Bất an lương lao động ngành may ở Nghệ An

Nhàđầutư
Nghệ An có hơn 20 nhà máy may với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng được trải dài khắp các huyện thành thị, tuy nhiên, do ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine khiến nhiều nhà máy phải cắt giảm lao động, mức lương của lao động ngành may cũng có chiều hướng giảm trong "thời bão giá".
VĂN DŨNG
27, Tháng 09, 2022 | 15:46

Nhàđầutư
Nghệ An có hơn 20 nhà máy may với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng được trải dài khắp các huyện thành thị, tuy nhiên, do ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine khiến nhiều nhà máy phải cắt giảm lao động, mức lương của lao động ngành may cũng có chiều hướng giảm trong "thời bão giá".

Loạt nhà máy nghìn tỷ

Với tiềm năng về thị trường và nguồn nhân lực sẵn có, hạ tầng giao thông, cảng biển thuận lợi cùng chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, những năm qua, ngành dệt may Nghệ An phát triển khá mạnh. Nghệ An đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có thương hiệu trong và ngoài nước như: Matsuoka Corporation (Nhật Bản), Hanosimex, Vinatex, Venture (Hà Lan), Tập đoàn Hyujin, KIDO (Hàn Quốc) hay Mian Group, An Hưng Group… với các dây chuyền sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu có quy mô lớn, hiện đại.

Điển hình như, loạt dự án nhà máy may của Mian Group với tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng, gồm: Dự án nhà máy may Minh Anh Tân Kỳ (500 tỷ đồng); nhà máy may Minh Anh Đô Lương (150 tỷ đồng); nhà máy may Minh Anh - Kim Liên ở khu công nghiệp Bắc Vinh (40 tỷ đồng).

1

Nhà máy may An Hưng của An Hưng Group được đầu tư hơn 650 tỷ đồng, tạo điều kiện làm việc cho khoảng 10.000 lao động khi chạy hết công suất. Ảnh: Văn Dũng

Dự án nhà máy may của An Hưng Group (ở huyện Yên Thành) với tổng mức đầu tư hơn 650 tỷ đồng. Đây là nhà máy may lớn nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An, được đầu tư đồng bộ, hiện đại với các dây chuyền, thiết bị đều được nhập khẩu từ nước ngoài. Khi hoạt động hết công suất, dự án tạo điều kiện cho khoảng 10.000 lao động địa phương có việc làm ổn định tại chỗ.

Tháng 3 vừa qua, An Hưng Group cũng đã được Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy may An Hưng 2, với công suất thiết kế lên đến 99 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư hơn 705,7 tỷ đồng.

Hay loạt dự án của Công ty Matsuoka Corporation (Nhật Bản) với 2 nhà máy ở khu công nghiệp VSIP Nghệ An và 1 nhà máy ở huyện Thanh Chương có tổng mức đầu hàng trăm tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động…

Lương giảm trong "thời bão giá"

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng 13.500 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, với hơn 230.000 lao động. Trong đó có 63 doanh nghiệp nhà nước, với hơn 23.000 lao động; 56 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với hơn 39.000 lao động; có khoảng 13.000 doanh nghiệp ngoài nhà nước, với gần 170.000 lao động.

Theo Sở Công Thương Nghệ An, hiện tỉnh này có hơn 20 dự án may đã đi vào hoạt động, thu hút được hơn 25.000 lao động ở nông thôn. Ngoài ra, hơn 10 dự án khác cũng đang tiến hành đầu tư mới hoặc mở rộng công suất. Tuy nhiên, có một thực tế cho thấy, dệt may không còn là lựa chọn hàng đầu của người lao động nông thôn bởi mức lương thấp hơn các ngành khác, khiến nhiều lao động không mặn mà.

1

Lương lao động ngành may đang có chiều hường giảm trong "thời bão giá". Ảnh: Tạp chí Công Thương

Chia sẻ với Nhadautu.vn, chị Phương (công nhân ở nhà máy may của CTCP Minh Trí Vinh tại khu công nghiệp Bắc Vinh) cho biết, với những người có tay nghề như chị thì mức lương trung bình của công ty chi trả dao động từ  7-10 triệu đồng.

Theo chị Phương, vào thời điểm dịch năm 2021, đơn hàng nhiều, lại thiếu lao động nên mức lương rất cao, có lúc dao động lên từ 8-14 triệu đồng. Còn đối với những người mới vào làm chưa có tay nghề cũng đã dao đông từ 5 – 7 triệu đồng. "Mức lương hiện nay công ty chi trả cho tôi không phải là quá cao, nhưng do gia đình ở gần công ty nên cũng đủ để tôi trang trải cuộc sống", chị Phương nói.

Chị Hà, làm công nhân may tại nhà máy may Minh Anh Kim Liên (của Mian Group) cho hay, mức lương trung bình của chị hàng tháng rơi vào khoảng 5-7 triệu đồng, thời điểm làm thêm ca nhiều thì sẽ cao hơn, tuỳ vào mức độ tăng ca. Theo chị Hà, mức lương đó không phải thấp lắm so với mặt bằng lương ở Nghệ An, nhưng hiện nay các chi phí sinh hoạt tăng lên cao quá nên những người phải thuê ở trọ như chị rất chật vật khi chi tiêu.

"Trước đây, với mức lương đó cũng đủ chi tiêu trang trải trong sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên, giai đoạn này tất cả các chi phí sinh hoạt, đi lại đều tăng cao nhưng lương thì lại giảm nên tôi cũng rất chật vật khi chi tiêu", chị Hà nói.

Anh Nguyễn Văn Mạnh (ở huyện Thanh Chương), công nhân có tay nghề từ miền Nam trở về Nghệ An trong đợt dịch Covid-19 chia sẻ, với mức lương như ở các nhà máy may trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ dao động từ 5-10 triệu đồng/người là vẫn còn thấp hơn so với nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước từ 3 - 5 triệu đồng. Trong khi đó, hiện nay giá tiêu dùng, sinh hoạt phí tại Nghệ An vẫn ở mức cao.

"Tôi cũng đã vào làm việc trong một công ty may ở TP. Vinh (Nghệ An) được hơn nửa tháng, nhưng rồi cũng phải quyết định nghỉ việc vì ở đây tôi cũng đi thuê trọ, đi chỗ khác cũng thuê trọ, nên tôi quyết định quay lại miền Nam để tìm công việc có thu nhập tốt hơn", anh Mạnh nói.

2

Vào thời điểm đầu năm 2022, các doanh nghiệp ngành may thiếu rất nhiều lao động nên đã thu hút lao động bằng nhiều hình thức như treo băng rôn, phát tờ rơi, liên hệ đến các Trung tâm Giới thiệu việc làm, các huyện, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... Ảnh: Văn Dũng

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Trần Tiến Mạnh, Phó Tổng Giám đốc An Hưng Group cho biết, hiện tại công ty ông đang chi trả lương cho gần 2.000 lao động, mức lương chi trả tuỳ theo giai đoạn, tùy vào tay nghề, thâm niên…

Theo ông Mạnh, năm 2021, thiếu lao động, lại nhiều đơn hàng nên lương công nhân ở nhà máy may An Hưng được hưởng lương từ 8-10 triệu đồng/người tuỳ vị trí. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng xung đột Nga–Ukraine, các mặt hàng như Nike, adidas, H&M, Zara tẩy chay Nga nên rút hàng về Mỹ dẫn đến ít đơn hàng, ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của công ty. Do đó, lương của công nhân giai đoạn này chỉ rơi vào khoảng 6-8 triệu đồng/người với những công nhân đã có tay nghề. 

Theo ông Nguyễn Đình Sinh, Tổng giám đốc May Minh Anh khu vực Nghệ An (Mian Group), ngành dệt may trong cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng đang trong thời gian rất khó khăn, khó khăn hơn cả đợt dịch Covid-19, do ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine dẫn đến khan hiếm đơn hàng.

Ông Sinh cho biết, cả 3 nhà máy của Công ty Minh Anh ở Nghệ An sử dụng hơn 10.000 lao động địa phương, tuy nhiên do khó khăn về các đơn hàng nên vừa qua công ty đã cho công nhân nghỉ thêm ngày thứ 7 và cắt giảm hơn 1.000 lao động.

Hiện, công ty đang chi trả lương cho hơn 9.000 lao động với mức lương hơn 7,5 triệu đồng/người, thấp hơn giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khoảng 2 triệu đồng/người. "Mặc dù doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhưng vẫn cố gắng hết sức để đảm bảo lương, thưởng cho người lao động", ông Sinh nói.

Bà Ngô Thị Kim, Quản lý Văn phòng Công ty TNHH may An Nam Matsuoka cũng thông tin, hiện tại 2 nhà máy may của công ty ở khu công nghiệp VSIP Nghệ An có khoảng 3.000 công nhân. Mức lương được công ty chi trả cho công nhân hiện nay dao động từ 7-10 triệu tuỳ vị trí công việc.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ