'Thừa tiền', ngành ngân hàng đang làm gì để giải bài toán dịch bệnh COVID-19?

Nhàđầutư
Trước tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp kỷ lục, ngành ngân hàng đã đưa ra hàng loạt các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Chuỗi tăng trưởng lợi nhuận cao có thể đứt gãy nhưng các nhà băng đang là cánh chim đầu đàn tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
ĐÌNH VŨ
02, Tháng 04, 2020 | 09:23

Nhàđầutư
Trước tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp kỷ lục, ngành ngân hàng đã đưa ra hàng loạt các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Chuỗi tăng trưởng lợi nhuận cao có thể đứt gãy nhưng các nhà băng đang là cánh chim đầu đàn tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Ngân hàng đang "thừa tiền"?

Theo thống kê tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2020 của Tổng cục Thống kê, hàng loạt các chỉ số đáng lo ngại của nền kinh tế đã được đưa ra. Trong đó, đáng chú ý là tăng trưởng GDP thấp kỷ lục 10 năm chỉ đạt 3,82%; 18,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế tăng trưởng thấp, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng cao ảnh hưởng lớn tới hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng. Cụ thể, tính đến ngày 20/3, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 0,68% so với cuối năm 2019. Như vậy, trong khoảng 80 ngày đầu năm, toàn hệ thống mới giải ngân thêm khoảng 55.700 tỷ đồng tín dụng ra nền kinh tế. Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây của ngành ngân hàng.

Trong khi tăng trưởng tín dụng thấp, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 1,55%, tương đương khoảng 163.900 tỷ đồng. Như vậy, hệ thống ngân hàng đã được bổ sung thêm khoảng 108.000 tỷ đồng thanh khoản trong chưa đầy 3 tháng đầu năm (chênh lệch giữa mức tăng trưởng M2 và tăng trưởng tín dụng ra nền kinh tế).

Trong 3 tháng đầu năm, NHNN cũng liên tục hút ròng hơn 147.000 tỷ đồng ra khỏi thị trường qua kênh tín phiếu.

Những tín hiệu trên cho thấy ngành ngân hàng đang thừa tiền do tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm quá thấp, doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn. Đây là một tín hiệu đáng lo ngại với cả nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Nó không chỉ ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận cuối năm mà còn là công ăn việc làm của hàng trăm nghìn lao động đang làm việc cho hệ thống ngân hàng.

Trước tình trạng trên, NHNN tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt, khẩn cấp để ứng phó với tác động của dịch bệnh.

Dấu ấn chỉ đạo của Thống đốc

Sau Công điện số 02/CĐ-NHNN về tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, ngày 31/3, Thống đốc NHNN tiếp tục ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 với những yêu cầu lớn đáng chú ý. 

Đó là, yêu cầu NHNN các tỉnh tổ chức kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất việc triển khai thực hiện của các TCTD; giám sát việc thực hiện Thông tư 01, các quy định về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử và các văn bản pháp luật liên quan khác, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, cơ chế chính sách để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tháo gỡ vướng mắc phát sinh cho TCTD và khách hàng trong quá trình triển khai thực tế.

Yêu cầu thường xuyên đôn đốc việc triển khai của các TCTD trên địa bàn, tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn do dịch của TCTD và chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN về kết quả thực hiện.

Có biện pháp xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp không chấp hành chủ trương, chậm xử lý, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN. Đồng thời giám sát, theo dõi xử lý những trường hợp lợi dụng chính sách để làm sai lệch chủ trương hỗ trợ khắc phục dịch.

thong-doc

Chỉ trong vòng ngày 31/3, NHNN đã cùng lúc ban hành 1 chỉ thị, 1 công văn chỉ đạo liên quan tới đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Đối với các TCTD, Thống đốc yêu cầu tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Các TCTD cần chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

Tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các TCTD để đảm bảo có sự đồng thuận cao trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đặc biệt là giải pháp giữ nguyên nhóm nợ khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi...

Chỉ thị 02 chính thức có hiệu lực từ ngày 31/3/2020.

Cùng ngày 31/3, NHNN đã ban hành Công văn số 2342/NHNN-TT về Áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán. Nội dung của công văn nêu rõ, NHNN đã ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2020).

Vì vậy, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khẩn trương, tập trung thực hiện điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển tiền qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng số tiền giảm phí mà NHNN đã điều chỉnh giảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thời gian thực hiện từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020.

Việc áp dụng miễn/giảm phí phải được thông tin công khai, rộng rãi tới khách hàng về phạm vi, hình thức, thời gian áp dụng. Báo cáo Thống đốc về các loại phí giảm, mức phí giảm và thời gian áp dụng giảm phí (thông qua Vụ Thanh toán) trước ngày 15/4/2020 để tổng hợp và theo dõi.

Đặc biệt, Phó Thống đốc Đào Minh Tú, khuyến khích các ngân hàng giảm mạnh, giảm sâu hơn nữa đối với những đối tượng, loại hình doanh nghiệp khó khăn, cần sự chia sẻ để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất. Các NHTM phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra với mức giảm khoảng 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước dịch.

Chỉ trong ngày 31/3, NHNN đã cùng lúc ban hành một chỉ thị, một công văn đều mang tính khẩn cấp nhằm tháo gỡ những khó khăn do dịch bệnh cho doanh nghiệp. Những biện pháp này được đánh giá là rất quan trọng và cần thiết với rất nhiều doanh nghiệp doanh nghiệp khi ở thời điểm hiện tại dòng tiền đang tạm thời bị "đóng băng" do hoạt động sản xuất bị ngưng trệ.

Thời điểm này đang có rất nhiều thách thức đón đợi ngành ngân hàng ở phía trước, từ những việc phải làm ngay ở thời điểm hiện tại như cơ cấu lại nợ cho khách hàng, miễn giảm các chi phí hay cắt giảm lương, thưởng trong năm 2020. Các ngân hàng thương mại cũng đã tiên lượng trước rằng nợ xấu sẽ là một vấn đề lớn họ buộc phải đối mặt trong năm nay và năm tiếp tới khi số doanh nghiệp phá sản, tạm dừng hoạt động đang gia tăng.

Tuy nhiên, trước khó khăn mới cho thấy bản lĩnh của ngành vốn được coi là điểm kết nối, mạch máu cho hoạt động của cả nền kinh tế. Dường như ngành Ngân hàng đã và đang gồng mình, chạy đua với dịch bệnh, cố gắng hết sức mình để "đẩy tiền" vào hoạt động kinh tế, sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp khi đại dịch kết thúc. Chuỗi tăng trưởng lợi nhuận cao có thể đứt gãy trong năm nay, nhưng ngành ngân hàng ở thời điểm hiện tại xứng đáng là cánh chim đầu đàn trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh thời điểm hiện tại.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ