Thủ tướng: Chính phủ điện tử giúp giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp

Nhàđầutư
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc triển khai Chính phủ điện tử đã rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Ông yêu cầu không để tình trạng ứng dụng công nghệ thông tin mà bộ máy lại phình ra.
ĐỨC TUÂN - BẢO LÂM
12, Tháng 02, 2020 | 14:34

Nhàđầutư
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc triển khai Chính phủ điện tử đã rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Ông yêu cầu không để tình trạng ứng dụng công nghệ thông tin mà bộ máy lại phình ra.

Sáng 12/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) với Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.

Không để bộ máy phình ra

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng xây dựng CPĐT là một việc lớn mà việc lớn thì phải thường xuyên sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đôn đốc, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm và phải huy động cả hệ thống vào cuộc thì mới thành công.

Ông Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả ban đầu đáng khích lệ trong xây dựng CPĐT. Xếp hạng mới nhất của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Việt Nam đứng thứ 96/180, tăng 21 bậc so với năm ngoái (đứng vị trí 117).

"Để đạt kết quả này, ngoài việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, CPĐT đóng góp rất quan trọng bởi nếu tiếp tục làm thủ công, tiếp xúc trực tiếp giữa người làm thủ tục và giải quyết thủ tục thì có thể xảy ra tham nhũng vặt", Thủ tướng nhận định.

nguyen-xuan-phuc1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh việc triển khai CPĐT đã rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã tăng gấp đôi (đạt 10,7%). 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia.

"Lần đầu tiên liên thông thủ tục cấp giấy khai sinh ở cấp xã và thẻ bảo hiểm y tế cấp huyện. Việc tuyên bố các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam làm chủ hệ sinh thái an toàn, an ninh mạng là bước tiến rất quan trọng trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho CPĐT", ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng cho rằng hiện nay, Việt Nam mới đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ về xây dựng CPĐT, đứng thứ 6/11 nước ASEAN. Theo ông, các ý kiến phát biểu tại hội nghị, có thể thấy một số nguyên nhân như: Cơ sở dữ liệu cá nhân chưa được bảo vệ, là khâu yếu, thấp điểm; một số khâu khác còn làm chậm, chưa đồng bộ, quyết tâm; mhiều nơi còn tình trạng "án binh bất động".

Giao nhiệm vụ cho thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, tập trung mọi nguồn lực chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 17, nhất là mục tiêu 30% tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, hiện nay mới đạt 10,7%.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đưa ra 3 mục tiêu cần phấn đấu: 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; 100% nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh phải được kết nối vào nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia; 100% bộ, ngành, tỉnh, thành có Trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng.

Về bảo đảm nguồn tài chính cho CPĐT, Thủ tướng giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất việc chuyển một phần Quỹ viễn thông công ích cho các dự án nền tảng dùng chung của CPĐT, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quý I/2020.

Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh việc xây dựng CPĐT phải đi liền với đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. "CPĐT phải đi liền với cải cách hành chính, phải giúp giảm biên chế, tiết kiệm chi phí, không để tình trạng chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin mà bộ máy lại phình ra, thủ tục phức tạp hơn", Thủ tướng kết luận.

Cải thiện môi trường kinh doanh

Báo cáo trước hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn kết với xây dựng CPĐT do Văn phòng Chính phủ chủ trì đã có những kết quả tích cực trên tất cả các mặt, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước.

toan-canh1

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đã đi vào nề nếp, cả nước đến nay đã có 55/63 địa phương tổ chức trung tâm phục vụ hành chính công; tỉ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ đạt 95,8%.

Các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đã được rà soát, cắt giảm 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh của hầu hết các bộ, ngành; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa vào khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Tổ công tác, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đã có những đóng góp thiết thực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc tổ chức họp, hội nghị đối thoại để cùng các bộ, ngành tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam.

Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành 6 cuộc kiểm tra việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành; 4 cuộc kiểm tra 22 bộ, cơ quan, 17 địa phương về thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và việc triển khai kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử.

Đối với các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, Văn phòng Chính phủ cùng với các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ thiết lập, triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia, Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ.

"Các hệ thống này đều được bình chọn là những sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu trong năm 2019 và trong thời gian ngắn đã đạt được những kết quả hết sức tích cực", ông Mai Tiến Dũng cho hay.

Theo đó, việc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nâng cao chất lượng phục vụ thông qua thiết lập và vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia. Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (9/12/2019) đến nay đã có trên 47.000 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có hơn 13,7 triệu lượt truy cập; hơn 945.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái. Đồng thời tiếp nhận, xử lý trên 4.000 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ trên 4.000 cuộc gọi qua Tổng đài hỗ trợ (18001096).

"Những con số này cho thấy sự quan tâm rất lớn cũng như sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng một cổng tập trung để thực hiện các giao dịch trực tuyến với Chính phủ", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.

Đến nay, 100% bộ, ngành, địa phương cũng đã cam kết đồng hành cùng VPCP trong quá trình triển khai, vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến thời điểm này, đã có 9/22 bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ