Techcombank hoàn thành trích lập trái phiếu VAMC, chuẩn bị tăng tốc tín dụng

Nhàđầutư
Trái với kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng đề ra từ đầu năm, tính đến cuối quý II, Techcombank không có tăng trưởng, thậm chí còn sụt giảm quy mô tín dụng, huy động và tổng tài sản. Tuy nhiên, ngân hàng này đã hoàn thành trích lập cho trái phiếu VAMC.
THUY THỦY
30, Tháng 08, 2017 | 13:34

Nhàđầutư
Trái với kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng đề ra từ đầu năm, tính đến cuối quý II, Techcombank không có tăng trưởng, thậm chí còn sụt giảm quy mô tín dụng, huy động và tổng tài sản. Tuy nhiên, ngân hàng này đã hoàn thành trích lập cho trái phiếu VAMC.

Techcombank 2

Techcombank hoàn thành trích lập trái phiếu VAMC, chuẩn bị tăng tốc tín dụng trong thời gian tới  

Theo báo cáo tài chính bán niên của Techcombank, dư nợ tín dụng của ngân hàng này giảm mạnh 9,4% trong 6 tháng đầu năm nay, trong đó cho vay khách hàng giảm 7,52% so với cuối năm 2016. Huy động tiền gửi giảm 0,8% và tổng tài sản giảm 1,3% so với đầu năm.

Về cơ cấu tín dụng, Techcombank tăng đầu tư trái phiếu, chủ yếu là trái phiếu Chính phủ (trái phiếu Chính phủ tăng 20,5% và tổng đầu tư vào trái phiếu tăng 8,3% so với đầu năm). Cho vay khách hàng giảm 7,5%, trong đó cho vay ngắn hạn và trung hạn giảm mạnh lần lượt 10% và 16% so với đầu năm, cho vay dài hạn tăng 6%.

Về cơ cấu huy động, vay liên ngân hàng có mức sụt giảm mạnh nhất 16,1% so với đầu năm, trong khi huy động tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá giảm nhẹ gần 1%. Tiền gửi có kỳ hạn tăng, tiền gửi không kỳ hạn giảm.

Có thể thấy, việc đẩy mạnh đầu tư vào tài sản an toàn như trái phiếu Chính phủ và trái phiếu của các tổ chức tín dụng khác phát hành song song với cho vay tiêu dùng và cho vay rủi ro cao của Techcombank là để điều tiết tổng tài sản có rủi ro nhằm đáp ứng yêu cầu về hệ số CAR. Điều tương tự cũng được thấy tại VPBank từ năm 2014 khi khoản đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác phát hành của ngân hàng này tăng gần 2,5 lần trong vòng 1 năm.

Tính đến ngày 12/8, Techcombank đã mua lại hơn 172,35 triệu cổ phiếu quỹ với giá mua bình quân 23.445 đồng/cổ phiếu. Sau đó, ngân hàng cũng công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ, theo đó tăng vốn theo 2 đợt: đợt 1 chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tổng số lượng là 70 triệu cổ phiếu và giá chào bán ban đầu là 30.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thực hiện trong tháng 9-10 năm 2017; đợt 2 dự kiến chào bán thêm 430 triệu cổ phiếu - chi tiết kế hoạch tăng vốn đợt 2 hiện chưa được công bố. Tuy nhiên, nếu kế hoạch tăng vốn được giữ nguyên so với Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2017, 430 triệu cổ phiếu của đợt 2 sẽ vẫn được chào bán cho cổ đông hiện hữu.

Như vậy, giao dịch cổ phiếu quỹ có tổng trị giá lên tới 4.041 tỷ đồng này có thể là nguyên do khiến ngân hàng không tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm, do phải chuẩn bị một lượng tiền lớn để mua lại cổ phiếu quỹ. Việc này tác động tiêu cực lên hệ số NIM (chênh lệch lãi suất tín dụng và huy động), do quy mô tín dụng sụt giảm, song việc mua lại cổ phiếu quỹ với mức giá thấp hơn giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu (tại thời điểm cuối quý II/2017 giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu Techcombank là 24.472 đồng) lại khiến giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu đang lưu hành tăng nhẹ.

Với kế hoạch tăng vốn đợt 1 thêm 2.100 tỷ đồng sắp tới - giả định chào bán thành công 70 triệu cổ phiếu ở mức giá 30.000 đồng/cổ phiếu, Techcombank có thể sẽ tăng tốc tín dụng trong những tháng cuối năm.

Kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động, hoàn thành trích lập cho trái phiếu VAMC

Kiểm soát chi phí hoạt động là một trong những chiến lược trọng điểm của Techcombank trong năm 2017. Hệ số CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập) 6 tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2016, từ mức 30,75% xuống 28,64% trong 6 tháng đầu năm nay. Techcombank là một trong những ngân hàng có tỷ lệ chi phí trên thu nhập thấp nhất hiện nay, thấp hơn so với mức phổ biến 40-45% ở các ngân hàng thương mại khác, thậm chí thấp hơn cả mức 35% của VPBank.

Sau Vietcombank, Techcombank là ngân hàng thứ 2 hoàn thành trích lập cho trái phiếu VAMC, sử dụng toàn bộ dự phòng để xử lý và đưa trái phiếu VAMC ra ngoại bảng. Sáu tháng đầu năm, Techcombank đã trích lập 1.664 tỷ đồng cho trái phiếu VAMC, đồng thời sử dụng 3.031 tỷ đồng dự phòng lũy kế để xử lý và đưa trái phiếu VAMC ra ngoại bảng. Điều này giúp cải thiện đáng kể chất lượng tài sản của Techcombank, đồng thời cũng là yếu tố hỗ trợ cho ngân hàng khi mới đây, NHNN công bố Dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN trong đó quy định sẽ tính cả trái phiếu VAMC vào công thức tính tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Điểm mới này sẽ không ảnh hưởng tới những ngân hàng không có trái phiếu VAMC như Techcombank, trong khi đó sẽ tác động tiêu cực (làm tăng) lên tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu VAMC. Techcombank có thể tận dụng lợi thế này để tiếp tục đẩy mạnh cho vay trung, dài hạn trong thời gian tới.

Trong nửa đầu năm nay, tỷ lệ nợ xấu từ cho vay khách hàng của Techcombank được kiểm soát ở mức tốt hơn so với cùng kỳ, nên chi phí dự phòng cho vay khách hàng giảm mạnh. Sáu tháng đầu năm, nợ xấu tại Techcombank tăng 47% (cùng kỳ tăng 187%) khiến tỷ lệ nợ xấu trước xử lý tăng lên 2,5% (cùng kỳ con số này lên tới 4,14%). Sau xử lý bằng nguồn dự phòng, Techcombank đã đưa tỷ lệ nợ xấu xuống mức an toàn 2,06%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 5% so với cùng kỳ xuống còn 2.379 tỷ đồng.

TỪ KHÓA: Techcombank
Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ