Bộ Công Thương: 'Một số nhà đầu tư có ý định chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam'

Nhàđầutư
Trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương cho rằng, ngay cả nhiệm vụ “kép” để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cũng phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn cho người dân và tất cả các đối tượng trong xã hội.
HẢI ĐĂNG
10, Tháng 04, 2020 | 16:06

Nhàđầutư
Trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương cho rằng, ngay cả nhiệm vụ “kép” để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cũng phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn cho người dân và tất cả các đối tượng trong xã hội.

Trong báo cáo gửi hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 10/4, Bộ Công Thương cho biết, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, toàn ngành Công Thương xác định vừa thực hiện các giải pháp cấp bách trước mắt, vừa tính tới các giải pháp lâu dài hơn.

Theo Bộ Công Thương, 3 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 2,82 tỷ USD, cao hơn so với mức thặng dư 1,46 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019. Mặc dù trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng kết quả này cho thấy hiệu quả của các biện pháp ứng phó và quyết tâm của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội biến nguy thành cơ như thông điệp mạnh mẽ được Thủ tướng Chính phủ đưa ra.

Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu trong quý I/2020 đạt mức thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay. Đây cũng là xu hướng chung của thương mại quốc tế và khu vực. Xuất khẩu chậm lại cũng kéo theo kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm 1,9% so với quý I/2019, ước đạt 56,26 tỷ USD (cùng kỳ tăng 7,7%).

Về sản xuất công nghiệp, Chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm mạnh từ 49,0 điểm của tháng 2 về 41,9 điểm trong tháng 3. Theo kết quả khảo sát, dịch COVID-19 đã khiến cả số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm đáng kể trong tháng 3. Cả hai chỉ số đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử chỉ số, với tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm gần tương đương với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 5,8%; thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2017; 12,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 7,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,9% của cùng kỳ năm trước và 15,7% của cùng kỳ năm 2018.

Hầu hết những ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu tác động của dịch COVID-19 đều có chỉ số sản xuất (IIP) 3 tháng đầu năm tăng thấp hơn hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Công Thương đánh giá, dịch COVID-19 cũng làm ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều mặt hàng thiết yếu khiến cho tiêu thụ các mặt hàng gặp khó khăn do nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu giảm.

Theo đo, uớc tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 3 tháng đạt khoảng 1.246 nghìn tỷ đồng, tăng 4,67% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây. 

Thu hút đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng khi 2 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện giảm 5% (đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016 - 2020); vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, cũng cần nhìn nhận khía cạnh tích cực từ bối cảnh hiện tại đối với đầu tư của Việt Nam khi Việt Nam vẫn đang được coi là đất nước an toàn.

"Một số nhà đầu tư đã và có ý định chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam, điển hình như mới đây, Samsung quyết định chuyển dây chuyền sản xuất một số smartphone cao cấp tới Việt Nam. Do vậy, cần coi đây là một cơ hội trong hoạt động thu hút đầu tư của Việt Nam để hướng tới mục tiêu dài hạn hơn", Bộ Công Thương thông tin.

4Nha_may_samsung

Theo Bộ Công Thương, một số nhà đầu tư đã và có ý định chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam. Ảnh minh họa, nguồn: Zing.vn

Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp

Bộ Công Thương cho biết, đơn vị đã chủ động, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng để nghiên cứu và đưa ra đề xuất giải pháp để tháo gỡ khó khăn về kinh tế và tham gia phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Cụ thể, gói hỗ trợ trong cắt giảm giá điện đã báo cáo Chính phủ và được sự chấp thuận chung của Thủ tướng và của Chính phủ để tổ chức triển khai trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ cùng với Tập đoàn Điện lực (EVN) để tiếp tục cân đối, tính toán xây dựng các phương án thực sự khả thi, có hiệu quả để việc cắt giảm giá điện sẽ không tác động mạnh đến hiệu quả hoạt động của EVN cũng như liên quan đến các nguồn thu của nhà nước.

Trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương cho rằng, việc đầu tiên phải quán triệt đó là đảm bảo phòng chống dịch bệnh một cách nghiêm túc, triệt để nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh; không được lơ là, chủ quan; ngay cả nhiệm vụ “kép” để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cũng phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn cho người dân và tất cả các đối tượng trong xã hội.

Bộ Công Thương thống nhất đánh giá trong giai đoạn hiện nay, ngoài tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, phải tiếp tục cố gắng khai thác những cơ hội, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, dịch vụ và các ngành kinh tế khác đều có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì thị trường và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, đối với các thị trường chính của Việt Nam, chúng ta vẫn tiếp tục khai thác, phát huy. Ví dụ, thị trường Trung Quốc, mặc dù còn một số khó khăn mới phát sinh nhưng Bộ Công Thương đã bám rất sát để cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông, cùng với các địa phương tiếp tục thúc đẩy trong hoạt động thương mại hàng hóa, đặc biệt là thương mại qua biên giới.

Tiếp tục tập trung phát triển thị trường trong nước để hỗ trợ tạo tâm lý ổn điịnh, nhất là khai thác tốt cơ hội mới của thương mại điện tử; Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, trước hết là chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường nội địa; Đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp bán lẻ và liên kết trong toàn chuỗi cung ứng.

5_apr_2020_090645_gmtxuat

Bộ Công Thương cho biết, dự kiến trong tuần tới Bộ sẽ cùng trao đổi với Đại sứ Trung Quốc và sẽ lên tuyến biên giới để khảo sát thực tế để có biện pháp tháo gỡ.

Thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục tập trung một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đông Á… vẫn là các thị trường tiềm năng để chúng ta khôi phục thúc đẩy phát triển đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu.

Ví dụ như đối với thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương đang tiếp tục tập trung xử lý nhằm khơi thông tối đa các kênh giao thương qua tuyến biên giới giữa 2 nước. Hiện nay, trước việc Trung Quốc có chủ trương siết chặt hơn hoạt động thông quan do lo ngại về dịch bệnh lây lan trở lại Trung Quốc qua các khu vực biên giới. Bộ Công Thương đang bám rất sát để tập trung xử lý.

Bộ Công Thương cho biết, dự kiến trong tuần tới Bộ sẽ cùng trao đổi với Đại sứ Trung Quốc và sẽ lên tuyến biên giới để khảo sát thực tế để có biện pháp tháo gỡ.

Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cũng có cơ hội để thu hút đầu tư cả trong nước và ngoài nước để tái cơ cấu trong thời gian tới đây. Do vậy cần tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu ngành hàng sản xuất kinh doanh.

Trong đó, trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn của ta như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ..., tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.

Ngoài ra, hiện nay nhiều địa phương có phản ánh đối với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là việc xác định diện các mặt hàng thiết yếu, do đó đề nghị cần có hướng dẫn thêm về xác định hàng hóa thiết yếu cho các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp thực hiện.

Về phía các địa phương, cần tập trung thực hiện tốt nội dung số 12 của Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn trong các tình huống dịch bệnh.

Về điều hành xuất khẩu gạo, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như sự đồng thuận từ các Bộ, ngành có liên quan, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát và thực hiện điều hành trên nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu (trong tháng 4 là 400 nghìn tấn) và bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia, không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng thời duy trì chuỗi sản xuất lúa gạo; hỗ trợ tiêu thụ thóc, gạo cho người nông dân với giá tốt; bảo đảm mục tiêu "kép" là chiến thắng dịch bệnh và duy trì sản xuất, tăng trưởng kinh tế.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ