Chính phủ đề xuất chi 75.000 tỷ cho chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Nhàđầutư
Tổng nguồn vốn đề xuất thực hiện chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được điều chỉnh giảm từ 90.260 tỷ đồng xuống còn 75.000 tỷ đồng.
MY ANH
23, Tháng 07, 2021 | 16:53

Nhàđầutư
Tổng nguồn vốn đề xuất thực hiện chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được điều chỉnh giảm từ 90.260 tỷ đồng xuống còn 75.000 tỷ đồng.

Empty

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: Quốc hội

Trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước Quốc hội chiều nay (23/7), Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đối tượng thụ hưởng của Chương trình sẽ bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước. Chú trọng hỗ trợ trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ và người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo

"Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Cũng theo ông Dung, chương trình gồm 6 dự án và 11 tiểu dự án. Trong đó đáng chú ý, dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Theo đó, dự án hướng tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản tại các huyện nghèo (dự kiến khoảng 70 huyện nghèo theo tiêu chí) và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (dự kiến 200 xã đặc biệt khó khăn theo tiêu chí).

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 sẽ là 75.000 tỷ đồng. Ngân sách Trung ương 48.000 tỷ đồng (vốn đầu tư tối thiểu: 20.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 28.000 tỷ đồng); Ngân sách địa phương 12.690 tỷ đồng (vốn đầu tư: 2.200 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 10.490 tỷ đồng); huy động hợp pháp khác 14.310 tỷ đồng (vốn đầu tư: 2.600 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 11.710 tỷ đồng).

Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia nói trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với đánh giá về hiệu quả kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của Chương trình.

Empty

Bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề  xã hội của Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.

Tuy nhiên, Ủy ban Các vấn đề  xã hội nhận thấy, để giảm nghèo đa chiều thực sự bền vững, phải giảm tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh, chương trình cần có các giải pháp thoát nghèo bền vững, đủ sức chống chịu, vượt qua các thách thức của thiên tai, dịch bệnh như: Thông qua tạo việc làm cho người nghèo, đảm bảo mỗi hộ nghèo có ít nhất một việc làm bền vững, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận với các chiều dịch vụ xã hội cơ bản thực sự bền vững; dự báo kết quả duy trì các mục tiêu, chỉ tiêu sau khi chương trình kết thúc để đánh giá tính bền vững của chương trình.

Đối với dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, dự án này trong giai đoạn 2016-2020 được đánh giá là đã phát huy hiệu quả, giúp thay đổi diện mạo nông thôn các xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo một cách rõ rệt.

Tuy nhiên, mức hỗ trợ đầu tư còn thấp, dàn trải nên các công trình thường có quy mô nhỏ, thiết kế chưa đạt chuẩn kỹ thuật, dễ hư hỏng, xuống cấp. Do đó, Ủy ban Các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ tính toán mức hỗ trợ đầu tư hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm để giúp thay đổi cơ bản điều kiện hạ tầng ở các huyện, xã đặc biệt khó khăn góp phần sớm đưa các huyện, xã này thoát nghèo; tăng cường thực hiện chính sách việc làm công tại địa bàn cấp xã theo quy định của Luật Việc làm để huy động tối đa nhân công là người địa phương tham gia vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ủy ban này cũng thống nhất với dự kiến bố trí 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách Trung uơng. Đồng thời đề nghị Chính phủ đối với nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương, cần khẩn trương rà soát không sử dụng vốn của Chương trình để chi các hoạt động có tính chất chi thường xuyên thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước hoặc chế độ, chính sách cho đối tượng đã được quy định tại pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, phải bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, manh mún; phải đúng, phải trúng các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Bảo đảm tính khả thi của việc bố trí vốn ngân sách trung ương trong năm 2021 cho chương trình là 7.000 tỷ đồng để tránh gián đoạn, giảm hiệu quả thực hiện Chương trình. Cân nhắc việc bố trí tỷ trọng vốn lớn vào năm 2025 là năm cuối cùng của giai đoạn.

"Không nên huy động ngân sách địa phương quá lớn khi hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn về nguồn thu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ có kế hoạch bổ sung nguồn vốn cần đầu tư thêm cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với các đối tượng của Chương trình", bà Nguyễn Thúy Anh lưu ý.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ