'Cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ đảm bảo môi trường đầu tư hấp dẫn'

Nhàđầutư
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc ban hành nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung sẽ có tác động làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Để giảm thiểu những tác động bất lợi, cần đồng thời ban hành thêm nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp.
ĐÌNH VŨ - THẮNG QUANG
20, Tháng 11, 2023 | 18:54

Nhàđầutư
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc ban hành nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung sẽ có tác động làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Để giảm thiểu những tác động bất lợi, cần đồng thời ban hành thêm nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, thảo luận ở hội trường dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu".

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, ý kiến của các đại biểu đều khẳng định rằng, sự cần thiết của việc ban hành nghị quyết trong ký họp lần này. Cùng với đó, một số đại biểu đặt vấn đề, song hành với Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, cần ban hành chính sách hỗ trợ theo các nội dung định hướng để có thể làm yên lòng các nhà đầu tư chiến lược và giao Chính phủ tích cực chuẩn bị.

Thu được 14.600 tỷ tiền thuế

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP. Hà Nội) nhất trí cao với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Dù việc ban hành này là không bắt buộc, nhưng để đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc nên cần thiết phải ban hành Nghị quyết, song song với đó cần ban hành chính sách để khuyến khích hỗ trợ đầu tư mới để đảm bảo công bằng cho tất cả các doanh nghiệp 

vu-tien-loc

Đại biểu Vũ Tiến Lộc góp ý dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Ảnh: quochoi.vn

Theo vị đại biểu, dự kiến, việc ban hành nghị quyết này sẽ có tác động rất lớn làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta, đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay.

"Để giảm thiểu những tác động bất lợi, đại biểu cho rằng, đồng thời với việc ban hành nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Quốc hội cũng cần phải ban hành thêm nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để đảm bảo duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn để đáp ứng cùng một lúc cả hai mục tiêu là thúc đẩy được dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào nền kinh tế nước ta, phù hợp với cái chiến lược phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước và đồng thời không vi phạm các cam kết quốc tế, không đi ngược với xu thế hội nhập", đại biểu Vũ Tiến Lộc phân tích.

Theo đó, đại biểu cho rằng, về quan điểm phải khẳng định, việc chúng ta ban hành các chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư mới không phải là một biện pháp để bù đắp thiệt hại cho các nhà đầu tư, do họ phải nộp thuế bổ sung, vì điều này là vi phạm các nguyên tắc của OECD. Chính sách hỗ trợ đầu tư cần bảo đảm một nguyên tắc công bằng hướng tới tất cả các doanh nghiệp đạt được các tiêu chí cụ thể mà chính sách của chúng ta hướng tới, không phân biệt đó là doanh nghiệp thuộc đối tượng phải chịu thuế bổ sung hay không. 

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn tỉnh Bình Dương) nhấn mạnh, việc thực hiện Nghị quyết sớm này thì chúng ta sẽ thu được tới 14.600 tỷ tiền thuế, bổ sung được 122 tập đoàn và tránh cạnh tranh không công bằng, ưu đãi quá mức cho các doanh nghiệp cơ sở của các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời việc ban hành Nghị quyết kịp thời cũng là một hình thức giúp cho các nước OECD giữ chân được các nhà sản xuất và tạo công ăn việc làm cho chính nước của họ, qua đó, Việt Nam cũng thực hiện các nghĩa vụ quốc tế.

Đại biểu đồng tình với ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc rằng, song song với việc ban hành Nghị quyết này, chúng ta cần nhìn trước các rủi ro, có thể thị trường Việt Nam sẽ kém hấp dẫn hơn so với các nhà đầu tư FDI thì chúng ta cần phải có chính sách hỗ trợ bổ sung.

Bên cạnh việc cần sớm đánh giá toàn diện tác động, Chính phủ cũng nên nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, trong đó nên nhấn mạnh chính sách phụ trợ, công nghiệp hỗ trợ, bởi vì công nghiệp hỗ trợ chính là điều giữ chân các doanh nghiệp FDI tốt nhất và Việt Nam cũng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhiều hơn thay vì hiện nay là các giá trị xuất khẩu.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu vào tại kỳ họp.

Đại biểu nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành nghị quyết sẽ giúp môi trường thu hút đầu tư nước ngoài trên toàn cầu đảm bảo tính minh bạch, công bằng giữa các quốc gia. Việt Nam áp dụng việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp chúng ta đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam; giúp Việt Nam thu được một khoản thuế bổ sung từ thuế tối thiểu toàn cầu; đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

Đồng thời thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiệm cận với xu thế chung của thế giới; đồng thời vẫn giữ nguyên được các chính sách ưu đãi đối với các trường hợp áp dụng các doanh nghiệp mà không thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư nâng cao hệ thống hạ tầng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội quốc gia; cần tiếp tục đầu tư nhiều nữa cho hạ tầng về giao thông góp phần giảm chi phí logistics, chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp;

Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là lĩnh vực công nghệ cao và kinh tế xanh; Hỗ trợ thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nên có đầu mỗi hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính - điều mà các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất lo ngại.

"Cùng với đó, xem xét có chính sách ưu đãi nhất là vấn đề về hỗ trợ tài chính trực tiếp như nội dung được đề cập trong nghị quyết 98 của TP.HCM với 3 ưu đãi, có thể cho phép áp dụng các ưu đãi này trên toàn quốc". đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Bộ trưởng Tài chính: Rất ít khả năng khiếu kiện

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, khi ban hành nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu là xác định về quyền đánh thuế của Nhà nước và mang lại lợi ích cho đất nước.

ho-duc-phoc

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Quochoi.vn

Về băn khoăn khả năng các doanh nghiệp khởi kiện khi sắc thuế được áp dụng, Bộ trưởng Tài chính cho biết, khi Quốc hội ban hành nghị quyết, Bộ Tài chính sẽ làm việc với 122 doanh nghiệp thuộc diện chịu thuế để "chuẩn bị tinh thần".

"Tôi nghĩ rằng việc dẫn đến khiếu kiện là rất ít khả năng. Vì ở đây nếu doanh nghiệp không đóng thuế tại Việt Nam thì cũng phải đóng thuế tại nước ngoài. Mà đóng thuế nước ngoài thì phức tạp hơn rất nhiều vì cơ quan thuế nước ngoài cũng phải sang Việt Nam thu thuế…", ông Phớc nói.

Về việc ưu đãi ghi trong giấy chứng nhận đầu tư, ông Phớc cho hay, giấy chứng nhận đầu tư không được ghi ưu đãi về thuế vì ưu đãi thuế phải thực hiện theo quy định tại pháp luật thuế.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ