Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: 'Tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội'

PV
19:44 05/10/2020

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, đồng thời cần tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và các năm tiếp theo.

TBT phat bieu 2

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 5/10, hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu khai mạc hội nghị, Nhadautu.vn trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

"Thưa các đồng chí Trung ương,

Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,

Theo Chương trình vừa được Trung ương thông qua, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII bắt đầu từ hôm nay sẽ bàn về: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; và một số vấn đề quan trọng khác.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, các đại biểu tham dự Hội nghị; và xin gửi tới các đồng chí lời chúc tốt đẹp nhất.

Sau đây, tôi xin phát biểu một số ý kiến có tính chất nêu vấn đề, gợi mở, mong được các đồng chí quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định.

_BAC3133

Toàn cảnh khai mạc hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

1. Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020-2021

Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng Chính phủ đã chuẩn bị để trình Trung ương các báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2020; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2021 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2021-2023.

Việc Trung ương xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, thu, chi ngân sách nhà nước lần này được đặt trong bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến động lớn, đột xuất, hết sức nhanh chóng, phức tạp, chưa thể dự báo hết được khi xây dựng kế hoạch phát triển năm.

Sự bùng phát, lây lan chưa rõ hồi kết của đại dịch COVID-19 đã và đang làm trầm trọng thêm xu hướng suy thoái, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã được cảnh báo từ trước, có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ sau đại khủng hoảng 1929-1933 đến nay; ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng của nước ta.

Trong khi đó, năm 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và năm 2021 là năm mở đầu Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chiến lược 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc đánh giá đúng thực trạng tình hình kinh tế-xã hội đất nước từ đầu năm đến nay và dự báo cả năm 2020 sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục cập nhật, đánh giá khách quan, toàn diện và tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết Trung ương đã đề ra; làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tạo đà và góp phần quan trọng bước đầu cho việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.

Vì vậy, đề nghị Trung ương dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế-xã hội nước ta từ đầu năm đến nay và dự báo cả năm 2020; chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

Tập trung phân tích sâu, đánh giá đúng, tạo sự thống nhất cao trong nhận định về tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, sự suy thoái kinh tế toàn cầu và những biến động lớn của thị trường thế giới đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; sự cần thiết, tính đúng đắn của các chính sách, biện pháp mà chúng ta đã áp dụng để phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả do đại dịch và hạn hán, thiên tai gây ra nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, hạn chế tối đa sự suy giảm và từng bước phục hồi đà tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tính bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình, thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chú ý phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm thành công cũng như chưa thành công trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới. Ví dụ như, về thành công, phải chăng đó là do có sự lãnh đạo nhạy bén, kịp thời của các cấp ủy đảng; sự chỉ đạo, điều hành đúng đắn, quyết liệt của Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương; sự phối hợp, ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; đặc biệt là sự vào cuộc đồng bộ với quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu, tham gia, ủng hộ tích cực với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tương thân tương ái rất cao của toàn dân, toàn quân ta.

Nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, dự báo có cơ sở khoa học về tình hình những tháng cuối năm 2020 và các năm 2021, 2022, đặc biệt là xu hướng biến động của dịch bệnh và diễn biến tình hình thế giới và trong nước trên tất cả các lĩnh vực.

Trên cơ sở đó, đánh giá đúng kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu năm 2020 để có các phương án bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế sát hợp với thực tế; thống nhất nhận định, đánh giá về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, thấy hết những kết quả, thành tích mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được và những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua.

Đồng thời, đề ra mục tiêu tổng quát, một số mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu và những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cần tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và các năm tiếp theo. Dự báo hết các tình huống để chuẩn bị các phương án đối phó phù hợp, kể cả trong tình huống xấu nhất.

2. Về tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

4_MYA_8319-1601872559072

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Sau Hội nghị Trung ương 11 (tháng 10/2019), Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Tiểu ban khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Trung ương, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng gửi đại hội đảng bộ cấp cơ sở (Bản tóm tắt) vào tháng 2/2020 và gửi đại hội cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương (Bản toàn văn) vào tháng 4/2020 để đóng góp ý kiến theo đúng kế hoạch đề ra.

Theo như các kỳ đại hội trước, dự thảo các văn kiện đã in gửi tháng Tư vừa qua có thể được sử dụng để công bố, gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân vào khoảng giữa tháng 10 tới. Sau đó, các Tiểu ban mới tổng hợp và tiếp thu ý kiến của đại hội đảng bộ các cấp và các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện, trình Bộ Chính trị và Trung ương xem xét hoàn chỉnh các văn kiện và hoàn tất việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Tuy nhiên, như đã nêu trên, bước sang năm 2020, đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu đã bất ngờ xảy ra, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tác động lớn đến kinh tế - xã hội nước ta, đòi hỏi phải cập nhật, phân tích, đánh giá lại tình hình, điều chỉnh bổ sung một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sao cho phù hợp hơn với thực tế.

Vì vậy, thời gian qua Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Tiểu ban khẩn trương nghiên cứu cập nhật tình hình mới và tiếp thu các ý kiến, đóng góp xác đáng, bước đầu thu nhận được từ đại hội đảng bộ cấp cơ sở và trên cơ sở, một số tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên để tiếp tục hoàn thiện thêm một bước dự thảo các văn kiện trình Hội nghị Trung ương lần này xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

Đề nghị các đồng chí dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp ý cụ thể vào các dự thảo mới và Tờ trình, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; chú ý đến những nội dung bổ sung, sửa đổi so với bản dự thảo đã gửi, đặc biệt là các vấn đề nêu trong các tờ trình; bảo đảm sự phù hợp, nhất quán về nội dung, trước hết là những nội dung mới được bổ sung, điều chỉnh lần này giữa các văn kiện theo đúng nguyên tắc: Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm; các báo cáo khác là báo cáo chuyên đề, chuyên sâu, phải đồng bộ, thống nhất.

Đối với dự thảo Báo cáo chính trị, cần chú ý các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện như: Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII; dự báo tình hình, nhất là tình hình các năm đầu của nhiệm kỳ khoá XIII; quan điểm chỉ đạo; mục tiêu phát triển; các đột phá chiến lược; định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển các lĩnh vực...

Liên quan đến Báo cáo kinh tế - xã hội (bao gồm Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025), cần tập trung phân tích, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, dự báo đến hết năm 2020 và các năm 2021-2022; cập nhật điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu và các chính sách, biện pháp chủ yếu, bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đối với Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, cần chú ý xem xét các kiến nghị, đề xuất xác đáng của đại hội đảng bộ các cấp, các tổ chức, cá nhân đã được tổng hợp để rà soát, bổ sung, điều chỉnh sao cho phù hợp, nhất là những nội dung mới được bổ sung, điều chỉnh trong dự thảo Báo cáo chính trị.

Từ đó, đề nghị Trung ương xem xét thông qua nội dung dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội và Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIII của Đảng để gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội khóa XIV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân, dự kiến vào trung tuần tháng 10 này.

3. Về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII

5__DSC6248-1601877531300

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tại phiên khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Như các đồng chí đã biết từ cuối tháng 12/2018 đến tháng 9/2020, để chuẩn bị nguồn nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, sau khi Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến, trên cơ sở đề xuất của Tiểu ban Nhân sự, Bộ Chính trị đã 4 lần phê duyệt nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với tổng số 227 đồng chí.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo mở 5 lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho các đồng chí được quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Tháng 7/2020, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã gửi thư đến các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XII, đề nghị từng đồng chí đề xuất ý kiến về cá nhân mình và giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện để thay thế mình.

Trên cơ sở đề xuất của Tiểu ban Nhân sự, Bộ Chính trị đã họp thông qua cơ cấu và nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII. Căn cứ quyết định của Bộ Chính trị, Tiểu ban Nhân sự đã thông báo cho các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức việc giới thiệu nhân sự.

Tính đến ngày 20/8/2020, đã có 116/116 địa phương, cơ quan, đơn vị giới thiệu 119 đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XII (cả chính thức và dự khuyết) tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; 107 đồng chí lần đầu tham gia Ủy viên chính thức và 44 đồng chí tham gia Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Nhìn chung, việc tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương đã được các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc, cơ bản bảo đảm tiến độ, đúng quy trình, hướng dẫn của Tiểu ban Nhân sự.

Tiểu ban Nhân sự đã chỉ đạo 10 cơ quan chức năng và địa phương liên quan (Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM) tiến hành thẩm định, kiểm tra, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện đối với các nhân sự đã được giới thiệu (bao gồm nhân sự tái cử và nhân sự tham gia lần đầu).

Trên cơ sở Phương hướng và Quy trình công tác nhân sự đã được Trung ương thông qua, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, xem xét một cách khách quan, công tâm, toàn diện, thảo luận kỹ lưỡng dự kiến danh sách giới thiệu ứng cử Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII (bao gồm danh sách tái cử và danh sách tham gia lần đầu).

Bộ Chính trị trình Trung ương kết quả giới thiệu nhân sự của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và ý kiến của Bộ Chính trị về các nhân sự được giới thiệu. Đồng thời, tại Hội nghị này, Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương về nhân sự tham gia Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII (bao gồm danh sách tái cử và danh sách tham gia lần đầu).

Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải bám sát Phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIII, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương trên các địa bàn, lĩnh vực công tác có cơ cấu Ủy viên Trung ương khóa XIII; đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trung ương và địa phương, nhất là ở những lĩnh vực trọng yếu, địa bàn phức tạp, trọng điểm; đồng thời, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng trước mắt cũng như lâu dài.

Khi xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng; phẩm chất, năng lực, uy tín của cán bộ là chính nhưng cũng cần quan tâm, chú ý đến cơ cấu hợp lý, cân đối giữa các địa bàn, lĩnh vực công tác và các khối; giữa Trung ương và địa phương; cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và yếu tố vùng miền hợp lý...

Tuy nhiên, không vì cơ cấu, số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn. Bảo đảm dân chủ, công bằng, công tâm, khách quan, minh bạch; kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện công tác nhân sự, gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Chúng ta đều đã biết công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương là công việc vô cùng hệ trọng. Vì vậy, đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát Phương hướng và Quy trình công tác nhân sự, nghiên cứu kỹ danh sách giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII để thảo luận, cân nhắc, lựa chọn kỹ trước khi ghi phiếu biểu quyết.

Căn cứ vào kết quả Hội nghị Trung ương lần này cũng như ý kiến góp ý của Trung ương, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo việc tiếp tục chuẩn bị, xem xét, bổ sung hoàn thiện các phương án về nhân sự, bảo đảm đủ về số lượng, đúng về tiêu chuẩn, chất lượng và hoàn chỉnh các hồ sơ để báo cáo Trung ương xem xét, quyết định thông qua trước khi trình Đại hội XIII của Đảng.

Thưa các đồng chí,

Hội nghị của chúng ta diễn ra trong bối cảnh nhiệm kỳ Đại hội khóa XII sắp kết thúc, các tổ chức đảng đã hoàn thành đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở, đã và đang tiến hành đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; cả nước đang phát huy những kết quả quan trọng đã đạt được, vừa tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiểm soát đại dịch vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020.

Nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này bao gồm những vấn đề rất cơ bản và hệ trọng. Đề nghị các đồng chí Trung ương dành thời gian tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn".

  • Cùng chuyên mục
Nhiều tiện ích mới khi kết hợp VNeID và iHanoi

Nhiều tiện ích mới khi kết hợp VNeID và iHanoi

Một điểm nhấn rất mới, có thể coi là đột phá là việc tích hợp VNeID lên iHanoi, đó là có thể sử dụng tài khoản VNeID đăng nhập trên ứng dụng iHanoi.

Sự kiện - 21/11/2024 23:28

Đại biểu Hà Nội: Thí điểm nghị quyết, liệu có tạo ra một mặt bằng giá đất mới

Đại biểu Hà Nội: Thí điểm nghị quyết, liệu có tạo ra một mặt bằng giá đất mới

Đại biểu đoàn TP. Hà Nội bày tỏ băn khoăn khi thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Sự kiện - 21/11/2024 23:25

'Một công chức nhịn ăn vài trăm năm mới mua được nhà'

'Một công chức nhịn ăn vài trăm năm mới mua được nhà'

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho biết, cử tri rất quan tâm đến tình trạng giá bất động sản phi mã, người nghèo, người lao động, người thu nhập thấp, cán bộ, công chức khó có thể mua được. Người ta tính rằng, một công chức nếu không ăn gì, vài trăm năm mới mua được nhà.

Sự kiện - 21/11/2024 17:22

Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ

Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ

Bộ Chính trị quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ; chưa xem xét xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Sự kiện - 21/11/2024 17:06

BHXH Việt Nam tổ chức nhiều hội nghị đối thoại và tôn vinh doanh nghiệp FDI

BHXH Việt Nam tổ chức nhiều hội nghị đối thoại và tôn vinh doanh nghiệp FDI

Theo Tổng Giám BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại và tôn vinh doanh nghiệp FDI nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền và kiến nghị cơ chế, chính sách tạo sự đồng thuận và gắn kết của các doanh nghiệp FDI với cơ quan BHXH trong việc thực hiện các chính sách BHXH, BHTN, BHYT của Việt Nam.

Sự kiện - 21/11/2024 16:21

Hà Nội duyệt chi hơn 48.600 tỷ phát triển xe buýt điện, năng lượng xanh

Hà Nội duyệt chi hơn 48.600 tỷ phát triển xe buýt điện, năng lượng xanh

UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt kinh phí thực hiện "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố" là hơn 48.600 tỷ đồng.

Sự kiện - 21/11/2024 12:09

VAFIE tổ chức Hội thảo Góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 06

VAFIE tổ chức Hội thảo Góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 06

Ngày 28/11, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)/ Tạp chí Nhà đầu tư sẽ tổ chức Hội thảo "Góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 06 /2017/NĐ-CP Về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế".

Sự kiện - 21/11/2024 10:59

Đại biểu Hà Nội: Đường sắt tốc độ cao phải vận tải cả hành khách và hàng hóa

Đại biểu Hà Nội: Đường sắt tốc độ cao phải vận tải cả hành khách và hàng hóa

Theo đại biểu đoàn TP. Hà Nội, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải đảm nhận chức năng vận tải lưỡng dụng cả hành khách và hàng hóa, không phải chỉ vận tải hàng hóa trong trường hợp cần thiết.

Sự kiện - 21/11/2024 10:42

Bộ trưởng GTVT giải trình nội dung liên quan đến sân bay Long Thành

Bộ trưởng GTVT giải trình nội dung liên quan đến sân bay Long Thành

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã nêu rõ về tính khả thi của nguồn vốn, giao thông kết nối giữa TP.HCM và cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Sự kiện - 20/11/2024 22:56

'Làm đường sắt tốc độ cao phải làm chủ công nghệ'

'Làm đường sắt tốc độ cao phải làm chủ công nghệ'

Nhìn từ bài học 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM chậm tiến độ nhiều năm, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, để làm đường sắt tốc độ cao, chúng ta cần làm chủ, tránh phục thuộc vào công nghệ từ thời điểm đầu tư cho đến khi vận hành, khai thác.

Sự kiện - 20/11/2024 20:07

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu hoàn thành Công viên hồ Phùng Khoang trước Tết

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu hoàn thành Công viên hồ Phùng Khoang trước Tết

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu, đến Tết Nguyên đán 2025, dự án Công viên hồ Phùng Khoang phải hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Sự kiện - 20/11/2024 17:49

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh làm Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống lãng phí

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh làm Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống lãng phí

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh làm Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống lãng phí của UBND TP. Hà Nội. Ban ban chỉ đạo có nhiệm vụ ban hành, thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của TP. Hà Nội năm 2025 và các năm tiếp theo theo từng ngành, lĩnh vực của thành phố.

Sự kiện - 20/11/2024 11:11

[Gặp gỡ thứ Tư] Chính sách đãi ngộ là giải pháp đột phá thu hút người giỏi vào ngành giáo dục

[Gặp gỡ thứ Tư] Chính sách đãi ngộ là giải pháp đột phá thu hút người giỏi vào ngành giáo dục

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng những chính sách đãi ngộ là giải pháp đột phá để thu hút người giỏi vào ngành giáo dục, gắn bó lâu dài với sự nghiệp trồng người, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục bền vững​.

Sự kiện - 20/11/2024 10:12

Hà Nội công nhận 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024

Hà Nội công nhận 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành quyết định về việc công nhận 8 xã thuộc các huyện: Sóc Sơn, Hoài Đức, Ba Vì, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đợt 1) năm 2024.

Sự kiện - 20/11/2024 09:32

Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2024: Đưa 'trợ lý ảo' vào khu vực công

Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2024: Đưa "trợ lý ảo" vào khu vực công

Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam International Digital Week – VIDW 2024) do Bộ thông tin và Truyền thông Việt Nam tổ chức được xoay quanh chủ đề chính về “Trợ lý ảo" và phát triển AI

Sự kiện - 20/11/2024 07:00

Thủ tướng đề nghị G20 chuyển giao công nghệ, không chính trị hóa đổi mới sáng tạo

Thủ tướng đề nghị G20 chuyển giao công nghệ, không chính trị hóa đổi mới sáng tạo

Phát biểu tại Hội nghị G20, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mỗi hành động của chúng ta hôm nay đều sẽ quyết định vận mệnh của các thế hệ tương lai.

Sự kiện - 20/11/2024 06:40