Thí điểm chính quyền đô thị, Hà Nội kiểm soát quyền lực thế nào?

Với nhiều cách làm mới, HĐND TP. Hà Nội cho biết đã thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực nhà nước đối với bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt trong điều kiện thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
NGỌC THÀNH
25, Tháng 03, 2024 | 08:57

Với nhiều cách làm mới, HĐND TP. Hà Nội cho biết đã thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực nhà nước đối với bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt trong điều kiện thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Thường trực HĐND TP. Hà Nội khẳng định điều này trong tham luận gửi đến Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, hôm nay 25/3.

Đổi mới giám sát để giám sát quyền lực

Kiểm soát quyền lực nhà nước là một yêu cầu cần thiết trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và chính quyền địa phương nói riêng ở Việt Nam hiện nay. Bằng việc thực hiện chức năng giám sát, HĐND thể hiện vai trò cơ bản trong cơ chế kiểm soát quyền lực thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương.

HDND Ha Noi-chat-van

Kỳ họp thứ 14 HĐND TP. Hà Nội.

Với Hà Nội, trong điều kiện thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, việc kiểm soát quyền lực trước hết thể hiện qua tham mưu, xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, qua đó thực hiện tốt vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng đoàn, Thường trực HĐND thành phố đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 15-ĐA/TU về "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội".

Các Tổ đại biểu HĐND thành phố và HĐND các quận, thị xã (không tổ chức HĐND phường) đã chủ động thực hiện những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, đồng thời tăng cường giám sát, mở rộng hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đối thoại trực tiếp để bảo đảm vai trò đại diện của nhân dân trong điều kiện thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội.

HĐND các huyện, HĐND các xã, thị trấn tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động kỳ họp, chất vấn, giải trình, giám sát; tăng cường việc tổng hợp, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát.

HĐND cũng thực hiện vai trò kiểm soát quyền lực nhà nước qua việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền.

HĐND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết làm cơ sở pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp triển khai thực hiện như: Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội; nghị quyết phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách thành phố; nghị quyết về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP. Hà Nội…

Đây là những căn cứ quan trọng để HĐND TP. Hà Nội thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực và giám sát triển khai thực hiện, tạo tính hệ thống, thống nhất trong công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp.

Ngoài ra, điều làm nên hiệu quả trong hoạt động giám sát của HĐND thành phố trong thời gian qua là xác định đúng vấn đề, đúng trọng tâm, nội dung, đối tượng cần giám sát; giám sát, tái giám sát đến cùng; tổ chức giám sát công khai, sát dân, sát cơ sở, có kết hợp giữa giám sát chung với giám sát thường xuyên, giữa giám sát qua văn bản với đi giám sát thực tế ở cơ sở, trong đó có giám sát cấp thực thi ở dưới cấp sở ngành, quận, huyện...

Đặc biệt, trong điều kiện đặc điểm Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 97 của Quốc hội, Hà Nội đẩy mạnh phối hợp giữa các ban của HĐND, giữa hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội với giám sát của Thường trực HĐND thành phố, phối hợp giữa Tổ đại biểu HĐND thành phố và Thường trực HĐND quận, thị xã đối với các lĩnh vực có cùng đối tượng giám sát; đẩy mạnh giám sát trực tiếp tới UBND xã, phường, thị trấn, các cơ quan đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành thành phố, kiểm tra, giám sát một số công trình, dự án cụ thể.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND thành phố đã tổ chức được 68 đợt giám sát, khảo sát chuyên đề; chất vấn 10 nội dung tại các kỳ họp của HĐND thành phố; Thường trực HĐND thành phố tổ chức 1 phiên chất vấn và 3 phiên giải trình.

Bên cạnh đó, HĐND thực hiện kiểm soát quyền lực thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri.

Cần xử lý cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, kiến nghị giám sát

Để HĐND thực hiện tốt hơn nữa việc kiểm soát quyền lực nhà nước đối với bộ máy chính quyền các cấp, Thường trực HĐND TP. Hà Nội cho rằng cần tiếp tục có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn và những điều kiện để đảm bảo HĐND hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

chat_van_hdnd_tp_ha_noi

Một phiên chất vấn do Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức

Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tới đây sẽ xem xét quyết định ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó nhiều nội dung quy định về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của HĐND, Thường trực HĐND. Thường trực HĐND TP. Hà Nội kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc tăng cường các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và đặc biệt là Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội.

Theo đó, ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì trong thời gian HĐND thành phố không họp, HĐND thành phố giao Thường trực HĐND thành phố thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến quyết định các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp, quyết định chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công và quyết định việc hỗ trợ cụ thể căn cứ vào dự toán ngân sách hằng năm… nhằm đảm bảo tính liên tục, thống nhất trong kiểm soát quyền lực nhà nước đối với bộ máy chính quyền các cấp.

Cơ quan này cũng đề nghị Quốc hội quan tâm và giao HĐND thành phố quyết định về số lượng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách, chức năng, nhiệm vụ của bộ phận chuyên trách các ban của HĐND Thành phố và các biện pháp để đổi mới hoạt động của HĐND thành phố đảm bảo thực chất, hiệu lực, hiệu quả.

Hà Nội cũng đề nghị bổ sung trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nội dung quy định về việc HĐND, Thường trực HĐND cấp trên giám sát HĐND, Thường trực HĐND cấp dưới trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật; bổ sung quy định cụ thể hơn về việc HĐND, Thường trực HĐND giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan. Đồng thời quy định về cơ chế xử lý các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật của các chủ thể thông qua hoạt động giám sát.

Để khẳng định rõ hơn vai trò và tăng cường hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước đối với bộ máy chính quyền các cấp, Thường trực HĐND TP. Hà Nội đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định, chế tài đối với các cá nhân, tổ chức cố tình không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc kéo dài thời gian thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của các Đoàn giám sát của HĐND trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và quy định liên quan đến hoạt động của HĐND.

(Theo VOV)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ