Bầu Hiển bật mí làm dự án đường sắt 1,4 tỷ euro

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển chia sẻ với Báo Giao thông về dự án đường sắt đô thị số 3 tại Hà Nội có tổng giá trị đầu tư khoảng 1,4 tỷ euro.
THẢO NGUYÊN
09, Tháng 04, 2018 | 10:21

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển chia sẻ với Báo Giao thông về dự án đường sắt đô thị số 3 tại Hà Nội có tổng giá trị đầu tư khoảng 1,4 tỷ euro.

NDT - duong sat

Tuyến đường sắt đô thị số 3 sẽ kết nối từ Nhổn lên Trôi - Phùng và điểm cuối là Thị xã Sơn Tây (Trong ảnh: Ga Nhổn điểm cuối tuyến đường sắt đô thị số 2 và sẽ là điểm đầu tuyến số 3) - Ảnh: Khánh Linh

Chúng tôi phải trải qua nhiều kỳ “sát hạch”

Gần cuối tháng 2, Chính phủ mới đồng ý cho hai doanh nghiệp, trong đó có T&T tự bỏ kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (đề xuất dự án) 3 trong số các đoạn tuyến đường sắt đô thị thành phố ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025, theo đề xuất của Hà Nội trước đó. Vậy mà chỉ sau hơn một tháng, ngày 27/3, T&T đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Bouygues của Pháp về hợp tác đầu tư dự án đường sắt đô thị số 3 tại Hà Nội. Tiến độ như vậy có quá nhanh, vội vàng không?

Đầu tháng 2 Hà Nội có tờ trình Chính phủ, song T&T đã có một quá trình chuẩn bị từ hơn nửa năm trước. Chúng tôi đã phải trải qua nhiều kỳ “sát hạch” từ bàn họp đến thực tiễn, cả về năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai dự án, công nghệ, quản trị... Hà Nội cũng trải qua một quá trình sàng lọc nhà đầu tư rất kỹ lưỡng. Chúng tôi đã làm việc với nhiều công ty tư vấn trong và ngoài nước, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi toàn bộ tuyến đường sắt đô thị số 3, hiện đang trình các cơ quan chức năng của TP Hà Nội.

NDT - DO QUANG HIEN

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T 

Dự án này được đầu tư theo hình thức nào, thưa ông?

Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư đối tác công - tư PPP và hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Theo đó, TP Hà Nội sẽ đầu tư thiết bị như mua tàu, toa xe… và quản lý vận hành, khai thác kinh doanh. T&T sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà ga, đường ray, công trình nổi, ngầm… Chi phí đầu tư của doanh nghiệp (DN) sẽ được Hà Nội trả bằng đất.

Và chúng tôi ký với Bouygues cũng như vậy. Tức là mình cũng đầu tư hạ tầng, thu hồi vốn đầu tư bằng đất.

Theo quy định, dự án phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. T&T đã tham gia đấu thầu chưa mà ký kết hợp tác đầu tư với Tập đoàn Bouygues?

Theo quy định, dự án này có thể đấu thầu, hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, với quy mô dự án trên 10.000 tỷ đồng, Dự án đường sắt đô thị số 3 còn phải được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Do đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đang yêu cầu chúng tôi nhanh chóng báo cáo đề xuất Chính phủ để đưa ra kỳ họp Quốc hội tháng 6 tới đây.

Trong trường hợp Quốc hội lại đặt vấn đề đấu thầu chọn nhà đầu tư, T&T có sự chuẩn bị như thế nào cho yêu cầu này?

Mặc dù cũng là dự án đường sắt đô thị, nhưng tuyến chúng tôi đầu tư không sử dụng vốn vay ODA hay vốn ngân sách như tuyến Cát Linh - Hà Đông mà hoàn toàn vốn của tư nhân, trong đó chủ yếu là vốn của Bouygues - Pháp. Đương nhiên, khi trình các cơ quan chức năng, bản thân T&T cũng rất sẵn sàng tham gia đấu thầu. Vì chúng tôi tin tưởng rằng, dự án khi đã giao cho DN, họ sẽ phải tính từng đồng một. Nhất là dự án này, không chỉ T&T tính, mà còn có cả Bouygues. Thế nên, trong trường hợp Chính phủ hay Quốc hội yêu cầu phải đấu thầu thì chúng tôi cũng rất sẵn sàng, trên cơ sở sòng phẳng và minh bạch.

Chưa từng triển khai công trình trong lĩnh vực giao thông nào trước đó mà đã “bập” ngay vào dự án “khủng” như Đường sắt đô thị số 3. T&T có gì để tự tin sẽ triển khai chất lượng, đúng tiến độ?

Cũng phải nói một cách sòng phẳng rằng, trong lĩnh vực đường sắt đô thị, Việt Nam chả “ông nào” có kinh nghiệm. Cho nên chính vì thế, chúng tôi mới phải tìm đến các đối tác nước ngoài có tầm cỡ, uy tín như Bouygues. Với những tập đoàn lớn đó, trước hết họ có năng lực tài chính, nguồn vốn đầu tư. Thứ hai, họ có công nghệ, kinh nghiệm quản trị, điều hành, xây dựng, vận hành... giúp cho dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ.

NDT - duong sat so 3

Tuyến đường sắt đô thị số 3 có điểm đầu là ga Nhổn, điểm cuối là TX Sơn Tây - Ảnh: Khánh Linh

“Doanh nghiệp càng lớn lên, càng thấy mình yếu kém”

Lý do gì để Bouygues chọn T&T thưa ông?

Bouygues đã vào Việt Nam 20 năm nay, có văn phòng đại diện tại TP.HCM. Họ cũng từng tham gia đấu thầu 2 dự án lớn tại Việt Nam nhưng chưa thành công, song vẫn kiên trì tìm kiếm cơ hội. Từ đó đến nay, họ đã tiếp xúc nhiều đối tác tại Việt Nam nhưng chưa tìm được đơn vị nào phù hợp cho đến khi gặp T&T và tôi (cười).

Tôi nhớ buổi đàm đạo đầu tiên, đại diện Bouygues đã nói rằng: “Chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ, không chỉ về T&T mà còn tìm hiểu cả cá nhân ngài”. Họ không chỉ có thông tin T&T được giao những dự án lớn, mà còn có niềm tin về năng lực triển khai. Đồng thời, trong quá trình trao đổi, giữa T&T và Bouygues có chung từ tầm nhìn, mục tiêu chiến lược đến lĩnh vực đầu tư, sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, chúng tôi quan tâm đầu tư vào năng lượng tái tạo, Bouygues cũng có dự án năng lượng mặt trời ở Australia. Chúng tôi đầu tư vào y tế như Bệnh viện GTVT và một bệnh viện sản nhi ở TP HCM tới đây. Bouygues cũng có bệnh viện. Chúng tôi đầu tư vào SVĐ Hàng Đẫy, Bouygues đầu tư SVĐ ở Singapore... Chưa kể đến lĩnh vực bất động sản...

Việc hợp tác với Bouygues theo hình thức nào? Vốn ở đâu để cả hai thực hiện cả 2 dự án?

Lúc đầu, Bouygues đặt vấn đề chỉ hợp tác ở khía cạnh tư vấn, thiết kế, lập quy hoạch và tổng thầu thi công, cùng lắm nữa là quản lý, vận hành. Nhưng tôi trao đổi sòng phẳng với họ: Nếu ông không bỏ tiền, thì tôi chưa chắc thuê ông. Do vậy, ông muốn đồng hành với tôi, phải thu xếp vốn, đầu tư, chung lưng đấu cật, lời ăn, thua chịu.

Ban đầu Bouygues không đồng ý. Sau một quá trình đàm phán, cả hai bên chỉ tìm được tiếng nói chung một tuần trước khi chính thức đặt bút ký tại Pháp. Theo đó, nội dung hợp tác giữa T&T và Bouygues là tư vấn, thiết kế, tổng thầu thi công, quản lý khai thác vận hành, thu xếp vốn đầu tư. Tất nhiên, phía Bouygues khi đã tham gia dự án thì sẽ có các quỹ đầu tư, tập đoàn tài chính đi theo.

Ngoài dự án đường sắt đô thị và SVĐ Hàng Đẫy, Bouygues đang đàm phán hợp tác với T&T cùng những nội dung trên cho dự án năng lượng mặt trời ở Ninh Thuận.

Cảm ơn ông!

Ngày 27/3, Tập đoàn T&T và Tập đoàn Bouygues (Pháp) đã ký kết 2 Biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư dự án Đường sắt đô thị số 3 tại Hà Nội trị giá 1,4 tỷ euro và hợp tác đầu tư phát triển dự án nâng cấp mở rộng sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội trị giá khoảng 250 triệu euro. Bouygues Construction là một trong những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng.

Dự án Đường sắt đô thị số 3 kết nối trung tâm TP Hà Nội (Nhổn) với TX Sơn Tây (cầu Vĩnh Thịnh), tổng chiều dài khoảng 31,1km. Theo lộ trình dự kiến: Giai đoạn 1, sẽ xây dựng tuyến đường Nhổn - Trôi - Phùng (Vành đai 4), với tổng chiều dài 6,1km. Dự kiến hoàn thành xây dựng trước năm 2024 và bắt đầu vận hành khai thác vào năm 2025. Giai đoạn 2: Xây dựng tuyến đường Phùng (Vành đai 4) - Sơn Tây, với tổng chiều dài 24,95km. Dự kiến, hoàn thành xây dựng trước năm 2040.

Theo Quy hoạch giao thông tổng thể của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016, mạng lưới Metro Hà Nội gồm 8 tuyến, bao gồm cả các tuyến trên cao và đi ngầm, tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD (tính đến 2008 và chưa tính bị đội vốn như dự án Cát Linh - Hà Đông), trong đó vốn của Chính phủ Việt Nam là 133,86 triệu USD.

(Theo baogiaothong.vn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ