Chủ tịch Hiệp hội dệt may: Không tiếp tay việc đưa hàng nước ngoài vào gắn “made in Vietnam”

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết luôn có những khuyến cáo với doanh nghiệp là không tiếp tay cho một số nhỏ những doanh nghiệp hay những người làm thương mại đưa những sản phẩm hàng hóa từ bên ngoài vào mà mang nhãn hiệu của Việt Nam...
NGUYỄN MẠNH
03, Tháng 08, 2019 | 08:27

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết luôn có những khuyến cáo với doanh nghiệp là không tiếp tay cho một số nhỏ những doanh nghiệp hay những người làm thương mại đưa những sản phẩm hàng hóa từ bên ngoài vào mà mang nhãn hiệu của Việt Nam...

giang-1564741356733

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam.

Tham gia sân chơi lớn, cần làm ăn bài bản, đừng chộp giật

Dệt may là một trong những ngành hàng được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp dệt may nào cũng hiểu rõ được những cơ hội mà EVFTA mang lại, cũng như doanh nghiệp phải làm gì để biến cơ hội thành thực tế.

Bên cạnh đó cũng còn vô số các vấn đề thách thức đối với doanh nghiệp nếu nắm không rõ hay nắm rõ nhưng không chịu tuân thủ, trong số này có vấn đề sở hữu trí tuệ.

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Ngành dệt may Việt Nam trước thách thức và cơ hội từ thị trường châu Âu” diễn ra hôm qua (2/8), ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết: Chúng ta hội nhập có tính toàn cầu thì sở hữu trí tuệ hay nhãn hiệu hàng hóa là một trong những đòi hỏi tính tuân thủ của các doanh nghiệp.

“Đối với ngành dệt may Việt Nam, chúng tôi cũng đã có rất nhiều chương trình trong những cuộc họp ban chấp hành và bây giờ ngành dệt may phải đi bằng chính đôi chân của mình đó là xây dựng chiến lược phát triển những nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa; đảm bảo tính tuân thủ của Việt Nam đối với thế giới”, ông Giang nói.

Đặc biệt theo ông Giang, Hiệp hội này luôn có những khuyến cáo với doanh nghiệp là không tiếp tay cho một số nhỏ những doanh nghiệp hay những người làm thương mại đưa những sản phẩm hàng hóa từ bên ngoài vào mà mang nhãn hiệu của Việt Nam hoặc là tiếp tay cho việc xuất xứ để xuất vào nước thứ ba mà được hưởng lợi ích của các dòng thuế từ các hợp đồng thương mại.

Ông Giang cho rằng cũng cần nhấn mạnh đến vai trò của cơ quan quản lý nhà nước như hải quan, công an, quản lý thị trường trong câu chuyện này.

Có như vậy chúng ta bảo vệ lợi ích các nhãn hiệu hàng hóa trong nước. Đồng thời người tiêu dùng trong nước phải được sử dụng các sản phẩm nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam do chính doanh nghiệp ấy là sản xuất chứ không bị đánh tráo, “đột lốt”.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ôngLương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong thời gian qua có mức độ cải thiện rất nhanh theo thống kê của các tổ chức quốc tế.

Việc chúng ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới yêu cầu Việt Nam phải có cải cách để đáp ứng cao hơn luật chơi của quốc tế.

“Chính phủ cũng đã đưa ra, kêu gọi gửi gắm thông điệp chúng ta tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, chúng ta là đối tác làm ăn bài bản, tin cậy chứ không mang tính chộp giật”, ông Thái nhấn mạnh.

EU – thị trường hấp dẫn nhưng khó tính

Trải qua 9 năm Việt Nam và EU mới có thể kết thúc đàm phán và đi đến kí kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (gọi tắt là EVFTA).

Theo ông Lương Hoàng Thái, EU là một đối tác “khó tính” trong việc xây dựng Hiệp định thương mại tự do. Nhìn tổng thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chưa có một nước đang phát triển nào ký kết được Hiệp định thương mại tự do với EU trong khi có rất nhiều nước đàm phán với EU.

“Điều khó tính của EU thể hiện ở việc EU đòi hỏi một nước khi tham gia xây dựng quan hệ thương mại tự do, không chỉ nhìn vào khía cạnh thương mại thuần túy, mà lớn hơn đó là thông điệp về cải cách nền kinh tế”, ông Thái cho biết đây là điểm mấu chốt rất quan trọng, chính vì vậy để một nước có mối quan hệ thương mại tự do với EU, nước đó phải chứng minh có quyết tâm cải cách mạnh mẽ để vươn lên.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết EVFTA được ngành dệt may Việt Nam trông chờ từ rất lâu bởi đây là cơ hội rất tốt cho ngành dệt may Việt Nam.

Vấn đề thứ hai đặt ra, cơ hội đi đôi với thách thức. Theo ông Giang, thách thức cực kỳ lớn đối với dệt may Việt Nam đó là điểm nghẽn phần cung thiếu hụt liên quan đến khâu dệt nhuộm.

“Để đạt được mục tiêu lợi ích mà hiệp định mang lại, các bộ ngành, địa phương cần hoạch định chiến lược phát triển khu doanh nghiệp, phần cung thiếu hụt, chuỗi cung ứng toàn cầu. Đáp ứng yêu cầu các điều khoản hiệp định đưa ra. Đặc biệt với EU chúng ta phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ vải”, ông Giang nhấn mạnh.

Nếu không đảm bảo quy tắc xuất xứ thì hàng hóa Việt Nam không được ưu đãi. Đảm bảo quy tắc xuất xứ, dệt may Việt Nam mới được hưởng ưu đãi từ EVFTA.

Theo thông tin được đưa ra tại toạ đàm, thực tế dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng khoảng 90% nguyên phụ liệu của Việt Nam vẫn đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của hiệp định và không được ưu đãi cộng gộp trong hiệp định.

Trong khi đó việc chủ động nguồn nguyên liệu lại gặp nhiều khó khăn khi các dự án dệt nhuộm không được chào đón tại các địa phương.

(Theo Dân Trí)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ