[Café cuối tuần] Khi nào người dân mới hết ‘giật mình’ vì hóa đơn tiền điện?

Nhàđầutư
Suốt vài tuần nay, toàn xã hội bỗng xôn xao câu chuyện về giá điện. Lạ một cái là chỉ sau có 1 tháng, hóa đơn tiền điện nhiều gia đình bỗng vọt lên gấp đôi, gấp ba lần, thậm chí nhiều trường hợp cá biệt, hóa đơn tiền điện tăng cả chục lần so với trước đó.
CHÍ THÀNH
27, Tháng 06, 2020 | 06:11

Nhàđầutư
Suốt vài tuần nay, toàn xã hội bỗng xôn xao câu chuyện về giá điện. Lạ một cái là chỉ sau có 1 tháng, hóa đơn tiền điện nhiều gia đình bỗng vọt lên gấp đôi, gấp ba lần, thậm chí nhiều trường hợp cá biệt, hóa đơn tiền điện tăng cả chục lần so với trước đó.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngay lập tức lên tiếng thanh minh về tình trạng bất thường này. Lý do chính được phía điện lực đưa ra là do nóng nên người dân dùng nhiều điện. Mà dùng nhiều điện thì tiền nhiều là đương nhiên. Điều này rõ như ban ngày, cãi cự gì nữa?

Nhưng nhân dân thì vẫn cứ rầm rì, ừ thì nóng thì dùng nhiều, nhưng sao lại tăng nhiều đến thế? Có nhà dân nghèo ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), hóa đơn tiền điện tháng trước chỉ hơn 70.000 đồng một tí, ấy vậy là tháng này vọt lên đến 13,5 triệu đồng, sao vậy? Sau khi kiểm tra, người ta cho rằng nguyên nhân là do chập điện. “Nguồn bị rò rỉ điện vào mái tôn che mát trước nhà, khiến lượng điện tiêu thụ của khách hàng này tăng đột biến”, người bán điện giải thích. Điều thú vị nhất là người ta tìm được chỗ dây điện bị rò rỉ, nhưng chả ai biết nó rò rỉ từ lúc nào. Sao lại trùng hợp rò rỉ đúng vào tháng nóng lực, khiến tiền điện vọt lên nhiều đến thế?

_0 1 a a a giadien VIIIP

Minh họa VIIIP

Lại có trường hợp ở Nghệ An, số tiền điện ghi nhầm tăng lên tới… 30 lần. Lãnh đạo Công ty điện lực Nghệ An ngay lập tức cho rằng đây là một ‘sai sót rất đáng tiếc”. Nhân viên ghi chỉ số điện sai bị khiển trách, nhân viên nhập chỉ số điện bị phê bình, và giám đốc điện lực huyện bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày để ‘làm rõ trách nhiệm’.

Điều thú vị nhất là trong ngày 26/6, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh của EVN khẳng định rằng khâu ghi chỉ số công tơ độc lập hoàn toàn với các khâu khác trong quy trình kinh doanh, nên không ai được hưởng lợi từ việc ghi sai chỉ số công tơ. Như vậy, chỉ người dân bị ‘ghi nhầm’ là bị thiệt hại, còn chả ai hưởng lợi cả?

Theo thông cáo báo chí chính thức của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), số liệu thống kê của đơn vị này cho thấy đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92% khách hàng) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020, đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.

EVN còn cho biết: Dự kiến kỳ hoá đơn tháng 6/2020 còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng mạnh so với tháng 5/2020. Theo số liệu thống kê mới đến ngày 20/6/2020 cho thấy, đã có tới hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,77% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5/2020 (gấp 2,33 lần so với tháng 5/2020). Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5 trước đó.

Như vậy, tiền điện tháng 6 này của mọi hộ dân sẽ tiếp tục tăng, vì những lý do không thể chối cãi được!

Vậy thì làm sao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về các cơ chế phát triển nguồn và lưới điện diễn ra mới đây, lại yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm rõ việc tại sao hóa đơn tiền điện của nhân dân lại tăng cao bất thường, và nhấn mạnh tinh thần là bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm?

Ngay sau yêu cầu của Thủ tướng, EVN đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và sáng 25/6 tại Hà Nội, đoàn kiểm tra này đã có buổi làm việc đầu tiên với các đơn vị điện lực trên địa bàn.

Điều mà người dân mong mỏi nhất hiện giờ là EVN cần có trách nhiệm làm minh bạch vấn đề tăng giá điện bất thường thời gian qua và bên cạnh đó cần có sự giám sát của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương).

Một số người cho rằng, ngoài chuyện thời tiết, nguyên nhân chính khiến giá điện của nhiều gia đình tăng vọt trong thời gian qua chính là biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc thang hiện đang được EVN áp dụng.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng khẳng định đã tới lúc phải sửa đổi biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc thang. Bởi, thực tế tỉ trọng dùng điện giữa các hộ, nhất là hộ dùng dưới 50 kWh đã ít hơn nhiều so với trước, nên duy trì bậc thấp nhất (bậc 1) ở ngưỡng này không còn hợp lý. 

Về vấn đế này, EVN cũng thông tin rằng trong quí III năm nay, cơ quan này cũng sẽ trình lại cấp có thẩm quyền việc sửa biểu giá bán lẻ điện bậc thang.

Chỉ khi biểu giá điện bán lẻ được tính toán lại hợp lý, đảm bảo quyền lợi của nhiều bên thì hy vọng mùa hè các năm tới, người dân mới có thể hết ‘giật mình’ hay tá hỏa khi nhận được hóa đơn tiền điện nữa.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24620.00 24940.00
EUR 26373.00 26479.00 27646.00
GBP 30747.00 30933.00 31883.00
HKD 3106.00 3118.00 3220.00
CHF 27080.00 27189.00 28038.00
JPY 159.61 160.25 167.69
AUD 15992.00 16056.00 16544.00
SGD 18111.00 18184.00 18724.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17987.00 18059.00 18594.00
NZD   14750.00 15241.00
KRW   17.82 19.46
DKK   3544.00 3676.00
SEK   2323.00 2415.00
NOK   2280.00 2371.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ