TS. Trần Đình Thiên: 'COVID-19 sẽ tạo ra khủng hoảng kinh tế kéo dài, nghiêm trọng bậc nhất'

Nhàđầutư
Khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, tác động của nó chỉ mang tính cục bộ. Nhưng khi dịch lan sang châu Âu rồi châu Mỹ thì kinh tế thế giới sốc cả cung lẫn cầu, với tốc độ lan toả nhanh, cho nên sức tàn phá rất mạnh, rất nghiêm trọng. Tôi nghĩ đây sẽ là cuộc khủng hoảng nghiệm trọng bậc nhất.
XUÂN HẢI
01, Tháng 05, 2020 | 16:18

Nhàđầutư
Khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, tác động của nó chỉ mang tính cục bộ. Nhưng khi dịch lan sang châu Âu rồi châu Mỹ thì kinh tế thế giới sốc cả cung lẫn cầu, với tốc độ lan toả nhanh, cho nên sức tàn phá rất mạnh, rất nghiêm trọng. Tôi nghĩ đây sẽ là cuộc khủng hoảng nghiệm trọng bậc nhất.

Đại dịch Covid-19 đang tàn phá nền kinh tế của nhiều quốc gia, gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ông nghĩ đây là cuộc khủng hoảng ngắn hạn hay dài hạn?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi nghĩ đây là một tai họa, gây ra khủng hoảng kéo dài chứ không phải một sự cố thông thường có thể kết thúc nhanh.

Dù rằng tự thân đại dịch Covid đã đủ gây ra suy thoái kinh tế, nhưng cần nhìn nhận rằng đại dịch chỉ là một phần của câu chuyện. Những bất ổn của kinh tế thế giới đã diễn ra từ vài năm nay. Đại dịch lần này là một cú đấm bồi, một yếu tố cộng hưởng nhưng có sức mạnh khôn lường, khiến tình trạng suy thoái kinh tế diễn ra trầm trọng và kéo dài hơn.

Một vấn đề của kinh tế thế giới trước đại dịch Covid có gốc rễ từ thương chiến Mỹ - Trung. Cuộc chiến này làm xáo trộn dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu, buộc Trung Quốc - đại công xưởng của thế giới - phải thay đổi cấu trúc phát triển. Nhưng khi Trung Quốc chưa kịp thay đổi, kinh tế thế giới đang bất ổn thì đại dịch ập đến. Trung Quốc là đại công xưởng, là đầu vào và đầu ra của thế giới, vì vậy khi Trung Quốc gặp chuyện, vấn đề trở nên đặc biệt nghiêm trọng.

Nhưng không chỉ riêng Trung Quốc gặp chuyện. Đại dịch giờ đã lan ra toàn cầu và tạo ra sốc cả cung lẫn cầu. Kinh tế thế giới được cấu trúc bằng các chuỗi sản xuất mà những điểm nút quan trọng nhất là Trung Quốc, EU và Mỹ. Giờ cả 3 điểm nút đều “đứt” thì tình hình chắc chắn là rất nghiêm trọng, không thể chốc lát mà vượt qua được.

tran-dinh-thien

PGS.TS Trần Đình Thiên

Dẫu chưa dự đoán được hết nhưng có thể nói cuộc khủng hoảng lần này gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Chúng ta đều thấy một điều là các dự báo đều tuân thủ một xu thế: dự báo sau đều vẽ ra bức tranh ảm đạm hơn dự báo trước. Xu hướng thực tế đúng là như vậy.

Để giải quyết khủng hoảng, các nước trên thế giới đều thực hiện các chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ, nhưng dường như các giải pháp này không thực sự hiệu quả?

Nhiều cuộc khủng hoảng trước đây là khủng hoảng tài chính - tiền tệ. Chúng khác với lần này - khi nền kinh tế thế giới được cấu trúc theo chuỗi và bị Covid-19 làm đứt hầu như tất cả các chuỗi, đứt cả cung lẫn cầu, trên phạm vi toàn thế giới. Vì thế, cuộc khủng hoảng lần này rất khác, đặc biệt nghiêm trọng.

Khi các chuỗi cung ứng bị đứt, cầu bị giảm sút và bị “chặn” thì dù Chính phủ và hệ thống tài chính - ngân hàng có ra sức giải cứu bằng cách bơm tiền hay bằng hàng loạt biện pháp hỗ trợ tiền tệ, cũng khó có thể giải quyết được vấn đề như mọi lần và như mong đợi.

Tất nhiên, việc bơm tiền sẽ giúp được một số doanh nghiệp nối lại chuỗi sản xuất, hỗ trợ họ giải quyết phần nào khó khăn tài chính. Nhưng vấn đề là đa số doanh nghiệp không hẳn đã gặp khó khăn tài chính. Hoạt động sản xuất và cung ứng bị chặt đứt cả nguồn cung và nguồn cầu thì khi đó, tiền có bơm vào cũng không giúp gì được.

Tuy nhiên, không nên đánh giá thấp các giải pháp tài chính. Những giải pháp này thực sự có ý nghĩa đối với không ít doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang khó khăn mà nửa đêm bị “thuế thúc nợ dồn”, không có doanh thu mà vẫn cứ phải è cổ nộp thuế, trả lãi, bị chuyển nhóm nợ thì tình hình sẽ rất tồi tệ.

Giãn nợ, giảm thuế, hạ thấp lãi vay, cơ cấu lại nợ, cho vay hỗ trợ thanh khoản... là những biện pháp giúp cho doanh nghiệp kéo dài sự sống, không lâm vào phá sản, chờ cơ hội khôi phục. Dĩ nhiên, việc bơm tiền phải tính cẩn thận chứ cứ hô hào bơm tiền, bơm tiền dễ, để tạo cơ hội kiếm chác thì nền kinh tế sẽ bị méo mó.

Ông cho rằng kinh tế thế giới sẽ biến đổi thế nào sau đại dịch?

Như đã nói, không phải đến đại dịch Covid-19 thế giới mới thay đổi. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự đảo lộn tương quan sức mạnh trên phạm vi toàn cầu, thế giới đã thay đổi căn bản cấu trúc và logic phát triển.

Covid-19 thúc đẩy thêm xu hướng đó, rất mạnh, bằng cách làm bộc lộ rõ những điểm yếu cốt tử của phương thức loài người sinh sống; bằng cách buộc loài người phải huy động và phát triển những năng lực cao nhất của mình để giành thắng lợi trong cuộc đấu.

Quả thật, bằng cách buộc cả loài người phải “tự cấm vận”, Covid-19 cho thấy bao nhiêu điều bất hợp lý, bao nhiêu thứ lãng phí đang tồn tại trong đời sống của chúng ta. Trong khi đó, cách dẹp bỏ chúng thật sự đơn giản, không cần tốn quá nhiều cuộc họp, nhiều nỗ lực và của cải một cách vô ích, kiểu như chúng ta vẫn phải làm lâu nay để “tinh giản biên chế”.

Covid-19 cũng chứng tỏ rằng cách thiết kế các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu như hiện nay thực sự quá rủi ro: rủi ro do chiến tranh thương mại gây ra tích hợp với rủi ro dịch bệnh, chưa nói đến rủi ro do virus gây ra. Chưa có một cấu trúc thể chế nào đủ năng lực, quyền lực và trách nhiệm đứng ra giải quyết vấn đề.

Rủi ro là câu chuyện toàn cầu, ngày càng là vấn đề toàn cầu. Nhưng hiện giờ, phương pháp xử lý chủ yếu vẫn là “nước nào lo thân nước đó”, lo cho mình mạnh lên, vĩ đại trở lại. Rõ ràng, bài toán phát triển hiện đại không thể giải theo cách đó.

Xin được nhắc lại: thế giới đang thay đổi căn bản về cấu trúc và logic phát triển. Cục diện phát triển trên thế giới đang thay đổi nhanh chóng mặt. Trung Quốc đã từng trỗi dậy phi thường. 5 năm trước, Trung Quốc đặt khát vọng dẫn đầu thế giới trong 10 lĩnh vực công nghệ chủ chốt vào năm 2015. Nhưng giờ đây, chưa ai nói được nền kinh tế Trung Quốc sẽ là gì sau đại dịch Covid-19, cộng với cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động..

Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội cho tất cả các nước nhảy vào kỷ nguyên kinh tế số - công nghệ cao. Với thuộc tính chủ đạo của thời đại là tốc độ cao, mọi điều đều có thể diễn ra, rất nhanh và rất bất thường. Cả dịch Covid-19 cũng vậy.

Hậu Covid, chắc chắn loài người sẽ chuyển sang một quỹ đạo phát triển hoàn toàn khác. Những điểm then chốt của quỹ đạo đó căn bản chưa bộc lộ, còn rất nhiều việc phải thảo luận, phải dự báo, không thể đoán mò và đoán bừa.

Chỉ có một điểm khá rõ ràng, có thể định hình: các hình thái liên minh và xung đột đang thay đổi. Hãy đừng chỉ quan tâm tới xung đột kiểu cũ mà hãy chú ý hơn tới hình thái xung đột mới.

Theo ông, bước đi của Việt Nam trong tình hình mới là gì?

Tôi cho rằng lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã nhận diện đúng các xu hướng của thế giới, các tác động, những điều kiện để nương theo. Một số điểm quan trọng là toàn cầu hóa, liên kết khu vực, công nghệ.

Về toàn cầu hóa, tôi cho rằng đây vẫn là xu hướng không thay đổi và ngày càng mạnh mẽ. Có thể có những biểu hiện nào đó của xu thế gia tăng bảo hộ hay sự trỗi dậy mạnh mẽ hơn của chủ nghĩa dân tộc, nhưng xu hướng toàn cầu hóa vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, với cách thức khác và nội dung mới. Việc Việt Nam nhập cuộc vào xu hướng này là đúng, chỉ có điều là phải lượng sức mình tốt hơn và hành động hội nhập thực chất hơn.

Ta phải nhận diện rõ vấn đề: toàn cầu hóa đang diễn ra theo kiểu nào? Trước đây các nước nghiêng mạnh về phía hội nhập đa phương, nhưng có vẻ giờ Trung Quốc và nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump đang nghiêng hơn về phía song phương. Họ không bỏ toàn cầu hóa, chỉ có điều thay đổi cách thức, lấy “mình” làm trung tâm, kéo hết về mình và dựa mạnh vào liên kết tay đôi.

Các nước, các doanh nghiệp, muốn mở cửa, hội nhập, cạnh tranh hiệu quả cần quan tâm đến sự thay đổi này, nhất là khi nó được chủ trương bởi hai cường quốc kinh tế hàng đầu. Trong liên kết nhóm/khối/ khu vực, ta cần phải xem lại để điều chỉnh cách chơi. Không thể cứ khăng khăng cách cũ mà phải mềm dẻo hơn trong chiến lược đối tác.

Về nội dung, quá trình toàn cầu hóa cũng đang có những thay đổi sâu sắc. Tôi cho rằng toàn cầu hóa hiện nay ngày càng ít dựa trên nền tảng cũ là hàng hóa - vật thể và lao động chân tay. Rõ ràng toàn cầu hóa ngày càng là toàn cầu hóa dựa vào công nghệ cao, vào kinh tế số, vào liên kết chuỗi và liên kết mạng. Cốt lõi của nó là lao động trí tuệ, là của cải số. Nghĩa là toàn cầu hóa đang có nội dung và cấu trúc mới.

Về công nghệ thì bài học châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore) đã cho thấy một nước đi sau có thể vươn lên hàng đầu nhờ công nghệ, nhờ nương theo nước mạnh.

Những bài học cho Việt Nam rất rõ: phải tiếp cận công nghệ hiện đại, tạo lập liên minh, bám sát các tập đoàn công nghệ lớn chứ không chỉ chú trọng đối tác - quốc gia; phải lành mạnh hóa thị trường để doanh nghiệp trong nước lớn lên, có thực lực hợp tác, cạnh tranh quốc tế. Thị trường của ta giờ còn méo mó vì nhà nước can thiệp nhiều quá.

Việt Nam phải giúp các doanh nghiệp nội địa lớn lên, nhất là khối doanh nghiệp của tư nhân. Mình kì thị doanh nghiệp tư nhân lâu quá, đặc biệt là đối với các tập đoàn, doanh nghiệp của tư nhân lớn.

Một môi trường méo mó thì doanh nghiệp lớn lên trong đó cũng chỉ có thể lớn lên nhờ méo mó, dễ phạm luật, vì thế, càng dễ bị ghét bỏ. Chính phủ phải tạo môi trường tốt cho họ, chứ không phải cố duy trì lâu cơ chế xin - cho, phân biệt đối xử, kiểm soát ngặt nghèo bằng cả rừng quy định và thủ tục. Đó chỉ có thể là môi trường kiếm chác dành cho những kẻ nắm quyền lực hành chính. Nó làm xói mòn tinh thần chủ động, sáng tạo, cản trở các doanh nghiệp vươn lên. Có thể có một số doanh nghiệp tư nhân tận dụng “tốt” môi trường đó-khaithácsựlỏnglẻo,sơhởcủacơchế-để“kiếm” nhiều và lớn nhanh. Nhưng đổi lại, họ khó tạo hình ảnh tốt trong khi rủi ro họ đối mặt là rất lớn.

Tôi nhấn mạnh đến 2 chiến lược quan trọng, 2 chiến lược “trục” của Việt Nam: chiến lược khoa họa công nghệ và chiến lược phát triển lực lượng doanh nghiệp.

Khoa học công nghệ phải là trục của chiến lược phát triển kinh tế, chứ không phải là ngành được xếp vào ngạch văn hóa xã hội như hiện nay.

Còn về phát triển lực lượng doanh nghiệp, có thể nói lâu nay ta chỉ quan tâm phát triển số lượng doanh nghiệp. Chỉ tiêu chủ yếu đánh giá thành tích phát triển doanh nghiệp là số lượng doanh nghiệp thành lập. Ít ai, kể cả Chính phủ, quan tâm đến chất lượng và sức mạnh liên kết của doanh nghiệp với tư cách là một lực lượng.

Thực tế cho thấy rằng số doanh nghiệp lập ra nhiều thì số giải thể, đóng cửa cũng nhiều. Mà đóng cửa nhiều nghĩa là số doanh nghiệp lớn lên thực sự chẳng còn bao nhiêu. Mà phải nhớ rằng đóng cửa một doanh nghiệp đã thành lập là một sự tốn kém không nhỏ nguồn lực xã hội.

Ta phải phát triển một cấu trúc doanh nghiệp tốt, trong đó, các doanh nghiệp có thể liên kết, nương tựa vào nhau để lớn lên, không để tình cảnh mạnh ai nấy chạy như bây giờ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24600.00 24920.00
EUR 26295.00 26401.00 27567.00
GBP 30644.00 30829.00 31778.00
HKD 3103.00 3115.00 3217.00
CHF 27002.00 27110.00 27956.00
JPY 159.74 160.38 167.82
AUD 15898.00 15962.00 16448.00
SGD 18065.00 18138.00 18676.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17897.00 17969.00 18500.00
NZD   14628.00 15118.00
KRW   17.74 19.37
DKK   3535.00 3666.00
SEK   2297.00 2387.00
NOK   2269.00 2359.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ