Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 6 định hướng phục hồi nhanh nền kinh tế

Nhàđầutư
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, Việt Nam cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ “vàng”, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng.
ANH TRUNG
09, Tháng 05, 2020 | 10:16

Nhàđầutư
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, Việt Nam cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ “vàng”, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng.

IMG_20200509_090547

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển DN và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu.

Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, trong bối cảnh đất nước đang đứng trước triển vọng lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, cần quán triệt quan điểm hỗ trợ tối đa cho DN phát triển; coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển DN và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, như đã áp dụng đối với công cuộc phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua.

Trong trạng thái mới của nền kinh tế, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp chính là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hợp lý, không quá cực đoan, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dần thích nghi với điều kiện: vừa phục hồi dần các hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa bảo đảm an toàn cho người lao động, tìm kiếm và tận dụng những cơ hội mới để phát triển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Với quan điểm nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất gợi mở một số định hướng. Thứ nhất, phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới.

Duy trì ổn định các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất mà Việt Nam có lợi thế, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng trong nước có nhu cầu, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển; tập trung phát triển sản xuất các loại vật liệu cơ bản, vật liệu mới để bảo đảm tự chủ nguồn nguyên vật liệu trong nước, thay thế một phần nguồn nhập khẩu.

Đồng thời, hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, chuỗi liên kết thuần Việt, xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn theo đúng thông lệ quốc tế, để kịp thời ứng phó với phương án chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường mới.

Thứ hai, thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa: Tăng tổng cầu trong nước thông qua kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu; các ngành du lịch, lưu trú, bán lẻ, thương mại điện tử…; đồng thời, xem xét hỗ trợ DN tung ra các gói dịch vụ hàng hóa khuyến mại cho người tiêu dùng, người dân; có chính sách tài khóa như miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm, dịch vụ để giúp DN giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước.

Ngoài ra, cần thúc đẩy đầu tư công; tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng; tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, tháo gỡ nút thắt trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt phát triển thị trường nhà ở xã hội, tạo đòn bẩy để kích cầu nội địa.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, đầu tư; xây dựng và triển khai ngay chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam tới thế giới - là quốc gia có ý thức và thực hiện phòng chống dịch tốt nhất, hiệu quả nhất - là điểm đến an toàn để đầu tư, du lịch; đồng thời, xây dựng lộ trình phù hợp cho người nước ngoài vào du lịch để kích thích tăng trưởng ngành dịch vụ; chuẩn bị đầy đủ điều kiện để khai thác tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA...

Thứ tư, hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với việc làm và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách. Nghiên cứu có chính sách bảo lãnh tín dụng cho khoản vay mới của khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, sử dụng nhiều lao động như: du lịch, dệt may, da giầy, hàng không… và các khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ người lao động trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, để giúp DN ổn định lực lượng lao động, sẵn sàng cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ phát triển các nền tảng thương mại điện tử; e-logistics, các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử…; nghiên cứu giao hoặc đặt hàng các DN công nghệ số Việt Nam phát triển các giải pháp, nền tảng công nghệ số.

Thứ sáu, thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển. Các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên giải quyết các khó khăn của DN thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý; xác định đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong hành động; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, không đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần có những suy nghĩ trăn trở và nỗ lực cùng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

Đánh giá về các khu vực kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, đối với khu vực DN nhà nước vẫn còn nhiều dư địa trong hoạt động đầu tư, là khu vực chiếm lĩnh thị trường lớn và tập trung nhiều dự án lớn.

Do đó, cần cần nghiên cứu một cách sâu sắc, nghiêm túc các cơ hội và thách thức để định hình được chiến lược phát triển của mình; xác định việc đổi mới khoa học, công nghệ, mở rộng thị trường là xu hướng tất yếu phải tập trung nguồn lực để thực hiện; đồng thời, cần thực hiện quản trị chuyên nghiệp hóa nâng cao hiệu quả hoạt động để có thể trở thành lực lượng tiên phong, đảm đương vai trò dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực, tạo sự lan tỏa và lôi kéo các DN khu vực tư nhân trong nước cùng phát triển.

Đối với DN khu vực tư nhân, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa cần tiếp tục phát huy tính bền bỉ, dẻo dai, sức sáng tạo và linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh mới, để duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động; nhanh nhạy tận dụng các cơ hội thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong và ngoài nước.

Đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cần tăng cường nội lực, liên tục đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò đầu tầu, ưu tiên tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị của mình; cần xây dựng chiến lược, tầm nhìn lớn với mục tiêu thiết lập vị thế mới của thương hiệu Việt trên thị trường trong và ngoài nước.

"Đối với DN FDI, cần xác định là một thành phần không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam, xây dựng mối quan hệ tương sinh với các thành phần doanh nghiệp khác trong nước với phương châm cùng lớn mạnh, cùng phát triển; tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước, thực hiện chuyển giao kiến thức, công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam để tạo dựng hệ sinh thái doanh nghiệp hiệu quả, bền vững", Bộ trưởng Dũng nói.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ