[Cafe cuối tuần] Phó Lý mua và vấn nạn danh xưng ở Việt Nam

Nhàđầutư
Thời phong kiến, Lý trưởng là chức vụ điều hành cao nhất trong làng thuộc hệ thống hành chính thấp nhất là cấp làng (hương).
SƠN THUỶ
31, Tháng 12, 2022 | 10:28

Nhàđầutư
Thời phong kiến, Lý trưởng là chức vụ điều hành cao nhất trong làng thuộc hệ thống hành chính thấp nhất là cấp làng (hương).

13371BD3-5070-4212-A201-2BF063961409

 

Ở làng, chức Lý trưởng được bầu và sau đó phải được quan trên phê chuẩn. Nói tóm lại, đó là một chức quan mà người được bầu (về cơ bản) xứng đáng nhất và xứng đáng là người đứng đầu, thay mặt quan trên (trên cao nhất là triều đình) điều hành một làng. Giúp việc và bên dưới chức Lý trưởng còn có chức Phó lý, nhân vật số 2 trong làng sau Lý trưởng. Chức này cũng phải được bầu và được phê chuẩn như chức Lý trưởng (nó khác chức Trưởng thôn và Phó trưởng thôn bây giờ vì cấp hành chính thấp nhất bây giờ là cấp xã).

Và cách gọi (danh xưng) của hai ông này sẽ gồm hai phần. Phần tiền tố là chức của họ và phần thứ 2 là tên của người đó. Ví dụ ông lý trưởng tên Sỹ sẽ gọi là ông Lý Sỹ; ông Phó lý tên Diện thì sẽ gọi là ông Phó Diện.

Nhưng trong làng, ngoài hai ông đó ra thì cũng có một số ông được gọi là ông Lý, ông Phó. Ví dụ, có ông Phó Lạc và vợ ông là bà Phó Lạc. Song, kèm theo cách gọi tên như vậy, dân hay nói nhỏ, nói để người khác biết rằng đó là phó lý mua.

Phó lý mua là gì?

Không chỉ có chức phó lý mà cả chức lý trưởng cũng mua.

Chuyện là, khi một người không được bầu nhưng vẫn muốn được gọi bằng danh xưng cao sang là lý trưởng và phó lý thì bỏ ra một số tiền cho làng và sẽ được gọi là ông Lý, ông Phó đồng thời kèm theo điều khoản rất “oách” đó là không phải đi phu dịch. Trước kia, giai đinh trong làng thường phải đi phu dịch như làm được, đắp đê, chống lũ lụt hoặc giúp việc làng, canh điếm….  Lý trưởng, Phó lý không phải làm việc đó và Lý trưởng mua hay Phó lý mua cũng không phải đi.

Nhiều nhà giàu, không muốn phải làm công việc cùng đinh nên bỏ tiền mua nhưng cũng có danh xưng nhất định để khoe rằng ta cũng là ông Lý, ông Phó lý cũng như con cháu họ có cái để lừa những người không biết, dễ nhầm với lý trưởng mua hay phó lý mua với lý trưởng và phó lý được bầu.

Chức quan như cấp quan huyện, quan phủ trở lên thì không nghe nói là có chức quan mua nhưng phẩm hàm cũng có thể mua.

Có người, không phải đỗ đạt nhưng vẫn được gọi bằng danh xưng cụ Hàn nọ, cụ Hàn kia bởi công sức đóng góp hay trình độ mà họ có được chứ không phải là họ đứng trong giới khoa bảng qua các kỳ thi hay là thành viên các viện nọ, viện kia….

Vậy là con cháu họ, sau nhiều đời vẫn gọi họ với những danh xưng được tôn vinh một cách “bất xứng” nhưng lại được thừa nhận mang tính thực tế.

Phàm là con người, không chỉ là người Việt, ai cũng mong muốn được thừa nhận và được tôn vinh nhưng sự khác nhau ở chỗ, nền văn hoá và giáo dục của cộng đồng, của gia đình và nhận thức của bản thân làm cho mỗi người sẽ biết phải dùng danh xưng của mình như thế nào cho đúng mực một cách khiêm cung.

Bởi sự không đúng mực không chỉ còn là khái niệm mà người đời hay dùng từ “nổ”, “bịa”, “bốc phét” mà nó còn đẩy lên một khái niệm tệ hơn là “lừa”, là “lừa đảo” để rồi trục lợi.

Xưa, bỏ tiền để gọi danh xưng chức quan bé tí tầm làng xã thì nay con cháu cảm thấy cần phải làm hoành tráng tầm thế giới.

Năm 2019, có người tên Lê Hoàng Anh Tuấn (tức Lê Văn Tuấn) giới thiệu nào là tiến sĩ, nào là thạc sĩ luật học, nào là nhà báo quốc tế, nào là tổng biên tập nọ kia. Rồi một ngày bị tố là lừa đảo.

Mấy hôm nay, mạng xã hội xuất hiện danh xưng nhà thơ thế giới. Chả biết làm vậy để làm gì? Để phục vụ như cầu cá nhân muốn được tôn vinh hay đầu óc tự huyễn hoặc mình đã đạt tầm thế giới?

Nhưng có điều, cơ quan nhà nước cần vào cuộc quản lý mấy cái trò công nhận kỷ lục. Chả biết thật giả thế nào, các ông tự công nhận cái gì đó là nhất, là nhất trên đời….

Có một lương y không đỗ đại học, loanh quanh làm đủ thứ buôn bán vài năm rồi gia đình cho học qua lớp sơ cấp đông y của huyện. Chả có gì đáng bàn nếu không có chuyện ông ấy được tổ chức kỷ lục trao danh hiệu tiến sỹ danh dự. Việc trao đó cũng chả có gì chê trách nếu như nó chỉ dừng lại ở việc trao và nhận đó.

Nhưng sau một thời gian, chả thấy chữ danh dự đâu, giờ tìm thông tin về ông ấy trên mạng, người ta sẽ thấy ông ấy được gọi là tiến sĩ và thế là ông ấy thành tiến sĩ rồi hay sao? Cái đó nguy hiểm ở chỗ, không học hành nghiên cứu đúng mực mà công nhận bằng cấp rồi tự nhận bằng cấp học hàm học vị như thế là hình thức trợ giúp cho việc đánh lừa cộng đồng. Bộ Y tế liệu có biết?

Dân đâu có biết, thấy giới thiệu nhà báo quốc tế, nhà thơ thế giới, tiến sĩ …là kính nể lắm.

Việc trao tiến sĩ danh dự cho một cá nhân, có thể người đó chả có bằng cấp gì nhưng cũng có người đã là tiến sĩ của một cơ sở đào tạo nào đó nhưng được cơ sở khác trao danh hiệu tiến sĩ danh dự bởi tài năng và đóng góp của họ, những gì họ làm, công trình họ cống hiến xứng đáng như một bậc tiến sĩ.

Lên mạng tìm thông tin, ông Kim Woo Chung, TGĐ hãng Deawoo được ĐHQGHN công nhận tiến sĩ danh dự, nhưng không thấy ông giới thiệu ông là tiến sĩ bao giờ cả.

Hay như cựu Phó thủ tướng Đức Philipp Roesler được trường ĐH Kinh tế Hà Nội công nhận tiến sĩ danh dự. Nhưng sau buổi tối đó, ông chả bao giờ khoe mình là tiến sĩ.

Giờ có lẽ làm như các cụ xưa, ai cần có danh tiến sĩ để khoe, bỏ tiền ra mua và được gọi là tiến sĩ thì nhớ kèm theo ghi chú: Tiến sĩ mua.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ