Từ kiến nghị của các HTX thành viên Saigon Co.op: Cần tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hợp tác xã

Nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách và quy định rất cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích. Có một thực tế là đường lối của Đảng và quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX đang bị diễn giải và áp dụng không đúng quy định.
NHÓM PV
09, Tháng 07, 2021 | 11:40

Nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách và quy định rất cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích. Có một thực tế là đường lối của Đảng và quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX đang bị diễn giải và áp dụng không đúng quy định.

Nhiều hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật hợp tác xã

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh việc một số hợp tác xã thành viên của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã có kiến nghị về việc thanh tra kết luận không đúng về bản chất pháp lý của việc góp vốn của các hợp tác xã. Trong bài viết này, Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục phản ánh về đường lối, chính sách về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hợp tác xã và cơ quan nhà nước có trách nhiệm đảm bảo quyền này cho các hợp tác xã.

Trong sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các loại hình công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp đã ra đời và phát triển rất nhanh, hình thành nên các tập đoàn kinh tế lớn. Mô hình tổ chức kinh tế là các công ty đã trở nên rất phổ biến và là sự lựa chọn của đa số các nhà đầu tư khi xây dựng mô hình tổ chức kinh tế để tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó, trên thế giới và ở nước ta còn phát triển một mô hình tổ chức kinh tế khác là các hợp tác xã – một mô hình tổ chức kinh tế tập thể hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Mô hình tổ chức kinh tế tập thể (các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) bình đẳng với các doanh nghiệp (công ty) trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Một trong những ưu điểm của mô hình kinh tế tập thể là tính chất dân chủ trong tổ chức, hoạt động của mô hình kinh tế này. Trong đó, mỗi một thành viên của hợp tác xã hay hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền ngang nhau tại Đại hội thành viên – cơ quan có quyền quyết định cao nhất của tổ chức kinh tế mà không phụ thuộc vào số vốn góp.

Cụ thể, Điều 7, Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định: 'Thành viên, hợp tác xã thành viên có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã';

Đối với các công ty, người sở hữu vốn góp nhiều là người quyết định công việc của công ty thông qua tỷ lệ sở hữu vốn trong cơ cấu vốn điều lệ của Công ty.

Trong tổ chức của hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã, các thành viên đều bình đẳng về quyền quyết định của mình cho dù sở hữu số vốn góp khác nhau. Đây là sự khác biệt lớn nhất và cơ bản giữa hai mô hình tổ chức kinh tế hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã.

Song, có một quyền cơ bản hoàn toàn giống nhau giữa các công ty và hợp tác xã, đó là quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức kinh tế này.

Cụ thể, Điều 5 Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định: Nhà nước 'Bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và không can thiệp vào hoạt động hợp pháp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã'; Điều 5, Luật Doanh nghiệp quy định: Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình doanh nghiệp được quy định tại Luật này; bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; công nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh

Theo Luật sư Nguyên Hồng Bách, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức và hoạt động của các công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã được xây dựng trên nguyên tắc chủ sở hữu. Theo đó, người dân là chủ sở hữu vốn trong các tổ chức kinh tế này nên toàn quyền quyết định về tổ chức và hoạt động của các tổ chức kinh tế tư nhân, Nhà nước không can thiệp vào tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp và hợp tác xã.

Trong khi mô hình doanh nghiệp đang tồn tại rất nhiều doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn góp thì nhiều người lại hiểu doanh nghiệp là 'kinh tế tư nhân', còn các hợp tác xã hoàn toàn không có vốn Nhà nước thì không ít cán bộ quản lý nhà nước lại hiểu đây là tổ chức kinh tế của 'Nhà nước'.

Nhận thức không đúng này đang là một thực tế diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có phong trào kinh tế tập thể phát triển tốt nhất cả nước và có các tổ chức kinh tế tập thể quy mô lớn, cụ thể là những đánh giá kết luận gây tranh cãi tại các kết luận thanh tra HTX quận 8 và quận 11 là ví dụ điển hình.

Trước vấn đề này, ngày 9/3/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 70-KL/TW về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa IX về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó nêu rõ: Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều bất cập; sự phối hợp hoạt động giữa cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, quần chúng trong phát triển các hợp tác xã còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, đặc biệt là ở các cấp địa phương.

Bộ Chính trị nhận định: Công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã ở một số nơi còn buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu, không đúng với tổ chức và hoạt động của hợp tác xã.

Ngày 25/9/2020, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 134/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị. Nghị quyết số 134 nêu rõ: Chính quyền các cấp cần phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hợp tác xã, không can thiệp vào công việc nội bộ của hợp tác xã, đặc biệt là phương án tổ chức sản xuất kinh doanh và vấn đề nhân sự.

Thi hành nhất quán chính sách và pháp luật về hợp tác xã

Từ kết luận thanh tra việc các hợp tác xã thành viên của Saigon Co.op huy động vốn góp của các thành viên mới và huy động vốn của các nhà đầu tư, Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc góp vốn của các hợp tác xã thành viên bằng nguồn vốn của tổ chức, cá nhân 'bên ngoài hợp tác xã' làm mất bản chất kinh tế tập thể và làm ảnh hưởng đến an kinh kinh tế, công tác quản lý nhà nước của TP.HCM.

Những nhận xét, đánh giá này của các cơ quan thanh tra không phù hợp với quy định của pháp luật và bản chất của kinh tế tập thể, đặc biệt là vấn đề về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã – vấn đề hạn chế đã được nêu trong Kết luận 70 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 134 của Chính phủ.

Về nhận định này, luật sư Nguyễn Văn Tú, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang cho biết: Bản chất của kinh tế tập thể là kinh tế của người dân, không phải là kinh tế nhà nước. Việc người dân huy động vốn góp của 'tư nhân' chính là huy động vốn của người dân vào phát triển kinh tế tập thể. Đây là việc làm đúng đường lối, chính sách và Luật Hợp tác xã.

Do vậy, nói việc huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân bên ngoài hợp tác xã là 'làm mất bản chất hợp tác xã' là hoàn toàn không đúng.

Việc góp vốn vào các hợp tác xã là đúng với quy định tại Khoản 6, 7 Điều 8 và Điều 44 Luật Hợp tác xã. Cụ thể, Điều 8 Luật Hợp tác xã quy định, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quyền: '(6) Tăng, giảm vốn điều lệ trong quá trình hoạt động; huy động vốn và hoạt động tín dụng nội bộ theo quy định của pháp luật. (7) Liên doanh, liên kết, hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để thực hiện mục tiêu hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

'Hợp tác xã là tổ chức kinh tế của người dân, không sử dụng vốn nhà nước nên việc các hợp tác xã huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân không phải là thành viên hợp tác xã, bản chất là kêu gọi thêm vốn đầu tư vào phát triển kinh tế tập thể, làm tốt công tác phát triển kinh tế hợp tác xã.

Do vậy, không thể nhận định việc kết nạp thêm thành viên và hợp tác đầu tư với doanh nghiệp là làm thay đổi bản chất các hợp tác xã. Việc làm này chỉ có thể tốt hơn cho phát triển kinh tế, không làm ảnh hưởng đến an ninh kinh tế được', Luật sư Nguyễn Văn Tú nhấn mạnh.

Theo Luật Hợp tác xã năm 2012, Nhà nước đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và không can thiệp vào hoạt động hợp pháp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Thậm chí, các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương còn phải tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ phát triển các hợp tác xã. Những cơ quan nhà nước không thực hiện việc hỗ trợ phát triển và không đảm bảo quyền tự chủ; thực hiện can thiệp vào tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã, nhất là vấn đề nhân sự là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Sau đợt thanh tra của các cơ quan chức năng TP.HCM, những tồn tại hạn chế sẽ được khắc phục để tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại ở đây là để các hợp tác xã phát triển theo đúng đường lối và định hướng của Đảng, quy định của pháp luật thì chính các cơ quan quản lý nhà nước phải quán triệt, nhận thức nắm rõ đường lối của Đảng và quy định của Luật Hợp tác xã; không để những lệch lạc và định kiến trở thành rào cản đối với sự phát triển kinh tế hợp tác xã.

(Theo Báo Pháp luật)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ