Cát nhiễm mặn sẽ 'giải khát' cho các dự án cao tốc miền Tây

Nhàđầutư
Dự kiến cuối tháng năm nay và đầu năm 2023, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng sẽ được khởi công xây dựng, tuy nhiên đến nay nguồn vật liệu cát phục vụ cho 2 công trình trọng điểm này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu.
AN HÒA
19, Tháng 12, 2022 | 08:54

Nhàđầutư
Dự kiến cuối tháng năm nay và đầu năm 2023, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng sẽ được khởi công xây dựng, tuy nhiên đến nay nguồn vật liệu cát phục vụ cho 2 công trình trọng điểm này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu.

cat 1

Đề xuất sử dụng cát nhiễm mặn qua sàng rửa phục vụ cho công trình đường bộ cao tốc. Ảnh TL

Chỉ có 2/6 địa phương đảm bảo được nguồn cát xây dựng

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng qua địa bàn tỉnh có chiều dài 57,4km, tổng nhu cầu cát dự kiến khoảng 3 triệu m3, tỉnh cũng đã bố trí đủ nguồn cát này cho công trình. Ngoài ra, tỉnh An Giang cũng chia sẻ, hỗ trợ cho Cần Thơ 2,7 triệu m3, Hậu Giang 3,3 triệu m3 cát để thực hiện dự án đường cao tốc này.

Trong buổi làm việc với đoàn công tác Bộ GTVT mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, trên sông Hậu, đoạn qua địa bàn tỉnh hiện có 12 mỏ có cát. Trong đó có 2 mỏ đang xin gia hạn khai thác, trữ lượng khoảng 3 triệu m3, 5 mỏ có trữ lượng 2,5 triệu m3, 5 mỏ còn lại chưa đánh giá trữ lượng.

Theo ước tính, nhu cầu sử dụng cát cho dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng dài 58,4km là khoảng 6,7 triệu m3; dự án cầu Đại Ngãi bắt qua sông Hậu cần khoảng 2 triệu m3. Qua rà soát, đánh giá trữ lượng cá mỏ cát cho thấy địa phương có thể đảm bảo nguồn cung cát cho các dự án này.

An Giang và Sóc Trăng là 2/6 địa phương có 2 tuyến cao tốc đi qua có thể cân đối được nguồn cung cấp vật liệu cát phục vụ cho công trình. Tuy nhiên, 4 địa phương còn lại chưa cân đối được nguồn cung cấp cát; đáng quan tâm là các tỉnh thuộc vùng nước mặn như Bạc Liêu, Cà Mau gần như chưa tìm được nguồn cung cấp vật liệu cát phục vụ cho công trình.

Ngay như địa phương ở đầu nguồn sông Tiền như tỉnh Đồng Tháp cũng đang thiếu nguồn vật liệu cát phục vụ cho các công trình tại địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Huỳnh Minh Tuấn cho biết, theo đánh giá, trữ lượng cát khai thác năm 2023 có thể đạt 7 triệu m3, trong khi nhu cầu sử dụng cát cho các dự án đầu tư công trên địa bàn gấp đôi con số này. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp cũng cần khoảng 6 triệu m3 để triển khai 2 dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu và Cao Lãnh - Mỹ An. Từ thực tế trên, tỉnh Đồng Tháp rất khó đáp ứng đủ nguồn cát cho các dự án cao tốc.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, qua rà soát tổng số lượng cát cần dùng cho 2 cao tốc gồm: Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng khoảng 39 triệu m3. Trong đó, nhu cầu sử dụng cát san lấp lớn nhất là trong giai đoạn 2023 - 2024, cụ thể trong năm 2023 cần 16 triệu m3, năm 2024 cần 23 triệu m3.

"Dự kiến, đầu năm 2023 dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau sẽ chính thức khởi công, sau đó đến tháng 6/2023 dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng cũng sẽ khởi công. Công tác giải phóng mặt bằng 2 cao tốc trên đến nay cơ bản đảm bảo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại hiện nay là nguồn cát san lấp phục vụ cho đường cao tốc. Đặc thù địa chất tại khu vực ĐBSCL nền đất yếu, quá trình gia cố nền hạ là rất quan trọng, nếu không có cát sẽ không thể triển khai, dẫn đến nguy cơ dự án kéo dài, phát sinh đội vốn", Thứ trưởng Lâm lo lắng nói.

sang rua cat

Đại diện Công ty cổ phần Cát đá Việt sàng rửa sạch cho biết cát nhiễm mặn sau khi được sàng rửa đạt tiêu chuẩn cấp phối trộn bê tông và trộn vữa xây tô. Ảnh VTD

"Lời giải" cho bài toán thiếu cát xây dựng

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, thời gian vừa qua, khi kiểm tra tiến độ triển khai dự án đường cao tốc tại ĐBSCL, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ TN&MT nghiên cứu vật liệu thay thế cho cát sông khi triển khai các dự án giao thông trọng điểm tại đây do nhu cầu dùng cát sông làm vật liệu xây dựng công trình giao thông là rất lớn, trong khi nguồn cung cấp ngày càng ít đi.

"Nếu kết quả thí nghiệm lấy cát nhiễm mặn thay cho cát sông nước ngọt thành công thì chúng ta không còn phải lo thiếu cát vì chỉ riêng khu vực ĐBSCL lượng cát biển đã lên đến hàng chục tỷ mét khối, không chỉ đáp ứng nhu cầu tại chỗ mà còn có thể điều tiết cho các công trình trên phạm vi cả nước", Bộ trưởng Thắng kỳ vọng.

Đại diện Bộ GTVT cũng cho biết hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia "Nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu san lấp, đắp nền đường" - Đề tài 31/19-ĐTĐL.CN.CNN, một số các cơ quan đơn vị đã nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng. Bộ TN&MT đang thực hiện dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL". Đến nay, các đơn vị đã đưa ra các kết quả nghiên cứu ban đầu và tại các hội nghị khoa học chuyên đề, các nhà khoa học đã thống nhất có thể xem cát biển là vật liệu đắp nền đường thông thường đặc thù.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh còn có hơn 13 tỷ m3 cát biển, trong đó có hơn 1 tỷ m3 gần bờ, độ mặn thấp, Nếu được sự quan tâm các cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá, thử nghiệm thành công thì nguồn cát biển này sẽ đảm bảo cung ứng vật liệu san lấp cho các công trình trọng điểm quốc gia tại vùng ĐBSCL.

Đồng quan điểm đó, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội cho phép TP. Cần Thơ thực hiện thí điểm dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ theo phương thức xã hội hóa. Với khối lượng nạo vét dự kiến trên 2,5 triệu m3, đây sẽ là nguồn vật liệu có thể sử dụng cho san lấp tại các công trình. 

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Võ Tấn Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Cát đá Việt sàng rửa sạch (Cần Thơ) cho biết, việc sử dụng cát nhiễm mặn để san lấp đã được nhiều quốc gia thực hiện từ nhiều năm nay. Do đó, việc Bộ GTVT đề xuất đưa cát mặn vào phục vụ đắp nền hạ, san lấp công trình đường bộ cao tốc là rất khả thi và nên tiến hành sớm để giải quyết bài toán thiếu vật liệu đắp nền như hiện nay.

"Là đơn vị có bằng sáng chế công nghệ lọc, sàng rửa cát được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Bằng độc quyền sáng chế từ năm 2016, Công ty cổ phần Cát đá Việt sàng rửa sạch đã thí nghiệm rửa cát nhiễm mặn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Phú Quốc tỉnh Kiên Giang. Kết quả các mẫu sau khi được sàng rửa đã đạt tiêu chuẩn TCVN 7570:2006, tức đạt tiêu chuẩn cấp phối dùng cho bê tông và vữa xây tô. Điều đó cho thấy nguồn vật liệu cát nhiễm mặn không chỉ có thể dùng cho san lấp mà còn có thể sử dụng làm cấp phối cho các công trình xây dựng.

Với trữ lượng cát tại các cửa sông tiếp giáp biển vùng ĐBSCL còn rất lớn, nguồn vật liệu này có thể đáp ứng nhu cầu cho các công trình xây dựng của vùng ĐBSCL trong nhiều năm tới", ông Dũng nhận định.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ