Thị trường lao động cuối năm: Cơ hội và thách thức đan xen

Bên cạnh những khó khăn thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và chính trị thế giới bất ổn, nhiều ý kiến nhận định, trong những tháng cuối năm, thị trường lao động của Việt Nam sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc.
CHUNG THỦY
30, Tháng 07, 2023 | 10:53

Bên cạnh những khó khăn thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và chính trị thế giới bất ổn, nhiều ý kiến nhận định, trong những tháng cuối năm, thị trường lao động của Việt Nam sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, số lao động nghỉ việc, giãn việc của doanh nghiệp trên cả nước trong quý 2/2023 khoảng 241.500 người, giảm 52.500 người so với quý trước.

Lao động bị mất việc trong thời gian này là 217.800 người, tập trung chủ yếu ở các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ, tập trung phần lớn ở các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM; Cùng với đó, tình trạng doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu lớn bị cắt giảm đơn hàng kéo dài từ quý 4/2022 đến nay, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm. Số lao động này có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức. Điều này cho thấy, thị trường lao động việc làm phục hồi nhưng chưa bền vững.

Một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động trong nước thời gian qua là do nền kinh tế thế giới suy thoái, lãi suất tăng cao khiến nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 sụt giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới đơn hàng của các doanh nghiệp. Hàng hóa tiêu thụ chậm, bắt buộc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải cắt giảm nhân công lao động hoặc giảm giờ làm của người lao động. Ngoài ra, lạm phát ở các nước đang đẩy giá thành nguyên vật liệu tăng cao; Xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành chế biến, chế tạo…

doanh_nghiep

Bên cạnh những khó khăn, thách thức, nhiều dự báo cho rằng, thị trường lao động Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc trong những tháng cuối năm (Ảnh minh họa)

Những dẫn chứng cho thấy, thị trường lao động, việc làm trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất; Đà phục hồi và khởi sắc của thị trường lao động cũng chậm lại; Dự báo về triển vọng nửa cuối năm không mấy lạc quan, người lao động sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập. Nền kinh tế đang đứng trước nhiều thử thách, thị trường lao động chắc chắn cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức.

GS. Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính phân tích, 6 tháng đầu năm, do nền kinh tế thế giới chuyển động chậm, giao thương hàng hóa quốc tế cũng chậm, dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng chậm lại. Điều này thể hiện ở hoạt động xuất khẩu giảm khoảng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

Khi thị trường sản xuất giảm việc làm, hàng hóa tiêu thụ chậm thì doanh nghiệp phải giãn bớt thợ, giảm công nhân, khi đó lực lượng lao động dôi dư nhiều hơn và tỷ lệ thất nghiệp hiển nhiên tăng lên. Bên cạnh đó, tiêu dùng trong nước cũng có xu hướng giảm, chỉ số tiêu dùng trong nước giảm, lượng hàng tiêu thụ giảm. Chỉ số tồn kho hàng hóa tăng lên 89%, do vậy, doanh nghiệp giảm việc làm thì lực lượng lao động mất việc cũng sẽ tăng lên.

Theo GS. Đinh Trọng Thịnh, đi kèm với những khó khăn, thách thức thì thị trường lao động trong thời gian tới vẫn hé lộ nhiều tín hiệu lạc quan.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm đã giải quyết được việc làm cho 904.000 người lao động, tăng trưởng khoảng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, chỉ số lao động thất nghiệp đã giảm đi, chỉ số giải quyết công ăn việc làm đang gia tăng. Đặc biệt, trong các tháng 5-6-7, số doanh nghiệp quay lại sản xuất cũng như số doanh nghiệp thành lập mới đã gia tăng mạnh mẽ, tháng sau cao hơn tháng trước, phản ánh một điều, sản xuất thực của nền kinh tế đang từng bước phục hồi và khởi sắc.

thinh11

GS. Đinh Trọng Thịnh – giảng viên cao cấp Học viện Tài chính

Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc cần làm nhất hiện nay là làm sao tháo gỡ được khó khăn cho đầu ra sản phẩm, tức phải tìm kiếm được thị trường xuất khẩu, nắn lại các nguồn nhập khẩu hàng hóa từ các nước truyền thống cho đến việc mở rộng xuất khẩu vào các nước đã có ký kết Hiệp định thương mại tự do để tận dụng lợi thế trong xuất khẩu. Đồng thời, với việc giảm thuế VAT 2% cho hàng hóa từ 10% xuống còn 8%; với việc giảm 36 loại phí, lệ phí cũng như miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, giãn hoãn tiền nộp thuế thì các doanh nghiệp cần cấu trúc lại, tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí, để từ đó sản xuất kinh doanh tốt hơn, hạ được giá thành sản xuất, có các chính sách kích cầu cũng như khuyến mại, hậu mãi cho sản phẩm hàng hóa của mình. Từ đó có thể đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ, giảm tồn kho cũng như tăng vòng quay của vốn thì hiệu quả sản xuất mới tăng và thu hút được nhiều người lao động.

Về phía người lao động, cần đề cao tính kỷ luật, kỷ cương cũng như tính hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, từ đó giúp các doanh nghiệp hạ được chi phí nhưng vẫn có thể đáp ứng được các yêu cầu để tăng trưởng sản xuất, có thể quay trở lại sản xuất kinh doanh tốt hơn; Người lao động cũng cần tích cực chủ động trong việc đào tạo nâng cao kiến thức, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả công việc, tích cực tham gia các lớp đào tạo để chuyển hướng tìm kiếm công việc ở những ngành nghề phù hợp, đặc biệt là những người đang bị giãn việc, hoãn việc. Điều này này rất quan trọng để có thể thích ứng được với thị trường lao động năng động hơn và có chất lượng cao hơn trong thời gian tới.

"Về phía các doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp cố gắng hỗ trợ người lao động trong việc nâng cao năng suất hiệu quả; các tổ chức công đoàn cùng vào cuộc, kết nối doanh nghiệp với người lao động, hoặc tham vấn giữa 2 bên cho phù hợp với lợi ích. Từ đó giữa người lao động, người sử dụng lao động có thể hợp tác với nhau trong việc giải quyết công ăn việc làm cũng như đảm bảo an sinh xã hội", ông Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Với cái nhìn lạc quan, GS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, tình hình lao động từ nay đến cuối năm sẽ tốt lên. Với số lượng doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên, hoạt động đẩy mạnh đầu tư công, đẩy mạnh xuất khẩu của các doanh nghiệp tăng thì kỳ vọng rằng, việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, thu hút người lao động vào sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn, điều này đồng nghĩa với thị trường lao động cũng sẽ ấm lên trong thời gian tới.

Có cùng ý kiến, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, 6 tháng qua, thành phố đã ghi nhận tình trạng có một số doanh nghiệp giảm đơn hàng phải cho lao động nghỉ việc, song nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng khá tốt.

Theo đánh giá chung thì xu hướng lao động việc làm ở thị trường Hà Nội vẫn chuyển biến tích cực. 6 tháng qua, đã giải quyết được 118.000 lao động việc làm, đạt được 70% kế hoạch thành phố giao. Thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn TP tập trung chủ yếu tuyển dụng nhân viên kinh doanh - bán hàng, công nhân lắp ráp linh kiện điện tử, công nhân may, nhân viên dịch vụ nhà hàng khách sạn, nhân viên du lịch lữ hành… Một số ngành được dự báo có nhu cầu tuyển dụng tăng cao như: Vận tải, kho bãi; dịch vụ du lịch và lữ hành; Bán buôn và bán lẻ…

"Trên địa bàn TP tập trung chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài các cơ chế của TP, hầu như các doanh nghiệp đều linh hoạt, thay đổi phù hợp với tình hình hiện tại. Hoạt động tuyển dụng việc làm có dấu hiệu khởi sắc hơn. Hy vọng từ nay đến cuối năm thị trường lao động sẽ khởi sắc hơn và có nhiều chuyển biến tích cực hơn", ông Vũ Quang Thành cho hay.

(Theo VOV)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ