[Café cuối tuần] GrabBike và nỗi niềm VAT

Nhàđầutư
Ngày 7/12 vừa qua, hàng trăm tài xế GrabBike đã cầm băng rôn diễu hành khắp đường phố Hà Nội để phản đối việc Grab thông báo tăng tỷ lệ khấu trừ với đối tác. Chính sách thuế VAT mới đối với Grab vừa không đúng luật, vừa không công bằng, thiếu tính nhân văn với đông đảo NLĐ chịu nhiều rủi ro trên đường.
NGÔ VĂN TUYỂN
12, Tháng 12, 2020 | 07:18

Nhàđầutư
Ngày 7/12 vừa qua, hàng trăm tài xế GrabBike đã cầm băng rôn diễu hành khắp đường phố Hà Nội để phản đối việc Grab thông báo tăng tỷ lệ khấu trừ với đối tác. Chính sách thuế VAT mới đối với Grab vừa không đúng luật, vừa không công bằng, thiếu tính nhân văn với đông đảo NLĐ chịu nhiều rủi ro trên đường.

Tài xế GrabBike đã tập trung trước văn phòng của doanh nghiệp này trên phố Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) để phản đối mức khấu trừ vừa được nâng lên sau khi Grab tăng giá cước với khách hàng và tăng tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe với tài xế, bắt đầu từ 5/12.

9deabd525f11b64fef00

Tài xế GrabBike đã cầm băng rôn diễu hành khắp đường phố Hà Nội để phản đối việc Grab thông báo tăng tỷ lệ khấu trừ với đối tác. Nguồn: Internet

Cụ thể, nguyên nhân khiến tài xế GrabBike biểu tình là do trước ngày 5/12, họ chỉ phải nộp 20% phí sử dụng ứng dụng và nhận về 80% doanh thu mỗi chuyến xe. Còn tài xế có doanh thu cả năm trên 100 triệu đồng phải nộp thêm 1,5% thuế thu nhập cá nhân và 3% thuế VAT.

Nhưng sau 5/12, Grab đã nâng tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe lên 27,272%, bao gồm phí sử dụng ứng dụng 20% (không đổi) và cộng với thuế VAT. Động thái này được Grab đưa ra sau khi Nghị định 126 có hiệu lực - thay đổi cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ gọi xe công nghệ.

 Sau khi tăng giá 5-6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc, giá cước 2 km đầu tiên cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ đã tăng lên 27.000 đồng, cao hơn 2.000 đồng so với trước ngày 5/12. Mức cước này tại các TP khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... tăng thêm 3.000 đồng lên 25.000 đồng. Grab cũng điều chỉnh tăng giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ từ 500 - 1.000 đồng tùy từng thành phố, trong đó 1.000 đồng là mức tăng lớn nhất áp dụng cho khách hàng tại Hà Nội và Bắc Ninh.

Hiện tại, giá mỗi km GrabCar 4 chỗ tại 2 TP. Hà Nội và Bắc Ninh là 9.500 đồng, tương đương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Doanh nghiệp này cũng điều chỉnh giá cước dịch vụ GrabCar 7 chỗ với các tỉ lệ tăng tương đương 4 chỗ. Với dịch vụ xe ôm công nghệ GrabBike, giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng lên 4.000 đồng. Còn giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 lên 350 đồng mỗi phút.

Thực ra, Luật thuế Giá trị gia tăng (VAT) đã được thực hiện từ năm 1999. Mặc dù trong quá trình thực hiện Luật đã có những điều chỉnh về thuế suất và đối tượng chịu thuế, nhưng tinh thần cơ bản của Luật vẫn nhằm mục tiêu đúng như tên gọi của nó. Trước đây, thuế doanh thu đánh theo tỉ lệ phần trăm giá bán sản phẩm, nên sản phẩm nào có chuỗi sản xuất càng dài qua nhiều quá trình hợp tác sản xuất thì mức thuế tích luỹ càng lớn do thuế chồng thuế bởi giá bán đã bao gồm cả thuế. Vì vậy, thuế VAT đã ra đời nhằm khắc phục hạn chế của thuế doanh thu, để phù hợp với xu thế phát triển của sản xuất hàng hoá hiện đại. 

Doanh nghiệp nộp thuế VAT có thể theo hai phương pháp trực tiếp hoặc khấu trừ. Phương pháp trực tiếp đánh trên giá trị tăng thêm, về lý thuyết thì đúng bản chất của thuế VAT. Tuy nhiên, về thực tiễn thì không có cách kê khai giá trị tăng thêm một cách chính xác, nên nộp thuế theo phương pháp này thực chất vẫn như nộp thuế doanh thu. Phương pháp khấu trừ được áp dụng rộng rãi. Các doanh nghiệp có hệ thống sổ sách kế toán đúng theo chuẩn mực đều dễ dàng áp dụng. Chi phí đầu vào của hàng hoá dịch vụ sẽ không bao gồm thuế VAT đầu vào. Doanh thu đầu ra sẽ không bao gồm thuế VAT đầu ra. Khi nộp thuế VAT đầu ra thì được khấu trừ thuế VAT đầu vào đã nộp trước đó. 

Mặc dù quy định thi hành Luật VAT luôn có những điều chỉnh, nhưng vẫn không theo kịp với thực tiễn đa dạng của hoạt động kinh doanh, chưa kể còn phát sinh những bất cập mới của chính sách. Ví dụ, quy định một số hàng hoá phục vụ nông nghiệp không thuộc đối tượng chịu thuế VAT nhưng thực tế toàn bộ chi phí đầu vào chịu thuế VAT không được khấu trừ, nên bản chất chỉ phần giá trị tăng thêm cuối cùng mới không chịu thuế. Quy định này vô hình trung đã hỗ trợ cho hàng hoá nhập khẩu chèn ép sản phẩm trong nước, do hàng nhập khẩu hoàn toàn không chịu thuế ngay từ khâu nhập khẩu. Gần đây, Nghị định 126/2020 ra đời có hiệu lực từ 5/12/2020 có nội dung điều chỉnh việc thu thuế VAT đối với dịch vụ vận tải Grab cũng gây bức xúc liên quan đến việc thi hành Luật VAT.

Thoạt tiên theo giải thích của cơ quan thuế thì việc người sử dụng dịch vụ Grab phải trả thuế suất 10% tính trên giá dịch vụ là hoàn toàn phù hợp quy định của Luật. Tuy nhiên, để hoàn thành dịch vụ vận chuyển này cũng có một chuỗi cung ứng hoạt động dịch vụ. Nếu coi Grab là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho khách hàng thì người vận chuyển thực tế là người cung cấp cho Grab. Nếu coi người vận chuyển là người cung cấp dịch vụ cho khách hàng thì Grab là người cung cấp dịch vụ gọi xe cho người vận chuyển. Theo quy định trước đây thì thuế suất VAT 10% tính trên phần giá dịch vụ được chia của Grab theo tỉ lệ người vận chuyển 80%, Grab 20%. Khi đó Grab nộp thuế giống như là nhà cung ứng cho người vận chuyển. Theo quy định mới thì Grab nộp thuế VAT 10% cho toàn bộ giá dịch vụ. 

Để dễ phân tích có thể xem xét ví dụ cụ thể. Theo quy định cũ, giả sử một chuyến xe GrabBike quãng đường 10 km, giá dịch vụ 40.000 đồng, người vận chuyển được hưởng 32.000 đồng, còn Grab được hưởng 8.000 đồng. Grab phải nộp thuế VAT 10%*8.000 = 800 đồng, còn người chạy Grab phải nộp thuế VAT 3%*32.000 = 960 đồng. Thực tế tổng số thuế VAT đầu ra phải nộp là 1.760 đồng, bằng 4,6% tính trên giá dịch vụ không bao gồm thuế. Mỗi ngày trung bình chạy 100 km, người chạy Grab nhận được 320.000 đồng, sau khi trừ thuế VAT 9.600 đồng, thuế thu nhập cá nhân 1,5% bằng 4.800 đồng, xăng khoảng 50.000 đồng, còn lại 256.000 đồng. Một tháng 26 ngày (nghỉ chủ nhật) thu nhập sẽ được xấp xỉ 6,7 triệu đồng/tháng bao gồm cả khấu hao xe, chi phí sửa chữa, tiền điện thoại. Nếu may mắn thì thu nhập có thể cao hơn, rủi thì có khi còn không được chừng ấy. Tai nạn, rủi ro thì hoàn toàn phải chịu, không có bảo hiểm gì.

Theo quy định mới thì ở ví dụ trên với giá cước 40.000 đồng bao gồm 10% VAT thì số thuế VAT đầu ra phải nộp là 3.636 đồng. Trong khi đó, toàn bộ chi phí mua phương tiện vận chuyển, mua xăng dầu và nhiều chi phí khác nữa đã chịu thuế VAT đầu vào 10%. Giả sử chỉ tính chi phí tiền xăng ví dụ 5.000 đồng (bao gồm VAT 10%) cho 10 km thì VAT đầu vào là 545 đồng không được khấu trừ. Như vậy, về nguyên lý tổng số thuế VAT đối với cước dịch vụ vận tải đã vượt trên 10% là không phù hợp với thuế suất quy định tại Luật thuế VAT. Việc chỉ áp thuế VAT 3% đối với tiền cước được chia cho người chạy GrabBike như trước kia cũng coi như giá trị tăng thêm thuộc về công sức lao động của họ chỉ chiếm chừng 30% trong chi phí họ bỏ ra. Giờ thì họ sẽ phải đóng thuế cả cho phần 70% chi phí còn lại mà trong số đó trừ công sức của họ thì đều đã có VAT rồi. 

Chính sách thuế trong trường hợp này đã gián tiếp không thừa nhận thực tế mô hình kinh doanh mới kiểu Grab. Về bản chất Grab không phải là doanh nghiệp vận tải truyền thống, việc bắt họ kê khai đầu vào để khấu trừ thuế là một cách đánh đố phi thực tế. Quy định như trước đây mới là phù hợp khi chính Grab đã giúp thu được thuế VAT cũng như thuế thu nhập của các cá nhân làm dịch vụ vận chuyển.

Nếu không sử dụng dịch vụ công nghệ đặt xe của Grab thì những người chạy xe vẫn cung cấp dịch vụ như thường và nhà nước không thu được loại thuế nào. Trong số những người chạy GrabBike có rất nhiều người được đào tạo có trình độ nghề nghiệp nhưng không có việc làm, loại hình Grab đã góp phần nhất định giải quyết những vấn đề của xã hội.

Việc chạy xe sử dụng công nghệ Grab tạo ra một trật tự hơn trong việc cung ứng dịch vụ, thuận tiện cho khách hàng, an toàn hơn cho cả người chạy dịch vụ và khách hàng khi dễ dàng kiểm soát hành trình. Thiết nghĩ chính sách thuế VAT mới đối với Grab vừa không đúng luật, vừa không công bằng, thiếu tính nhân văn đối với đông đảo những người lao động chịu rất nhiều rủi ro trên đường.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25030.00 25048.00 25348.00
EUR 26214.00 26319.00 27471.00
GBP 30655.00 30840.00 31767.00
HKD 3156.00 3169.00 3269.00
CHF 27071.00 27180.00 27992.00
JPY 159.45 160.09 167.24
AUD 15862.00 15926.00 16400.00
SGD 18109.00 18182.00 18699.00
THB 667.00 670.00 696.00
CAD 17920.00 17992.00 18500.00
NZD   14570.00 15049.00
KRW   17.26 18.81
DKK   3520.00 3646.00
SEK   2265.00 2349.00
NOK   2255.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ