Tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ ở Việt Nam - cơ hội và thách thức

Nhàđầutư
Tuổi nghỉ hưu của NLĐ nói chung và tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ ở mỗi quốc gia quy định không hoàn toàn giống nhau, tùy thuộc vào điều kiện phát triển KTXH, cơ cấu, tình trạng dân số và sức khỏe lao động để xây dựng chính sách hưu trí, tuổi nghỉ hưu phù hợp với điều kiện lãnh thổ, quốc gia mình.
PV
08, Tháng 05, 2018 | 15:44

Nhàđầutư
Tuổi nghỉ hưu của NLĐ nói chung và tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ ở mỗi quốc gia quy định không hoàn toàn giống nhau, tùy thuộc vào điều kiện phát triển KTXH, cơ cấu, tình trạng dân số và sức khỏe lao động để xây dựng chính sách hưu trí, tuổi nghỉ hưu phù hợp với điều kiện lãnh thổ, quốc gia mình.

Hơn nữa, tại mỗi quốc gia cũng có sự điều chỉnh tuổi hưu theo từng thời kỳ, giai đoạn để phù hợp, thích nghi và phát triển.

P1100480

Tuổi nghỉ hưu của NLĐ nói chung và tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ ở mỗi quốc gia quy định không hoàn toàn giống nhau.

Chính sách hưu trí và tuổi nghỉ hưu của lao động nữ ở Việt Nam được luật pháp chính thức xác lập và bảo vệ bắt đầu từ năm 1946. Tính đến thời điểm hiện tại, trải qua nhiều giai đoạn phát triển đất nước, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ về cơ bản vẫn ổn định ở mốc tối đa 55 tuổi trong điều kiện lao động bình thường, ngoài ra có sự điều chỉnh đối với lao động đặc thù chủ yếu theo hướng tuổi tối đa ít hơn, tuy nhiên có thể nhiều hơn 55 tuổi. Quy định cụ thể về tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ ở Việt Nam:

- Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ: (1) Bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi đủ 55 tuổi; (2) Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này; (3) Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này. 

- Điều 54 Luật BHXH 2014 quy định về điều kiện hưởng lương hưu đối với lao động nữ: Người lao động nữ theo quy định khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: nữ đủ 55 tuổi trong điều kiện lao động bình thường; nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên; trường hợp nữ quân nhân quân đội, công an, cơ yếu từ đủ 45 tuổi đến đủ 50 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

- Điều 55 Luật BHXH năm 2014 quy định về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động đối với lao động nữ: Khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây tính từ 01/01/2016: Đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; Đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

Trường hợp là nữ quân nhân quân đội, công an, cơ yếu khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định thuộc một trong các trường hợp: đủ 45 tuổi trở lên; Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

- Nghị định số 53/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/5/2015 quy định về tuổi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức. Theo đó cán bộ công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh: Phó Trưởng Ban các Ban Trung ương Đảng; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Phó Chủ nhiệm chuyên trách các Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ; cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang Bộ; người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ; Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cấp phó các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật; Sĩ quan trong lực lượng vũ trang có quân hàm cấp tướng; Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Trưởng các ban đảng của Thành ủy thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; Những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là 05 năm, nhưng không vượt quá 60 tuổi.

Như vậy, tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ trong thời gian qua được quy định ổn định ở tuổi 55 trong điều kiện môi trường lao động bình thường, sức khỏe người lao động bình thường, không thuộc trường hợp bị suy giảm khả năng lao động. Ngoài ra, tùy thuộc vào điều kiện môi trường lao động được xác định là nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; trường hợp lao động nữ bị suy giảm khả năng lao động; lao động nữ giữ vị trí lãnh đạo cao cấp theo quy định tại Nghị định số 53/2015/NĐ-CP; lao động nữ là quân nhân, công an, làm công tác cơ yếu, độ tuổi nghỉ hưu có thể được xác định từ 45 tuổi đến 60 tuổi.

Qua mốc về độ tuổi nêu trên có thể thấy biên độ tuổi để xác định nghỉ hưu đối với lao động nữ trong trường hợp cụ thể được xác định khá rộng, khoảng cách chênh lệch tuổi tương đối lớn, một nữ quân nhân làm việc trong môi trường điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại có thể nghỉ hưu ở độ tuổi 45.

Một số vấn đề xung quanh việc tăng tuổi lao động - tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ

Nội dung đề xuất, bàn luận về tăng tuổi lao động - tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ thời gian gần đây đã được đưa ra thảo luận, nghiên cứu. Ở nhiều góc tiếp cận khác nhau mà việc tăng tuổi này được đánh giá là tích cực hoặc vẫn có ý kiến trái chiều, chưa đồng thuận. Tuy nhiên, nếu xem xét ở góc độ xu thế xã hội, vấn đề bình đẳng giới, vấn đề già hóa dân số và cân đối Quỹ BHXH có thể nhìn nhận một số điểm cơ bản sau:

- Về xu thế chungTrong số các nước châu Âu, người Pháp nghỉ hưu ở độ tuổi đủ 62 tuổi bất kể là nam hay nữ. Tại Đức và Hà Lan, tuổi nghỉ hưu muộn hơn nhiều và vẫn đang tính tăng thêm nữa, vừa qua Hà Lan đã quyết định rằng, những người sinh sau năm 1955 sẽ phải làm việc tới 67 tuổi và sau 03 tháng mới được lĩnh trọn vẹn lương hưu. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của người Hà Lan theo ước tính vào năm 2022 là 85,5 tuổi, vậy nếu nghỉ hưu ở tuổi 67, sẽ có khoảng 18 năm hưởng lương hưu. Còn tại Đức, nhóm chuyên gia nghiên cứu đang thúc giục chính phủ cải cách luật lao động theo hướng gắn độ tuổi nghỉ hưu với tuổi thọ trung bình. Theo ước tính, nam giới Đức sẽ thọ tới 88 tuổi và nữ giới thọ tới 91 tuổi, vì vậy để quỹ lương hưu trí vận hành được bình thường, tuổi nghỉ hưu sẽ phải là 71. Theo luật vừa được sửa đổi tại Đức, tuổi nghỉ hưu là 67 đối với người sinh sau năm 1963.

Tại một số nước Châu Á, người Đài Loan đang có độ tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi không phân biệt nam hay nữ. Tại Nhật Bản thì việc quy định tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng lương hưu có sự khác biệt. Theo pháp luật của Nhật, người lao động có quyền nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi không phân biệt nam hay nữ, tuy nhiên phải đến khi đủ 65 tuổi mới được nhận tiền lương hưu, pháp luật Nhật Bản khuyến khích người lao động tiếp tục lao động khi đã qua 60 tuổi và các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản cũng sẵn sàng tiếp tục tiếp nhận người lao động người 60 tuổi ở lại làm việc cho đến khi đủ tuổi để nhận lượng hưu hoặc có thể vượt qua 60 tuổi khi họ còn đủ sức khỏe cống hiến cũng như nhu cầu làm việc. Trên thực tế đa phần người lao động Nhật Bản sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm việc; hoặc tiếp tục ký hợp đồng lao động với chính cơ quan, đơn vị cũ; hoặc làm cho một tổ chức, cá nhân khác. Sự khác biệt ở đây là người 60 tuổi nếu còn tiếp tục làm việc họ không phải đóng BHXH mà chỉ nhận tiền lương theo vị trí công việc, sản phẩm việc làm.

- Thực trạng tuổi lao động nữ ở Việt Nam: Mặc dù thực hiện quy định pháp luật về hưu trí, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ ở Việt Nam tập trung ở độ tuổi 55 trong điều kiện lao động bình thường; ngoài ra đa phần nghỉ dưới 55 tuổi trong những trường hợp cụ thể như đã phân tích ở trên; một số nhỏ có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, thực tế lao động nữ sau khi nghỉ hưu hầu hết vẫn tiếp tục tham gia lao động và có thêm thu nhập ngoài lương hưu. Có thể thấy tỷ lệ tham gia lao động ở các phụ nữ đang hưởng lương hưu trong độ tuổi 50-60 vẫn được duy trì ở mức cao.

- Vấn đề về tuổi thọ, sức khỏe lao động

Kể từ khi các quan hệ lao động, tuổi lao động, chính sách hưu trí đối với người lao động được thiết lập bằng các cơ sở pháp lý do nhà nước thống nhất quản lý cho đến nay, mặc dù tuổi thọ của người lao động ngày càng tăng, cùng với đó là điều kiện làm việc của người lao động ngày càng được cải thiện, mặc dù vậy tuổi nghỉ hưu của người lao động vẫn ổn định, giữ nguyên từ năm 1961 đến nay chưa hề thay đổi. 

Xét ở phương diện lý thuyết hay thực tiễn cũng vậy, việc quy định tuổi lao động, tuổi nghỉ hưu với tuổi thọ, sức khỏe của người lao động luôn có sự tương quan, gắn bó chặt chẽ với nhau. Có thể so sánh như hai quả cân nằm trên 02 đầu của bàn cân vậy, nếu một quả ở một bên cứ dần nặng lên, dài ra mà quả bên kia nhất quyết không thay đổi thì việc mất cân bằng là điều tất yếu.

Đặc biệt, vấn đề sức khỏe, tuổi thọ của nữ giới ở Việt Nam trong 30 năm qua đã có sự cải thiện đáng kể. Trước đây người ta quan niệm phụ nữ cần có sự ưu tiên đặc biệt vì họ phải gánh trách nhiệm đối với gia đình và thể chất của họ yếu hơn so với nam giới. Vì vậy, chính sách nghỉ hưu đã ưu tiên cho phụ nữ nghỉ sớm hơn được cho là sự ưu ái hay sự bù đắp cho những gánh nặng của phụ nữ với vai trò là người lao động, người chăm sóc gia đình và xã hội. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay thì quan điểm này có lẽ chưa hoàn toàn phù hợp và thống nhất. Về tuổi thọ, tuổi thọ trung bình của phụ nữ cao hơn nam giới tới 06 tuổi trong khi phụ nữ lại nghỉ hưu sớm hơn nam giới 05 tuổi. Theo kết quả điều tra mới nhất cho thấy, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên 76 tuổi, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore, đứng thứ 56 trong tổng số 138 nước, vùng lãnh thổ.Do đó, nếu chưa xét đến yếu tố phát triển nghề nghiệp hay cơ hội thăng tiến thì khả năng tích lũy lương hưu sau này trước mắt cũng cần được đặt ra, rõ ràng là 05 năm nghỉ hưu sớm hơn của phụ nữ so với nam giới trong khi tuổi thọ trung bình của phụ nữ cao hơn nam giới, sẽ tạo thêm gánh nặng cho quỹ lương hưu. Còn về yếu tố sức khỏe, trước đây phụ nữ phải gánh vác công việc lao động chân tay nhiều hơn xuất phát từ cả việc gia đình lẫn việc xã hội, vấn đề sinh nở nhiều, ở những giai đoạn phát triển, tiến bộ xã hội gần đây, do sự thay thế, hỗ trợ của máy móc công nghiệp, sinh sản ít hơn đã góp phần nâng cao sức khỏe cho phụ nữ rất nhiều.

Cơ hội và thách thức

Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ tiếp cận ở góc độ tích cực có thể thấy sẽ đem lại một số tác động xã hội như:

- Trước tiên là tác dụng giảm bớt áp lực của quỹ lương hưu và BHXH, tránh nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH nói riêng và hệ thống an sinh xã hội nói chungThực tế đang diễn ra đã cho thấy Việt Nam đang chạm ngưỡng dân số già, với 10% số dân là người cao tuổi. Khi đó, số người hưởng lương hưu so với người đóng bảo hiểm sẽ tăng dần. Theo tính toán, đến năm 2037, nếu không có chính sách hiệu quả tăng thu, giảm chi, thì số thu bảo hiểm trong năm và số tồn tích bắt đầu không đủ khả năng chi trả. Đặc biệt, đối tượng lao động nữ bình quân nghỉ hưu sớm trước nam giới 05 năm, chưa kể một số đối tượng đặc biệt như đã phân tích.

Vì vậy, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý quỹ BHXH nhằm đảm bảo yêu cầu cân đối và tăng trưởng của quỹ BHXH, để cân bằng giữa tính bền vững tài chính của Quỹ và mức độ bảo vệ người lao động là vô cùng cần thiết. 

- Phù hợp với chủ trương, chính sách về bình đẳng giới của nước ta cũng như các cam kết tại các điều ước quốc tế. Luật Bình đẳng giới năm 2006 đã được Quốc hội thông qua và triển khai trong thực tế, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong nỗ lực phấn đấu vì bình đẳng giới ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đã phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế liên quan đến bình đẳng giới và quyền của phụ nữ, trong đó có Công ước CEDAW về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ.

- Tạo ra cơ hội tận dụng nguồn nhân lực không phải là nhỏ đối với bộ phận lao động nữ tri thức, lao động có kinh nghiệm lâu năm tiếp tục cống hiến cho xã hội. Có thể thấy rằng, phụ nữ từ độ tuổi 50 đến 60 là thời gian “thoát ly” với công việc gia đình, không còn phải bận bịu chuyện con nhỏ, học hành, cơm nước nên sẽ toàn tâm cho công việc nhiều hơn.

- Tạo môi trường, điều kiện hội nhập kinh tế, quốc tế. Ở các nước phát triển tuổi nghỉ hưu của người lao động cao hơn nước ta và không phân biệt nam hay nữ. Trong khi Việt Nam đang xem xét, thúc đẩy việc ký kết các hiệp định về chính sách bảo hiểm, chế độ hưu trí cho các đối tượng lao động di cư. Hầu hết họ áp dụng tuổi nghỉ hưu cho phụ nữ ở độ tuổi 60 hoặc cao hơn, như đã phân tích ở trên, Nhật Bản áp dụng tuổi nghỉ hưu là 60 nhưng 65 mới được nhận lượng hưu và trong khoảng 60 đến 65 tuổi, hầu hết người lao động vẫn được khuyến khích tiếp tục ở lại làm việc.

Bên cạnh những cơ hội, những yếu tố tích cực thì việc nâng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ còn phát sinh những vấn đề cần khắc phục như: - Vấn đề sức khỏe đối với bộ phận lao động nữ làm công việc chân tay, lao động trong môi trường nặng nhọc, độc hại. Có thể thấy việc nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sẽ có tác động bất lợi tới một nhóm phụ nữ nhỏ - những phụ nữ bị suy giảm khả năng lao động và không thể tiếp tục làm việc hiện tại họ đang làm được. 

- Tác động tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp: Một số doanh nghiệp đặc thù thường áp dụng quy định nghỉ hưu sớm cho phụ nữ, đặc biệt là doanh nghiệp có phụ nữ làm việc trong các điều kiện nặng nhọc. Vì vậy, việc nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sẽ có tác động tới năng suất, hiệu quả lao động trong một số lĩnh vực nhất định. 

- Tác động tới việc làm của giới trẻ: Đâu đó vẫn còn có ý kiến cho rằng việc nâng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng tới quỹ việc làm, trong khi giới trẻ ra trường tình trạng không kiếm được việc làm, tình trạng thất nghiệp vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, nếu chỉ trông vào quỹ việc làm truyền thống, sẵn có mà lao động trẻ mong ngóng lao động có tuổi, có kinh nghiệm sớm nghỉ hưu để thế chỗ sẽ là yếu tố đẩy lùi, kìm hãm sự phát triển, không tạo động lực cho mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sự phát triển, tìm kiếm cơ hội mới và hội nhập. Đó là chưa kể đến một số vị trí việc làm rất cần đến lao động tri thức, có kinh nghiệm, chuyên môn sâu như lĩnh vực y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, trong khi đến độ chín nhất của chuyên môn và năng lượng công tác thì lại phải nghỉ.

Một số đề xuất và giải pháp

- Việc nâng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ có thể coi là tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên để bảo đảm khả thi, thì việc xây dựng, thực hiện theo lộ trình, điều chỉnh cho phù hợp với từng ngành nghề, trình độ chuyên môn và vị trí công tác của cán bộ nữ là vô cùng cần thiết. Một số lĩnh vực công tác điển hình phù hợp cho việc nâng tuổi nghỉ hưu như: lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đối với nữ cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm trong nghiên cứu; trong lĩnh vực quản lý, đối với một số đối tượng nữ cán bộ lãnh đạo có năng lực, đủ sức khoẻ và có nguyện vọng tiếp tục công tác; trong lĩnh vực hành chính, đối với các chuyên gia cao cấp và chuyên viên cao cấp còn năng lực cống hiến, trong đó cần xem xét đến yếu tố vị trí công tác đó còn có nhu cầu hay không. Ngược lại, đối với cán bộ nữ công tác trong một số ngành nghề nặng nhọc, có độc hại đối với sức khoẻ như công nhân sản xuất trực tiếp, công nhân khai thác, công nhân xây dựng hay một số cán bộ nữ công tác trong một số ngành đặc thù như hoạt động nghệ thuật, diễn viên múa, xiếc... cần xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Vì vậy việc hoàn thiện pháp luật về chính sách hưu trí để hài hòa, bảo đảm quyền lợi chung của các nhóm đối tượng hưởng lương hưu khi về hưu là vấn đề cấp bách được đặt ra.

- Vấn đề từng bước thực hiện cải cách, hoàn thiện chính sách tiền lương, cơ cấu lao động phù hợp, tạo sân chơi bình đẳng giữa các thị trường lao động và doanh nghiệp cũng là một trong những đòi hỏi không thể thiếu trong giai đoạn hiện nay nhằm tận dụng nguồn lực lao động cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng đối với lao động nữ, đặc biệt trong môi trường lao động nước ta nguồn cung bình quân có vẻ như vẫn nhiều hơn cầu.

- Công tác truyền thông, giáo dục ý thức trách nhiệm xã hội đối với từng cá nhân cần được nâng cao hơn để bảo đảm cho việc nâng tuổi nghỉ hưu, kéo dài thời gian công tác của các nhóm đối tượng lao động đều vì mục tiêu tiến bộ xã hội, vì lợi ích chung, an toàn và bên vững, hạn chế tối đa yếu tố cá nhân, lợi ích nhóm đan xen.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24900.00 24980.00 25300.00
EUR 26270.00 26376.00 27549.00
GBP 30688.00 30873.00 31825.00
HKD 3146.00 3159.00 3261.00
CHF 27021.00 27130.00 27964.00
JPY 159.49 160.13 167.45
AUD 15993.00 16057.00 16546.00
SGD 18139.00 18212.00 18746.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 17952.00 18024.00 18549.00
NZD   14681.00 15172.00
KRW   17.42 18.97
DKK   3528.00 3656.00
SEK   2270.00 2357.00
NOK   2259.00 2348.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ