VN-Index tiến đến 1.000 điểm: Sàn ơi, mở cơ hội gọi vốn ra!

Việc thị trường chứng khoán giảm mạnh trong quý II đã ảnh hưởng tới kế hoạch gọi vốn của nhiều doanh nghiệp. Bởi vậy, khi thị trường được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục cho đến cuối năm, đây là cơ hội để các doanh nghiệp hoàn tất kế hoạch gọi vốn của mình.
KHẮC LÂM
17, Tháng 08, 2018 | 14:34

Việc thị trường chứng khoán giảm mạnh trong quý II đã ảnh hưởng tới kế hoạch gọi vốn của nhiều doanh nghiệp. Bởi vậy, khi thị trường được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục cho đến cuối năm, đây là cơ hội để các doanh nghiệp hoàn tất kế hoạch gọi vốn của mình.

4_zqmk

 

Những kế hoạch gọi vốn lỡ dở

Kết thúc năm 2017, VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng gần 48% so với đầu năm và tiếp tục bứt phá trong những tháng đầu 2018, nằm trong nhóm các chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giao dịch sôi động, tăng trưởng cả về điểm số và thanh khoản, kinh tế vĩ mô ổn định…, hàng loạt doanh nghiệp đã sớm lên kế hoạch huy động vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư ngay trong mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) 2018 thông qua nhiều hình thức như chào bán cho cổ đông hiện hữu, cán bộ nhân viên, phát hành riêng lẻ…

Chẳng hạn, về hoạt động phát hành cho cổ đông hiện hữu, tại ĐHCĐ của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HCM) tháng 4/2018, Công ty đã thông qua phương án chào bán 86,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông với giá 14.000 đồng/cổ phần, tương đương tỷ lệ tăng vốn 66,67%, kỳ vọng thu về 1.200 tỷ đồng bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ và tự doanh trong năm 2018.

Gọi vốn cũng là vấn đề được thông qua tại các ĐHCĐ của nhiều doanh nghiệp như Tổng CTCP Đầu tư và phát triển xây dựng (DIG) dự kiến chào bán 47,6 triệu cổ phần, CTCP SAM Holding (SAM) lên kế hoạch chào bán 101 triệu cổ phần, CTCP Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) dự kiến chào bán 70,3 triệu cổ phần...

Tuy nhiên, trên thực tế, khi mà thị trường đã bước sang nửa cuối tháng 8/2018, tức gần 2/3 thời gian của năm 2018 đã qua đi, số doanh nghiệp gọi vốn thành công còn khá hạn chế. Tiến độ gọi vốn từ cổ đông tại hàng loạt doanh nghiệp vẫn đang bỏ ngỏ.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được cho là do ngay sau mùa ĐHCĐ 2018, thị trường bước vào giai đoạn sụt giảm mạnh sau thời gian dài tăng trưởng.

Theo thống kê, VN-Index mất khoảng 27% giá trị trong quý II, dòng tiền suy yếu, khối ngoại liên tục bán ròng…, khiến thị giá cổ phiếu của một loạt doanh nghiệp có kế hoạch tăng vốn giảm sâu.

Đơn cử, tại HCM, tính từ đầu tháng 4/2018 đến giữa tháng 8/2018, thị giá cổ phiếu giảm gần 35% (từ 90.000 đồng/cổ phiếu về 59.000 đồng/cổ phiếu).

Với DIG, mức giảm còn mạnh hơn (-43%) khi từ hơn 28.000 đồng/cổ phiếu về còn 15.900 đồng/cổ phiếu. SHS đã giảm từ 25.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 15.200 đồng/cổ phiếu (-39%); ROS giảm từ hơn 130.000 đồng/cổ phiếu về 43.000 đồng/ cổ phiếu (-67%)….

Trong bối cảnh thị trường điều chỉnh mạnh, việc thuyết phục nhà đầu tư, cổ đông xuống tiền mua cổ phần phát hành thêm không phải là điều dễ dàng, thậm chí tiềm ẩn rủi ro khiến thị giá diễn biến tiêu cực hơn.

Với những doanh nghiệp có mức giá dự kiến phát hành chênh lệch không nhiều so với thị giá trên sàn như DIG hay SHS, khả năng thuyết phục nhà đầu tư, nhất là cổ đông nhỏ lẻ, bỏ tiền mua cổ phiếu ưu đãi càng khó khăn hơn khi so sánh lợi ích với việc mua trực tiếp cổ phiếu trên thị trường.

Có thể thấy rõ câu chuyện này qua trường hợp phát hành của CTCP Vận tải và xếp dỡ Hải An (HAH) trong tháng 6/2018, khi thị giá xấp xỉ giá phát hành là 14.000 đồng/cổ phiếu, trong số 16,9 triệu cổ phiếu HAH chào bán, tỷ lệ cổ đông thực hiện quyền chỉ là 50,9%.

Dù sau đó hơn 6,5 triệu cổ phiếu HAH được phân phối riêng lẻ cho các nhà đầu tư, nhưng kết quả của đợt chào bán cũng chỉ đạt 84,13%.

Với những doanh nghiệp thị giá còn thấp hơn giá phát hành như tại SAM, khi đóng cửa phiên 15/8 ở mức 6.800 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 30% so với giá dự kiến chào bán, hay tại CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) khi thị giá thấp hơn gần 10% giá phát hành dự kiến, khả năng thành công của kế hoạch phát hành là bằng "0".

Đây cũng là vấn đề xảy ra với CTCP Chứng khoán Artex (ART). ART hiện đang chào bán 108,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 1:3,5).

5_ktzt

 

Hạn chót nộp tiền là 20/8 đang đến gần, nhưng thị giá trên thị trường hiện vẫn thấp hơn khoảng 15% giá chào bán, khiến khả năng cổ đông thực hiện quyền bị đặt dấu hỏi.

Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của ART chỉ đạt 24,9 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 46,1 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. 

Cơ hội trở lại khi thị trường hồi phục?

Từ vùng đáy 893 điểm phiên 11/7/2018, VN-Index đang dần hồi phục khá vững chắc khi đà tăng đã kéo sang tuần thứ 4 liên tiếp, thanh khoản cũng từng bước được cải thiện. Kết thúc phiên 15/8, VN-Index đứng ở mức 961,37 điểm.

Khi những lo ngại về căng thẳng thương mại giữa các cường quốc trên thế giới đã được phản ánh vào chuỗi giảm điểm vừa qua, câu chuyện tỷ giá tăng "nóng" cũng phần nào hạ nhiệt, khối ngoại giảm bán ròng..., thì những tin tức về doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng chiếm ưu thế trong mùa công bố kết quả kinh doanh bán niên 2018 đang giữ vai trò hỗ trợ, giúp thị trường trở lại xu hướng tăng, nhất là khi mặt bằng định giá nhiều cổ phiếu đã rẻ hơn đáng kể sau đợt giảm mạnh trong quý II.

Dòng tiền quay trở lại, điểm số và thanh khoản thị trường tích cực... là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch gọi vốn đã đặt ra trước đó, nhất là với những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh duy trì tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm và vùng giá chào bán có mức chiết khấu cao.

Ngay cả với những doanh nghiệp hiện có thị giá cổ phiếu thấp hơn giá dự kiến phát hành như SAM hay SCR cũng được đánh giá là có đủ thời gian để xây dựng niềm tin với cổ đông nếu doanh thu, lợi nhuận quý tới cải thiện, tạo kỳ vọng hỗ trợ thị giá tiếp tục phục hồi.

Tại SAM, ĐHCĐ 2018 đã thông qua chỉ tiêu doanh thu 2.950 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 180 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 22% so với thực hiện năm 2017. Sau 6 tháng đầu năm, SAM đạt 1.044 tỷ đồng doanh thu và 75,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng tương ứng 10,5% và 15% so với cùng kỳ năm trước.

Với SCR, mức tăng còn "khủng" hơn khi lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu tăng trưởng 235%, đạt 1.841 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 244%, đạt 195 tỷ đồng.

Tích cực là vậy, song  giới chuyên gia nhìn nhận, cơ hội sẽ không trải đều cho mọi doanh nghiệp, khi mà lượng hàng hóa trên thị trường đang dồi dào, nhà đầu tư cũng ngày càng thận trọng hơn, dòng tiền sẽ chọn những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, những phương án tăng vốn có mục đích rõ ràng, minh bạch.

Với những phương án tăng vốn “lạ”, hay loại doanh nghiệp có tiền sử “bán giấy lấy tiền”, kém minh bạch..., cửa gọi vốn sẽ ngày một hẹp lại.

Thực tế, ngay cả khi thị trường chứng khoán xấu nhất, dòng tiền vẫn luôn luân chuyển để tìm kiếm cơ hội sinh lời. Do đó, với dự báo tiếp tục hồi phục trong những tháng cuối năm, đây sẽ là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp huy động vốn, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù vậy, để thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn hiệu quả, sự thuận lợi mới chỉ là điều kiện cần… Điều kiện đủ, không cách nào khác là doanh nghiệp phải tự “chuẩn hóa” tính minh bạch, chất lượng hoạt động, xây dựng lòng tin với cổ đông, nhà đầu tư trong dài hạn.

(Theo Đầu tư Chứng khoán)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25030.00 25048.00 25348.00
EUR 26214.00 26319.00 27471.00
GBP 30655.00 30840.00 31767.00
HKD 3156.00 3169.00 3269.00
CHF 27071.00 27180.00 27992.00
JPY 159.45 160.09 167.24
AUD 15862.00 15926.00 16400.00
SGD 18109.00 18182.00 18699.00
THB 667.00 670.00 696.00
CAD 17920.00 17992.00 18500.00
NZD   14570.00 15049.00
KRW   17.26 18.81
DKK   3520.00 3646.00
SEK   2265.00 2349.00
NOK   2255.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ