Bất động sản chuẩn bị kịch bản bị 'siết' vốn năm 2018

Sau hai năm tăng trưởng đột biến, năm 2018 doanh nghiệp bất động sản đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho một năm khó hơn do vốn vào bất động sản bị siết.
A.HỒNG
04, Tháng 02, 2018 | 14:57

Sau hai năm tăng trưởng đột biến, năm 2018 doanh nghiệp bất động sản đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho một năm khó hơn do vốn vào bất động sản bị siết.

bat-dong-san-2018

 Ngân hàng Nhà nước đang dần hạn chế dòng vốn vào bất động sản. Trong ảnh là một chung cư ở quận 7, TP.HCM đang trong giai đoạn hoàn thiện - Ảnh: HỮU KHOA

Trong văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản trong hoạt động đầu tư kinh doanh năm 2018 mới đây, Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết thị trường bất động sản năm 2018 cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. 

Một trong số đó là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần nguồn tín dụng vào thị trường bất động sản. 

Nghị quyết 01 của Chính phủ cũng yêu cầu ngành ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có lĩnh vực bất động sản. 

Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Bên cạnh đó, sau một thời gian nới tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn lên mức 60%, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã dần hạ tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, đến nay còn 50% và từ năm 2019 sẽ giảm về mức 40%.

Ngân hàng Nhà nước cũng quy định hệ số rủi ro khi cho vay bất động sản là 200% từ ngày 1-1-2017.

Mới đây Ngân hàng Nhà nước vừa có Công văn 563 yêu cầu các ngân hàng hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng.

Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh.

Các ngân hàng cũng phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản. 

Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM, áp lực này cũng sẽ là động lực buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các giải pháp phù hợp để vượt qua nhằm thích ứng với môi trường kinh doanh hoàn toàn mới. 

Đồng thời Hiệp hội khuyến nghị các doanh nghiệp tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực của doanh nghiệp. 

Phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn cho biết gần đây một lượng tiền lớn từ khối ngoại và dân cư đã đổ vào thị trường chứng khoán giúp thị trường chứng khoán xanh lên.

Ngân hàng Nhà nước cũng cung một lượng tiền ra thị trường để mua lượng ngoại tệ từ các nhà đầu tư ngoại đổ vào để mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước. 

Một khi tiền vào chứng khoán thì các công ty sẽ dùng tiền để đầu tư vào kênh khác, trong đó nhiều nhất là bất động sản và đẩy giá nhà đất liên tục đi lên.

Một nguồn tiền khác đổ vào bất động sản là từ nguồn vốn vay mua, xây sửa nhà… Bên cạnh đó kênh tiêu dùng được đẩy rất mạnh.

"Khi tiêu dùng lớn nhưng dòng tiền người dân không đáp ứng được mà phải dựa vào ngân hàng thì sẽ dẫn đến rất nhiều rủi ro, đặc biệt là nợ không có khả năng trả. Khi đó không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước lo ngại thị trường sẽ tái diễn tình trạng trước đây nên đã cảnh báo. Dù việc siết này ảnh hưởng đến lợi nhuận của NH trước mắt nhưng sẽ tốt cho tương lai", vị phó tổng giám đốc này cho biết. 

Trước đó Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cảnh báo có tình trạng các ngân hàng "lách" cho vay bất động sản khi 53% vốn cho vay tiêu dùng dành cho vay sửa chữa nhà và mua nhà.

Theo Tuổi trẻ

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ