Bộ Tài nguyên và Môi trường: 70% rác thải ở Việt Nam được chôn lấp

Các khu đô thị trên toàn quốc phát sinh 38.000 tấn rác mỗi ngày, đa số được chôn lấp dẫn đến tốn đất và ô nhiễm.
GIA CHÍNH-TẤT ĐỊNH
10, Tháng 07, 2019 | 11:24

Các khu đô thị trên toàn quốc phát sinh 38.000 tấn rác mỗi ngày, đa số được chôn lấp dẫn đến tốn đất và ô nhiễm.

Những ngày gần đây, rác thải ùn ứ nhiều nơi trên đường phố Hà Nội, Đà Nẵng do trước đó nhiều người dân các địa phương này đã chặn xe chở rác ra vào khu xử lý tập trung, khiến hoạt động vận chuyển rác bị ngưng trệ.

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Vụ trưởng Quản lý chất thải thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), rác thải sinh hoạt không chỉ là nỗi lo của một vài tỉnh, thành mà "đang là vấn đề cấp bách, phức tạp của cả nước".

Hiện nay lượng chất thải sinh hoạt ở các khu đô thị trên toàn quốc phát sinh 38.000 tấn mỗi ngày, tỉ lệ thu gom, xử lý là hơn 85 %; con số này ở nông thôn là 32.000 tấn mỗi ngày và chỉ thu gom được khoảng 55%.

"Phương án xử lý rác thải chủ yếu của cả nước là chôn lấp (70%), trong đó nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh khiến người dân sống quanh các khu xử lý rác bức xúc", ông Hiền nói và cho hay tình trạng này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn khiến Việt Nam không tận dụng, tái chế được các loại rác thải phù hợp.

"Chưa địa phương nào có mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoàn thiện đạt được tất cả các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường", ông Hiền thông tin thêm.

60179290-394160574504169-73236-5555-1151-1562686231

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Vụ trưởng Vụ quản lý chất thải rắn. Ảnh: Gia Chính

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét, việc ở Việt Nam có tới 70% rác xử lý bằng phương pháp chôn lấp là quá cao, gây tốn đất, ô nhiễm nước ngầm.

Ông Võ cho rằng Chính phủ cần đưa tỷ lệ chôn lấp rác giảm xuống dưới 20 %. Ngoài ra, theo quy định hiện nay thì bãi rác chỉ cần cách khu dân cư 500 m, "khoảng cách này quá gần, ảnh hưởng đến sức khỏe và dễ khiến người dân phản ứng chặn xe rác".

"Xu hướng chung trên thế giới là phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng, biến rác trở thành nguồn tài nguyên", GS Võ nói và cho hay, một số đô thị từng vận động người dân phân loại rác, nhưng khi rác ra khỏi hộ dân thì lại đổ chung lên một xe thu gom khiến công sức phân loại rác trở nên vô nghĩa. 

"Thực tế này cho thấy tạo sự đồng thuận của người dân về phân loại rác tại nguồn không khó, điều quan trọng là sự đồng bộ trong hệ thống thu gom, xử lý rác của chính quyền", ông Võ phân tích.

Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, mấu chốt của vấn đề xử lý rác thải đô thị là công nghệ. Mật độ dân cư của Việt Nam ở mức cao, đặc biệt là các đô thị, trong khi phương pháp chôn lấp chỉ phù hợp ở nơi đất rộng, mật độ dân cư thưa thớt. Các phương pháp đốt rác triệt tiêu và đốt rác phát điện thì nếu công nghệ không thực sự hiện đại, đều có thể thải ra chất độc dioxin, tro bay và 20-30% tro sỉ gây hại cho sức khỏe con người. 

Theo ông Đông, công nghệ xử lý rác phù hợp áp dụng cho các đô thị ở Việt Nam là "khí hóa, cốc hóa các vật chất ra khí ga tổng hợp, không phát ra khói". Kết quả cuối cùng của công nghệ này sẽ ra chất cacbon, một vật liệu giống như than hoa, phù hợp cho cải tạo đất nông nghiệp.

"Chúng ta chưa tạo ra được môi trường cạnh tranh công nghệ xử lý rác lành mạnh, minh bạch. Vì vậy chưa khích lệ được công nghệ tốt nhất tham gia", ông Đông nói.

Vụ trưởng Quản lý chất thải Nguyễn Thượng Hiền cũng thừa nhận, hầu hết công nghệ xử lý chất thải rắn nhập khẩu không phù hợp với đặc điểm chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam, như: Chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị thấp, độ ẩm cao.

"Thiết bị, công nghệ xử lý chất thải rắn chế tạo trong nước chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chưa được sản xuất ở quy mô công nghiệp", ông nói.

Ngoài ra, việc xây dựng, vận hành các cơ sở xử lý chất thải bài bản cần vốn đầu tư rất lớn, không phải tỉnh, thành nào cũng đủ nguồn lực để thực hiện. Hiện TP. HCM và Hà Nội dành nguồn kinh phí thu gom, xử lý rác khoảng 1.200 đến 1.500 tỷ đồng mỗi năm, chiếm 3,5% chi ngân sách; tuy nhiên nhiều địa phương khác chỉ 3 đến 40 tỷ đồng mỗi năm.

Trong khi ngân sách không đủ, việc huy động vốn ngoài ngân sách cho đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn còn gặp khó khăn do quy trình, thủ tục phức tạp, kéo dài; đơn giá xử lý thấp nên chưa đáp ứng đủ chi phí.

Cụ thể, mức thu phí vệ sinh từ 4.000 đến 6.000 đồng/người/tháng ở đô thị, chỉ bù đắp khoảng 20% chi phí thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Mức chi trả cho việc xử lý rác thải ở các đô thị cũng không thống nhất, giá xử lý trung bình hiện là: khoảng 348.000 đồng/tấn với cơ sở ủ phân; 274.000 đồng/tấn với cơ sở đốt và 122.000 đồng/tấn với chôn lấp.

r2-7695-1562728522

Đà Nẵng huy động cảnh sát cơ động để vãn hồi trật tự đường vào bãi rác Khánh Sơn hôm 8/7. Ảnh: Nguyễn Đông

Bên cạnh vấn đề công nghệ xử lý rác, lãnh đạo Vụ quản lý chất thải còn cho rằng chồng chéo giữa các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan cũng dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này.

Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng hướng dẫn kỹ thuật, quy trình quản lý trong việc phân loại, xử lý và thu hồi năng lượng từ rác. Nhưng Bộ Xây dựng lại là cơ quan hướng dẫn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải sinh hoạt, quản lý chi phí và phương pháp định giá dịch vụ xử chất thải sinh hoạt.

Ngoài ra, việc đánh giá, thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới được nghiên cứu và áp dụng lần đầu ở Việt Nam lại được phân công cho hai bộ là Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng chủ trì.

Ở địa phương, nhiều tỉnh phân công Sở Xây dựng chủ trì tổ chức quản lý và triển khai hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác; lại có những tỉnh phân công cho Sở Tài nguyên Môi trường; tới cấp huyện hầu hết đều phân công lại cho Phòng Tài nguyên môi trường.

66708670-350561682539727-46053-1581-3169-1562728522

Xử lý rác bằng chôn lấp ở bãi rác Nam Sơn (Hà Nội). Ảnh: Giang Huy

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, các cấp có thẩm quyền cần tổ chức đầu mối tổng thể triển khai các hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt; phân đoạn quản lý thống nhất từ Trung ương đến cơ quan chuyên môn cấp tỉnh để tạo sự đồng bộ. 

Với những "điểm nóng" liên quan đến rác thải đô thị thời gian qua, ông Hiền cho rằng các địa phương phải phối hợp với cơ sở xử lý chất thải tăng cường biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng môi trường và dân cư xung quanh; từng bước cải tạo, nâng cấp công nghệ xử lý chất thải hiện đại, đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật.

"Đồng thời có các chính sách giải quyết với những hộ dân bị ảnh hưởng như đền bù, tái định cư phù hợp", ông Hiền kiến nghị.

Về lâu dài, các bộ ngành và địa phương cần sửa đổi, bổ sung quy hoạch bãi rác cho phù hợp; nghiên cứu áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến... "Cấp Trung ương cần sớm xây dựng, ban hành danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và tiêu chí lựa chọn công nghệ để hướng dẫn các địa phương lựa chọn cho phù hợp với điều kiện", ông Hiền nói.

(Theo VnExpress)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24550.00 24570.00 24890.00
EUR 26344.00 26450.00 27615.00
GBP 30826.00 31012.00 31964.00
HKD 3099.00 3111.00 3213.00
CHF 27409.00 27519.00 28386.00
JPY 162.55 163.20 170.88
AUD 15925.00 15989.00 16476.00
SGD 18140.00 18213.00 18757.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 17927.00 17999.00 18532.00
NZD   14838.00 15330.00
KRW   17.81 19.45
DKK   3541.00 3673.00
SEK   2340.00 2433.00
NOK   2289.00 2381.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ