Cần 84.000 tỷ đồng làm 3 dự án đường bộ cao tốc

Nhàđầutư
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư là 84.000 tỷ đồng. Chính phủ đề xuất thực hiện 3 dự án này theo hình thức đầu tư công, khi hoàn thành, sẽ thu phí để hoàn vốn ngân sách Nhà nước.
ĐÌNH NGUYÊN
06, Tháng 06, 2022 | 14:06

Nhàđầutư
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư là 84.000 tỷ đồng. Chính phủ đề xuất thực hiện 3 dự án này theo hình thức đầu tư công, khi hoàn thành, sẽ thu phí để hoàn vốn ngân sách Nhà nước.

Sáng 6/6, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Đề xuất sử dụng vốn ngân sách Nhà nước

Theo đó, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài hơn 188 km. Dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, đảm bảo tốc độ khai thác 80 km/h và thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026.

Dự án có tổng mức đầu tư gần hơn 44.600 tỷ đồng. Nguồn vốn được Chính phủ đề xuất từ nguồn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; nguồn vốn ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2020 và ngân sách địa phương.

bo-truong-nguyen-van-the

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc. Ảnh: Quốc Hội

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, việc đầu tư cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giúp đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam của vùng, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển vùng, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo.

Đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư gần 18.000 tỷ đồng, chiều dài khoảng 53,7 km, sau hoàn thành sẽ giải quyết ách tắc giao thông trên QL51. Dự án chuẩn bị đầu tư năm 2022, khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025. Chính phủ đề xuất phân kỳ đầu tư với quy mô 4-6 làn xe.

Nguồn vốn dự án từ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã dự kiến phân bổ cho Bộ GTVT, nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021, nguồn ngân sách địa phương; năm 2026 từ nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, tạo tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung. Đồng thời, rút ngắn thời gian đi lại từ TP. Biên Hòa đến Vũng Tàu.

Còn dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, chiều dài khoảng 117,5 km. Điểm đầu tại nút giao giữa QL26B và QL1, khu vực cảng Nam Vân Phong; điểm cuối tại vị trí giao cắt đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột. Dự án chuẩn bị đầu tư từ năm 2022, cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 21.935 tỷ đồng. Nguồn vốn từ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã dự kiến phân bổ cho Bộ GTVT, nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021, nguồn ngân sách địa phương; năm 2026 và năm 2027 từ nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Áp dụng nhiều cơ chế đặc thù

Về hình thức đầu tư đối với 3 dự án trên, Chính phủ kiến nghị áp dụng hình thức đầu tư công. Sau khi hoàn thành, sẽ thu phí để hoàn trả phần vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho dự án.

Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Thủ tướng sẽ xem xét phân cấp cho một số địa phương làm chủ quản đầu tư dự án thành phần, dự kiến mỗi địa phương làm cơ quan chủ quản của một dự án thành phần. Địa phương được Thủ tướng phân cấp làm cơ quan chủ quản có trách nhiệm quyết định đầu tư dự án thành phần; bố trí đủ phần vốn đã cam kết tham gia đầu tư dự án bảo đảm tiến độ.

Bộ GTVT thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành sẽ là cơ quan chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở bảo đảm thống nhất về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các dự án thành phần phân cấp cho địa phương chủ quản đầu tư; tiếp nhận quản lý, vận hành khai thác đối với các dự án thành phần phân cấp cho các địa phương; xây dựng phương án nhượng quyền để thu hồi toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đã đầu tư.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đề nghị áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù như: Cho phép Thủ tướng, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối 25 với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình, các nhà thầu thực hiện các gói thầu quy định tại khoản này đến khi hoàn thành dự án. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Cho phép Thủ tướng xem xét, quyết định việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn thuộc Chương trình trên cơ sở đã sử dụng tối đa năng lực của Bộ GTVT.

Cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc chương trình.

Để đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm và tăng tính chủ động cho các địa phương trong quá trình đầu tư các công trình hạ tầng quốc gia, Chính phủ kiến nghị trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công, tương tự cơ chế chính sách đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 44.

Hiện nay, ngân sách Trung ương đang phải cân đối cho nhiều dự án quan trọng quốc gia trong khi, các địa phương là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ việc đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, tăng nguồn thu từ khai thác quỹ đất, phát triển kinh tế. Vì vậy, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép các địa phương được bố trí một phần ngân sách địa phương để tham gia đầu tư dự án.

Rà soát kỹ suất đầu tư

Cũng trong sáng nay, Ủy ban Kinh tế (UBKT) đã có báo cáo Quốc hội về việc thẩm tra các dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1).

Theo đó, UBKT nhất trí với sự cần thiết đầu tư 3 dự án này với những lý do đã nêu tại tờ trình Chính phủ nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua. Đồng thời, việc đầu tư các tuyến cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo UBKT, các dự án nêu trên sử dụng nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dự kiến phân bổ khoảng 26.147 tỷ đồng theo Nghị quyết 29 của Quốc hội; nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT khoảng 2.203 tỷ đồng.

Chu-nhiem-ubkt-Vu-hong-thanh

Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư 3 dự đường bộ cao tốc. Ảnh: Quốc Hội

UBKT cho rằng, việc Chính phủ dự kiến tập trung các nguồn vốn nêu trên nhằm cơ bản hoàn thành các dự án là phù hợp. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ trong số các dự án dự kiến tiết giảm vốn, có một số dự án hoàn thành trong và sau năm 2022, do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát và chịu trách nhiệm về tính khả thi của nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT.

Nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phục vụ các dự án này khoảng 9.620 tỷ đồng. UBKT nhận thấy, 3 dự án đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí của Nghị quyết số 43, do đó, việc sử dụng nguồn vốn của chương trình cho là phù hợp. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần tổng hợp, cập nhật 3 dự án vào danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của chương trình để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn theo quy định.

Một nguồn vốn khác phục vụ các dự án này là từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 khoảng 13.796 tỷ đồng. UBKT nhận thấy, đề xuất bố trí nguồn vốn cho 3 dự án này là phù hợp quy định Luật Ngân sách Nhà nước và nhất trí với đề xuất của Chính phủ.

Có ý kiến cho rằng việc sử dụng nguồn này 3 dự án thì khả năng giải ngân hết số vốn trong năm 2022 là khó khả thi, do đến nay các dự án chưa được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Vì vậy, UBKT đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ, tính toán khả năng giải ngân để bảo đảm thời hạn sử dụng nguồn vốn này theo quy định, đồng thời, cam kết và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, bảo đảm, tiến độ, chất lượng của 3 dự án.

Đối với, mguồn vốn ngân sách địa phương, tham gia đầu tư 3 dự án khoảng 8.358 tỷ đồng để tham gia khoảng 50% chi phí giải phóng mặt bằng các dự án thành phần. Theo quy định của pháp luật, khi quyết định chủ trương đầu tư phải quyết định tổng mức vốn và cơ cấu vốn. Đến nay, đã có nghị quyết của HĐND các tỉnh cam kết bố trí vốn cho 3 dự án. Để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, đề nghị các địa phương cam kết chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc bố trí nguồn ngân sách địa phương.

Ngoài ra, về tiến độ hoàn thành, một số ý kiến cho rằng việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc với quy mô yêu cầu kỹ thuật phức tạp trong cùng một thời gian ngắn sẽ cần một nguồn lực rất lớn, trong khi các địa phương được giao triển khai thực hiện 3 dự án cũng chưa có kinh nghiệm về tổ chức thực hiện dự án đường cao tốc.

Vì vậy, UBKT nhận thấy, việc triển khai 3 dự án sẽ gặp khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng nên đề nghị cần phải đánh giá một cách đầy đủ hơn về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, thi công để có giải pháp kịp thời, đồng bộ.

Chính phủ và các địa phương cần cam kết trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho các dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai, đồng thời cần tăng cường vai trò của Bộ GTVT trong việc tổ chức thực hiện.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ