“Vá lỗ hổng” quản lý đất đai khi cổ phần hóa

Lỗ hổng” quản lý đất đai khiến tài sản Nhà nước “bốc hơi” khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một trong những chủ điểm “nóng” trên diễn đàn Quốc hội những ngày qua.
NGUYỄN HỮU
09, Tháng 06, 2018 | 14:54

Lỗ hổng” quản lý đất đai khiến tài sản Nhà nước “bốc hơi” khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một trong những chủ điểm “nóng” trên diễn đàn Quốc hội những ngày qua.

khu-do-thi-moi-thinh-liet

 Khu đô thị Thịnh Liệt, một trong những khu đất vàng không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa Licogi

Nhức nhối thất thoát tài sản nhà nước

Quan ngại một trong những “lỗ hổng” lớn trong cổ phần hóa, gây thất thoát tài sản của Nhà nước về đất đai, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà xung quanh vấn đề này.

“Quản lý đất đai và mặt bằng của các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa hiện rất sơ hở, lỏng lẻo, nhất là việc không tính giá trị quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm vào giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp đó vẫn tiếp tục giữ lại mặt bằng, giữ lại đất, nhất là những dự án dở dang. Khi cổ phần hóa xong, đây trở thành lợi thế riêng của doanh nghiệp…”, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đặt vấn đề.

Cùng góc nhìn, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa là vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 đều không tính giá trị lợi thế vị trí địa lý của đất thuê trả tiền hàng năm vào giá trị doanh nghiệp. 

Trên thực tế, thị trường lại định giá cao lợi thế quyền đất thuê của nhiều doanh nghiệp. Ông Sơn dẫn ví dụ, trong thương vụ đấu giá cổ phần của SCIC tại Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên, mức giá khởi điểm đưa ra là 30.600 đồng/cổ phần, nhưng giá trúng lên tới 274.200 đồng/cổ phần, hay Công ty cổ phần Ong Trung ương, giá khởi điểm đưa ra là 15.000 đồng/cổ phần, nhưng giá trúng là 116.000 đồng/cổ phần...

Theo Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh), việc quản lý đất đai trước và sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều thiếu sót, không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khi thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa đối với những vị trí đắc địa, có giá trị thị trường cao còn bất cập, thiếu minh bạch, tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân có liên quan trục lợi, gây thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. 

Nhiều cổ đông tham gia mua cổ phiếu ở nhiều doanh nghiệp trái ngành, thâu tóm các doanh nghiệp khi cổ phần hóa không loại trừ động cơ họ chờ cơ hội để được hưởng lợi lớn từ những mảnh đất vàng của các doanh nghiệp được cổ phần hóa... 

Sẽ rà soát lại quá trình cổ phần hóa

Báo cáo Quốc hội về kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho rằng, Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra rất nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quản lý và sử dụng đất. Xác định giá đất khi giao, cho thuê đất gây thất thoát rất lớn tài sản Nhà nước. 

“Có ý kiến cho rằng có lợi ích nhóm trong cổ phần hóa, gây thất thoát đất đai, biến đất công trở thành đất tư, gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, đâu là nguyên nhân, giải pháp khắc phục trong thời gian tới là gì và khả năng để chúng ta có thể thu hồi những khoản thất thoát này và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm đến đâu…”, đại biểu Sinh chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà. 

“Việc quản lý đất đai không chặt chẽ. Nếu việc đó làm chưa tốt, có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các cấp…”, ông Hà nhận trách nhiệm.

Theo giải trình của Bộ trưởng Hà, trước thời điểm ban hành Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, có tình trạng chưa rà soát lại để sắp xếp, bố trí tính toán một doanh nghiệp hoạt động thì quỹ đất bao nhiêu là đủ, sử dụng đất như thế nào là hiệu quả.

Trước đó, chúng ta giao đất không thu tiền, giờ các doanh nghiệp đều phải trả tiền nên phải tính toán hiệu quả khi sử dụng đất. Việc tính toán đó giúp lấy lại quỹ đất mà doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng để phục vụ mục đích khác. 

“Thất thoát nguồn lực sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chính là do chúng ta chưa làm tốt công tác quản lý đất, để đất đai ở tình trạng không quản lý”, Bộ trưởng Hà thừa nhận, “Hệ quả là sau khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp đó ngay lập tức chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Như vậy, các doanh nghiệp này đã vi phạm hai vấn đề: Thứ nhất là không đúng tiêu chí hoạt động của doanh nghiệp, tức là chuyển đất sang kinh doanh thương mại và bất động sản. Thứ hai là quá trình chuyển mục đích như vậy không đưa ra đấu giá mà áp đặt giá thấp, không theo thị trường. Đây là thất thoát rất lớn nguồn lực từ đất đai. Nghị định 01/2017, Nghị định 126/2017 đã khắc phục cơ bản tình trạng này...” 

Bộ trưởng Hà cho rằng, làm thế nào để khâu định giá và đấu giá đảm bảo giá đất sát hơn với thị trường, đồng thời giá đó phải công khai với nhân dân, cơ quan quản lý thì sẽ hoàn toàn khắc phục được bất cập. “Chúng tôi sẽ quan tâm, xem xét để xử lý nhằm không để lợi dụng vào cách tính giá đất bằng cách đảm bảo tính với giá thị trường, chứ không phải giá ảo...”, ông Hà cam kết.

Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng, Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh chất vấn tiếp: Điều quan trọng nhất mà cử tri hỏi là làm thế nào để chúng ta thu hồi được tài sản thất thoát. Ví dụ, báo cáo có nêu Công ty TNHH một thành viên Giao thông công chính thuộc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn sau khi cổ phần hóa đã bán luôn lô đất không đầu tư gì và thu lời 40 tỷ đồng. Vậy, còn bao nhiêu doanh nghiệp sau cổ phần hóa bán trao tay hoặc thất thoát như vậy, chúng ta có thu được số thất thoát này về cho ngân sách không?

“Bộ trưởng cũng chưa trả lời những vụ việc này xử lý như thế nào, ai móc ngoặc, ai lợi ích nhóm ở đây. Tôi đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm…”, ông Sinh đặt câu hỏi. 

Tuy nhiên, câu hỏi trên đã không được Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải đáp do hết thời lượng trả lời chất vấn dành cho Bộ trưởng. 

Chốt phần trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đã đề ra, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong đó, tập trung vào rà soát lại quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có liên quan đến đất đai…

Cần kiên quyết thu hồi đất không sử dụng khi phê duyệt phương án cổ phần hóa  

Đại biểu Quốc hội Mai Hồng Hải, TP. Hải Phòng

Điều băn khoăn là khi cổ phần hóa, doanh nghiệp sản xuất chọn hình thức thuê đất, trả tiền đất hàng năm thì không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp. Nhưng sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp từ bỏ ngành sản xuất - kinh doanh chính, xin chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thương mại, đất ở thì vẫn đúng luật, nhưng tiềm ẩn nguy cơ thất thoát. Nguy cơ này có thể xảy ra ở tất cả các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trước đây.  

Theo thời gian giá đất tăng rất lớn, nhất là những khu đất vàng trong các khu đô thị, nên rất cần có chính sách quản lý. Đất đai là sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Mọi tổ chức, doanh nghiệp được giao đất, thuê đất chỉ là giao quyền sử dụng đất. Do vậy, giá trị tăng lên từ đất phải thuộc về Nhà nước 100%. Đây phải là nguyên tắc khi sửa đổi chính sách pháp luật về đất đai. Từ phân tích trên, tôi kiến nghị: 

Một, chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền rà soát chặt chẽ phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp gắn với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất và phù hợp với quy hoạch của địa phương, kiên quyết thu hồi đất không sử dụng, sử dụng sai mục đích ngay từ khi phê duyệt phương án sử dụng đất để cổ phần hóa.

Hai, sửa đổi Luật Đất đai và chính sách cổ phần hóa theo hướng tại các đô thị không cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất sang đất thương mại, đất ở, mà cần thu hồi để đấu giá công khai trên cơ sở tính đúng giá đất. Quy định này cần áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trước đây, không phân biệt tỷ lệ vốn nhà nước còn lại, thậm chí cho tất cả các tổ chức và doanh nghiệp.

Phải tính toán theo giá thị trường với đất chuyển đổi mục đích sử dụng 

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh khái  

Khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phương án sắp xếp, xử lý quyền sử dụng đất và nhà chuyển đổi chúng ta thực hiện không nghiêm. Đối với doanh nghiệp, họ phải tối ưu hóa lợi nhuận, nhưng quản lý nhà nước cần quan tâm nếu thuê hàng năm thì không có giá trị hình thành.  

Nếu thuê 50 năm hay chuyển quyền sử dụng đất thì giá trị rất lớn. Như vậy, khi cổ phần hóa mà đất thuê hàng năm, hay đất chuyển đổi mục đích khác hay khi chuyển từ thuê hàng năm sang thuê dài hạn, chúng ta phải tính toán để đấu giá và chuyển sang giá trị thị trường.  

Nếu chúng ta làm tốt việc này sẽ khắc phục được thất thoát tài sản trong định giá doanh nghiệp, vì định giá rất phức tạp, khó và tế nhị, nó mang tính lịch sử. Có những cái định lượng được, nhưng có những cái chỉ tương đối thôi.

Theo Đầu tư Chứng khoán

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ