4 vấn đề đặt ra với Quy hoạch điện VIII

Nhàđầutư
Những khuyến nghị chính sách từ Tọa đàm sẽ được Tạp chí Nhà đầu tư/ Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng như góp ý hoàn chỉnh dự thảo Quy hoạch điện VIII.
NHÓM PHÓNG VIÊN
18, Tháng 11, 2022 | 05:50

Nhàđầutư
Những khuyến nghị chính sách từ Tọa đàm sẽ được Tạp chí Nhà đầu tư/ Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng như góp ý hoàn chỉnh dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Screen Shot 2022-11-18 at 8.56.01 AM

Toàn cảnh Toạ đàm Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo

Sáng 18/11 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức Toạ đàm "Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo".

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn cho biết, so với các Dự thảo trước đây, Dự thảo Quy hoạch điện VIII vừa được trình Chính phủ vào ngày 11/11/2022 (dưới đây gọi tắt là Dự thảo) đã có những điều chỉnh thể hiện rõ hơn vai trò và lộ trình phát triển các nguồn năng lượng tái tạo theo tinh thần Nghị quyết 55 ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, là: “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch…”.

Đồng thời, Dự thảo mới đã hướng tới việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về cắt giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Theo kịch bản cơ sở của Dự thảo mới nhất, tỷ lệ công suất các nguồn năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện) tăng từ 18% năm 2030 lên 54,8% năm 2050, trong đó điện gió trên bờ đạt 11.905 MW (9,8%) năm 2030 lên đến 49.170 MW (13,3%) năm 2050; đến năm 2030 chưa phát triển điện gió ngoài khơi nhưng nguồn điện này sẽ đạt tới 46.000 MW (chiếm 12,5% tổng công suất nguồn điện) vào năm 2050; điện mặt trời tập trung đạt 8.763 MW năm 2030 (7,2%) và tăng lên 100.651 MW (27,3%) vào năm 2050.

Screen Shot 2022-11-18 at 10.40.50 AM

TS. Nguyễn Anh Tuấn, TBT Tạp chí Nhà đầu tư phát biểu khai mạc Toạ đàm

Mặc dù Dự thảo mới đã có những điều chỉnh đáng kể so với các dự thảo trước đây, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn những vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu, thảo luận làm rõ để năng lượng tái tạo không bị “lỡ nhịp”, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của nước ta, đóng góp tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu phát thải nhà kính.

Thứ nhất, trong cả 3 kịch bản phụ tải của Dự thảo đều không phát triển điện mặt trời cho tới năm 2030 và tỷ lệ công suất các nguồn năng lượng tái tạo đến năm 2030 chỉ đạt 18% (theo kịch bản cơ sở). Lộ trình như vậy đã hợp lý chưa và liệu có làm đứt gãy chuỗi sản xuất, gây lãng phí nguồn lực xã hội và nguồn tài nguyên đang được đánh giá là rất lớn của nước ta?

Thứ hai, là cơ chế giá đối với các dự án năng lượng tái tạo.

- Đối với các dự án chuyển tiếp, đang triển khai hoặc đã hoàn thành nhưng không kịp hưởng giá FIT, mặc dù Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3/10/2022 quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp và đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành, nhưng đến nay vẫn chưa có các quy định, pháp lý cụ thể về việc đàm phán này.

- Với các dự án đã được công nhận vận hành thương mại, hưởng giá FIT, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo để có cơ sở hướng dẫn việc rà soát, xem xét lại Hợp đồng giữa EVN với các chủ đầu tư, đồng thời Bộ đề nghị Thủ tướng có quyết định bãi bỏ các Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, Quyết định số 37 và Quyết định số 39 về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió. Như vậy, liệu các dự án này có bị điều chỉnh về giá mua điện hay thời hạn ưu đãi hay không? Hệ lụy của việc điều chỉnh chính sách ưu đãi này sẽ như thế nào?

- Với các dự án năng lượng tái tạo mới trong tương lai, tham gia thị trường điện cạnh tranh cần có một cơ chế giá như thế nào là tối ưu, đặc biệt với các nguồn năng lượng yêu cầu suất đầu tư cao như điện gió ngoài khơi?

Thứ ba, truyền tải điện đang là điểm nghẽn lớn. Trong bối cảnh nguồn lực của EVN có hạn, cần có chính sách, cơ chế gì để xã hội hóa đầu tư, khuyến khích tư nhân đầu tư vào truyền tải điện? Mặc dù, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực đã cho phép tư nhân tham gia đầu tư truyền tải, nhưng đến nay chưa có hướng dẫn chi tiết về vấn đề này, nhất là về giá truyền tải, quản lý chi phí đầu tư, quản lý nhà nước trong kiểm soát, đảm bảo an ninh lưới truyền tải khi cho tư nhân đầu tư.

Thứ tư, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện trong giai đoạn tới là rất lớn, cần có cơ chế, chính sách gì để huy động được nguồn vốn trong và ngoài nước phục vụ phát triển ngành năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng.

Screen Shot 2022-11-18 at 10.41.54 AM

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương

Sắp có khung giá điện cho NLTT

Phát biểu tại Toạ đàm, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết năm 2019, 2020 và 2021, sản lượng điện phát từ nguồn điện năng lượng tái tạo đạt tương ứng 5,242 tỷ kWh, 10,994 tỷ kWh và gần 30 tỷ kWh đã góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao. Nếu so sánh số liệu nguồn điện dầu thực tế được huy động với dự báo của EVN thì điện chạy dầu đã giảm 2,17 tỷ kWh năm 2019 và giảm 4,2 tỷ kWh năm 2020 (tiết kiệm khoảng 10.850 – 21.000 tỷ đồng).

Việc phát triển NLTT đã bổ sung kịp thời nguồn điện trong bối cảnh các nhà máy nhiệt điện than chậm tiếp độ, Các nguồn điện NLTT phân tán cung cấp hiệu quả cho phụ tải điện tại chỗ, giảm tổn thất truyền tải, giúp khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp; nâng cao nhận thức của người dân đối với các nguồn điện năng lượng tái tạo, huy động nguồn vốn trực tiếp từ người dân tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà; bổ sung nguồn ngân sách đáng kể cho các địa phương có tiềm năng; huy động nguồn lao động sẵn có tại địa phương.

Một số nguyên tắc cơ bản phát triển năng lượng là đảm bảo đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội; Bám sát các Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, các Nghị quyết, Chương trình hành động, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp đối với việc phát triển ngành điện xanh, bền vững; Xây dựng ngành điện độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế; Đảm bảo các mục tiêu cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050; Kế thừa các nội dung còn phù hợp của Quy hoạch điện VII điều chỉnh; Phân tích, dự báo sát tình hình trong nước, ngoài nước tác động tới phát triển ngành năng lượng, ngành điện trong thời gian tới.

Giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than với mục tiêu giảm tối đa phát thải khí CO2. Không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau 2030. Xem xét chuyển đổi một số nguồn điện sử dụng nhiên liệu than sang LNG; Khuyến khích phát triển nguồn điện gió ngoài khơi, các loại hình thủy điện tích năng, điện sinh khối, pin lưu trữ, … Nghiên cứu khả năng phát triển điện hạt nhân.

Đẩy mạnh phát triển các nguồn điện sinh khối, thủy điện tích năng, điện mặt trời; khuyến khích phát triển điện gió (đặc biệt là điện gió ngoài khơi); Khuyến khích phát triển các dự án điện sử dụng NLTT cấp trực tiếp (tiêu thụ tại chỗ) cho các cơ sở sản xuất (đặc biệt là phục vụ sản xuất hydrogen, amoniac xanh…); Đảm bảo tối đa cân bằng nội vùng, miền. Khuyến khích tối đa khả năng phát triển nguồn NLTT trong hệ thống điện, giảm triệt để phát thải khí CO2 so với các phương án đã trình trước đây. Ước tính lượng phát thải khí CO2 đạt đỉnh 239 triệu tấn năm 2035, 115 triệu tấn năm 2045 và ước đạt 30 triệu tấn năm 2050, đảm bảo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Thách thức với năng lượng tái tạo: Nguồn vốn đầu tư để thực hiện lớn. Ước tính giai đoạn 2021-2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực khoảng 104,7-142,2 tỷ USD. Tỉ lệ dự phòng thô của hệ thống khá cao do các nguồn điện chạy nền không còn được phát triển và thay vào đó là các nguồn điện gió có thời gian vận hành thấp hơn, dẫn tới tăng chi phí đầu tư nguồn điện. Cần đầu tư thêm lưới truyền tải liên miền và lưới siêu cao áp ven biển. Một số công nghệ chưa thương mại hóa (công nghệ sử dụng hydrogen, amoniac xanh). Giai đoạn 2021-2030, tổng diện tích đất dành cho các công trình điện khoảng 103 nghìn ha trong đó: thủy điện và thủy điện nhỏ khoảng 55 nghìn ha, điện gió trên bờ khoảng 5.400 ha.

Về thông tin nhà đầu tư rất quan tâm là cơ chế giá cho các dự án NLTT chuyển tiếp, ông Phạm Nguyên Hùng cho biết cuối tháng 11 Bộ Công Thương sẽ ban hành khung giá điện cho các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Trước đó, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 15 về nguyên tắc xây dựng khung giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Dự kiến từ ngày 25-30 tháng 11/2022, Bộ Công Thương sẽ thẩm định xong và ban hành khung giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Trên cơ sở khung giá, EVN đàm phán với các chủ đầu tư. Hiện có khoảng 4.000 MW đối tượng chuyển tiếp điện gió và điện mặt trời.

Về vấn đề vì sao từ nay đến năm 2030 không phát triển thêm điện mặt trời, ông Hùng cho hay theo dự thảo Quy hoạch điện VIII bản mới nhất sẽ bổ sung 726 MW điện mặt trời tập trung, trong đó hơn 400 MW đã xong rồi, 300 MW đang làm dở; còn hơn 1.600 MW đã có quy hoạch nhưng chưa đầu tư có thể được đẩy ra sau năm 2030. Quy hoạch VII điều chỉnh cho thấy, các dự án điện mặt trời tập trung (có thể bị đẩy lùi ra sau năm 2030 trong Quy hoạch điện VIII) có vị trí phụ tải thấp nên để phát triển tiếp phải đầu tư lớn lưới điện, trong khi ổn định hệ thống thống đã đạt giới hạn. Còn sau 2030 điều kiện truyền tải, lưới điện đầu tư đã tốt hơn nên có điều kiện để phát triển thêm điện mặt trời mà không cần đầu tư quá lớn.

Screen Shot 2022-11-18 at 10.43.16 AM

Ông Phạm Minh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư

Cần nhanh chóng ban hành chính sách mới cho NLTT

Ông Phạm Minh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02/10/2020 của Chính phủ yêu cầu “Nghiên cứu, xây dựng Luật về năng lượng tái tạo”. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, xây dựng Luật về năng lượng tái tạo sẽ đòi hỏi nhiều thời gian. Trong khi chưa có Luật về năng lượng tái tạo thì việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách phát triển điện gió, điện mặt trời là rất cần thiết trong bối cảnh cơ chế giá FIT đã hết thời hạn áp dụng. Việc này càng quan trọng đối với điện gió ngoài khơi với tiềm năng và lợi thế lớn nhưng là lĩnh vực mới và có nhiều đặc thù so với điện gió trên bờ.

Hiện nay, các tổ chức, các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm đến các cơ chế chính sách phát triển NLTT trong thời gian tới nên việc nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách sẽ phải đẩy nhanh hơn nữa để có thể triển khai thực hiện ngay sau khi Quy hoạch điện VIII (với các mục tiêu, kế hoạch phát triển NLTT) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với thu hút đầu tư phát triển dự án năng lượng tái tạo, việc phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời, điện gió trong thời gian qua cho thấy nếu có quy hoạch các dự án NLTT và cơ chế giá điện NLTT hợp lý thì sẽ thu hút được rất nhiều nhà đầu tư, thậm chí quy mô công suất NLTT được quy hoạch và bổ sung quy hoạch còn chưa đáp ứng hết các đề xuất đầu tư của các nhà đầu tư và các địa phương.

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, việc đề xuất đầu tư phát triển NLTT từ các địa phương, nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng rất lớn, vượt xa quy mô sẽ phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII sắp tới. 

Để đáp ứng đủ năng lượng nói chung và điện năng nói riêng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng, để thu hút các nhà đầu tư phát triển NLTT một cách hợp lý trong thời gian tới, cần xem xét các nội dung:

Thứ nhất, Quy hoạch điện VIII cần có mục tiêu phát triển NLTT với quy mô phù hợp nhưng phải ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn NLTT. Sớm hoạch định chi tiết các nguồn NLTT cho từng địa phương để các địa phương có cơ sở tổ chức thực hiện.

Thứ hai, đẩy nhanh việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế chính sách phát triển NLTT trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả đầu tư các dự án NLTT, tăng cường tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch cho các nhà đầu tư.

Screen Shot 2022-11-18 at 10.45.28 AM

Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Vẫn cần giá FIT cho các dự án nhỏ

Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết trước đây thường có quan điểm giá NLTT đắt hơn các nguồn khác và cần được hỗ trợ nhưng gia đoạn vừa rồi giá than và LNG tăng nhanh, trong khi nhờ khoa học công nghệ phát triển, giá các nguồn NLTT dần thấp hơn và có tính cạnh tranh hơn. Cần nhấn mạnh là xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai. 

Tuy nhiên, thực tế phát triển năng lượng tái tạo hiện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, thiếu các chính sách và quy định hỗ trợ phát triển NLTT có thể cản trở việc áp dụng nguồn năng lượng này. Do bản chất của cấu trúc, thị trường NLTT cần có các chính sách và thủ tục pháp lý rõ ràng để tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư. Các cơ quan quản lý cần đưa ra các chính sách với các điều kiện tạo ra môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được, giúp vượt qua các rào cản và đảm bảo dự đoán được dòng doanh thu của các dự án.

Trong thời gian qua, các dự án NLTT được tập trung phát triển tại các khu vực có tiềm năng lớn (các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận) dẫn đến quá tải một số đường dây và trạm biến áp 110kV, 220kV. Việc mất đồng bộ giữa phát triển nguồn NLTT vừa qua đã gây ra các điểm "nghẽn" về truyền tải, phải giảm phát tới 30 - 40%, thậm chí có dự án phải giảm hơn 60% công suất.

Bên cạnh đó, đầu tư các dự án NLTT có nhu cầu về vốn lớn, rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc thời tiết, khí hậu, khả năng thu hồi vốn lâu do suất đầu tư và giá điện cao hơn nguồn năng lượng truyền thống. Vì vậy, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại thường chưa sẵn sàng cho vay các dự án đầu tư vào lĩnh vực NLTT.

Các vướng mắc này cần được tháo gỡ để quá trình phát triển năng lượng tái tạo được đẩy nhanh hơn nữa, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu trung hòa khí nhà kính vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.

Do vậy, các cơ quan nhà nước cần đưa ra các định hướng, chính sách với các điều kiện tạo ra môi trường đầu tư ổn định đối với nguồn NLTT. Cụ thể, trên cơ sở chuẩn xác lại tiến độ các dự án nguồn điện lớn đang xây dựng, cần tiến hành cân bằng công suất – điện năng, xác định khối lượng các dự án điện mặt trời, điện gió và các nguồn NLTT cần xây dựng trong giai đoạn 2023 – 2025 - 2030. Việc cân đối được tiến hành theo từng vùng, miền để xác định công suất mỗi loại cần đưa vào vận hành trong từng năm của mỗi vùng, miền.

Đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, trong thời gian chờ tính toán khung giá phát điện, đàm phán và ký hợp đồng mua bán điện, đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành giá điện tạm tính, cho phép EVN huy động các nhà máy điện chuyển tiếp và thanh toán tiền điện theo mức giá bán điện tạm tính. Doanh thu bán điện của các dự án sẽ được điều chỉnh lại theo giá bán điện chính thức.

Đối với các dự án NLTT có quy mô công suất nhỏ (như điện mặt trời mái nhà, điện bãi rác, điện khí sinh học và các dự án có công suất nhỏ khác) cần được áp dụng theo biểu giá điện hỗ trợ (FIT) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hàng năm đối với mỗi loại công nghệ và tương ứng với các quy mô công suất khác nhau và theo từng vùng khác nhau.

Cần làm rõ nhiều điểm trong Thông tư 15

Ông Nguyễn Đức Cường, chuyên gia cao cấp về năng lượng, Công ty CP Tập đoàn Năng lượng T&T cho biết sau nhiều ngày chờ đợi cơ chế mới, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15 quy định về phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện mặt trời mặt (trên mặt đất, nổi), nhà máy điện gió (trong đất liền, trên biển).

Theo thông tư này các tổ chức, cá nhân tham gia triển khai đầu tư nhà máy hoặc phần nhà máy điện mặt trời, điện gió đã ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trước ngày 1/1/2021 và ngày 1/11/2021 nhưng không đáp ứng điều kiện áp dụng giá FIT sẽ tham gia cơ chế chuyển tiếp để tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện thống nhất. Hiệu lực thi hành của thông tư này từ ngày 25/11/2022, do vậy, khung giá phát điện chưa thể có ngay và vẫn phải chờ quy trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt để làm cơ sở cho đàm phán giá điện.

Có 5 điểm sau cần được xem xét tính đến trong quá trình xây dựng và ban hành bởi, chúng có thể vẫn tiềm ẩn rủi ro.

Thứ nhất, chưa có quy định về khung thời gian áp dụng biểu giá điện khi mà giá điện đã thương thảo và thống nhất giữa hai bên (EVN và Nhà đầu tư);

Thứ hai, giá điện tính và chi trả theo VNĐ và sẽ không được neo theo tỷ giá giữa VNĐ và USD dẫn đến rủi ro về hoạch toán khi xét đến các tác động của yếu tố lạm phát và thay đổi tỷ giá;

Thứ ba, cách xác định một số hệ số trong công thức tính sản lượng điện (như hệ số về tổng mức độ bất định (kbđ) đối với các dự án nhà máy điện gió;

Thứ tư, những khác biệt và khác nhau giữa các dự án khác nhau sẽ dẫn đến khó đồng thuận khi đàm phán, thương thảo giá bán điện. Sự khác nhau này có thể là do các yếu tố tác động khác nhau như quy mô công suất, chiều dài, cấp điện áp đường dây đấu nối (khi xét đến cả chi phí đầu tư lẫn tổn thất điện trên đường dây) và điều kiện tự nhiên tác động đến suất đầu tư và sản lượng điện bán tại điểm đấu nối;

Thứ năm, khi có sự khác biệt như trên (điểm 4), thời gian đàm phán giá có thể sẽ bị kéo dài bởi, ngoài các yếu tố đặc thù của từng dự án so với dự án mẫu được sử dụng tính toán khung giá phát điện còn là thời gian dành cho EVN, Bộ Công Thương tính toán kiểm tra với từng dự án cụ thể về sự phù hợp với hạ tầng lưới điện khu vực và khả năng giải tỏa công suất…

Với các dự án NLTT mới, các dự án NLTT mới như nêu trong dự thảo Quy hoạch điện VIII được hiểu là những dự án điện gió, điện mặt trời sẽ được triển khai thực hiện trong tương lai. Đối với các dự án này, Bộ Công thương đã đề xuất và đề nghị Thủ tướng chấp thuận cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện tương tự như áp dụng tại Thông tư số 15 ban hành ngày 3/10/2022 (Tờ trình số 4778 ngày 11/8/2022). Trong trường hợp nếu đề xuất và đề nghị này được thông qua sẽ có một số khó khăn, trở ngại cho thị trường phát triển điện gió và điện mặt trời ở Việt Nam trong giai đoạn tới.

Những trở ngại, khó khăn chính cần xét đến, gồm: Cách xây dựng và tính toán khung giá bán điện cho nguồn điện gió, điện mặt trời khi đó được coi như giống hoặc gần như tương đồng cách xây dựng, tính toán đối với các Nhà máy điện truyền thống như điện than, điện khí và thủy điện lớn. Nếu cách tiếp cận sẽ áp dụng như vậy thì cần thiết phải xem xét thấu đáo, đồng bộ theo quan điểm định hướng mà Nghị quyết số 55 đã nêu là "xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn NLTT...";

Tại Thông tư số 15 cũng như dự thảo Quy hoạch điện VIII chưa đề cập đến nghiên cứu đưa ra các khung giá điện khác nhau áp dụng cho các vùng miền khác nhau? Điều này, có thể sẽ dẫn đến khó thu hút đầu tư vào NLTT tại các khu vực có tiềm năng năng lượng thấp (chẳng hạn như khu vực các tỉnh miền Bắc);

Thuật ngữ và định nghĩa về điện gió cần sớm thống nhất và ban hành bởi hiện nay thuật ngữ về điện gió trên bờ và trên biển đang được đề cập tại Quyết định 39 và gần đây là Thông tư 15. Trong khi đó dự thảo Quy hoạch điện VIII đưa ra thuật ngữ điện gió trên bờ/gần bờ và điện gió ngoài khơi. Do vậy, cần sớm sự thống nhất để giúp nhà đầu tư nắm bắt được quy định liên quan.

PHIÊN THẢO LUẬN MỞ

TS. Nguyễn Anh Tuấn, TBT Tạp chí Nhà đầu tư: Trong các vấn đề được nhiều chuyên gia, nhiều doanh nghiệp đề cập qua những bài tham luận sáng nay là vấn đề truyền tải điện, tại Hội thảo có sự tham gia của ông Nguyễn Ngọc Tân – thành viên HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, ông có thể cho biết có kỳ vọng gì mới trong việc tư nhân đầu tư truyền tải điện theo Luật điện lực (sửa đổi), hay có những lưu ý gì trong việc đầu tư truyền tải điện hiện nay?

EVNNPT hoan nghênh xã hội hoá và sẽ hỗ trợ nhà đầu tư quản lý, vận hành lưới điện

Ông Nguyễn Ngọc Tân – Thành viên HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho biết tiềm năng NLTT của Việt Nam là rất lớn, các nhà đầu tư thường mong khai thác hết các tiềm năng, nhưng để được vậy cần giải quyết nhiều vấn đề. Hiện không đồng bộ giữa bổ sung quy hoạch tiềm năng và xây dựng các nhà máy NLTT cũng như phát triển lưới điện, dẫn đến các nguồn NLTT đưa vào vận hành chưa đáp ứng được, mất cân đối vùng miền. Như nhu cầu điện miền Bắc mỗi năm tăng 6-7%, nhưng phát triển các nguồn NLTT lại tập trung khu vực miền nam, dẫn đến khu vực này liên tục quá tải lưới điện. Việc bổ sung quy hoạch không có hoặc chậm hơn so với kỳ vọng.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn vay ODA khó do liên quan đến luật sử dụng vốn, cần có giải pháp tháo gỡ.

Về vai trò, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các đơn vị tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải. EVNNPT với tiềm lực của mình sẵn sàng hỗ trợ quản lý vận hành, đảm bảo sự thống nhất, an ninh hệ thống lưới điện. 

Chúng tôi mong muốn sớm ban hành Quy hoạch điện VIII, bởi đúng ra Quy hoạch điện VIII được phê duyệt từ năm 2021, nhưng do chưa có nên kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện 2021-2025 của chúng tôi chưa được phê duyệt, dẫn đến không có phương án huy động vốn, cân bằng tài chính, và tổng thể đối với truyền tải.

Ngoài ra phải có cơ chế chính sách cho phát triển truyền tải do tính đặc thù liên quan đồng bộ đến đất rừng, đất lúa đất quy hoạch cho công trình năng lượng. Cần tăng tính chủ động cho các tập đoàn cũng như tập đoàn nhà nước, hiện Bộ KHĐT đang xây dựng cơ chế chính sách “con chim đầu đàn”, đây là điều rất quan trọng để tăng tính chủ động.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Một vấn đề nữa được cộng đồng nhà đầu tư rất quan tâm là cơ chế giá. Chính sách giá cho dự án chuyển tiếp sẽ như nào, bao giờ ban hành khung giá, việc Bộ Công thương có đề xuất huỷ các quyết định giá FIT với các dự án trước đây, dẫn đến lo ngại các dự án đã được hưởng giá FIT có nằm trong đối tượng điều chỉnh này không. Xin ông Phạm Nguyên Hùng có thể chia sẻ làm rõ luôn?

Không huỷ cơ chế giá FIT đã ký với các dự án NLTT 

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương: Khung giá điện theo Thông tư 15 dự kiến ban hành ngày 25/11 tới đây chỉ áp dụng cho các dự án chuyển tiếp. 

Về cơ chế giá FIT, Bộ Công Thương từng có báo cáo, kiến nghị bãi bỏ 2 Quyết định giá FIT 13, 39 khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại, ảnh hưởng môi trường đầu tư. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương khẳng định dư án/ phần dự án đang tuân thủ quy định pháp luật, đáp ứng điều kiện tại Quyết định 13, 39 vẫn hưởng giá FIT theo hợp đồng. Nhưng cần lưu ý là các dự án phải tuân thủ quy định pháp luật và đáp ứng điều kiện hưởng giá FIT. Các dự án hoà lưới sau thời gian quy định sẽ không hưởng cơ chế giá FIT. Việc bãi bỏ bởi nay đã hết hạn áp dụng các quyết định ưu đãi này.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Tôi cho rằng câu trả lời của ông Phạm Nguyên Hùng đã khá rõ. Tôi muốn hỏi các nhà đầu tư, xung quanh câu chuyện giá có ý kiến trao đổi gì thêm với đại diện Bộ Công thương. Ý kiến đầu tiên xin mời ông Hoành Mạnh Tân, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà?

Một nút thắt của NLTT là truyền tải

Ông Hoàng Mạnh Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển năng lượng Sơn Hà: Chính phủ khuyến khích nhưng sau đó chưa có cơ chế chuyển tiếp gây lãng phí nguồn lực. Nhìn rõ nút thắt NLTT là truyền tải.

Truyền tải điện, nhà nước cần tăng vai trò, quản lý, khuyến khích nhà đầu tư tham gia. Như viễn thông, trước đây chỉ có mobifone không có tính cạnh tranh, sau đó là các nhà mạng khác mới, nhờ vậy điện thoại trở nên phổ biến. Nên đa dạng nhà đầu tư truyền tải điện. Ví dụ NPT vận hành trục chính, còn lại các đấu nối thì nên để xã hội hoá. Nhà sản xuất có thể vừa đầu tư, vừa sử dụng, lưu trữ và bán điện.

Ngoài ra, người dân đầu tư điện mặt trời mái nhà nếu tự sản tự tiêu, lỗ khoảng 20% nhưng lắp pin lưu trữ thì đắt, khi thừa lại không bán được do chưa có cơ chế dẫn tới lãng phí. Do vậy, cần có cơ chế chính sách để điện mặt trời mái nhà đấu nối và có thoả thuận mua bao nhiều % và có giá khung (phải minh bạch, rõ ràng) thì giải quyết được tự sản, tự tiêu rất lớn.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn ông Hoàng Mạnh Tân. Theo mạch này, tôi xin mời đại diện một nhà đầu tư khác - ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch HĐQT HBRE, từ thực tiễn đầu tư và qua các câu chuyện trao đổi sáng nay, ông có đề xuất gì với các cơ quan quản lý Nhà nước và có đề xuất gì về dự thảo mới nhất Quy hoạch điện VIII?

Cần thận trọng với điện gió ngoài khơi

Ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch HĐQT HBRE: Có 3 vấn đề phải nói ở đây là nguồn phát, lưới và tiêu thụ. Thời gian qua chúng ta đã phát triển nóng nguồn phát, nhưng lưới lại không đáp ứng. Nhiều dự án NLTT (và cả của HBRE) đều bị cắt giảm sản lượng.

Cơ chế không chỉ giá, mà còn là cách mua điện, thời gian mua điện thế nào nữa. Đối với tổ chức tài chính ngân hàng khi cho vay thì quan tâm đến sự ổn định, thời gian hoàn vốn, rủi ro dự án. Do đó, cần tính toán cho chúng tôi thời gian tối thiểu nào đó để đảm bảo với các tổ chức tài chính.

Thứ hai là nếu có kịch bản phê duyệt giá FIT mới, tôi e ngại tất cả các dự án đã/đang hoàn thành sẽ đóng điện cùng lúc, dẫn tới quá tải lưới điện. Bản thân dự án của HBRE vừa qua bị cắt giảm 10-20%, nhưng có dự án bị cắt đến 50%, hiệu quả đi về đâu? Bộ Công thương cần tính toán khi cắt giảm thì có giá bù lại, ưu đãi cho nhà đầu tư không?

Các dự án NLTT phát triển quá ồ ạt. Tôi nhớ các dự án điện gió trước năm 2020 nộp hồ sơ xin bổ sung quy hoạch trước khi nộp hồ sơ xin bổ sung quy hoạch điều kiện tối thiểu là 12 tháng đo gió. Sau 2020, cơ chế thay đổi, nhiều nhà đầu tư có thể nộp hồ sơ xin bổ sung quy hoạch, đo gió, tư vấn nói làm đi gió tốt, gió 7m/s, nhưng thực tế bây giờ chỉ 5m/s. Lúc này kêu gọi NĐTNN không vào, bán đi cũng không xong. Số lượng dự án xây dựng đang/đã xây dựng trên tổng quy hoạch chỉ đạt 50-60%. Như vậy, rất lãng phí và mất cơ hội của nhà đầu tư khác. Đề nghị Bộ Công thương khi bổ sung quy hoạch, trong thời gian bao lâu, trong thời gian bao lâu không thi công thì thu hồi tạo điều kiện nhà đầu tư khác.

Bộ Công thương trình Quy hoạch điện VIII là 7.000MW cho tới 2030. Trong đó 4.000MW cho Miền Bắc, 3.000MW cho Nam Trung Bộ (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và các tỉnh miền Nam…), nhưng Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, miền trung hiện đã quá tải lưới điện, thì lúc đó đấu nối vào đâu.

Một ý nữa là vùng biển Miền Trung rất sâu mà giá đề xuất trên dưới 9 cent là không khả thi, trong khi các nước Châu Âu là 15-16 cent. Đề xuất Bộ Công thương sát thực tế.

Bản thân HBRE được cho phép khảo sát gió ở biển Bà Rịa Vũng Tàu, 3 năm nay tốn rất nhiều tiền, hơn hàng chục lần so với khảo sát trên bờ, và rất khó khăn. Nếu cứ ào ạt đầu tư, thì bài học như trên bờ sẽ xảy ra. 

Với các nhà đầu tư, khi đã bỏ tiền lớn để đầu tư, ai cũng có cách tính toán riêng, nhưng điện gió ngoài khơi nên thận trọng, cần có các nhà tư vấn giỏi, có tâm, còn không thì dự án sẽ dễ vỡ lở.

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương: Giá FIT không gia hạn, khung giá ban hành trong Thông tư 15 là cho đối tượng chuyển tiếp nhưng không phải một lúc đàm phán tất cả hơn 4.000 MW chuyển tiếp, EVN còn phải có sự cân nhắc trong điều độ, tỷ trọng.

Cơ chế ưu đãi NLTT đã phát huy tác dụng, hiện NLTT đang chiếm 27% tỷ trọng nguồn. Cùng với đó, đầu tư NLTT ngày càng dễ hơn, rẻ hơn thì không còn lý do gì để phải khuyến khích mà quan trọng là hài hoà lợi ích để nhà đầu tư chấp nhận được, giá bán điện hợp lý.

Về phản ánh của nhà đầu tư NLTT có thời điểm bị cắt giảm công suất (có thời điểm cắt giảm 50%), hiện tượng này mang tính thời điểm, cần lưu ý nhà đầu tư bán bằng sản lượng chứ không bán bằng công suất, nên tính theo sản lượng tháng thì thường có thể bán được 90-95% (sản lượng bình quân trong tháng).

Về điện gió, chúng ta cần hiểu rằng, quy hoạch là báo cáo đánh giá tiềm năng gió 12 tháng liên tục (do nhà đầu tư thực hiện), sau đó địa phương có báo cáo thì mới có quy hoạch. Thời điểm đo gió, cân nhắc, nếu nhà đầu tư tính toán so với giá FIT không có hiệu quả thì có thể không làm.

Với truyền tải, Luật Điện lực sửa đổi cho phép xã hội hoá truyền tải. Có thể tạm hiểu là xương sống, huyết mạch truyền tải nhà nước đầu tư, còn các nhánh thì xã hội hoá. Tuy nhiên, vướng mắc là giá truyền tải hiện nay rất rẻ nên rất khó kêu gọi nhà đầu tư. 

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Ý kiến phản hồi vừa rồi của ông Phạm Nguyên Hùng đã làm rõ một số câu chuyện khá cụ thể, tuy nhiên tôi biết nhà đầu tư vẫn còn có những ý kiến muốn thảo luận thêm, xin mời ý kiến bà Trần Kim Oanh, Giám đốc đầu tư quốc tế CPG, CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương?

Bà Trần Kim Oanh, Giám đốc đầu tư quốc tế CPG, CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương: Tôi cho rằng Nhà nước khi đã có quy hoạch về phát triển điện gió, thì Nhà nước sẽ bỏ tiền để đo gió hoặc lường trước gió, để từ đó đưa ra hướng dẫn cho các địa phương, rằng khu vực nào thì quyết định phát triển vì lượng gió ở đó tốt, đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư, mang lại lợi ích chung cho xã hội. theo tôi, trong quy hoạch cần có hướng dẫn cụ thể, mang tính chất là tầm nhìn về mặt quốc gia, đồng thời mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn ý kiến bà Kim Oanh, tôi cũng đồng tình Nhà nước khi kêu gọi đầu tư cần có khảo sát trước về gió hay độ bức xạ để bổ sung vào quy hoạch, thậm chí quy hoạch theo vùng để các nhà đầu tư nắm bắt tiềm năng.

Tiếp theo tôi xin mời ý kiến từ ông Nguyễn Hoàng Long, là Tổng giám đốc một công ty lớn trong lĩnh vực NLTT, ông có bình luận gì thêm về các ý kiến đã trao đổi từ sáng tới giờ, hay có ý kiến gì khác cần trao đổi thêm.

Ông Nguyễn Hoàng Long: Về những ý kiến cụ thể, Toạ đàm đã đề cập rất chi tiết. Tôi muốn nói thêm từ góc độ một nhà đầu tư nói chung, thấy đang có vòng quay lặp lại về chính sách. Khoảng 10 năm qua từ BOT sang điện mặt trời, rồi điện gió, chúng ta chứng kiến các đợt sóng về đầu tư và các cú phanh đột ngột, thị trường rơi vào tình trạng xáo trộn, mất ổn định. Hiện nay có thể nhìn thấy phần nào vấn đề tương tự ở bất động sản và trái phiếu. Như vậy có vấn đề về cách tiếp cận trong chính sách.

Đề nghị chung đối với các nhà làm chính sách là mong họ đặt mình vào vị thế nhà đầu tư, chia sẻ hơn về cách hành động, cách ứng xử của nhà đầu tư. Trong đó, về đánh giá hiệu quả của NĐT, ví dụ với NLTT, bối cảnh chung có NĐT hoàn thành COD, cũng có NĐT không hoàn thành hoặc nửa hoàn thành nửa không. Cộng chung lại, rõ ràng các NĐT vào NLTT vừa qua không đạt hiệu quả kinh tế, gặp nhiều rủi ro, chưa kể ai hoàn thành COD cũng phải chờ 20 năm nữa mới biết thực sự hiệu quả đến đâu, song phần đông chỉ nhìn vào dự án hoàn thành COD, hay phần hoàn thành COD, để cho rằng NĐT đã thu được nhiều lợi nhuận. Từ đó ít sự chia sẻ, cảm thông với nhà đầu tư.

Về mục tiêu chung của nhà đầu tư, họ phải đảm bảo mục tiêu lợi nhuận, nên chạy theo lợi nhuận không có gì xấu. Doanh nghiệp đồng thời cần đảm bảo tăng trưởng, phát triển bền vững, và bên cạnh đó đóng góp các giá trị, công trình cho cộng đồng, xã hội. Ai không làm như vậy sẽ bị cổ đông loại bỏ, bị thị trường đào thải. Bản thân doanh nghiệp làm ra lợi nhuận, giúp phát huy nguồn lực xã hội, tạo việc làm, như thế là đã đóng góp nhiều giá trị cho xã hội. Không nên nhìn doanh nghiệp có mục tiêu lợi nhuận đặt lên hàng đầu như cái gì đó vụ lợi, không tốt. Cách nhìn đó không hợp với quy luật kinh tế.

Để đạt các mục tiêu trên, NĐT luôn phải đứng trước lựa chọn khó khăn, ở đây điểm qua 2 góc độ là về quản trị, và về sử dụng nguồn lực tài chính. Về quản trị, NĐT phải lựa chọn giữa làm bài bản, chuẩn chỉnh, tuân thủ các nguyên tắc quản trị chặt (như DN quốc tế), với việc phải hành động quyết liệt, nhanh, chấp nhận rủi ro để tránh mất cơ hội, chậm tiến độ, thiệt hại kinh tế. Các NĐT năng lượng vừa qua nếu không kịp COD không hẳn là họ yếu kém. Có những NĐT làm quá bài bản sẽ không kịp COD. Còn NĐT làm từ rất sớm, hoặc hành động chấp nhận rủi ro thì đạt COD, nhưng lại chưa chắc chuẩn về quản trị, khi mạo hiểm ra các quyết định mà thiếu các yếu tố, cơ sở đảm bảo (ví dụ phải bỏ tiền làm khi chưa rõ cơ chế, chưa được duyệt vay...).Vậy nhà làm chính sách muốn có NĐT bài bản, hay NĐT mạo hiểm?

Về sử dụng nguồn lực tài chính, NĐT luôn phải tối ưu dòng tiền cho cổ đông. TGĐ nào chỉ biết đem tiền gửi ngân hàng thì cổ đông/HĐQT sẽ đặt vấn đề ngay. Nhưng nhiều yêu cầu chính sách lại tiếp cận khác, ví dụ yêu cầu NĐT phải để đủ tiền trong tài khoản ngay từ đầu. Hay với năng lượng tái tạo, nếu đặt ra việc giá bán phải xem lại định kỳ, trong khi chi phí đầu tư đã bỏ ra từ đầu, thì khó NĐT (và ngân hàng) nào có thể chấp nhận vì không thể đánh giá được hiệu quả tài chính.

Tổng hợp lại, chính sách thế nào thì NĐT sẽ hành động theo đó, còn nguyên lý mục tiêu giống nhau. Như vậy nhà hoạch định chính sách muốn thúc đẩy doanh nghiệp kiểu nào, thì cơ chế chính sách cần cân đối cho phù hợp với khuyến khích kiểu doanh nghiệp đó.

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương: Đối với NLTT, vốn đầu tư là một lần ban đầu, chủ yếu là chi phí đầu tư ban đầu đã được tính toán đầy đủ tại thời điểm ban hành khung giá và áp dụng trong vòng đời 20 năm, sẽ không có việc 3-5 năm đàm phán lại giá. Nhà đầu tư có thể yên tâm và khi đầu tư có thể chắc chắn phương án tài chính, phương án thu hồi vốn.

Thị trường điện cạnh tranh là mong muốn của các cơ quan quản lý, hiện nay mới có thị trường điện bán buôn, kỳ vọng tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Và cơ chế gì thì tính vào giá cũng hấp dẫn nhất, như giá FIT gần đây. Hết giá FIT rồi, cần có khung giá đủ hấp dẫn cho nhà đầu tư nhưng giá điện phải hợp lý.

Có thắc mắc, Việt Nam thu nhập thấp nên giá điện thấp nhưng thực ra 90% giá điện là nhập khẩu thiết bị, còn lại 10% là giá nhân công trong nước.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Sau đây, tôi rất muốn mời ý kiến của GS-TSKH. Nguyễn Mại, một người từ cách đây 30 năm đã tham gia phát triển các quy hoạch điện, qua thảo luận sáng nay, GS có thêm bình luận gì để làm thế nào Quy hoạch điện VIII có thể hài hòa được lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư?

"Cần có cơ chế đột phá cho năng lượng tái tạo"

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE): Sau khi có Quy hoạch điện VIII sẽ có vấn đề tiếp tục phải tháo gỡ, cần phải tính toán, không có lý gì một nước tiềm năng NLTT lớn như ta lại bị chậm trong phát triển.

Bộ Công Thương cần quan tâm 2 vấn đề dài hạn cần giải quyết: Đấy là thị trường hoá điện năng. Kế hoạch 5 năm 2015-2020 đã nói về cơ chế thị trường nhưng nay vẫn độc quyền EVN. Về dài hạn, các Bộ cần tham mưu về cơ chế chính sách. 

Nghị quyết 55 nói về chính sách đột phá cho NLTT nhưng cảm nhận chưa có cơ chế đột phá. Nhìn xung quanh như Indonesia hiện các nhà đầu tư NLTT được hưởng cơ chế cacbon, tức là làm giảm khí nhà kính thì được tài trợ vốn để phát triển dự án. Chúng ta chưa nghiên cứu tới những cơ chế như vậy.

Vì vậy, xây dựng điện NLTT nên xem xét tới các cơ chế nêu trên.

Về vướng mắc, chưa có thị trường thì phải giải quyết ngay các vấn đề nhà đầu tư đã nêu ra. Cắt giảm. chỉ Sử dụng 10, 20% công suất là lãng phí tiềm năng xã hội, trong khi chúng ta vẫn có nhu cầu rất lớn. Cần nghiên cứu trên góc độ xã hội.

Khi nói tới khoảng trống về chính sách, giá FIT dừng rồi mà cơ chế chuyển tiếp chưa có. Từ 2018-2020 Chính phủ đã yêu cầu xây dựng cơ chế đấu thầu, nhưng 4 năm vẫn không xây dựng được. Đến khi anh nói là bùng nổ rồi xảy ra cơ chế tắc nghẽn vậy.

Đề nghị Tổng công ty truyền tải điện kiến nghị để cho nhà đầu tư tư nhân đầu tư truyền tải điện, kể cả đường dây quốc gia, trừ vùng an ninh quốc phòng. Trước tiên có thể triển khai truyền tải tại từng địa phương, dựa vào đấy triển khai rộng rãi tại 5, 7 địa phương.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Qua tọa đàm hôm nay, chúng ta đã có thể thấy rõ hơn về những quy định tại dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất, nhận diện rõ hơn rào cản phát triển năng lượng tái tạo và một số đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ.

Chúng ta cũng được nghe ý kiến phản hồi từ đại diện Bộ Công thương, có thể nói anh Phạm Nguyên Hùng là một trong những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Bộ.

Qua tọa đàm, chúng ta được nghe giải đáp về câu chuyện truyền tải điện, cơ chế giá, quy hoạch, đầu tư và khảo sát đầu tư,… Rất đáng tiếc không còn thời gian để có thể nghe thêm ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, Cục Điều tiết điện lực để làm rõ hơn các vấn đề nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, qua phần đối thoại rất thẳng thắn giữa nhà đầu tư và đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, tuy còn ý kiến khác nhau nhưng đã giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn được rất nhiều vấn đề.

Một lần nữa, thay mặt ban tổ chức, xin cảm ơn đại diện Bộ Công thương, đại diện Bộ KHĐT, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước cùng toàn thể các nhà đầu tư đã tham dự tọa đàm ngày hôm nay.

Những khuyến nghị chính sách từ Tọa đàm sẽ được chúng tôi tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng như góp ý hoàn chỉnh dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Là một lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề phát triển năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng luôn được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét thông qua.

So với các bản trước, dự thảo Quy hoạch điện VIII vừa được trình Chính phủ vào ngày 11/11/2022 đã thể hiện xu hướng phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phù hợp hơn với cam kết của Việt Nam về cắt giảm phát thải khí nhà kính tại Hội nghị COP26. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có một lộ trình rõ ràng và khoa học, đồng thời tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo một cách hiệu quả, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của nước ta. Thực tiễn triển khai các dự án năng lượng tái tạo thời gian qua, nhà đầu tư gặp rất nhiều vướng mắc, khiến nhiều dự án bỏ hoang, không khai thác hết công suất, nguy cơ lãng phí nguồn lực đất nước. 

Tham dự tọa đàm “Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo" do Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công thương, Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội... và các chuyên gia năng lượng, tài chính, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Toạ đàm được tổ chức nhằm tạo ra không gian trao đổi, thảo luận, khuyến nghị chính sách và đề xuất giải pháp tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết 55 (ngày 11/2/2020) của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với đó là góp ý hoàn chỉnh dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Thông tin về cuộc tọa đàm sẽ được tường thuật trực tiếp trên Nhadautu.vn và các cơ quan thông tấn, báo chí. Những khuyến nghị chính sách từ tọa đàm này sẽ được Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ