm nghẽn đối với sự phát triển của thành phố, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần phân định rành mạch theo 4 nhóm chính sách. Một là, nhóm chính sách tại Nghị quyết số 54 hiện vẫn còn cần thiết, có thể điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với giai đoạn mới. Hai là, nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định cho một số tỉnh, thành phố khác nhưng chưa quy định tại Nghị định số 54 thì cũng được áp dụng với TP.HCM. Ba là, nhóm chính sách hiện đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong một số dự án luật thì có thể cho phép TP.HCM thực hiện sớm hơn. Bốn là, nhóm chính sách mới, riêng biệt cho TP.HCM.

"Đương nhiên phải bảo đảm các nguyên tắc, quy định, quy trình thủ tục luật định, nhưng tinh thần chung là cố gắng ủng hộ tối đa để TP.HCM phát triển, có các gói chính sách trọng tâm, trọng điểm, giải quyết các vấn đề lớn, tháo gỡ được những điểm nghẽn hiện nay. Đề án phải bao gồm các vấn đề lớn, đem lại lợi ích trước mắt và lâu dài để tạo đột phá, kiến tạo sự phát triển mạnh mẽ của thành phố", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, quá trình chuẩn bị các cơ chế, chính sách đặc thù phải đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao trong Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân thành phố, sự ủng hộ của các bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội. Tuy là thí điểm nhưng quá trình xây dựng, thảo luận, xem xét, quyết định phải đạt được sự thống nhất cao, tạo khí thế khi triển khai thực hiện.

quang-canh-1671452035290

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với mỗi chính sách đều phải làm rõ nội hàm, rõ về thẩm quyền và giới hạn quyền, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì không đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Cùng với việc phân cấp, ủy quyền, phải xác định rõ các nguyên tắc chung, các "van, khoá" của Trung ương để bảo đảm các điều kiện cho thành phố thực hiện hiệu quả sự phân cấp, ủy quyền này; có các đề án triển khai cụ thể để bảo đảm đúng tính chất thực hiện thí điểm của từng cơ chế, chính sách, kiểm soát minh bạch để chính sách thí điểm không bị áp dụng tràn lan.  

Nhất trí với các ý kiến tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết theo quy trình tại một kỳ họp, cố gắng phấn đấu trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm (tháng 5/2023).

(Theo Đại biểu Nhân Dân)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ