Thu hút đầu tư, phát triển nghề nuôi biển bền vững

Nhàđầutư
Được coi là "vựa thủy sản" của thế giới, tuy nhiên, nghề nuôi biển ở Việt Nam vẫn mang tính tự phát, hạ tầng chưa được đầu tư, chưa phát huy được lợi thế tự nhiên. Các chuyên gia cho rằng cần gỡ điểm nghẽn cơ chế để thu hút đầu tư, phát triển nghề nuôi biển bền vững, hiện đại.
NGUYỄN TRI
15, Tháng 02, 2023 | 08:01

Nhàđầutư
Được coi là "vựa thủy sản" của thế giới, tuy nhiên, nghề nuôi biển ở Việt Nam vẫn mang tính tự phát, hạ tầng chưa được đầu tư, chưa phát huy được lợi thế tự nhiên. Các chuyên gia cho rằng cần gỡ điểm nghẽn cơ chế để thu hút đầu tư, phát triển nghề nuôi biển bền vững, hiện đại.

nuoi-tom-cong-nghe-cao-o-binh-dinh (2)

Theo Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, nước ta có tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi biển. Ảnh: L.T

Nghề nuôi biển còn manh mún, lạc hậu

Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, với tổng diện tích tiềm năng nuôi biển là 500 nghìn ha. Trong đó, vùng bãi triều hơn 153 nghìn ha; vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là gần 80 nghìn ha và nuôi vùng biển xa bờ 100 nghìn ha. Đối tượng nuôi biển phong phú với nhóm cá biển, nhuyễn thể, rong tảo biển…

Năm 2022, diện tích nuôi biển đạt 85 nghìn ha, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 23,3%/năm (chưa tính 202 nghìn ha nuôi xen ghép các đối tượng khác), với 8,9 triệu m3 lồng.

Theo ông Trần Công Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng Cục thủy sản, Bộ NN&PTNT), tổng số cơ sở nuôi biển thống kê chưa đầy đủ tính đến hết năm 2022 khoảng 7.447 cơ sở với 248.768 lồng/bè.

Trong đó, có 6.506 cơ sở/244.402 lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên biển từ bờ ra đến 3 hải lý; 914 cơ sở/4.299 lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên biển từ 3 - 6 hải lý; 27 cơ sở nuôi cá biển/137 lồng, bè nuôi trên biển xa trên 6 hải lý.

Tuy nhiên, ông Khôi nhìn nhận, cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển còn hạn chế, việc quản lý và sử dụng các công trình nuôi biển hiệu quả chưa cao, hoạt động chưa đạt được công suất thiết kế.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam cho hay, nước ta có tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi biển. Cả nước có khoảng 50.000 cơ sở nuôi biển, tuy nhiên, 99,9% là quy mô gia đình, do hộ ngư dân là chủ thể; hoạt động nuôi biển ở dạng tự phát, manh mún, công nghệ lạc hậu và không bền vững và thiếu chuỗi liên kết.

Hiện, trong nước chưa có cơ sở nuôi biển xa bờ, dưới 10 doanh nghiệp nuôi biển theo phương thức nuôi công nghiệp. Theo ông Dũng, định hướng phát triển nuôi biển Việt Nam là phải di chuyển từ vùng biển kín, ven bờ ra các vùng biển mở, xa bờ.

nuoi-tom-cong-nghe-cao-o-binh-dinh (3)

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định chia sẻ với các đại biểu về mô hình nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Ảnh: L.T

Đồng thời, cần phát triển các hệ nuôi kín ở trên bờ với công nghệ tuần hoàn hoặc ở vùng gần bờ với hệ thống thu gom chất thải nuôi; áp dụng các vật liệu mới, bền vững, thân thiện với môi trường; tích hợp nuôi biển với các ngành kinh tế biển khác như du lịch, dầu khí, nhựa, điện gió, vận tải biển…

Thu hút đầu tư, phát triển nghề nuôi biển bền vững

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Thành viên hội đồng Tư Vấn KH&CN - Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho hay, nuôi biển là cứu cánh để tăng sản lượng thủy sản trong bối cảnh trữ lượng khai thác thủy sản đang sụt giảm.

Thực tế hiện nay, nuôi biển chủ yếu theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ, các cơ sở nuôi hầu hết làm từ vật liệu gỗ truyền thống, không chịu được sóng gió lớn.

Người nuôi trồng thủy sản đa số sử dụng thức ăn tươi, mật độ nuôi tại các vùng nuôi chưa đảm bảo dẫn đến môi trường nuôi bị ô nhiễm. Hậu quả là gây ra thiệt hại về kinh tế do bão, tôm cá chết do thiếu oxy và độc tố, suy thoái hệ sinh thái và phản cảm về canh quan.

"Giải pháp là phải thay đổi vật liệu lồng bè; tăng tỷ lệ thức ăn nhân tạo, nhất là với tôm hùm; quy hoạch giảm mật độ nuôi; quản lý và xử lý chất thải rắn, nhất là nhựa", ông Tuấn chia sẻ.

Cũng theo ông Tuấn, việc phát triển, chuyển giao công nghệ liên quan nuôi biển là lĩnh vực chưa được đầu tư bài bản, ngư dân chủ yếu "học lỏm" và dựa trên kinh nghiệm cá nhân, việc chuyển giao công nghệ hạn chế.

nuoi-tom-cong-nghe-cao-o-binh-dinh (1)

Khu phức hợp nuôi và sản xuất tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ (tỉnh Bình Định). Ảnh: L.T

Còn theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam hoạt động nuôi biển đang gặp nhiều điểm nghẽn do thiếu quy hoạch, vướng mắc thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân; thiếu tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam về nuôi biển; chưa có thủ tục đăng kiểm cơ sở và phương tiện nuôi biển; chưa có chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển…

Về phía Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, ông Dũng kiến nghị sớm xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn về nuôi biển, ban hành Quy hoạch phát triển nuôi biển bền vững (của quốc gia và từng tỉnh), ngoài ra còn phải ban hành cơ chế phối hợp quản lý liên ngành kinh tế biển, xây dựng các mô hình nuôi biển công nghiệp tại mỗi địa phương.

Để khai thác tiềm năng nghề nuôi biển hướng đến phát triển hiện đại, bền vững, ông Trần Công Khôi cho biết, Vụ Nuôi trồng thủy sản tiếp tục tham mưu Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) trình Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển.

Cùng với đó sẽ tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất; hình thành các kênh cung cấp thông tin thị trường, thông tin về thiên tai, biến đổi khí hậu; áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại tạo ra các sản phẩm chất lượng, gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, xây dựng các nhóm giải pháp về thức ăn phục vụ nuôi biển; công nghệ nuôi, bảo quản sau thu hoạch, chế biến, công nghệ sinh học và khuyến ngư; xây dựng và vận hành hệ thống quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển công nghiệp phụ trợ và dịch vụ…

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo "Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp".

Theo thống kê, ngành thủy sản đã góp phần tạo thêm thương hiệu quốc gia cho Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đạt con số kỷ lục 11 tỷ USD, nằm trong nhóm 3 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Có thể nói, Việt Nam đã trở thành một trong những "vựa thủy sản" lớn của thị trường toàn cầu. 

"Trước đây, thật khó hình dung con tôm có thể mang về cho nước ta hơn 4 tỷ USD, cá tra gần 2,5 tỷ USD… Hai mặt hàng chủ lực này đạt được trong năm 2022 chủ yếu từ nguồn nuôi trồng, chứ không phải từ khai thác. Điều này cho thấy, ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc", ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ nhấn mạnh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ